Tết năm 1975, tôi mượn được chiếc xe đạp Vĩnh Cửu của một ông anh họ, ông Trác, để ra Phòng. Chả là bu tôi bảo, con đem hai chục cam ngon này ra biếu bà thông gia tương lai để thắp hương tết. Sáng 30 tết đi, ăn cơm ngoài đó, chiều tôi xin phép bác gái cho con gái (tức người yêu tôi, con dâu tương lai của bu tôi) về quê đón giao thừa, ăn tết ở quê. Được đồng ý, khoảng 6 giờ chiều, hai đứa hớn hở lên xe về. Đến đường Trần Nguyên Hãn thì xe nổ lốp. Lốp xe mòn vẹt, băng bó như thương binh nặng thế kia, chịu sao nổi hai người, dù đứa nào cũng xanh xao gầy gò. Tối giao thừa, không tiệm sửa xe nào còn dọn hàng, hai đứa lang thang dắt cái xe xẹp bánh đi thất tha thất thểu tìm nơi vá. Nàng kiên nhẫn vừa đi vừa trò chuyện động viên tôi. Còn tôi thì xấu hổ, tủi thân, mặc cảm phận nghèo đến mức không còn biết giấu cái mặt buồn đi đâu nữa. Đến gần cầu Niệm, tôi năn nỉ nàng quay về, đi bộ trở lại cũng vài cây số chứ có ít, còn tôi dắt cái cục sắt khốn kiếp đó qua tận thị xã Kiến An cách hơn 7 - 8 cây số mới tìm ra chỗ sửa.
Đêm giao thừa đen như mực, đường về huyện hơn chục cây số men sát bờ sông vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Tôi lầm lũi đạp xe trong giá lạnh, rét căm căm, mắt dàn dụa cứ nhòe đi, chả biết là sương đêm hay nước mắt. Hơn 1 giờ đêm mới về đến nhà, lúc ấy thiên hạ đón giao thừa xong đã đi ngủ hết. Cả nhà còn thức đợi chờ. Tôi kể lại đầu đuôi, cả chuyện định đưa người yêu về ăn tết. Thày tôi bảo, thôi, con về đến nhà là mừng rồi, thày không trách gì sất. Còn bu tôi nói thêm, trong tết hôm nào ra ngoài đó xin lỗi bà cụ và “nó”, con ạ, ai lại để con gái người ta vất vả, khổ sở thế bao giờ. Giờ nghĩ lại, nếu không xảy ra chuyện cái xe đạp hỏng chết tiệt thì đời tôi có lẽ cũng khác.
Năm 1975, đất nước thống nhất sau 21 năm nội chiến, huynh đệ tương tàn, đánh nhau chỉ vì cái ý thức hệ khốn kiếp. Hình ảnh ấn tượng khó quên mà thân thương nhất sau ngày 30.4 là những người lính buông súng trở về quê hương ngoài Bắc sau khi hoàn thành công cuộc "giải phóng miền Nam". Hầu hết lính tráng đi từ nông thôn nghèo đói, nên biết tằn tiện, biết lo cho gia đình. Trên ba lô thường cột thêm 2 món đồ rất phổ biến lúc bấy giờ: con búp bê nhựa to bằng em bé sơ sinh biết mở mắt nhắm mắt, và chiếc khung xe đạp. Phần lớn “chiến lợi phẩm” của người lính bên thắng cuộc là hai món ấy. Búp bê dành cho con cái, cho em, cho người yêu, cho bạn gái, bởi miền Bắc chưa bao giờ thấy con búp bê lạ và đẹp thế, mà lại hiếm nữa. Xe đạp dành cho cả nhà, “niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong”.
Chỉ có điều, anh bộ đội nghèo, mua nguyên xe thì không có tiền, đành mua chiếc khung mộc chưa sơn rồi tìm cách sắm phụ tùng lắp ráp dần, vả lại vận chuyển xe nguyên chiếc về tới quê cũng quá rắc rối, cước phí có khi còn hơn cả tiền mua xe. Vậy nên chỉ cần chiếc khung. Đa phần là khung thô, còn gọi là khung mộc, tức khung bằng sắt chưa sơn, chưa dán đề can, chưa có bất cứ thứ gì gắn vào. Đem về nhà đã, rồi từ từ nhặt nhạnh sắm sửa từng món, khi bộ săm lốp, khi cặp xích líp, lúc cái vành, lúc bộ đùi đĩa, pê đan, vòng bi, yên, gác ba ga, dây phanh… Bao giờ đủ thì đem ra tiệm cho thợ ráp vào. Có những chiếc xe nhãn hiệu “1975” phải mất cả năm mới lắp xong, mới chạy được. Hoàn thành, đem lên đồn công an huyện xin đăng ký biển số. Xe đạp không có biển số sẽ bị phạt, bị coi là xe gian, bị tịch thu.
Tôi nhớ, năm 1976 bu tôi vét voi mãi mới đủ tiền nhờ cậu ruột tôi ở ngoài phố Hải Phòng ra chợ Sắt mua giúp chiếc khung mộc xe nữ miền Nam do con buôn đem về, hết hơn 100 đồng. Cậu lại nhờ người mua đủ phụ tùng lắp hoàn chỉnh xe, đem về giao cho thày tôi. Thày tôi không biết đi xe đạp, giao cho tôi khi ấy đang nghỉ hè năm cuối. Tôi hớn hở chạy lên huyện, công an hạch hỏi mãi về giấy tờ mua bán khung xe và phụ tùng, xem xét từng li từng tí có hợp pháp không, sau đó mới cấp cho chiếc biển số to hơn nửa bàn tay. Tôi nhớ láng máng biển số có 2 chữ cái và 3 con số kèm theo, kiểu như HP-789. Sau khi tôi vào Nam nhận công tác đầu năm 1977, xe được giao cho cô em gái, rồi về sau số phận nó thế nào thì không rõ.
Nhờ có miền Nam mà phần đông dân chúng đất Bắc mới sắm được xe đạp, dù cũng chả dễ dàng gì. Đó là sự thực. Câu nói "miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng" ghi lại chính xác một trang lịch sử "vui sao nước mắt lại trào".
Năm 1980, anh Uy tôi học ở Liên Xô gửi về cho chiếc xe Sputnik ghi đông khoằm. Như đã nói, nếu muốn dùng lâu dài thì phải đem ra hiệu sửa xe cắt vành, uốn lại ghi đông, tốn gần hai chục bạc, để nguyên chạy thì sau này lốp mòn, ruột thủng, lấy đâu mà thay. Cắt bỏ thì phí. Tôi đem vào Sài Gòn nơi đang công tác, bán được 300 đồng, mua chiếc xe Cửu Long hết 190 đồng, còn lại để dành góp vào tiền cưới vợ. Lại nhờ xe đạp mà có vợ. (hết)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét