Trang

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 3)

Những người lứa tuổi tôi, sinh hồi giữa thập niên 50, thời nay gọi tắt là 5X, chắc không mấy ai quên chuyện nhà cai trị xứ này đánh tư sản, diệt doanh nghiệp doanh nhân. Họ gọi bằng cái tên “cải tạo công thương nghiệp”, xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả những gì vướng víu, vướng mắt trên con đường lớn không tưởng, mơ hồ ấy đều bị họ đưa lên đoạn đầu đài. Diệt cho bằng hết. Lại nhớ cụ Phan Khôi từng chua chát cay đắng “Đánh đùng một cái/Kêu eng éc ngay/Bịt mồm bịt miệng/Trói chân trói tay/Từ đây đến con dao/Chẳng còn xa là bao”. Cụ tả về chuyện giết lợn, nhưng “giết” văn nghệ sĩ, doanh nhân cũng đều thế cả, cùng bàn tay đao phủ.

Thời Pháp cai trị (còn gọi là thời Pháp thuộc), nhà cầm quyền thực dân rộng đường cho tư nhân tư sản làm ăn, sản xuất, kinh doanh, để họ phát huy tài năng khả năng của mình làm giàu, vừa “vinh thân phì gia”, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội, đất nước. Cho tới giờ, nói tới doanh nhân Việt, người ta vẫn nhắc đến nhưng idol, tấm gương tiêu biểu như Bạch Thái Bưởi (tàu thủy), Nguyễn Sơn Hà (sơn), Trịnh Văn Bô (kinh doanh vải lụa), Đoàn Đức Ban (chủ hãng nước mắm Vạn Vân lớn nhất miền Bắc), Trịnh Văn Mai (chủ hãng dệt Cự Doanh), Vũ Đình Long (xuất bản, in ấn)…, họ được tự do làm ăn làm giàu, không bị người Pháp tước đoạt quyền tự do kinh doanh. Nhưng sang chế độ mới, tư sản chết như ngả rạ, bởi tư sản, làm ăn tư bản là kẻ thù không đội trời chung của vô sản, của làm ăn kiểu xã hội chủ nghĩa. Ngay cả việc góp 5.000 lượng vàng cho tuần lễ vàng năm 1945, nuôi cả cụ Hồ và hàng đống quan chức thủ lĩnh Việt Minh, hiến cả nhà 48 Hàng Ngang, v.v.. cũng không cứu được vợ chồng ông Bô bà Hồ bị chính quyền chiếm mất nhà, đòi mãi họ không trả, phải “vùng lên” chiếm lại. Ai muốn biết rõ hơn sự “lấy oán trả ân” này, cứ hỏi các con cháu của hai cụ.

Sau khi miền Bắc được hòa bình, các nhà máy xí nghiệp tư nhân đều bị quốc hữu hóa hết, hoặc thành quốc doanh, hoặc công tư hợp doanh. Gọi là công tư hợp doanh nhưng thực chất tư nhân chả có quyền hành gì, nhà cửa công xưởng, máy móc đều phải “tự nguyện” góp cho nhà nước (vốn không có gì), sản xuất theo mệnh lệnh, chủ cũ chỉ tham gia cho có chứ cán bộ nhà nước nắm hết quyền điều hành. Dạng nhà máy dệt kim Cự Doanh của cha con ông Mai ông Căn ở Hà Nội là vậy, sau chủ cũ chán quá bỏ luôn, thế là mặc nhiên thuộc về nhà nước. Bất chiến tự nhiên thành. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh ấy thực chất là cuộc chiếm đoạt quyền sở hữu tư liệu sản xuất cá thể để gom về một đầu mối theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc.

Công cuộc đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, quốc hữu hóa tàn bạo kết quả đã giết chết một nền sản xuất kinh doanh đang phát triển, đưa kinh tế miền Bắc về thời mông muội, cái gì thứ gì cũng thiếu, kể từ hạt muối. Tôi còn nhớ, khoảng năm 1965, nhà tôi được hợp tác xã mua bán phân phối cho chục bát ăn cơm bằng sành, về nhà giở ra có cả cái mẻ cái sứt, có chiếc còn nguyên mảnh vỡ dính vào. Không dám bỏ, bởi bỏ thì chẳng nhẽ ăn bốc. 

Không còn tư sản doanh nhân, chỉ có độc nhất nền kinh tế tập trung do nhà nước chỉ đạo điều hành, miền Bắc trước năm 1975 như đang trở về thời cộng sản nguyên thủy. Hàng hóa thiếu thốn, vật chất nghèo nàn, đi lại khó khăn; hai thứ thiết thực nhất là hạt gạo và tấm vải đã thành thứ tiêu chuẩn để đánh giá giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ. Người đem lại “thành công” u ám ấy, diệt trừ tư sản ấy, dĩ nhiên là chính quyền, công của những Đỗ Mười, Trường Chinh, Lê Duẩn, ông này bà nọ, trong đó có cả cụ Hồ.

Thực tế đen tối như vậy, nhưng bộ máy tuyên truyền của họ cố tình lờ đi, và luôn ca ngợi, khen tụng thành công thế này, thắng lợi thế nọ, dù thâm tâm họ nhận thấy sai lầm. Và đáng nói hơn, biết sai, nhưng họ với bản chất kiêu ngạo cộng sản, vẫn không chịu sửa, vẫn lặp đi lặp lại về sau, đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Sau cuộc cải tạo công thương, triệt bỏ doanh nhân tư sản ở miền Bắc thập niên 50, hơn 2 chục năm sau, họ vẫn lặp lại y chang, thậm chí còn tàn bạo hơn trong cuộc đánh doanh nhân ở miền Nam, và cả những chiến dịch kiểu Z30 ở miền Bắc thập niên 80. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét