Nông thôn miền Bắc năm xa đó hầu như mỗi gia đình ngoài đất thổ cư đều có cái ao, dù lớn dù nhỏ nhưng là phần không thể thiếu cho cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Ao để thả cá, thả bè rau muống, rau rút, thả bèo nuôi lợn. Cầu ao là chỗ rửa ráy sau buổi làm đồng, nơi tắm của trẻ con, chỗ rửa chân trước khi đi ngủ. Trong cuộc hợp tác hóa, ao cũng bị tính vào diện tích đất công hữu, phải nộp hết cho hợp tác xã. Nhà nào muốn giữ lại ao thì bị trừ vào phần diện tích vườn tược. Nhà tôi cũng vậy, hơn 9 sào ruộng thày bu tôi sau bao năm tích cóp dành dụm mua được, phải góp hết vào hợp tác. Bu tôi đã sớm nhìn thấy ích lợi của ao nên chấp nhận “hy sinh” không hưởng phần đất 5% theo quy định, để giữ lại ao. Chính cái ao rộng hơn sào ấy đã góp phần quan trọng nuôi một gia đình 6 miệng ăn và những con lợn sề trong cơn khốn khó.
Bốn chị em tôi tất bật việc tát ao. Một dải mấy cái ao liền nhau, ao nhà tôi, ao bà Hiếm, ao bà Trại, ao bà Ngỗi cứ khi sát Tết như một công trường nhộn nhịp. Nhà bà Hiếm thường tát trước bởi bà đông con, tinh con giai, các anh Chuyện, Trò, Bé, Bốn đều khỏe mạnh, rồi dưới nữa là mấy đứa trai gái lít nhít. Họ vác gầu dai, gầu sòng ra, chỉ trong một buổi sáng là cạn. Lần nào cũng vậy, anh Chuyện anh Trò đều nhắn trước với anh em tôi, bảo để họ tát cạn bắt cá xong thì sẽ cho nhà tôi tháo nước sang, đỡ được nhiều công tát. Anh Trò còn nói, các chú trông loẻo khoẻo thế kia, có mà sang mùng 1 cũng chưa cạn. Tới tận bây giờ đã hơn nửa thế kỷ cứ nhớ mãi tình thương người của các anh. Năm 1965, rồi năm 1966, anh Chuyện, anh Trò lần lượt đi bộ đội, lên đường vào Nam. Năm 1968, 1969 xã và gia đình bà Hiếm lại lần lượt nhận được tin dữ, các anh “hy sinh ở mặt trận phía nam”. Ký ức tát ao ăn tết bị chen vào những chuyện buồn khó tả.
Chị tôi và tôi chung một gầu dai, còn anh Uy tôi một mình chiến đấu với chiếc gầu sòng. Lại nhớ hồi đi học cấp 1 trong sách có bài thơ tát nước, vẫn còn thuộc câu “các anh tát một gầu dai/chúng em hai đứa tát hai gầu sòng”. Nhờ đã tháo hơn nửa sang ao bà Hiếm nên chị em tôi chỉ làm một thôi dài nước đã róc đáy, đám cá tụ cả vào cái vũng sâu giữa ao. Bu tôi cẩn thận ra “hiện trường” dặn mấy chị em đừng làm nát mấy bè rau muống rau rút kẻo sau tết không có gì mà đi chợ.
Mỗi lần tát ao, ghét nhất là trong lúc mình đang dạng chân chèo gò lưng múc từng gầu thì trên bờ đội quân hôi cá đã chực sẵn. Ngay từ sáng, chúng nó đã truyền tai nhau thông tin nhà ai tát ao, tát lúc sáng hay chiều. Tinh những đứa tuổi mình, cùng học với mình, mỗi đứa một cái giỏ, chỉ trỏ, chực chờ. Ông anh họ tôi ra xem các em tát ao, nhìn đám giặc quần áo phong phanh rét run cầm cập nhốn nha nhốn nháo ấy, lắc đầu bảo chợ chưa họp kẻ cắp đã tới. Nhưng biết làm sao, đều thiếu đói cả, không nỡ đuổi, chỉ sợ lát nữa chúng làm nát đám rau của bu.
Tát cả cái ao, bỏ công sức hết buổi chiều nhưng cũng chỉ được hơn chục ký cá, láo nháo đủ loại chép mè quả diếc trê rô… Khi chị em tôi còn đang hí húi “bắt nhầm hơn bỏ sót” thì “giặc” trên bờ sốt ruột đã tràn xuống. Thôi thì đành vậy chứ biết làm sao. Chúng kiên nhẫn chờ được thế cũng đáng khen lắm rồi. Có đứa mò sâu xuống bùn bắt được cả những con cá quả cá trê to hơn của chủ ao. Trong cảnh rét căm căm, sẩm tối, nhìn các bạn ngụp sâu dưới bùn để nhặt nhạnh, mà Tết đã cận kề, chả được đi chơi đi bời, tự dưng cứ thương thương chứ không ghét như lúc đầu. Mà mình cũng vất vả chứ nào sung sướng gì. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nếu có điều gì đó có thể làm ấm lòng người dân miền Bắc trước khi miền Nam được giải phóng, nhà nghiên cứu Bùi Quang Vơm đã chứng minh kinh tế của Việt Nam Dân Chủ Cộng Đồng khá hơn kinh tế của Ngụy . Có nghĩa nếu các bác than nghèo kể khổ, tình hình ở miền Nam còn bi đát hơn . Phần lớn là do đám học trò của Gs Tương Lai cứ quậy phá tan nát lun . Phần còn lại thì đang rên xiết dưới gọng kìm của nền độc tài tư bửn Mỹ-Ngụy . Vì thế mà bọn du côn du kề miền Nam phải đứng lên quyết giải phóng miền Nam cho Trung Quốc cho bằng được .
Trả lờiXóaWTF ya know, bọn du côn du kề đó, sau khi miền Nam được giải phóng, trở thành trí thức hết, không thiếu 1 thằng con nào