Căn theo lịch hằng năm và lịch sử thời nay, cứ vào cữ tháng 7 tây, xã hội này lại gợi mở những ký ức thời chiến tranh. Dù chỉ có ngày 27.7 được gọi là ngày Thương binh liệt sĩ nhưng dường như suốt cả tháng người ta chộn rộn về sự kỷ niệm. Đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ người đã khuất, gợi những nỗi đau, thậm chí cả những tủi hờn…, đủ cả.
Mỗi cuộc chiến tranh, dù từng bên tự nhận mình là gỉ gì gì đi chăng nữa, cũng không thoát khỏi cái kết cục “được làm vua, thua làm giặc”, bên thắng cuộc và bên thua cuộc. Nhẽ ra đánh nhau xong thì thôi, nhất là với những cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, cần quên đau thương bi kịch đi để mà hòa hợp, xoa tay làm lành, nhưng thể chế này có vẻ không thích vậy. Mỗi năm vẫn rầm rĩ kỷ niệm Mậu Thân 68, ngày 30.4, trận này trận nọ. Thương binh, liệt sĩ là những người có công, dĩ nhiên phải được chăm chút, báo ơn, nhưng rầm rĩ quá lại thành sự khoét sâu nỗi đau của nhiều triệu người, cả triệu gia đình bên thua cuộc. Họ cũng bị đẩy vào cuộc chiến tranh như bên thắng vậy, chỉ có điều họ bị thua. Chỉ khi nào sự phân định công tội rạch ròi tới mức tàn nhẫn, sự đối xử “ta, địch” nhạt đi, thậm chí chấm dứt, thì mới mong hàn gắn hẳn vết thương lòng, cùng nhau đi tới tương lai.
Nói như thế không có nghĩa phủ nhận quá khứ và những điều tốt đẹp. Một nước chiến tranh ròng rã mấy chục năm trời, lính chết trận nhiều vô kể. Chỉ riêng bên thắng cuộc, nghĩa trang liệt sĩ bạt ngàn. Hầu như xã nào cũng có. Xã quê tôi bé tí, vài ngàn dân, mà liệt sĩ vài trăm. Chính ông đương kim thủ tướng hôm rồi cũng “thừa nhận” không đâu nhiều nghĩa trang liệt sĩ như quân khu 4, như đất nước ta. Tôi nghĩ có thể ông hơi bị nhầm bởi nơi nào cũng nhiều, nhất là miền Nam. Chiến tranh ác liệt chủ yếu diễn ra ở miền Nam, bộ đội miền Bắc lớp cha trước lớp con sau lũ lượt kéo vào Nam để “giải phóng”. Tỉnh thành, huyện thị nào ở miền Nam cũng có nghĩa trang để bộ đội bắc gửi thân, ngược lại ở miền Bắc không có nghĩa trang nào chôn lính cộng hòa cả. Lại nhớ chuyện một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Khi có ông lớn tứ trụ vào làm việc với tỉnh, quen mồm yêu cầu tỉnh phải phát huy tiềm năng thế mạnh (đi tới bất cứ tỉnh thành nào, ông ấy đều đòi vậy), nghe thế, vị lãnh đạo tỉnh bèn ôn tồn mà rằng, thưa trung ương, Quảng Trị lâu nay là tỉnh nghèo, nghèo bền vững, ít được trung ương chú ý quan tâm. Tỉnh cũng có tiềm năng thế mạnh, nhưng tiềm năng của địa phương này là hài cốt liệt sĩ, thế mạnh là nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩ mà buồn.
Hôm nay đã 26.7 rồi, theo quán tính nghĩ ngay mai là ngày Thương binh liệt sĩ 27.7. Tôi từng có vệt bài về nghĩa trang liệt sĩ (để coi xem, nếu lâu quá rồi thì đưa lên lại), anh ruột tôi là thương binh, chú ruột tôi là liệt sĩ, người trong họ là liệt sĩ thương binh quá nhiều. Tôi không ca ngợi cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, nhưng luôn thương tiếc, cảm phục những người đã cống hiến, hy sinh, đã gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao; luôn trân trọng những người thời hậu chiến đã sống có nghĩa có tình. Một trong những người ấy là con người viết hoa, cựu binh Lê Bá Dương. Phần sau tôi viết về anh ấy với sự biết ơn, cảm phục. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ukraine mà được giải phóng, mong chính phủ Putin sẽ dịch bài này qua tiếng Nga cho dân U Cà đọc
Trả lờiXóa