Một tờ báo nước Bỉ, tờ Metrotime ngày 3.9 nhận xét Hà Nội trong cơn dịch Covid là cái nhà tù. Nó giật tít “Hà Nội như cái nhà tù lộ thiên” khi phản ánh về chuyện ngăn cản, cấm đoán đi lại, chặn đường lập chốt, xét hỏi giấy tờ, yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”… Truyền thông báo chí mậu dịch lên tiếng phản đối báo Bỉ. Nhà báo Ngô Bá Nha (Ben Ngo) viết rằng báo Bỉ nói đúng sự thực đã không tiếp thụ lại còn tự ái. Nhưng nhiều người bảo họ tự ái cũng có lý của họ. Lâu nay được ca ngợi, tự tôn vinh là thành phố hòa bình, điểm sáng, nơi đáng sống, mặt trời tỏa sáng rực rỡ, nay có đứa sổ toẹt như thế thì dỗi là phải. Chả ai, nhất là chính quyền, muốn Hà Nội bị chê là nhà tù, dù sự thực nó giống như nhà tù trong cơn đại dịch.
11.9
Trên trang thông tin điện tử của Hội đồng lý luận trung ương, ông Tạ Ngọc Tấn giáo sư tiến sĩ, Phó chủ tịch hội đồng có bài "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, trong đó ông giáo sư Tấn ca ngợi: “như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, những cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những phong trào phản kháng của quần chúng nhân dân bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây như phong trào “99 chống 1”... đã chứng tỏ bản chất của chế độ TBCN là chế độ thống trị của số ít giàu có và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao vẫn chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền”. Coi xong, ông hàng xóm nhà tôi cười chua chát, buông câu gọn lỏn “đến khổ với mấy bố lý luận”. Hỏi sao khổ, ông nói giờ mà vẫn công thức “son phấn che phủ”, khác gì lâu nay các bố tiền bối vẫn chê tư bản giãy chết, phồn vinh giả tạo, dân chủ giả hiệu, dùng suốt bao năm để lừa mị.
20.9
Nhà báo Nguyễn Đức Liên viết: “Trong hành trình thiện nguyện, rất hiếm gặp các quan địa phương sát dân, giúp dân, trên TV chỉ thấy các quan này xuất hiện khi có quan trên bất thình lình ghé cơ sở gặp dân. Do đó, nơi này nơi nọ xảy ra những chuyện thiếu thực tế, chỉ biết ban hành văn bản, mệnh lệnh, gây khổ cho dân là do nhiều quan không "lấy dân làm gốc", không trọng dân. Chuyện cũ, nhưng phải lên tiếng cho bà con "thấp cổ bé họng" không biết nói ở đâu và quan nào có chịu nghe. Thú thiệt, tôi dễ dị ứng các buổi họp báo gần đây ở trung tâm báo chí, hoàn toàn mất thiện cảm với các vị, dù có vị từng là bạn bè, và tôi từng bắt tay. Giờ thì xa nhau càng tốt!”.
Anh Hồ Hữu Hung (Hùng, hoặc Hưng) còm trên tường nhà Đức Liên: “đại dịch covid đã làm dân mình gần nhau, yêu thương nhau hơn qua sự san sẻ ấm áp nghĩa tình. Đồng thời, ngược lại, nó làm cho đầy tớ và nhân dân - những chủ nhân đích thực của đất nước, ngày càng xa nhau hơn”.
20.9
Sáng nay lại phải ra đường, buộc phải ra bởi chở người nhà đi chích mũi 2. Bệnh viện đông quá nên không thể chờ, tranh thủ về còn làm việc khác, sẽ quay lại đón sau. Lúc về một mình qua chốt công an dứt khoát không cho qua bởi không có giấy cho phép đi đường (khổ, chở người đi tiêm thì lấy đâu ra giấy phép), nói mấy cũng không thủng. Đành phải lộn về bệnh viện ngồi chờ tới tận trưa. Một mình chịu cảnh này thì không sao, nhưng lẩn thẩn nghĩ hàng triệu người mà chịu lại thành vấn đề. Nói thật, nếu kéo dài thêm tháng nữa, thì sẽ loạn. Sức chịu đựng, sự cam chịu của con người cũng có giới hạn.
Người ta đang lan truyền nhau bài hát chế:
Test test test test nữa rồi
Test test test test nữa rồi
Test nữa cho ngu cả người.
Mừng hội test trên khắp quê tôi
Mùa covi bay khắp muôn nơi
Toàn dân ta đi ngoáy mũi
Chọc cho sâu đau chết cha.
Một lần test toi mất 3 trăm
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Giờ đi đâu ai cũng test
Dù đi chơi hay đi làm...
21.9
Trên mạng xã hội có bức tranh hai ông bệ vệ, nhìn là biết ngay quan lớn, đang ngồi ăn tiệc và trò chuyện với nhau. Một ông bảo ông kia, này ông ạ, nhân dân ta còn quá đói khổ, có lẽ chúng mình cũng nên mỗi tuần ăn cháo một bữa để gần gũi, chia sẻ với quần chúng. Ông kia nhất trí nhưng hỏi lại, thế mình ăn cháo yến sào hay cháo bào ngư.
BS Phan Xuân Trung viết “Mọi thứ đang diễn ra từ sự sợ hãi và mất định hướng của chính quyền. Họ, những người đang nắm quyền điều khiển xã hội, không có kiến thức về dịch tễ học, về bệnh truyền nhiễm nên cũng hoang mang về covid như dân chúng. Họ đã phản ứng loạn xạ như người không biết bơi bị té xuống nước. Cho đến nay, khi đỉnh dịch đã đi qua, khi việc lây nhiễm và tử vong đang giảm dần, họ vẫn chưa hết khiếp đảm, chưa bình tĩnh để nhận định tình hình. Những kế hoạch phục hồi hoạt động xã hội bị vẽ vời thẻ xanh thẻ vàng trong khi số liệu tiêm chủng, số liệu mắc bệnh, chữa khỏi thì nát hơn giẻ rách. Chống dịch dựa vào "công nghệ" với trăm cái app, chục cái website nhưng số liệu thì lộn tùng phèo. Vậy thì căn cứ vào đâu để xanh với vàng? Chờ cho ổn định số liệu hả? Có chuyện đó nữa hả? Lò thiêu vẫn tiếp tục ăn nên làm ra dưới sự nhảy múa của ma quỷ”. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (chép)
Ảnh: Cảnh này, thời bao cấp phải tôn bằng cụ (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét