Nhưng ở phố thì khác. Lắm đường nhiều lối, như bàn cờ, ngã ba ngã tư chằng chịt, nhà nào cũng na ná giông giống nhà nào, nên đường phải có tên. Lớ ngớ là lạc, chả biết đâu mà tìm. Nhân viên bưu điện đi phát thư thuộc đường hơn lòng bàn tay.
Thiên hạ hay đề lên phong bì/bì thư câu “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu điện thời ấy rất có giá, vênh vang. Những nhà có con đi bộ đội “chiến đấu ở mặt trận phía nam” ngày ngày ngóng tiếng chuông xe đạp kính coong của “bác bưu điện”. Anh bèn điền thêm, nối dòng tình cảm nóng sốt kia “Thư này ông đếch chuyển ngay/Thử xem tình cảm chúng mày ra sao”. Lại có anh bưu điện nhận thư xong đem về tống hết vào gậm giường, đợi nhiều nhiều vài ba ký sẽ phát luôn một thể. Có trường hợp ở quê đánh điện báo cho người nhà sống tỉnh khác tin mẹ mất, khi đương sự nhận được điện tín giấy mấy chữ không dấu (kiểu vợ đẻ thành vỡ đê) về tới nhà thì đã 49 ngày bà cụ.
Có một thời, ngành bưu điện như mảnh đất vàng cho người nhà các quan chức. Kiếm được một suất bưu điện, dù chỉ nhân viên phát thư quèn, là đảm bảo “an cư lạc nghiệp”. Hồi thập niên 70, tôi nghe kể một vụ phải chạy cửa sau mất đứt chiếc xe Phượng Hoàng Trung Quốc mới cứng gần 600 đồng mới được làm ở bưu điện huyện (cần biết thêm, lương khởi điểm công nhân viên nhà nước hạng bình thường chỉ 35 đồng/tháng). Giờ thì chẳng ai gửi thư nữa, kể từ thời sinh ra cái máy fax. Bưu chính, tem, phong bì, chuyển thư… gần như chết hẳn.
Trên đời, sự chi cũng vậy, tránh sao khỏi bãi bể nương dâu, thịnh suy, vang bóng một thời. Mà giả dụ giờ có đi chuyển phát thứ gì cũng chẳng cần thuộc đường, đã có Gu gồ map nó chỉ cho. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét