Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Chủ tịch Quận (kỳ 3)

Lớp cán bộ ngoài 50 như Vũ Duy Quận được việc, xốc vác, năng nổ ở nước này không thiếu, nhất là tầm cấp xã cấp huyện, nhưng thật thà mà nói, nơi xã Thụy Hương quê tôi thì hơi khó kiếm. Tôi chả dám chê bai những đời chủ tịch trước, những vị tiền nhiệm của Quận, trong đó có cả người họ hàng nhà tôi, tuy nhiên đến thời Quận “trị nhậm” ngồi ghế chủ tịch xã thì bộ mặt và chất lượng sống nơi đây đã khác lên rất nhiều. Tôi sống xa quê nên không thể hằng ngày chứng kiến bước chuyển mình của cố hương, nhưng có lẽ đó cũng là sự may mắn để mình có dịp so sánh những đổi thay qua mỗi lần trở về. Vẫn biết thành quả do công sức chung chứ chẳng dựa vào riêng ai nhưng vai trò và dấu ấn của Quận là điều không thể phủ nhận.

Điều may mắn cho dân xã cũng như riêng chủ tịch Quận, Thụy Hương là xã đầu tiên ở Hải Phòng được lãnh đạo thành phố thời bí thư Lê Văn Thành chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cả thành phố chỉ có vài xã, nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi huyện được chọn một. Huyện ở Hải Phòng vốn ít, đếm trên đầu ngón tay. Mô hình nông thôn mới là chủ trương chung của cả nước, đã phổ biến tới tận làng bản xa xôi, vùng sâu vùng xa, giờ ít nơi chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng để gắn thêm từ “kiểu mẫu” vào thì hơi bị hiếm. Có nhẽ đây là sáng tạo của Hải Phòng, tiên phong, đi đầu, mở lối, và đang được nhân ra trên cả nước. Nói gì thì nói, dẫu vẫn còn khiếm khuyết, chưa vừa ý, mô hình mới này đã cơ bản thành công. Như tôi đang tận mắt chứng kiến.

Có lần buôn dưa lê, tôi nói với người bạn đang làm ở đài phát thanh truyền hình Hải Phòng, đại loại tỏ ý khen ông Lê Văn Thành đã góp công quan trọng làm thay đổi bộ mặt thành phố này, cả nội thành lẫn nông thôn, trong đó có quê tôi. Bạn tôi cười bảo điều đó là có thật, rõ ràng hơn hẳn thời những bí thư, chủ tịch kiểu Nguyễn Văn Thành, Dương Anh Điền, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Thị Nghĩa… nhưng liệu ông (chỉ tôi) có biết Thành Lê là dân xi măng không, ông ấy tiêu thụ được nhiều xi măng lắm cho chủ trương do chính ổng khơi mào. Tôi cãi, xi măng ấy biến thành cầu cống, đường sá, công trình, nhà văn hóa nông thôn… cho dân được hưởng, tốt quá đi chứ, chả như những “tiền nhiệm” kia đâu quan tâm mấy tới đám dân được các ông bà ấy cai trị. Ngay cả trường hợp ông Thành nếu thu lợi riêng trong chuyện này thì cái được cho dân chúng, cho số đông, cho xã hội, đặc biệt cho nông thôn vốn lâu nay chìm trong chiếc áo lạc hậu, xưa cũ là rất lớn. Bạn cười, ừ cũng phải.

Không dám so sánh, đặt chủ tịch xã tôi Vũ Duy Quận với người như ông Lê Văn Thành, tuy nhiên cứ thấy nhang nhác vậy. Quận đã để lại dấu ấn khá đặc biệt trong sự lột xác của một làng quê, quê tôi cũng là quê của Quận. Quận không có xi măng như ông Thành, nhưng có tấm lòng yêu quê, sự xốc vác, trách nhiệm, mong muốn đóng góp làm giàu làm đẹp cho quê, cho nơi mình được giao điều hành, cầm trịch. Quận còn có cả thứ mà nhẽ ra cán bộ nào cũng phải có, là sự tử tế, điều đang rất hiếm trong mạch cán bộ từ trên xuống dưới. Tôi chỉ biên chuyện này, nhỏ mà khác biệt.

Nếu phẩm chất kể dưới đây ở người bình thường là bình thường, thì ở cán bộ đảng viên được xem như hiếm hoi, khác biệt. Cũng chả khác giữa đàn quạ đen, có con trắng. Quận ngồi ghế chủ tịch xã, chẳng như ối kẻ chủ tịch xã hư hỏng, tranh thủ vơ vét, chấm mút, thu vén nhiệm kỳ. Ngoài giờ lo việc công theo chức trách, Quận vẫn chịu khó lao động kiếm tiền, như những người lao động chân chính khác. Nhà ven đường, mở cửa hàng tạp hóa, một thứ siêu thị mini, bán chả thiếu món gì, cả nhà xúm vào chung tay, vợ con, chị em cùng góp sức, đương nhiên có cả Quận. Khi ngoài ủy ban là chủ tịch, về nhà thành người chạy hàng, giao hàng. Chả ngại ngần, xấu hổ, nề hà gì. Lao động có chi mà xấu hổ. Mấy lần, những ngày ở quê, thiếu món gì, tôi vọt lên cửa hàng của chị em, vợ chồng, cha con Quận. Luôn thấy cảnh vợ con, chị em chủ tịch xã tất bật giao hàng, tính tiền, luôn chân luôn tay, bán quả trứng, chai mắm, hộp bánh, cục xà phòng, cây chổi, ký gạo, cả bún, bánh, đồ ăn khi khách yêu cầu. Nhớ lần nhà có khách, bạn cũ kéo cả đám về chơi, tôi bận tiếp, liền gọi điện nhờ đem bún, bánh cuốn, giò chả tới. Không mấy bước chân, nhưng tôi lười. Một lát nghe gọi cổng, Quận tới giao hàng. Tôi ngạc nhiên, chủ tịch xã làm shipper. Quận bảo em xin phép về ngay bởi còn đi làm. Ông bạn tôi, nhà báo Xuân Ba đang ngồi bệt ngoài hiên rít thuốc lào, nghe tôi bảo nó là chủ tịch xã, chẹp miệng khen hiếm đấy, hiếm đấy, thằng này được, dân quê mày có phúc có phận mới được thằng chủ tịch như nó.

Khi Quận vừa ngồi ghế chủ tịch cũng là lúc xã Thụy Hương bắt đầu tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trăm miệng trăm lòng trăm cái gay. Vướng nhất khâu đền bù giải tỏa, bời chẳng ai yêu, gắn bó với đất đai, vườn tược, nhà cửa do tổ tiên cha ông truyền đời bằng nông dân. Luật lệ là một chuyện, cứ áp dụng thôi, nhưng cái tình lại là lối mở khác. Quận chịu khó đi thuyết phục bà con, phân tích điều hơn lẽ thiệt, ôn tồn, hòa dịu. Nói phải củ cải cũng nghe, huống hồ kèm theo đó cả cái tâm cái tình, tình làng nghĩa xóm vì việc chung. Dân vui vẻ hiến đất, còn chính quyền giải tỏa đền bù nghiêm minh thỏa đáng, gần như không trở ngại chi, hai phía đều vui vẻ hài lòng. Chỉ trong hơn 1 năm thực hiện, bộ mặt và chất lương sống của xã thay đổi đáng kinh ngạc, không khác gì một đô thị khang trang sạch đẹp, đường sá phong quang, mà vẫn giữ được phần nào hồn cốt, vẻ đẹp một vùng quê nông thôn. Lại nhớ, dạo đang “lột xác”, cứ xong một con đường, một công trình, tôi đều thấy Quận như đứa trẻ nhỏ hồn nhiên khoe cảnh này cảnh nọ trên FB khiến những kẻ xa quê như tôi cảm thấy quê thật gần gũi thân thương.

Nói như Xuân Ba, đứa cán bộ như chủ tịch Quận hiếm lắm thay. Quận có thể làm được những điều lớn hơn ngoài tầm một xã. Cuộc sống cần người tử tế như Quận.

Nguyễn Thông
 
Ảnh: Xã Thụy Hương ngày nay



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét