Trang

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 7)

Nhớ tới chiếc xe đạp ở miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1975, thậm chí ngay cả chục năm sau kể từ tháng 4.75 nữa, có mà kể cả ngày chả hết. Điều đầu tiên được nhiều người trong cuộc, đã từng trải qua năm tháng ấy, là nghĩ ngay chuyện xe đạp phải đem đi đăng ký với công an và có biển số xe. Hồi năm 1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, mấy tháng đầu để ý quan sát xem cuộc sống từng dưới ách kìm kẹp của Mỹ ngụy có khổ như mình đã nghe nói không, thấy xe đạp ít hơn xe máy, xích lô máy, xe lam, ô tô. Và điều đặc biệt, xe đạp không hề có biển số. Chiếc xe đạp duy nhất có biển số trong Nam, mà biển số Hà Nội đàng hoàng, nơi ký túc xá tôi ở, là của chị Nguyễn Thị Từng. Cả hai anh chị (chồng chị là anh Phan Đình Nham) đều là giảng viên Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau “giải phóng”, anh đi nghiên cứu sinh bên Hungary, còn chị được điều vào Nam, đem theo cả chiếc xe gia tài còn nguyên biển số miền Bắc. Nhiều người “tại chỗ” dòm nó, rất ngạc nhiên sao xe đạp cũng biển số. Thầy Duyệt dạy lý, thầy Hảo dạy toán là những giáo viên cũ được cách mạng “lưu dung” có lần trong cuộc trà lá tối, bảo rằng miền Bắc cái gì cũng độc đáo, chả giống ai, xe đạp mà cũng đeo biển, chỉ thiếu điều chưa gắn cho người.

Đã gắn biển số thì sinh ra chuyện số đẹp số xấu. Anh Bùi Trọng Cường bộ đội đi học thời đại học với tôi có chiếc Phượng Hoàng cánh chả, biển số Hà Tây (nhà anh ấy ở Sơn Tây, xứ Đoài), biển số đẹp, hình như 3 số 5. Biển số xe khi ấy có cả những biển 9 nút, số tiến, không khác chi biển số xe máy sau này. Xứ ta rất lạ, hầu như cái gì gắn với số là đem vận vào người. Có lần thằng Nhật em họ tôi cười, giày dép còn có số nữa là người. Anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi năm 1982 sau khi bán con xe máy Babeta, thêm tiền mua được con Honda DD đỏ, loại cực xịn bấy giờ, chả biết nhờ ai mà gắn được biển số 666, chín nút, tam lộc, rất hãnh diện. Oai hơn cả thầy hiệu trưởng. Vừa rồi coi tivi thấy quốc hội bàn cãi náo nhiệt về việc đấu giá biển số đẹp, thậm chí ông giám đốc công an Hà Nội còn đòi phải bán với giá thật cao, giá khởi điểm 100 triệu đồng chiếc, nghĩ buồn cười. Vừa tham tiền, lại vừa mê tín, chả ra làm sao. May mà thời xe đạp biển số, các vị ấy chưa có hoặc đang quần thủng đít, chứ không lại tiền gà bằng ba tiền thóc, tiền biển bằng tiền xe thì bỏ cụ.

Có biển số tức là có giấy đăng ký. Tôi còn nhớ chiếc xe nhà tôi mua năm 1976 (chiếc này sẽ kể sau) đem lên Công an huyện An Thụy để đăng ký (trước đó huyện Kiến Thụy nhập với huyện An Lão thành huyện An Thụy; thời gian sau lại bị tách ra để nhập vào với Đồ Sơn thành huyện Đồ Sơn, thời sau nữa lại tách tiếp thành huyện Kiến Thụy bây giờ; các bố cứ thích là làm, dân chóng cả mặt. Có lần công an quận 5 Sài Gòn nghi ngờ tôi khai hồ sơ gian dối, sao có lúc khai quê An Thụy, lúc lại là Đồ Sơn, lúc thì Kiến Thụy, tôi nửa đùa nửa thật bảo anh ra ngoài Phòng mà hỏi, tôi mà khai láo cứ bắt tôi đi tù). Vẫn nhớ như in tờ bìa con con màu xanh nhạt to hơn bàn tay người nhớn ấy có tên “Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp”, trong đó ngoài nội dung ghi rõ xe hiệu gì, kiểu nam hay nữ, màu gì, số xe, số khung, của ai, còn có cả hướng dẫn người sử dụng/chủ sở hữu phải đi lại thế nào, đặc biệt có câu cảnh báo “cấm mua bán lén lút”, muốn bán muốn mua phải đem ra công an để sang tên, đổi biển số, ai vi phạm mà bị phát hiện sẽ bị tịch thu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét