Trang

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 6)

Thời chúng tôi học phổ thông (hồi ấy, từ lớp 1 tới lớp 10 gọi là hệ phổ thông, sau lớp 10 là hệ trung cấp hoặc đại học), ở cấp 1 và cấp 2 chưa được học ngoại ngữ, lên cấp 3 (từ lớp 8 tới lớp 10) nhà trường bắt đầu dạy cho học trò. Hình như có thứ quan niệm bất thành văn bấy giờ rằng ngoại ngữ là thứ trang trí không cần thiết, có cũng được, không có cũng chả sao, dạy chi cho lắm. Chỉ số ít người được xã hội phân công làm ngoại giao, ngoại thương thì cần đến ngoại ngữ, chứ công nhân nông dân bộ đội biết ngoại ngữ để làm gì. Ngay cả làm lãnh đạo cũng vậy, thở ra một câu một chữ đã có đứa dịch lại, hơi đâu mà học mà biết ngoại ngữ cho mất thì giờ. Báo chí và bộ máy tuyên truyền thỉnh thoảng lại bơm lên khen cụ Hồ biết tới hơn 2 chục ngoại ngữ, nhưng chỉ để thần tượng, thần thánh hóa lãnh tụ thôi, bởi thực ra ngoại ngữ và người biết ngoại ngữ có vị trí rất thấp kém trong một xã hội đề cao công nông binh.

Năm 1969, tôi lên học cấp 3, lớp 8 trường huyện (Kiến Thụy, Hải Phòng). Ban đầu mỗi huyện chỉ có một trường cấp 3 (riêng huyện Thủy Nguyên to nên được ưu tiên mở thêm trường nữa, trường Thủy Sơn), học sinh mười mấy xã xúm vào học. Nói đúng ra, khi ấy đám học trò các xã lên học cấp 3 ít lắm, mỗi xã chỉ non chục đứa. Xã tôi năm đó có 5 mống chứ bao nhiêu. Lên lớp 9 lại rơi rụng, chả hạn chị Mua hết lớp 8 thì nghỉ đi học trung cấp y tế, mau có tiền hơn. Học trò trường huyện, tiếng rằng cả huyện, khi thi hết cấp 3 chỉ còn chưa đầy 5 chục đứa, bởi trước đó bị chiến trường Quảng Trị vét hết non nửa vào bộ đội rồi.

Nhớ hôm đầu học lớp 8C do cô Thanh dạy hóa người Nghệ An chủ nhiệm, cô thông báo môn ngoại ngữ trường ta chỉ có 2 thứ tiếng là Nga và Trung. Lớp 8C phải học tiếng Trung, thầy Dừa dạy (lớp 9 và lớp 10 có thêm cô Vương Ngọc Bảo dạy cùng thầy Nguyễn Văn Dừa). Lớp 8A và 8B được học tiếng Nga. Cả lớp nhao nhao lên, nhiều đứa thở dài, có đứa đòi chuyển lớp. Đứa nào cũng thích học tiếng Nga. Học chữ nho (tiếng Trung) thì làm được cái trò gì, vớ vẩn, mất thì giờ. Tiếng Nga đang là mốt. Tiếng của Lê Nin vĩ đại (với cộng sản, thứ gì cũng vĩ đại, nhất là lãnh tụ), người ta truyền tụng nhau vậy. Mà đã của Lê Nin (bọn học tiếng Trung đọc tên ngài là Liệt Ninh) cái gì cũng nhất. Sách báo tiếng Nga bạt ngàn, hiệu sách huyện chân núi Đối đã sẵn, nếu chịu khó mò ra hiệu sách nhân dân (hồi ấy hiệu sách nào cũng được phong hiệu sách nhân dân) ở phố Cầu Đất hoặc gần nhà hát lớn thì vô thiên khênh, ê hề, bán rẻ như cho. Sách dạy tiếng Nga còn dễ kiếm hơn cả báo Nhân Dân. Đi đâu mà cắp đám sách, “vô tình” để lấp ló, he hé cuốn từ điển tiếng Nga 24 nghìn từ của Nguyễn Năng An cho người ta thấy, nhất là với đám con gái, thì sướng, hãnh diện không thể tả. Trên tờ giấy làm bài kiểm tra thế nào cũng phải theo thời thượng, đề scola (trường), class (lớp), imia (tên) bằng tiếng Nga cho ra vẻ, dù làm bài kiểm tra toán, hóa hoặc sinh vật. 

Điều nữa, ít đứa nói ra, là mong sau khi tốt nghiệp cấp 3, có chút dấn vốn tiếng Nga sẽ được đi Liên Xô. Đi Liên Xô là khao khát của 17 triệu người miền Bắc. Người nhớn luôn nói với nhau “sướng như đi Liên Xô”, kết hợp cứu nước cứu nhà. Hỡi ôi, “nhưng mộng mà thôi mộng đấy thôi”, làm gì có suất cho con cái nông dân đi Liên Xô. Miền Nam đang chờ, chiến trường đang vẫy gọi, ở đó mà đòi đi Liên Xô. Nhớ sau này, khi đã bập bõm chút tiếng Nga, tôi có đọc được cuốn sách mang tên “Sinh ra không phải để làm lính” (phiên âm chữ Việt là: Rozdenie nhe soldatami, máy tôi không gõ được tiếng Nga, hì hì), còn lão Bích bạn tôi, một đứa giỏi tiếng Nga cực kỳ, thì đọc cho nghe một đoạn trong bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, câu mà nàng Natasa nói với anh rể Pie Bezukhov, Bích dịch thành “tình yêu này không phải dành cho anh, mà dành cho những người không có những gì có trong anh”. Biết tiếng Nga mà làm gì, nếu không thuộc diện con cháu các cụ cả (5C).

Thầy Dừa biết chúng tôi không yêu mến môn tiếng Trung của thầy cũng chả lấy làm buồn. Thầy bảo tiếng nào cũng thế thôi, dù tiếng Nga hay tiếng Trung. Thầy nhỏ giọng, chỉ tiếc các em không được học tiếng Anh. Mà đúng vậy, nếu muốn học tiếng Anh cũng chẳng có ai dạy. Có mỗn thầy giáo tiếng Anh tuổi trung niên (tôi quên mất tên bởi lâu quá rồi) chưa kịp lên lớp thì bị điều đi làm phiên dịch cho hội nghị Paris. Thầy Dừa và cô Bảo (cô người gốc Hoa, đẹp cực kỳ, tóc phi dê) dạy chúng tôi đọc Nguyễn Văn Trỗi là Doản Uấn Truây, Việt Nam là Duê Nán, tập hát bài Đông phương hồng, bài Việt Nam Trung Hoa, bắt chúng tôi mím môi mím lợi tô từng nét sổ nét phẩy nét ngang, bộ thủy bộ mộc bộ nhân đứng. Bọn lớp A, lớp B học tiếng Nga nghe chúng tôi hát Tung phang hùng, thai yàng sâng, trung quớ chú lưa chưa mao chừa tung… cứ cười trêu chọc chúng bay hai hảo su cù lung lẳng chẻo (hai củ su hào treo lủng lẳng). May mà không phải thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ. Hết lớp 10, quên tiệt. Sau nghe kể thầy Dừa chuyển về dạy trường chuyên Thái Phiên, giờ chắc già lắm rồi. Ước ao đi Liên Xô, sướng như đi Liên Xô của đám nhãi ranh con nông dân bị bóp chết từ trong trứng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét