Ngày xưa làng tôi rất nhiều tre, hầu như nhà nào cũng một vài bụi, có những nhà trồng tre bao bọc hết xung quanh, cả cái cổng cũng bằng tre. Họ nhà tre đủ loại, tre nứa trúc mai vầu luồng dùng, mỗi loại được dùng vào việc thích hợp nong nia cót thúng mủng giần sàng dậm lờ đó đăng đòn gánh rui mè kèo cột cái tăm đôi đũa cái giường chiếc chõng cái thang… Nói tới nông thôn, người đời thường dùng hình ảnh cô đọng “bờ tre gốc rạ”. Đời đứa trẻ nông thôn, ngoài mối gắn bó với ông bà, thày bu, anh chị em, xóm giềng, đồng ruộng, cây lúa củ khoai, thì “quan hệ” với tre nhiều nhất. Cho tới giờ, chấp chới tuổi già, tôi vẫn không hình dung nổi nếu ký ức của mình mất mảng tre sẽ trống như thế nào.
Tre ngày cũ khá đẹp trong tâm tưởng. Khó quên cảnh chiều quê khói bếp quấn quít lũy tre xanh khi mặt trời chưa lặn hẳn, đèn chưa được thắp. Tre vào bài học thuộc lòng của bọn trẻ con “Lũy tre xanh xanh/Làng tôi làng anh/Cùng giống nhau nhỉ/Có lũy tre xanh/Chúng ta yêu lũy tre xanh/Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày”. Tre vào văn Thép Mới, nhạc Văn Cao, thơ Nguyễn Duy. Nhớ tới tre, tình cảm dịu lại, tâm hồn thư thái lạ thường.
Giờ đây, tre dường như chỉ còn ở những vùng sâu vùng xa, miền núi. Năm ấy tôi ra xứ Thanh, ông bạn Nguyễn Xuân Phi lôi lên tuốt những Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, tre còn nhiều lắm. Một lão khác, thổ công vùng này, bảo tre được coi là một trong 5 thế mạnh "L" của tỉnh Thanh gồm lúa, lợn, lạc, luồng và… nâng đỡ trong sáng. Cả bọn cười tủm tỉm.
Mà tôi đang viết về ngoại giao cây tre, thứ sản phẩm ngang ngược của nhà cầm quyền xứ này hiện thời, mở bài như thế hơi bị dài. Chẳng qua cái tình của mình với tre đằm thắm quá, chứ mình không lợi dụng bạn ấy như người ta. Thật đáng buồn, giờ cứ nghĩ, liên tưởng tới tre là không ít người bĩu môi, cười cợt. Tre trở nên uốn éo, cong cớn, giả dối, cạn tình. Không phải tại tre mà bởi con người. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét