Điều đáng lưu ý, người nói/viết đã nhầm lẫn hoặc không hiểu gì về ngữ nghĩa từ, cứ dùng tràn lan, cẩu thả, chả phân biệt được sự khác nhau của hai từ này.
Trong thực tế, khi xảy ra vụ án, vụ việc nào đó, cơ quan điều tra (công an) thường truy tìm những người có liên quan.
Có những đương sự, công an biết rất rõ tên gì, con nhà ai, thân nhân (cha mẹ, anh chị em...của nó) ra sao, ở nơi nào, nhưng do đương sự đang trốn tránh, không biết đang trốn ở đâu, thì truy tìm tung tích.
Tung có nghĩa là chân, bàn chân. Hành tung là chân đi. Ông vua ngày xưa thỉnh thoảng cải trang làm dân để trực tiếp tìm hiểu cuộc sống gọi là vi hành (vi là nhỏ, cũng có nghĩa kín đáo, lặng lẽ, vi hành là đi không cho ai biết). Tích là dấu vết, chứng cứ để lại. Tung tích nghĩa là dấu chân, dấu vết để lại. Biệt tích là mất sạch dấu vết. Mở rộng ra, tìm tung tích là tìm xem kẻ trốn đã đi đến những đâu, chỗ nào, theo đường nào ngả nào, để lại dấu vết gì (không hẳn là dấu chân, bởi chân chỉ mang tính tượng trưng), chẳng hạn cái áo thường mặc, cây bút, chiếc quẹt hay dùng, thậm chí đầu mẩu thuốc lá loại gì, thỏi son, chiếc bao cao su, viên gạch. Nhà chức việc cứ theo dấu vết mà lần tìm, bắt kẻ bị truy nã.
Tông để chỉ gốc, nguồn gốc, gia thế, người thân họ hàng. Dân gian có câu “con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”. Khi điều tra, chưa biết đương sự là con cái nhà ai, ông bà cha mẹ anh chị em vợ chồng hoặc người yêu của kẻ phạm là ai thì công an sẽ dò hỏi tìm tông tích, để xác định. Chẳng hạn y tên A con ông B cháu cụ C, từ đó dò ra manh mối, nhất là thời nay để ý nó có gọi điện thoại về nhà không, qua kỹ thuật hiện đại sẽ biết nó đang trốn ở nơi nào, khu vực nào. Nhiều đứa tưởng mình khôn, mượn máy người khác gọi về cho người yêu nhưng vẫn bị công an lần theo sóng xác định tổ con tò vò túm tại chỗ, hì hì.
Tóm lại, đối với đương sự cần tìm, nếu biết gốc tích nó rồi thì dùng từ tung tích, chưa biết thì dùng tông tích, các anh chị nhà báo nhé. Dùng lung tung, thiên hạ cười cho.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét