Trang

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 3)

Những năm đầu thập niên 60, tôi hay theo bà chị cả ra đình xem thanh niên hát múa, tập văn nghệ. Ban ngày làm việc sà sã trên đồng, mệt bỏ cụ, nhưng tối họ vẫn phải kéo nhau ra đình sinh hoạt cho có khí thế đoàn thanh niên. Giống như bên Triều Tiên bây giờ. Nghe nói cha con, ông cháu nhà cu Ủn truyền đời nhau kinh nghiệm bắt dân ngày làm việc, tối phải nhảy nhót hát múa để lúc nào cũng bận, không còn có thời gian mà nghĩ ngợi chống đối. Cái sự một trăm phần trăm dân một lòng theo đảng, tin tưởng đảng, ủng hộ đảng thường có căn nguyên kiểu như vậy. Bất cứ nơi nào chính thể do cộng sản cai trị chứ chẳng riêng gì Triều Tiên. Liên Xô, Trung Quốc... đều thế cả.

Ngôi đình làng Trà vốn có từ thời Mạc, được trùng tu nhiều lần qua thời Lê, thời Nguyễn, to hoành tráng, với những cột gỗ lim hơn vòng tay ôm người lớn, cao dăm bảy mét, khoảng vài chục cột, giờ được biến thành lớp học và nơi đoàn thanh niên sinh hoạt. Tồn tại qua mấy thế kỷ phong kiến cổ hủ thực dân đế quốc sài lang thì không sao, tới khi cách mạng thành công, đả thực bài phong, tiêu diệt tàn dư phong kiến, đình bị tuyên án treo. Tới năm 1965, chính quyền và hợp tác xã cho người phá đình lấy gỗ đá gạch ngói làm chuồng lợn trại chăn nuôi. Khi ấy tôi lên 10, chứng kiến từ đầu tới cuối cuộc phá đình, chỉ cảm thấy tiêng tiếc không còn chỗ chơi, nhưng sau này lớn lên mới hiểu rằng sự ngu dốt của con người mới xã hội chủ nghĩa là không có giới hạn.

Ngồi góc đình, tôi há hốc mồm nghe các anh chị nhớn hát, nhiều bài lắm, chỉ nghe thôi nhưng giờ nhớ như in. Các chị vừa hát vừa múa, về đất nước Liên Xô, thiên đường của nhân loại. Họ hát “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa/Đây bao la hương sắc hoa chan hòa/Hoa tươi trong mùa xuân nhân loại/Hoa vươn trong lòng người công nhân/… Đây Trung Hoa muôn đóa hoa tươi màu/Hoa lan sang Triều Tiên khói lửa/Hoa ươm trên đồng Việt Nam ta…”, nghe rất thích, sao mà ở Liên Xô sướng thế, chả vất vả đập nương tát nước cày bừa như mình, nông thôn thật đẹp, không nghèo nàn tăm tối như làng mình. Suốt bao năm, cứ tưởng bài hát này của Liên Xô được dịch ra tiếng Việt, mãi về sau mới biết do cụ Tý, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác, năm 1951, có tên “Mùa hoa nở”. Khiếp, không đi Liên Xô bao giờ mà ca ngợi cứ y như thật. 

Lại còn bài nữa, cũng nhớ thin thít, bởi nó ám vào đầu. Chị Khoắn tôi bảo nó tên “Dân ca U cờ ren”. Nói cho công bằng, bài này rất hay, tha thiết, hơi buồn, buồn thì bao giờ chả hay, giống như thứ dân ca quan họ ở mình. U cờ ren là nước nào, không mấy ai biết, chỉ thấy bảo bên Liên Xô. Bà chị tôi, với mấy chị Vớ, Ga, Vén, Thượt, Thoan, Són, Thơ, Bé… đồng ca, chẳng khác gì tốp ca nữ đài tiếng nói Việt Nam, “Đồng xanh bát ngát mênh mông U cờ ren/Dòng sông lướt trôi trong xanh êm đềm/Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ/Là nơi cố hương thân yêu thanh bình”... Cũng đâu biết ai sáng tác, vả lại dân ca thì làm gì có tác giả. Ấy vậy mà sau phát hiện ra gốc tích, sản phẩm của cụ Phạm Tuyên, phỏng dịch. Giời ạ, lại biết thêm U cờ ren tức là Ukraina, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô, anh em khắng khít với nước Nga, giờ thì răng đang cắn môi chí chết. Có thứ kỷ niệm hơi buồn buồn. Tôi cũng rất thích bài U cờ ren, khi học lớp 10 tập tán gái, từng hát cho “nó” nghe, chả thấy nó xúc động khen gì. Rồi “nó” cứ lảng tránh. Thế là tan, hát với chả hò. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. "Cái sự một trăm phần trăm dân một lòng theo đảng, tin tưởng đảng, ủng hộ đảng thường có căn nguyên kiểu như vậy. Bất cứ nơi nào chính thể do cộng sản cai trị chứ chẳng riêng gì Triều Tiên. Liên Xô, Trung Quốc... đều thế cả"

    Ậy, chính vì thế mà mọi người đều không quản hy sinh để thiết lập cái thể chế & văn hóa đó cho cả nước qua giải phóng miền Nam . Bổn phận của chúng ta là phải giữ gìn nó, như thế mới không hổ thẹn với những hy sinh không gì có thể đong đếm được của các thế hệ đi trước

    Trả lờiXóa