Trang

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ 3)

 Ví dụ 6:

Tiếng Anh: Furthermore, we have so far ignored developments that might theoretically be relevant to the sociology of knowledge but that have not been so considered by their own protagonists. In other words, we have limited ourselves to developments that, so to speak, sailed under the banner “sociology of knowledge” (considering the theory of ideology to be a part of the latter). (p. 12)

Tiếng Việt: Hơn nữa, cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua không nói đến những bước tiến triển có thể có liên quan về mặt lý thuyết đến môn xã hội học nhận thức nhưng lại không được những người chống đối chúng coi là như vậy. Nói cách khác, chúng tôi chỉ đề cập đến những bước tiến triển phải nói chỉ mang trực tiếp nhãn hiệu “xã hội học nhận thức” (vốn coi lý thuyết về ý thức hệ là một phần của môn xã hội học nhận thức). (tr. 25)

Nhận xét: Dù tạm gác tranh luận về cách dịch tên bộ môn xã hội học nhận thức sang một bên song độc giả không thể bỏ qua đoạn này. Từ “protagonist” được Từ điển Anh – Việt (Viện ngôn ngữ học, 1992: 1316) giải nghĩa là “người tán thành, người bênh vực”, nhưng nó đã bị dịch là “người chống đối”.

Như vậy quá trái ngược – tán thành bị hiểu là chống đối – tức dịch phản nghĩa! Thật đúng y câu “dịch là phản”!

Đây là lần thứ hai ông Quang mắc lỗi dịch phản nghĩa. Tôi đã chỉ ra lỗi và gợi ý sửa là “người tán thành”. Trong bài đăng facebook gần đây của mình, tuy không thể chối cãi và buộc phải thừa nhận “đã dịch phản nghĩa” nhưng ông Quang vẫn vớt vát nói cứng rằng: thay vì chọn “người tán thành” như tôi gợi ý, ông sửa lại cách dịch trên là “người chủ xướng” và cho rằng đấy “mới đúng với nghĩa câu này hơn” (!). Lời ông tự nhận đã không được hậu thuẫn bằng bất cứ lý do xác đáng và bằng chứng cụ thể nào. Tức là ông không hề dẫn ra từ điển nào làm căn cứ, mà một mình bịa đặt cái nghĩa khác hẳn nhưng vẫn khơi khơi tự coi cách dịch của mình mới là “đúng với nghĩa” của câu. Hẳn ông cho rằng chỉ cần mình tự nhận như trên thì độc giả sẽ tin, trong khi trước đó ông đã đánh mất lòng tin của họ bằng việc dịch phản nghĩa. Việc ông cố tình dịch khác là thêm một lần nữa ông chối bỏ từ điển. Xin nêu rõ để nhấn mạnh: gợi ý của tôi về sửa cách dịch “protagonist” (người tán thành) là dựa trên Từ điển Anh – Việt, và việc đối chiếu với Từ điển Oxford (Thompson, 1995: 1100) đã xác nhận sự dịch nghĩa đúng đắn của Từ điển Anh – Việt. Rõ ràng sự sửa sai của ông Quang vẫn sai, và lời tự nhận của ông là vô căn cứ.

Đây là lần thứ hai ông bỏ qua Từ điển Anh – Việt chỉ riêng trong chuyển ngữ câu này. Lần thứ nhất là khi ông dịch phản nghĩa, và lần thứ hai, để sửa sai, ông tiếp tục phạm sai lầm nữa là vẫn nhất định không dùng từ điển, mà gán ghép cho từ một nghĩa khác theo cách hiểu riêng của mình. Tức là ông dùng lỗi sai này để sửa chữa lỗi sai khác. Nếu khi lần đầu chuyển ngữ “protagonist” ông tra từ điển thì chắc chắn đã không dịch phản nghĩa; lỗi dịch phản nghĩa chỉ có thể mắc phải do ông bỏ qua từ điển (chắc hẳn vì tự tin thái quá). Nói cách khác, ngay ban đầu khi chọn từ tương đương với “protagonist” trong tiếng Việt ông đã bỏ qua từ điển, nên dịch phản nghĩa và phải trả giá đắt cho việc đó. Thế nhưng khi sửa sai, ông vẫn tiếp tục con đường cũ của mình bằng việc phớt lờ từ điển, chứ không chịu rút ra bài học kinh nghiệm sau sai lầm thứ nhất của mình. Như vậy chỉ riêng trong trường hợp này ông Quang đã hai lần không dùng từ điển mà ông vẫn khăng khăng một cách vô căn cứ rằng chỉ lối dịch của mình “mới đúng với nghĩa”!

- “So to speak” khi ví von không mang sắc thái quả quyết mạnh mẽ “phải nói là” như đã dịch, mà hàm ý nhẹ hơn nhiều. Theo Từ điển Oxford (Thompson, 1995: 1318), “so to say (or speak)” là “an expression of reserve or apology for an exaggeration or neologism etc.” (một thành ngữ thể hiện sự dè dặt hoặc xin lỗi về một sự phóng đại hay một từ mới được sáng chế ra v.v.). Như vậy thành ngữ này hàm ý rằng điều người nói không hoàn toàn giống như đã ví von. Vì thế không thể dịch “so to speak” thành “phải nói là”. Cần dịch “tạm gọi là”, “có thể tạm coi như”.

- “Banner” là ngọn cờ (Viện ngôn ngữ học, 1992: 140), nên “under the banner” là “dưới ngọn cờ”, nhưng ông Quang đã gán cho nó cái nghĩa “mang trực tiếp nhãn hiệu”! Tức là ông đã một lần nữa dịch hoàn toàn không theo từ điển. Bỏ qua sự dịch nghĩa của từ điển, tức là không trung thành với nguyên ngữ, không theo chuẩn, không theo cách hiểu chung của mọi người, mà tự đặt ra nghĩa riêng dựa trên liên tưởng cá nhân dị biệt của mình – thế nhưng vẫn không nhận là sai! Không gì có thể bào chữa cho một cách dịch quái lạ như vậy!

Gợi ý đọc: Hơn nữa, cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua những bước tiến triển có thể có liên quan về mặt lý thuyết đến môn “xã hội học nhận thức” nhưng lại không được chính những người tán thành chúng coi là như vậy. Nói cách khác, chúng tôi tự giới hạn mình chỉ ở những bước tiến triển tạm gọi là dưới ngọn cờ “xã hội học nhận thức” (vốn coi lý thuyết về ý thức hệ là một phần của môn xã hội học nhận thức).

Ví dụ 7:

Tiếng Anh: The sociology of knowledge, along with the other epistemological troublemakers among the empirical sciences, will “feed” problems to this methodological inquire. (p. 14)

Tiếng Việt: Xã hội học nhận thức, cùng với những ngành khoa học thực nghiệm khác vốn thường gây nhức đầu cho môn phương pháp luận, sẽ “cung cấp” các vấn đề cho hoạt động nghiên cứu phương pháp luận này. (tr. 26)

Nhận xét:  “Epistemological” không hề mang nghĩa “phương pháp luận” như đã dịch sai, mà là “nhận thức luận” (Thompson, 1995: 455).  

Gợi ý đọc: Cùng với những ngành khoa học thực nghiệm khác vốn thường gây rắc rối về nhận thức luận, “xã hội học nhận thức” sẽ “cung cấp” các vấn đề cho nghiên cứu phương pháp luận này.  

Ví dụ 8:

Tiếng Anh: While Merton concentrated on the work of Mannheim, who was for him the sociologist of knowledge par excellence, he stressed the significance of the Durkheim school and of the work of Pitirim Sorokin. (p. 11) 

Tiếng Việt: Khi Merton quan tâm đến sự nghiệp của Mannheim, người mà ông coi là nhà xã hội học nhận thức par excellence [thượng thặng], ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trường phái Durkheim và sự nghiệp của Pitirim Sorokin. (tr. 22)

Nhận xét: - Như đã nêu ở nhận xét về ví dụ 3, “while” có nhiều nghĩa: không chỉ “trong khi”, mà còn hàm ý “mặc dù”. Chọn “khi” như đã dịch thì chỉ nói lên rằng Merton làm cả hai việc cùng một lúc, và không nói lên quan hệ logic giữa hai việc, do đó không đáng lưu tâm. Cần dịch là “tuy” hay “mặc dù” mới lột tả đúng ý tác giả, vì đây là câu có kết cấu hai vế nhằm nhấn mạnh sự khác biệt, thậm chí tương phản giữa hai vế đó (“tuy… nhưng…”; “mặc dù … nhưng…”). Dùng kết cấu này, những người viết muốn nêu bật lên rằng Merton có sự bao quát rộng và nhiều mặt, chứ không mải miết dồn hết sự chú ý vào Mannheim đến nỗi quên mất Durkheim và Sorokin. Việc dịch “while” thành “khi” đã làm mất đi hàm ý đó.

Điều nực cười là cũng ở bài trên trang facebook cá nhân của mình ông Trần Hữu Quang không tiếp thu cách hiểu này, mà biện luận rằng: “mặc dù” hay “tuy” chỉ là một trong những nghĩa của từ “while” mà thôi, và nằm ở thứ tự thứ tư trong từ điển Oxford, tức không phải nghĩa quan trọng nhất (!). Nhưng nhằm mục đích gì mà ông nhấn mạnh rằng nghĩa đó xếp ở tận thứ tư trong từ điển Oxford, tức không phải thứ nhất, và không quan trọng nhất? Phải chăng ông muốn qua đó hạ thấp tầm quan trọng của nghĩa này và giảm bớt luôn cả mức độ nghiêm trọng trong sai sót của mình?     

Điểm mấu chốt chính là ở chỗ ông Quang phải thừa nhận rằng “while” có mang nghĩa “mặc dù” hay “tuy” mà trước đây ông đã không thấy. Chưa hết, nực cười hơn là ý kiến ông Quang cho rằng: nếu muốn nói “mặc dù” tại sao hai tác giả không dùng “although”, “though” mà lại dùng “while”? Đáp lại câu hỏi này, cần vạch rõ hai điều. Thứ nhất, thực ra để diễn đạt cái ý “mặc dù”, tiếng Anh khá phong phú. Nó không chỉ có “although” và “though” ông vừa liệt kê, mà còn nhiều từ khác nữa như “while” trên đây, cũng như “in spite of”, “despite” v.v. Chọn từ nào trong từng trường hợp là tùy thuộc vào dụng ý của tác giả. Người dịch cần học hỏi, làm quen với những từ, thành ngữ và cách biểu hiện nhiều hình nhiều vẻ đó, tìm ra những khác biệt dù là nhỏ và tinh tế trong cách sử dụng chúng, để gia tăng vốn từ, để hiểu và dịch đúng chúng, chứ không nên vặn hỏi người bản ngữ rằng sao quý vị không diễn đạt bằng những từ tôi đã quen đã biết! Việc đặt câu hỏi như vậy thật ngược đời và cực kỳ vô lý!       

Thứ hai, ông Quang đã hiểu sai và dịch sai động từ “concentrated on” trong câu này (như sẽ thấy dưới đây) nên ông không thấy được sự kết hợp giữa “while” với “concentrated on” để biểu thị sự nhấn mạnh có dụng ý của tác giả - điều mà các từ khác tuy đồng nghĩa với “mặc dù” nhưng không thể hiện được. 

- Thêm nữa, động từ “concentrated” ở ví dụ 8 nghĩa là “tập trung” (Viện ngôn ngữ học, 1992: 322), chứ không phải “quan tâm đến” như đã dịch sai. “Tập trung vào” tất nhiên khác hẳn “quan tâm đến”, và nó mang một nghĩa mà “quan tâm đến” không hề có, như ta thấy sau đây.  

Việc dịch sai “concentrated” thành “quan tâm đến” không hề vô hại, mà đã dẫn đến một hậu quả sau. Chính do dịch sai động từ này nên ở trên ông Quang đã đặt câu hỏi vì sao tác giả dùng “while” để diễn đạt ý “mặc dù”, chứ không chọn các từ đồng nghĩa với nó. Hỏi như thế chứng tỏ ông không nhận ra, không hiểu được dụng ý của sự kết hợp giữa “while” với “concentrated”. Khi “tập trung” vào một điều gì đó, người ta dồn hết sự chú ý và nỗ lực vào nó, và dễ lãng quên, không nghĩ đến những cái khác. Ý này không có trong “quan tâm đến”. Sử dụng động từ “concentrated” kết hợp với “while” các tác giả muốn nhấn mạnh rằng: mặc dù dồn tâm trí vào Mannheim nhưng Merton không quên, không lơ là, không bỏ qua Durkheim và Sorokin. Sự kết hợp ấy không chỉ diễn đạt được, mà còn làm nổi bật dụng ý đó của người viết.      

- Danh từ “work” mang nhiều nghĩa, trong đó thích hợp nhất ở đây là “tác phẩm” (Viện ngôn ngữ học, 1992: 1941), chứ không có nghĩa là “sự nghiệp” như đã dịch.

Gợi ý đọcTuy Merton tập trung vào tác phẩm của Mannheim, người mà ông coi là nhà “xã hội học nhận thức” par excellence [thượng thặng], nhưng ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trường phái Durkheim và tác phẩm của Pitirim Sorokin. (còn tiếp)

TS Phạm Văn Bích

1 nhận xét:

  1. "tán thành bị hiểu là chống đối"

    Đúng ngữ/hoàn cảnh Việt Nam . Ở Việt Nam có 1 thứ gọi-là "bất đồng chính kiến", nhưng đọc họ thấy trích Chủ tịch Hồ Chí Minh như điên . "bất đồng" ở chỗ mỗi người có cách hiểu riêng về tư tưởng Hồ Chí Minh ?

    Trả lờiXóa