Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Táo, hoa, và chúc tết (kỳ 2)

Nhắc tới táo, lại lẩn mẩn nhớ vụ “cây táo ông Lành”. Đó là cái truyện ngắn in trên báo Văn nghệ tháng 6 năm 1974, của thi sĩ Hoàng Cát. Truyện chỉ gần nửa trang, nội dung đại loại về cây táo, mớ táo rụng và lũ học trò nhỏ tinh nghịch, đọc nhẹ nhàng xúc động, đầy tình người. Ấy, đọc xong nghĩ thế thôi, tặc lưỡi đánh tách “gớm, cái nhà ông Hoàng Cát viết thích nhỉ” nào ai ngờ được chỉ ít ngày sau um xùm “vụ án Cây táo ông Lành”. Không biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc. Người ta xúm vào đánh hội đồng, chả biết nhà văn thương binh tuổi ngựa từng phải bỏ lại một cẳng chân trên chiến trường đất Quảng bị vùi hất lên bờ xuống ruộng thế nào, chỉ thấy mãi hơn mười mấy năm sau thiên hạ mới được đọc lại Hoàng Cát qua đôi bài thơ đăng báo này báo khác.

Nện ghê nhất là tạp chí Học tập (sau này đổi thành tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng có thời là Tổng biên tập) nã đại bác vào thành trì thứ văn nghệ mà họ gọi là rác rưởi.

Trong bài phê phán Hoàng Cát và truyện “Cây táo ông Lành”, tạp chí Học tập dõng dạc “truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết kiểu "biểu tượng hai mặt" truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Miêu tả cuộc sống heo hút tâm trạng u buồn của một ông già có người vợ chết vì bom, người con trai độc nhất "vào bộ đội đợt đầu tiên kể từ sau khi có lệnh hòa bình", truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng có hại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước của nhân dân ta. Trong điều kiện chuyên chính vô sản, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc tiếp tục diễn ra gay go phức tạp, tác giả truyện ngắn đưa ra hình ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc "từ bỏ con đường này đi theo con đường khác" có dụng ý gì? Phải chăng đây là sự phản ứng giai cấp trước một số biện pháp như kiểm tra hành chính thu lại ruộng đất bị lấn chiếm, chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn làm ăn trái phép bọn đầu cơ móc ngoặc, v.v.. mà nhà nước dân chủ nhân dân đã áp dụng để bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề "ai thắng ai" ở miền Bắc? Cùng với lối viết bóng gió xuyên tạc "nhà mới mà đã dột vì chuột bọ" tác giả đe dọa "bỏ" con đường mà tác giả cho là "con đường tắt" để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta. Chuyện đã không chân thật chủ đề lại lấp lửng chi tiết, lại đáng ngờ gieo rắc những quan điểm tư tưởng sai trái, đây rõ ràng là một truyện xấu và có hại” (tạp chí Học tập số tháng 8.1974).

Rất kinh. Giờ đọc lại những cụm từ “biểu tượng hai mặt”, “nền chuyên chính vô sản”, “chủ nghĩa nhân đạo tư sản”, “chiến tranh cách mạng”, “cuộc đấu tranh giữa hai con đường”, “ai thắng ai”, “quan điểm tư tưởng sai trái”…, có cảm giác tòa đang tuyên án tử hình không chỉ tác giả mà cả một nền văn nghệ. Thời những năm 70, khi đã bị lôi lên giàn hỏa thiêu Học tập thì chỉ cầm chắc chết. Ngay cả Phạm Tiến Duật, Ngô Văn Phú đều từng chịu nạn ấy, sau này sống được là nhờ cái gọi là “đổi mới”. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét