Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Thơ tự lòng mình

Hôm qua cái chân không chịu ở nhà, nổi máu… giang hồ, mình liền lẻn ra sạp báo.

Ôi trời, trên giời dưới báo xuân. Lật giở tất tần tật chỉ thấy bạt ngàn thơ. Nếu thơ mà ăn được, năm nay dân mình no, chính phủ chả cần cứu đói nữa. Sực nhớ hôm qua bác nhà văn Sương Nguyệt Minh viết than/khen/càu nhàu trên phây búc: “Không hiểu sao năm nay báo tết bát ngát thơ? Chắc mùa màng ấm no đã về?”. Nhà văn nủi tiếng như bác í còn giật mình, thì thiên hạ giật thồn thột.

Nhưng thơ cũng như con người, như đàn bà con gái, có ba bảy đường. Cái bài nhà cháu viết, kèm theo đây, giới thiệu tập thơ của Thu Mẫn, vừa rồi đã định dâng cho phây, độp một cái xảy ra vụ “nhà thơ thế giới” Tống GIẢI Ngân, đành kìm lại. Lúc thiên hạ đang lời ra tiếng vào về thơ, dễ bị không phải đầu cũng phải tai, ấy là chẳng phải cho mình mà cho Thu Mẫn.

Giờ đã yên hàn, gió xuân thập thò khe cửa, nhà cháu chỉ muốn nói với mọi người rằng thơ Mẫn rất “đẹp”, nét thơ riêng hiếm có thời nay.

THƠ TỰ LÒNG MÌNH

Thời buổi công nghệ 4 chấm không, 5 chấm không, cách mạng khoa học kỹ thuật thô bạo chiếm từng ngõ ngách kể cả trí tuệ, tâm hồn, mà lại tìm đến thơ, bàn về thơ, e có điều gì không nên không phải.

Thì đã rõ, thời nay, bất cứ chỗ nào, thời điểm nào, thậm chí ngay cả khi mắt díp đã gần đi ngủ, người ta vẫn ôm chiếc điện thoại di động thông minh rờ rờ nhấn nhấn, chứ mấy ai đọc thơ. Tình yêu đời không phải dành cho thơ. Đám tụ hội bạn bè sau mấy chục năm tái ngộ, hoặc một cuộc cà phê thân hữu, ta thường thấy mỗi người cứ hí hoáy loay hoay thủ thỉ với bạn “sờ ma phôn” (smartphone), dọc ngang nào biết quanh mình có ai. Kiếm được người đọc thơ, yêu thơ, bộc lộ mình bằng thơ hơi bị khó. Trai gái yêu nhau thời công nghệ chỉ nhắn tin chứ có làm thơ, gửi thơ, đọc thơ bao giờ.

Chịu ảnh hưởng từ thứ tâm thế đó, tôi hơi bị dùng dằng, chùng chình khi nhận được thơ của Hằng (tên thật của “thi sĩ” Thu Mẫn), tập thơ với cái tên dễ thương và rất đàn bà, “Cô ve sầu tháng sáu”. Thời buổi phây búc (Facebook) ngự trị, người ta nhiều tên lắm, nói đâu xa, bản thân tôi cũng chả biết mình trải mấy cái tên. Chỉ có điều, đó không phải bí danh, đâu cần bí với ai, mà là công khai cùng thiên hạ.

Đã lâu lắm rồi hồn mình lòng mình bị suy thoái, nhợt nhạt trước thơ. Đôi lúc tự an ủi “cả làng đều thế phải mình chi em”. Vậy mà “Cô ve sầu tháng sáu” đã làm nên cuộc hồi sinh kỳ diệu. Nếu bạn biết thêm rằng tác giả Thu Mẫn vốn không phải thi sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là nữ kiến trúc sư chuyên đánh vật với những bản vẽ, thiết kế, sẽ càng ngạc nhiên hơn. Đành rằng trên đời thiếu gì nhà thơ tay ngang, những bác sĩ, kỹ sư, cô giáo… làm thơ, thậm chí rất thành công, vẫn cứ có cảm giác thơ của nữ kiến trúc sư Nguyễn Hằng - Thu Mẫn như sự phát hiện. Độc đáo là đằng khác.

Thơ Mẫn hơi kén người đọc bởi chị ưa cách thể hiện độc đáo, có lẽ một phần bị ảnh hưởng từ nghề kiến trúc. Chị không thích theo lối mòn, người khác đã đi. Như cuộc sống thực của chị vậy. Gặp Mẫn ngoài đời, dường như có hai con người trong một, nói theo kiểu bây giờ là “2 in 1”, rất thú vị. Dịu dàng mà dứt khoát, hồn nhiên lại sâu lắng, xa mà gần, thậm chí phổi bò nhưng rất nội tâm. Thơ Mẫn được nuôi, được hình thành, rút tỉa, sinh sôi từ cái thế giới trong trẻo, đa dạng, phức tạp, sâu hun hút ấy. Có những câu, những đoạn, những bài trong “Cô ve sầu tháng sáu”, đọc xong chợt thừ người ra, nửa vui nửa buồn, rùng mình, ngẫm nghĩ. Mẫn không chỉ thể hiện cái tình riêng, nghĩ riêng của chị, mà hình như của rất nhiều người, nhất là phụ nữ, lại nhất là đàn bà có tài và xinh đẹp. Tự dưng liên tưởng tới hai người đàn bà trong những thiên truyện bất hủ của nhà văn từng làm đắm say bạn đọc Việt, Chingiz Aitmatov. Trong Mẫn có cả hai, Giamilia mạnh mẽ dứt khoát và Axen đắm say hiền dịu.

Khen nhiều cũng ngại, chi bằng ta thử buông cái máy điện thoại “ma phôn” kia ra một lúc, để hồn mình chen vào những dòng thơ Mẫn:

“Em đã tới quá muộn phải không anh?!

Hay vì em từng là chú ve

Trót lỗi hẹn ai đó của mùa nào” (Cô ve sầu tháng sáu)

“Chợ đời chiều sẩm tối

Gánh yêu thương lễ mễ mình em

Hị hụi khuân, dọn, cất, xếp, đặt…

Bưng qua rồi bưng lại

Loay ha loay hoay

Lúi hà lúi húi

Đếm đêm” (Thơ en giê mơ). Nói thêm: En giê mơ tức là bệnh Aizheimer.

“Mưa lại ào ào giữa đêm

Giờ này, anh đang làm gì, ở nơi ấy nhỉ?

Có biết nơi này em còn thao thức.

Chẳng phải vì mưa” (Duyên mình lỡ)

“Trăng trót yêu dòng sông

Trăng vằng vặc sáng chan trên sông…

Trăng tròn vành vạnh

Soi bóng mình vào sông trong ảo ảnh xa vời (Hai thế giới)

Nhiều lúc muốn hỏi, hay Mẫn là con tằm chín, cứ rút ruột ra để dệt nên những sợi tơ thơ đắm đuối này. Không phải nhà thơ nhưng chan chứa hồn thi sĩ, nàng đặc biệt nhạy cảm nắm bắt những điều tưởng chừng vẩn vơ, chợt đến chợt đi. Mẫn cứ nhẩn nha tự sự, bộc bạch những niềm vui nỗi buồn, như chẳng nói với ai mà đang với chính mình.

Gió bấc đang rền rĩ ngoài kia. Đọc thơ Thu Mẫn, bất giác cảm thấy lòng mình ấm chi ấm lạ.

Ngày đông chí Nhâm Dần 2022

Nguyễn Thông



1 nhận xét:

  1. "En giê mơ tức là bệnh Aizheimer"

    Đúng quá . Thế mà mình cứ tưởng Alzheimer's. Không sao cả đâu . Hiệu trưởng trường kinh tế sửa 3 lần không xong cái tên Sếch bia, làm nghi ngờ câu trích của ổng, traduire, c'est trahir là 1 truyền thống của văn hóa nước nhà . Chắc ổng trích từ bản tiếng nôm nhà các bác

    Trả lờiXóa