Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Phía sau thời sự

- Báo Pháp luật TP.HCM ngày 4.7 đăng lại báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, nội dung rằng “người có hành vi tham nhũng phần lớn là cán bộ, công chức”.

Mới nghe thì có vẻ thẳng thắn, không né tránh, dám nhìn thẳng vào sự thực, “không có vùng cấm”. Nhưng nói thật, đó là thứ kết luận rất vớ vẩn. Cả ủy ban lẫn báo đều vớ vẩn. Tại sao? Tại vì sự tham nhũng, ở bất cứ đâu chứ không phải chỉ tỉnh Hậu Giang, nó chỉ xuất hiện, diễn ra trong đám cán bộ, công chức, được thực hiện bởi cán bộ, đảng viên chứ không phải đám dân chúng suốt đời cắm cúi mưu sinh vất vả. Toàn bộ, một trăm phần trăm luôn, chứ không phần lớn phần nhỏ gì sất. Dân không có quyền hành mà cũng tham nhũng được, các ông bà nếu chỉ ra được một người, thì cứ chém đầu tôi đi. Trên răng dưới cát tút, làm chó gì có công cụ để thực hiện tham nhũng, kể cả “tham nhũng vặt”.

Hay là Hậu Giang cũng như báo chí định ám chỉ sự nghiệp tham nhũng ngoài cán bộ công chức chiếm phần lớn, còn phần nhỏ là đám lãnh đạo, “siêu cán bộ công chức”, đám cấp cao, đám nắm quyền. Nếu vậy thì được, chỉ có điều bọn tham nhũng này không nhỏ đâu, cực lớn là đằng khác.

- Vụ hai ông nghệ sĩ gây mất an ninh trật tự ở Tây Ban Nha, thú thực tôi không quan tâm bởi chả hơi đâu mất thời gian vào mấy thứ đó, nhưng ghét cái thói dối trá vòng vo.

Đi chơi cứ nói toẹt là đi chơi, lại loanh quanh lấp liếm rằng đi công tác, trong một chuyến công tác... Du lịch, nghỉ mát, đánh gôn, PR cho doanh nghiệp để kiếm tiền bỏ túi riêng thì công tác mẹ gì.

Công nghĩa là chung (ví dụ: của công, việc công), tác là làm. Công tác là làm cái việc chung được giao, hoặc ai đó được cử đi làm việc chung của cơ quan, đơn vị. Còn làm việc riêng cho gia đình, bản thân thì bấy lâu nay thiên hạ gọi đùa là tư tác. Dối trá như vậy thì cứ phạt cho trắng mắt ra, còn báo chí thấy nó nói ngu dối mà vẫn tương lên chả đáng bàn, bởi báo thời ni nào có ra cái hồn báo. 

- Báo Tiền Phong ngày 2.7 đăng bài về thi cử với cái tít (nguyên văn): “Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh, phụ huynh cam kết không để lộ, lọt đề”.

Đọc xong, đứa cháu tôi cười haha, bẩu rằng không có ai vớ vẩn như mấy ông đốc trường thi. Hình như họ nói, họ làm mà không bao giờ nghĩ. Hay là họ không có óc, hay đó là đặc trưng của người ngành giáo dục.

Nó càu nhàu, đề cũng do các bố nghĩ ra, quản cũng do các bố quản, in sao đề cũng các bố làm, giữ kỹ như giữ mả tổ, kín như bưng, con kiến cũng chả thể vặn mình chui ra chui vào két đề. Khi giao đề cho nơi thi, thiếu điều huy động cả binh chủng ngựa Mông Cổ để giữ an toàn tuyệt đối.

Vậy phụ huynh (tức bố mẹ đứa thi) và đứa thi biết gì về đề thi bí mật an toàn tuyệt đối ấy mà lại bắt họ phải cam kết không làm lộ, không phổ biến. Tới khi đề được giao cho thí sinh thì có nghĩa đã công khai rồi. Nó có tí thời gian, lo làm bài bỏ mẹ, hơi đâu mà lộ. Phụ huynh ngồi ngoài cổng hoặc ở nhà, có đề đâu mà lộ. Điện thoại, ma phôn ca mê ra thì giám thị chặn cửa phòng thi thu sạch tiệt, lấy gì mà lộ. Thời nay đi thi đâu có dễ gian dối, bắc thang ném đề ra ném bài vào như hồi trường Vân Tảo của thầy Khoa đâu mà phải cam kết…

Nói túm lại, các bố quan chức, giáo dục, công an, chính quyền trong vụ bắt “cam kết” này đại vớ vẩn.

- Ông hàng xóm nhà tôi gọi, hỏi có biết vụ thằng giết người ở Nga được mời sang không. Tôi nói có, nhưng làm sao. Lão bảo chỉ có chơi với kẻ sát nhân thì mới mời mọc thằng giết người. Đưa nó vào thắp hương lăng cụ nữa mới kinh. Lại còn nói, tao mà gặp nó thì nó no cà chua trứng thối. Khổ, trong lúc gần như cả thế giới khinh bỉ quân giết người thì lại tòi ra cái thứ cây tre trơ tráo và nhục. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét