Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Chuyện anh Nguyễn Ngọc Ký

Nhà giáo, nhà văn, người nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ký vừa từ trần đêm qua (nửa đêm về sáng 28.9 tây) tại Sài Gòn. Vẫn biết luật sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng phải đi, nhưng thầy Ký “lên đường” tạo nhiều tình cảm mến thương kính phục. Ông hàng xóm nhà tôi bảo đó là “dân tang”, một thứ nghi lễ đặc biệt, ngay cả quốc tang cũng chẳng sánh bằng.

Tôi mạo muội gọi thầy Ký bằng anh bởi trong đời tôi cũng như người lứa tuổi tôi, thế hệ tôi, anh Ký luôn là người anh đáng ngưỡng mộ. So với nhiều cá nhân điển hình khác được bộ máy xã hội tạo dựng, nhất là những điển hình hóa gắn với chiến tranh như kiểu Lê Mã Lương, Vương Đình Cung, Trịnh Tố Tâm, La Thị Tám… thì gương Nguyễn Ngọc Ký thật hơn, gần gũi hơn, ít màu mè tô vẽ hơn, ít giả tạo hơn. Cái đẹp toát lên từ Nguyễn Ngọc Ký là cái thật, người thật việc thật, có thể chứng kiến bằng mắt, kiểm chứng cụ thể, có muốn tô điểm cho nó đẹp hơn lên cũng chả được.

Đám học trò cấp 1 ở miền Bắc những năm đầu thập niên 60 hầu như đứa nào cũng biết anh Ký. Đơn giản là sách Tập đọc (bây giờ gọi là sách Tiếng Việt) lớp 3 có bài về anh, tên gọi “Anh Ký đi học”. Tôi học lớp 3 (năm 1965) đúng vào năm bài ấy lần đầu vào sách giáo khoa, bài kể về một học trò ở huyện Hải Hậu, Nam Định bị liệt cả hai tay nhưng đã bằng nghị lực vượt lên nghịch cảnh, đi học, viết bằng chân, là học sinh giỏi, được cụ Hồ khen và tặng huy hiệu. Nổi tiếng tới mức vào cả sách giáo khoa, không phải ai cũng được vậy.

Trẻ con thời tôi, nhìn ra xung quanh, thấy nhiều gương đẹp cùng lứa tuổi. Đó là bạn Nguyễn Bá Ngọc ở xứ Thanh cứu mấy em bé hàng xóm khi máy bay Mỹ ném bom, bị hy sinh. Thiếu niên, học sinh cấp 1, cấp 2 khi ấy đứa nào cũng thuộc bài hát “trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công, gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông…”. Lại có bạn Hoa Xuân Tứ ở xứ Nghệ chẳng may bị máy ép mía ép cụt cả hai tay nhưng vẫn đi học, học giỏi, làm được đủ việc nhà. Anh Tứ cũng được nhạc sĩ ca ngợi “Hoa Xuân Tứ người bạn hiền ta yêu biết mấy, cụt mất hai tay mà anh vẫn say mê hằng ngày. Như con chim không cánh ráng luyện rèn giờ đã biết bay, Hoa Xuân Tứ còn đây đẹp thay cánh tay thần kỳ…”. Lại nhớ thuở ấy có cuốn truyện thiếu nhi viết về một bạn tên Nguyễn Đỗ Hùng, học sinh cấp 2 một trường ở Hà Nội. Hùng cùng các bạn đi làm kế hoạch nhỏ ven sông Hồng, lúc tắm sông, Hùng đã cứu được 2 bạn khỏi chết đuối, nhưng anh bị nước cuốn đi. Đọc xong, đứa nào cũng khóc. Bọn trẻ con chúng tôi, do được tuyên truyền từ bốn phương tám hướng, ba mũi giáp công, nhiều khi hiểu biết về điển hình này nọ nhiều hơn, kỹ hơn so với ngay chính người trong nhà, chẳng hạn thày bu, anh chị em. Chính tôi từng kể làu làu về anh Ký, còn hơn về anh ruột mình. 

Tại sao với một nhân vật nổi tiếng, đúng nghĩa “vua biết mặt, chúa biết tên”, một nhà giáo ưu tú, nhà văn, người của công chúng như thầy Nguyễn Ngọc Ký, mà tôi lại gọi bằng anh, là bởi có lý do, chứ không phải cái thói “gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Tôi có may mắn được học đại học cùng trường, cùng khoa với anh Ký, chỉ khác ở chỗ người trước kẻ sau. Anh Nguyễn Ngọc Ký học khóa 11 (K11), trước tôi những 6 khóa (K17), khi đám tôi vào (1972) thì anh đã tốt nghiệp, ra trường được 2 năm. Thời anh Ký học, hệ đại học chỉ có 4 năm, mãi tới năm 1971 mới chuyển thành 4 năm rưỡi. Anh vào Văn khoa Tổng hợp khi trường làm cuộc đại sơ tán lần thứ nhất lên vùng núi huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, còn đám hậu sinh chúng tôi nhập học lúc trường đang chộn rộn trong cuộc đại sơ tán lần thứ 2, tỏa về Văn Giang (Hải Hưng, nay thuộc Hưng Yên) và vùng ven sông Cầu thuộc 2 huyện Yên Phong, Hiệp Hòa (tỉnh Hà Bắc, nay thuộc Bắc Ninh). Những cuộc sơ tán là thứ dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức ai đã học trường Tổng hợp Hà Nội thời năm xa ấy. Tới chỗ này, lại tẩn mẩn nghĩ, giá như bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn làm cái công văn trình lên thủ tướng đề nghị trả lại tên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội thì tốt biết bao nhiêu.

Một trong số người để lại tiếng tăm tốt đời sinh viên Văn khoa Tổng hợp, được lưu truyền từ khóa này sang khóa khác là anh Ký. Có một dạo, khoa Văn ngầm tự hào việc anh Nguyễn Ngọc Ký đã học ở đây. Các thầy thường nhắc về anh như tấm gương sáng cho những lứa kế tiếp. Tôi nhớ khi học năm thứ nhất (1973), thầy cô, các anh chị khóa trước luôn kể về anh Ký, có cả những điều giống như huyền thoại, chẳng hạn anh tự khâu vá quần áo rách bằng chân, tự xỏ chỉ vào kim không cần nhờ ai, tự giặt giũ, tự mặc áo cài khuy… Những đứa đầy đủ chân tay lành lặn như chúng tôi lắc đầu lè lưỡi, không thể tưởng tượng nổi chuyện “phi lý” vậy. Cũng có nghe kể rằng một chị cùng lớp với anh rất thông cảm và thương yêu anh, đã chăm sóc anh… trên mức bình thường, nhưng anh mặc cảm và từ chối. Chị học giỏi, xinh đẹp, sau này hai người là bạn tốt, tri kỷ.

Nhắc tới anh Nguyễn Ngọc Ký, không thể không nhắc tới thầy Hoàng Như Mai. Nghe các anh chị và các thầy cô kể lại, trong những vị giáo sư của khoa Văn, thầy Mai là người quan tâm chăm sóc, thương anh Ký nhất. Chia sẻ từng cuốn sách, từng bát cơm, tấm áo manh quần, nhất là lúc chiến tranh, thiếu thốn nơi sơ tán. Sau này, tôi đọc cuốn hồi ký về thời học đại học của anh Ký, càng thấy những gì mình được nghe về tình thầy trò-cha con Hoàng Như Mai - Nguyễn Ngọc Ký là thứ tình cảm tuyệt vời. Không có tình thương tự đáy lòng thì không thể có sự chăm sóc ân cần, chu đáo, tự nhiên như thầy Mai đối với một sinh viên tật nguyền. Mỗi trưởng thành, mỗi dấu mốc trên đường đời của anh Ký thời sinh viên đều in đậm hình ảnh giáo sư Hoàng Như Mai. Dĩ nhiên khoa Văn còn có thầy Nhị, thầy Tu, thầy Khánh, cô Hạnh, cô Sâm, thầy Đức thầy Đệ… góp phần tạo ra tên tuổi nhà giáo nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sau này, nhưng vị trí ân nhân số 1 phải là giáo sư Hoàng.

Sau này khi đã đi làm việc nhà nước, tôi vẫn thỉnh thoảng được nghe những lời trầm trồ, khâm phục về anh Ký thời sinh viên. Các anh chị khóa 12, sau anh Ký một khóa (anh Ký K11) như chị Nguyễn Ngọc Hải, anh Nguyễn Cao Cấp, anh Đỗ Nam Cao, anh Lê Xuân Đố cùng sống những ngày sơ tán Đại Từ biết về anh rất rõ. Nhớ có lần anh Nguyễn Cao Cấp hồi còn ở căn phòng chung cư chật chội gần chợ Phạm Thế Hiển quận 8 tổ chức cho đám thầy giáo nghèo chúng tôi kẻ thuê biển quảng cáo để thêm chút tiền vào đồng lương chết đói. Tôi cùng anh Lê Xuân Đố (làm ở đài TNVN nhưng khi ấy rất túng), thầy Nguyễn Văn Vy, thầy Lưu Văn Trường bò lê bò toài kẻ kẻ vẽ vẽ, cả ngày chưa xong tấm bảng nội quy to bằng nửa cái giường. Than thở mỏi tay, mỏi lưng, mờ mắt, đói bụng… Nghe chúng tôi ca thán, anh Đỗ Nam Cao và anh Nguyễn Cao Cấp lên lớp cho một chặp, nào là con nhà tính tính nhà quan, đã đói lại còn sĩ còn lười. Anh Cao bảo chúng mày không bằng ngón chân út của Nguyễn Ngọc Ký, nó (tức anh Ký, anh Cao học sau anh Ký 1 khóa nhưng bằng tuổi) mà như chúng mày thì giờ cái xác cũng chả còn.

Nhớ hình như năm 1987, nghe tin anh Ký đã chuyển vào sống trong Sài Gòn, tôi bàn với thầy Vy mời anh tới trường nói chuyện đời mình cho học sinh nghe. Thầy Vy lên nhà thầy Mai lúc ấy còn ở Phó Đức Chính quận 1 hỏi địa chỉ anh Ký, rồi lóc cóc chạy chiếc xe máy cà tàng cứ dừng đèn đỏ là chết máy tới tận Gò Vấp gặp anh. Biết chúng tôi là đám đàn em đồng môn, đồng nghiệp, anh vui vẻ nhận lời. Chúng tôi trò chuyện, xưng hô một điều thầy, hai điều thầy, bởi anh lúc ấy đã là nhà giáo ưu tú, anh Ký cười vui bảo, thôi, thầy bà gì, gọi tôi là anh thôi. Tối hôm ấy, anh Ký thật giản dị, kể về những thăng trầm đời mình, sinh viên ngồi nghe kín chật hội trường, im phăng phắc, thỉnh thoảng lại có tiếng thút thít không kìm nén được. Thầy Vy nói nhỏ với tôi, đó mới chính là siêu nhân, một con người viết hoa.

Giờ thì những con người như thế cứ vắng dần. Thầy Hoàng Như Mai, anh Đỗ Nam Cao, thầy Nguyễn Văn Vy bị cuốn theo dòng trôi thời gian, và cả siêu nhân Nguyễn Ngọc Ký nữa. Nhưng cái tình cái nghĩa, vẻ đẹp con người, kể cả những nỗi buồn của một thời gian khó thì còn đọng mãi, đọng mãi không mờ.

Vài dòng biên lại chuyện cũ, thay nén tâm nhang để ngày mai tiễn biệt anh đi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Bác Thông nói đúng, người thời này phần Con nhiều, phần người ít, có chỗ chỉ có mặt đủ để điểm danh . Chả bù với ngày xưa, NGƯỜi phải viết hoa mới xứng .

    Trả lờiXóa