Trang

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải 'Sách hay 2020'

Lời dẫn của chủ blog:

Người viết bài này là tiến sĩ Phạm Văn Bích, một nhà nghiên cứu, chuyên gia xã hội học. Tôi có may mắn học chung với anh Bích những năm đại học (Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 17, 1972-1976). Anh rất giỏi, đặc biệt về ngoại ngữ, rất nghiêm túc chỉn chu trong nghiên cứu, học thuật. Chúng tôi giống nhau ở điểm khi thấy cái sai thì không chịu được, phải làm cho rõ, hắc bạch phân minh. Xin giới thiệu bài của TS Phạm Văn Bích cùng bạn đọc.


Theo tin đã đưa trên nhiều tờ báo (như Tuổi trẻ, Thanh niên, Thể thao văn hóa, v.v..) thì dịch phẩm “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” (tác giả P. Berger và T. Luckmann, dịch giả Trần Hữu Quang và nhóm dịch giả) được giải Sách hay 2020, hạng mục sách nghiên cứu của Viện giáo dục IRED. Cụ thể xin xem bài của Lam Điền (2020), Thanh Vũ (2020), Thiên Anh (2020). 

Tuy nhiên, cần vạch rõ rằng bản dịch mắc không ít lỗi. Sau khi sách in ra, năm 2016 tôi đã thử đọc đối chiếu một phần (tổng cộng 46 trang tiếng Anh) trong nguyên ngữ của hai học giả Mỹ (Berger, P. and Luckmann, T. 1966. The social construction of reality: a treatise in the sociology of knowledge. New York: A Doubleday Anchore Book) với bản dịch tiếng Việt (Berger, P. và Luckmann, T. 2015. Sự kiến tạo xã hội về thực tại – Khảo luận về xã hội học nhận thức. Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức).

Công cụ tra cứu và cũng là căn cứ, là chuẩn để xác định đúng sai ở đây gồm “Từ điển Anh – Việt” thông dụng của Viện ngôn ngữ (1992. Hà Nội. Nhà xuất bản khoa học xã hội) và “The concise Oxford dictionary of current English” do D. Thompson chủ biên (Ninth Edition. 1995. Oxford: Oxford University Press).

Ở đây cần nói thêm đôi điều tưởng chừng sơ đẳng, hiển nhiên và có vẻ thừa về công dụng, tầm quan trọng của từ điển và chọn từ điển sao cho thích hợp.

Thứ nhất, trong việc dịch từ Anh sang Việt, chỉ những từ điển song ngữ Anh – Việt hoặc đơn ngữ tiếng Anh mà dân gian gọi nôm na là Anh – Anh mới thích hợp, còn từ điển đơn ngữ tiếng Việt chỉ mang giá trị tham khảo, chứ không phải là căn cứ để dịch.

Thứ hai Từ điển Anh – Anh và Anh – Việt không chỉ là công cụ tra cứu để nhận được giải nghĩa của từ Anh và từ tương đương của nó trong tiếng Việt, mà còn là chuẩn để đánh giá những bản dịch cụ thể nào đấy xem có chính xác hay không. Người ta dùng từ điển để đối chiếu với một cách dịch cụ thể nhằm xác định cách dịch đó là đúng hay sai. Chính dựa vào từ điển mà người ta có thể xét xem liệu một bản dịch nào đó đã đáp ứng được hay không những yêu cầu như “fidelity” (trung thành với nguyên ngữ, tức là chính xác) trong lý luận dịch thuật phương Tây, hoặc “tín” của phương Đông (tín - đạt - nhã). Cần nhấn mạnh hai điều này vì như sau đây chúng ta sẽ thấy, từ điển Anh – Việt nhiều lần bị nhóm dịch bỏ qua nhưng họ không chịu thừa nhận là dịch sai, trong khi từ điển tiếng Việt lại được huy động làm căn cứ để họ “dịch tiếng Việt sang tiếng Việt”.

Kết quả đọc đối chiếu cho thấy có nhiều chỗ sai trong bản dịch. Sau đây xin lập danh sách và nêu chỉ một vài ví dụ rút ra từ “Nhập đề” và phần I của bản dịch. Cũng xin nói rõ rằng hai phiên bản trước đây của danh sách này đã được gửi đến ông Trần Hữu Quang (phiên bản đầu tiên gửi tháng 6/2016, ít lâu sau khi sách in ra). Nhưng trong đính chính điện tử mà tôi nhận được qua trung gian ngày 8/12/2020 ông Quang chỉ sửa vẻn vẹn vài lỗi (chẳng hạn dịch phản nghĩa ở ví dụ 6 dưới đây), và giữ nguyên các lỗi khác. Vì vậy bản danh sách này không nhằm trao đổi ý kiến với nhóm dịch nữa, mà hướng tới độc giả để cung cấp cho họ thông tin nhiều chiều về thực trạng bản dịch, cũng như gợi ý để họ có cách đọc hiểu gần với nguyên ngữ hơn.

Thông qua việc dẫn ra những trích đoạn của nguyên ngữ đặt cùng với bản dịch tiếng Việt, bài viết hi vọng tạo cơ hội nhỏ nhoi cho độc giả đánh giá khách quan về chất lượng dịch. Nói như một dịch giả, “[…] để giúp độc giả cũng như giúp đem lại sự công bằng cho các dịch giả nghiêm túc, trong một số trường hợp chúng ta nên cho in sách dịch ở dạng song ngữ để dư luận có thể dễ dàng đối chiếu.” Cái lợi của việc này không chỉ dừng ở đó, mà còn ở chỗ nó “giúp mở rộng thị trường (với các độc giả có nhu cầu đọc nguyên bản hay song ngữ) cũng như buộc các dịch giả phải làm việc có trách nhiệm hơn […].” (Trịnh Lữ, 2004)

Thêm nữa, thông qua việc đi tìm lời đáp cho băn khoăn vì sao bản dịch mắc lỗi mà được giải, bài viết nêu lên những bất thường trong thành phần Hội đồng xét giải và đặt ra nghi vấn về cách thức cũng như tiêu chuẩn xét giải của Hội đồng này.

Để tiện theo dõi, tôi trình bày mỗi ví dụ thành bốn mục: đầu tiên là nguyên ngữ tiếng Anh (viết gọn là Tiếng Anh, có nêu số trang viết tắt là p.), tiếp đến bản dịch tiếng Việt (viết gọn: Tiếng Việt, số trang – tr.), tiếp nữa là bình luận nhận xét về cách dịch ví dụ đó (viết gọn: Nhận xét), và cuối cùng là gợi ý đọc cho đúng (viết gọn: Gợi ý đọc).

Trong danh sách, cũng để dễ theo dõi, các ví dụ được sắp xếp theo thứ tự xuất hiện ở bản dịch; những chữ đáng chú ý được in đậm làm nổi bật lên.

Ví dụ 1: 

Tiếng Anh:  What is real? (page 1)

Tiếng Việt:  Đâu là cái có thực? (trang 8)

Nhận xét: Nguyên văn câu hỏi trong tiếng Anh chỉ bao gồm vẻn vẹn ba từ, tưởng chừng đơn giản mà đã bị dịch sai hoàn toàn. Sách giáo trình - giáo khoa nào dạy, và từ điển nào giải nghĩa “what” là “đâu” (cả từ điển song ngữ Anh – Việt cũng như từ điển đơn ngữ Anh – Anh)? Làm sao có thể dịch “what” là “đâu” được?

Trong bài “Vài lời hồi đáp cho ‘Vài nhận xét…’ về việc dịch thuật cuốn ‘Sự kiến tạo xã hội về thực tại’” đăng Facebook cá nhân của ông Trần Hữu Quang mà tôi được chuyển cho ngày 10/12/2020, ông vẫn quả quyết việc dịch “what” thành “đâu” là “một cách dịch chính xác” (!) Thật đáng kinh ngạc là để biện bạch ông không dùng những công cụ thông dụng với bất cứ ai dịch Anh - Việt như Từ điển Anh – Việt và Anh – Anh. Thay vào đó ông đã dựa vào một từ điển đơn ngữ khác, nhưng là về … tiếng Việt (!) do Hoàng Phê chủ biên để bào chữa rằng: trong tiếng Việt “đâu” cũng dùng để thay cho “cái gì”, và do đó ông dịch thay thế như vậy! Nói cách khác, ông không dùng từ tương đương tiếng Việt của chữ Anh, mà đã lấy nó làm xuất phát điểm để thực hiện tiếp một thao tác nữa: dựa vào Từ điển đơn ngữ tiếng Việt ông “dịch tiếng Việt sang tiếng Việt”, chuyển “cái gì” thành “đâu”, rồi đem kết quả thế vào bản dịch Anh – Việt. Cứ như lối suy lý của ông thì ông đã “phát minh” ra nghĩa “đâu” của “what” mà Từ điển Anh – Việt còn thiếu, và người Việt có thể “linh hoạt” như ông khi vận dụng quy tắc 5 W của ngữ pháp tiếng Anh (what, when, where, who, why)! Tức là không nhất thiết cần phân biệt “what” với “where” mà vẫn tự tuyên bố mình “chính xác”! 

Cần vạch rõ hai điều sau đây. Thứ nhất, tại sao ông không dùng Từ điển Anh – Việt và Anh – Anh, mà lại sử dụng từ điển tiếng Việt? Tôi xin nhấn mạnh: chỉ những từ điển thuộc hai loại nói trên mới thích hợp trong việc dịch thuật này (mà khẩu ngữ dân gian gọi là “dịch xuôi”). Bằng việc bỏ qua Từ điển Anh – Việt và Anh – Anh, rồi dùng từ điển tiếng Việt thuần túy để thay thế cho hai công cụ nói trên khi dịch xuôi, ông Quang đã bê nguyên xi ngữ nghĩa của từ tiếng Việt vào việc dịch Anh - Việt, bất chấp khác biệt giữa hai ngôn ngữ và giữa hai loại từ điển (song ngữ Anh – Việt với đơn ngữ tiếng Việt)! Đây là cách làm không thể chấp nhận. Không thể tưởng tượng, càng không tin nổi rằng người trong giới dịch thuật lại lẫn lộn hai loại từ điển có chức năng và công dụng khác hẳn nhau như thế. Cách làm của ông Quang không giống ai, không theo bất cứ quy tắc thông thường nào. Hậu quả là câu dịch mà ông tưởng và tự coi là đúng về tiếng Việt thực ra đã sai hoàn toàn và vi phạm nguyên tắc rằng bản dịch phải trung thành với nguyên ngữ!

Thứ hai, Từ điển Anh – Việt và Anh – Anh là cơ sở, là chuẩn để đánh giá những bản dịch cụ thể nào đấy xem có chính xác hay không, tức là để phân định đúng sai. Tất cả những ai học ngoại ngữ đều biết rằng khi một từ tiếng nước ngoài được dịch nghĩa khác với từ điển song ngữ thì cách dịch đó là sai, trừ khi người dịch nêu rõ và chứng minh được thiếu sót và lỗi sai của từ điển ấy. Vậy mà ông Quang dịch nghĩa “what” khác hẳn với Từ điển Anh – Việt nhưng vẫn khăng khăng mình chính xác, chứ không chịu nhận sai. Không thể gọi hành động bất chấp lý lẽ đúng sai này bằng cái tên nào khác hơn là “cãi lấy được”!

Gợi ý đọc: Cái gì là có thực? (còn tiếp)

Phạm Văn Bích 

2 nhận xét:

  1. Thật buồn cho KHXH VN vì cả hai ông Trần Hữu Quang và Phạm Văn Bích đều không hiểu đúng nên không phân biệt được thế nào là Xã hội học Tri thức (The Sociology of Knowledge) và Xã hội học Nhận thức (The Cognitive Sociology). Vì không hiểu thế nào là The Sociology of Knowledge và thế nào là The Cognitive Sociology nên hai ông dịch đã ở trình độ a, bờ, cờ, mà tranh luận cũng a, bờ, cờ nốt. Chán quá.!!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý, ngay Ví dụ 1 đã thể hiện sự sai lệch.

      Xóa