Trang

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Tội ác chưa bị trừng phạt (phần 3)

Từ vụ kit test Việt Á bị phanh phui, lộ ra những điều khủng khiếp. Không chỉ chuyện chúng câu kết, móc ngoặc ăn chia, làm ăn gian dối, hối lộ tham nhũng tràn lan, dính chùm từ trên xuống dưới, địa bàn tiêu cực mở rộng khắp nước, đồng tiền nhơ bẩn làm băng hoại cả hệ thống cai trị… mà còn phải kể đến những đau khổ tột cùng người dân gánh chịu, xã hội bị chao đảo, cuộc sống bị đẩy đến chân tường…

Suốt nửa cuối năm 2021, nhất là từ tháng 6 tới tháng 10, theo lệnh từ chính phủ, cấp cơ sở đã buộc người dân phải đi test để lấy mẫu xét nghiệm, gọi nôm na là ngoáy mũi. Cả hệ thống cai trị lao vào cuộc ngoáy mũi vô tội vạ. Nơi tôi ở, cứ 3 - 4 ngày dân lại bị điệu ra chỗ tập trung ngoáy mũi. Sân trường học, trụ sở ủy ban, công viên, góc phố đều được trưng dụng cho chiến dịch vĩ đại này. Người già, người lớn tuổi chỉ ở nhà không đi đâu cũng bị ngoáy. Ở quận 8 Sài Gòn, từng xảy ra vụ nhà chức việc tới ngoáy, chủ nhà phản ứng, dẫn đến xung đột. Ở TP.Thuận An tỉnh Bình Dương, lực lượng công lực còn tự ý phá khóa vào nhà ép dân xuống sân ngoáy mũi. Tổ trưởng dân phố, anh em dân phòng suốt ngày đi từng ngõ gõ từng nhà, đập cửa ầm ầm, kêu gọi già trẻ gái trai lớn bé ra ngoáy mũi. Phải nói, không khác gì chiến tranh.

Chủ trương và biện pháp ấy tất nhiên được nhà nước và báo chí mậu dịch tung hô khen ngợi, nhưng dưới cái nhìn khoa học và thực tiễn, rõ ràng bộc lộ rất nhiều góc tối. Điều dễ thấy nhất, sự ngoáy mũi vô tội vạ đã tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, phiền hà dân chưa từng thấy kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng người vẫn chết như ngả rạ. TS Nguyễn Văn Lạng cựu thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ trong bài đăng trên báo Một Thế Giới ngày 31.12.2021 cho biết tính đến cuối năm, hơn 32.000 người đã chết, khiến Việt Nam đứng thứ 26/234 nước và vùng lãnh thổ có số lượng người tử vong cao. Ai dám đảm bảo những bộ kit của Việt Á, và cả những dụng cụ “rất đáng ngờ” được dùng để xét nghiệm, để cho kết quả, không phải là những thứ vô tác dụng, đưa ra kết quả sai lạc. Liệu có thể xét nghiệm, ngoáy mũi ra kết quả âm tính nhưng thực tế lại là dương tính. Rồi con người sẽ chủ quan, không đề phòng, “vô tư” làm lây lan dịch. Ném tiền vào những cuộc càn quét xét nghiệm, ngoáy mũi vô tội vạ, trong đó có rất nhiều tiền móc từ túi dân, bắt dân phải trả, cứ giả dụ tiền bạc ấy sau này có thể bồi hoàn dân, cả nước cố gắng làm lụng bù lại phần đã chi, nhưng tính mạng của dân, của hàng vạn người bị tử vong thì ai chịu trách nhiệm, ai trả. Tất nhiên ở xứ này không ai chịu cả, chỉ có người chết chịu.

Ngoáy mũi, xét nghiệm không phải tất cả đều miễn phí. Vô vàn người lao động cần lao đã phải chi số tiền kiếm được từ mồ hôi, công sức của mình trả cho dịch vụ áp đặt ấy, mà những người làm nghề giao hàng, shipper là ví dụ cụ thể nhất. Họ phải liều thân kiếm sống trong cơn đại dịch nhưng có thời kỳ cứ vài ba ngày buộc phải mua kết quả xác nhận âm tính. Không có nó sẽ bị phạt. Nhiều lái xe chở hàng hóa thiết yếu hoặc phục vụ sản xuất từ nơi này qua nơi khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Tờ giấy xác nhận kết quả âm tính đã xuyên thủng túi dân, việc xét nghiệm thành cơ hội béo bở cho những kẻ lợi dụng nước đục thả câu, mà Việt Á là bằng chứng, làm giàu tội lỗi trong sự đau khổ vất vả của dân. Ban bố một chính sách sai lầm, buông lỏng để cấp dưới thực hiện chính sách ấy, xét về bản chất, đó là bóc lột.

Ngay cả những trường hợp lấy mẫu xét nghiệm đại trà, dù được coi là miễn phí, dân không phải trả tiền, cũng không có nghĩa không mất tiền. Ngân sách vẫn phải chi tiền mua dụng cụ và tổ chức thực hiện. Thực hiện tràn lan trên cả nước, đâu phải chỉ có vài tỉnh thành mua hàng của Việt Á với giá trên trời. Chỉ kẻ khờ khạo mới tin một địa phương chết dở bởi dịch, ngoáy mũi đêm ngày như TP.HCM lại không mua kit test của Việt Á. Thế không mua của nó, thì mua ở đâu, giá bao nhiêu…, cơ quan điều tra chả khó gì để làm rõ điều này. Chính quyền, ngành y tế, CDC các tỉnh thành khác cũng vậy, kiếm chác được bao nhiêu, ném bao nhiêu tiền qua cửa sổ trong các đợt xét nghiệm, ngoáy mũi, làm rõ chẳng khó gì, vấn đề là có muốn phanh phui ra hay không.

Cũng cần mổ xẻ việc các địa phương, cơ sở y tế khi quyết toán xét nghiệm miễn phí cho dân đã khai giá mua bao nhiêu, bao nhiêu hàng, bao nhiêu tiền, đúng giá hay không, có chênh lệch, gian dối, hoa hồng, kê khống, hối lộ đút lót, thâm lạm gì không, tham nhũng vơ vét trên nỗi đau của dân như thế nào… Cứ như báo chí thông tin, đơn giá mua chưa tới 30.000 đồng/sản phẩm, mà chúng kê lên 270.000 - 300.000, gấp cả chục lần; rồi bộ kit test của Việt Á (chưa rõ do nhập lậu hay tự sản xuất) đội giá lên tới 450.000 đồng, gấp nhiều lần so với giá trị thực, thì đúng là chúng “ăn không chừa một thứ gì”, tàn bạo hơn lang sói. Đám giám đốc CDC các nơi bị lộ mặt tham nhũng, cũng như bọn Việt Á, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phải làm sao lôi cả những kẻ khuất mặt, từ quan cực phẩm chỉ đạo tới bọn sai nha đầu sai làm khổ dân ra trị tội. Thực thi công lý chỉ có ý nghĩa khi áp dụng cho vùng cấm ấy.

Nguyễn Thông

Ảnh: Những người giao hàng-shipper liều mình mưu sinh trong đại dịch bị khốn khổ bởi quy định xét nghiệm vô tội vạ (nguồn: Internet)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét