Cứ phải nhắc lại ngay từ đầu mỗi kỳ, đây là ký ức về miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1976 (bởi năm 1977 tôi vào Sài Gòn nên không rõ những năm sau đó).
Xe đạp là thứ gia tài, gia sản quý hiếm, giá trị vào loại bậc nhất của những gia đình sắm được nó nên sự gìn giữ “con ngựa sắt” này chả khác gì “gìn giữ con ngươi của mắt mình”, thậm chí hơn cả đạo đức cách mạng. Mượn xe đạp cũng như cho mượn xe đạp là chuyện tối kỵ. Đường sá lởm khởm, tinh mảnh chai mảnh sành, săm lốp lại cũ kỹ vá chằng vá đụp nên sự thủng săm bể lốp là chuyện thường. Chưa kể những vụ lớn như đâm xe vào trâu bò hoặc gốc cây làm chùn khung, cong vành, những vụ nhỏ như mất nắp chuông, gãy đũa, vỡ bi, đứt phanh, rách yên…, chả nhẽ bắt đền. Vì vậy, nhiều chủ xe, khi không đi liền xì hết hơi ra nói xe hỏng để khỏi cho mượn. Người ta còn kể cho nhau, có ông tuyên bố dứt khoát, vợ có thể cho mượn được, chứ xe dứt khoát không.
Có những chiếc xe đạp được chủ xe o bế hơn cả… vợ. Sắm cho vợ cho con chiếc áo mới thì cân nhắc lưỡng lự, chứ xe phải thật bóng bẩy đẹp đẽ. Lúc bận chả nói làm gì, còn rảnh là lôi xe ra lau chùi không còn hạt bụi. May vải có cả tua rua kim tuyến bọc yên xe. Hai cọng tanh gắn giữ gác đờ bu được buộc thêm túm lông gà vào để nó “ô tô ma tíc” tự động quét sạch vành. Nhiều bác còn gắn trên mũi gác đờ bu trước chiếc máy bay con con làm bằng đuy ra xác máy bay Mỹ, hoặc gắn cờ đuôi nheo xanh đỏ… Trông chiếc xe đạp cứ như nhà triển lãm di động.
Sắm được xe thì thích đấy nhưng rước nỗi khổ không có phụ tùng thay thế. Tất tật hàng hóa kể từ hột muối phải mua từ cửa hàng nhà nước. Chợ đen cũng có nhưng cực hiếm và đắt, người ít tiền không theo nổi. Nhiều chiếc xe pê đan (bàn đạp) mòn vẹt, đang đi rụng ra, được thay bằng cục gỗ, đạp kêu cót két. Có những chiếc săm bị vá vài chục vết, dày như mo nang. Hồi chiến tranh, anh An gù sửa xe làng tôi còn có sáng kiến đập những vỏ quả bom bi con chưa nổ lấy viên bi thay bi ở các ổ trục bị mòn. Quán sửa xe nào cũng thạo nghề lộn xích để dùng lại khi răng nó đã nhọn hoắt. Cuối năm xét thưởng thi đua, lao động tiên tiến mà được thưởng chiếc lốp chiếc săm, nhất là sợi xích thì còn hơn trúng số độc đắc.
Nhắc đến quán (tiệm) sửa xe đạp, nhớ hồi thập niên 60 - 70 lúc đầu cả làng tôi chả có quán nào, đơn giản vì ít xe quá, nếu xe hỏng thì chịu khó dắt lên huyện sửa. Có ông sợ dắt hỏng thêm bèn vác. Giữa năm 1964 dân phố sơ tán về, các dịch vụ cũng về theo. Ven đường gần sân ủy ban cũ mọc lên quán của anh An gù. Anh bị gù lưng, nhỏ người, nghe đâu có võ, chả đứa nào dám trêu. Thằng Bình cũng dân sơ tán học cùng cấp 2 với tôi, loại đầu gấu, có lần bảo võ cũng đéo sợ, nhưng khi thấy anh An gù phi dép lê trúng mặt một đứa chửi gây sự ở quán liền sợ xanh mặt. Anh An gù sửa xe rất thạo, chỉ nhoáng cái là xong, tài nhất là gõ vỏ bom bi lấy viên bi thay cho bi xe bị mòn, xe lại bon bon hết cả lục cục.
Tháng 7.1972, tôi đi thi đại học tuốt bên huyện Vĩnh Bảo, cách nhà gần 40 cây số. Mượn chiếc Peugeot của ông Thắng anh họ tôi là giáo viên cấp 3 trường huyện. Đến gần bến phà Khuể, một con nghé từ lề đường nhào ra, tôi tránh không kịp, cong vành, phải sửa hết 2 đồng. Đến khi thi xong về, tôi sợ không dám thú thực ngay nhưng anh Thắng tinh lắm, nhìn là biết ngay xe bị tai nạn dù đã nắn vành, bèn mách chú thím, tức thày bu tôi. Tôi đang đập nương ngoài ruộng HTX bị điệu về, nằm trên cái cánh cửa, thày quất cho chục roi vào đít, không phải tội làm hỏng xe mà là tội giấu diếm, không thật thà. Năm ấy tôi 17 tuổi. Hơn 3 tháng sau, chính anh Thắng lại lấy cái xe ấy hì hục đèo tôi theo đường 5 lên tận Hà Nội để thằng em nhập học Trường ĐH Tổng hợp, dọc đường tránh mấy trận bom máy bay Mỹ đánh cầu Phú Lương và Lai Vu. Đi từ sáng sớm, tối mịt mới đến phố Triệu Việt Vương. Nghỉ nhà người quen một đêm, hôm sau tôi đi bộ lên huyện Yên Phong (Hà Bắc) ven sông Cầu, còn anh tôi lại tất tả đạp xe 120 cây số về. Thương lắm. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Loạt bài về xe đạp ở miền Bắc của bác Thông đã chứng minh chính nghĩa của những trí thức đấu tranh & những người như ông bà của Thùy Dương đã đấu tranh đánh đổ Mỹ & tay sai để đem lại dân chủ cho cái loại dân u tối, dân gian, dân Ngụy
Trả lờiXóaĐược giải phóng, chúng ta cần nhớ ơn những người đã không quản gian khổ để đưa nền dân chủ xe đạp tới cho miền Nam
Giờ là dân chủ xe máy rồi.
Trả lờiXóaPhồn vinh giả tạo, hăm he dựng lại cờ vàng . Cứ đà này thì chắc không bao lâu sẽ chẳng còn ai nhớ nhung gì tới công lao ông cha đã không quản bao hy sinh gian khổ để đánh đuổi Mỹ & tay sai . Bác Thông nói đúng, dân bây giờ tệ quá, không như ngày xưa
Xóa