Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Chuyện uống chè (kỳ 2)

Cần nói ngay điều này: Người bắc quen uống nước chè, còn người nam chuộng cà phê. Chè mang tính cổ truyền, truyền thống, dân tộc đậm đà; còn cà phê văn minh, hiện đại, mới lạ. Chỉ đồ uống đã phần nào thể hiện chất người vùng miền. Tôi cảm nhận được sự khác biệt ấy khi vào Sài Gòn nhận việc năm 1977. Hai miền tuy cùng một nước nhưng có lẽ do thời thế tác động nên quá nhiều sự khác nhau. Chẳng hạn, ngoài bắc mà mời ăn cơm thì nên hiểu đó là lời chào, còn trong nam đã mời là ăn, không phải mời “rơi”, đừng khách sáo từ chối. Nhiều nét riêng vậy lắm, để thong thả tôi sẽ kể. Vì vậy, tôi nhắc “chuyện uống chè” thì bạn hãy hiểu rằng đang nghe chuyện bắc, từ một ký ức cũng chưa xa lắm.

Miền Bắc thập niên 60 - 70. Nông thôn, nghèo, lại còn bị chiến tranh đòi “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Biết bao nhiêu gạo và người bị ném vào cuộc tương tàn. Sống được đã là sự phi thường bởi hầu như thứ gì cũng thiếu. Kể cả gói chè.

Miền Bắc trước năm 1975 có những vùng trồng chè nổi tiếng là Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang. Câu “chè Thái gái Tuyên” để nói về độ ngon của chè Thái Nguyên. Đầu thập niên 70, hồi sinh viên, tôi đã lên Phú Thọ (lúc ấy bị gộp với Vĩnh Phúc thành Vĩnh Phú) chơi nhà bạn, ngó bạt ngàn đồi chè. Ngoài chè, đất bắc những năm đó còn có cả những nông trường chuyên canh như trồng cà phê ở Phủ Quỳ, Quỳ Châu (Nghệ An), hồ tiêu ở Vĩnh Linh. Ông nhà thơ Tế Hanh từng ca ngợi nông trường cà phê “Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài”. Cũng đủ cả, chỉ có điều dân chúng không được hưởng. Lý do, gom hết thu hết xuất bán cho Liên Xô, Trung Quốc mua vũ khí về đánh nhau. Số còn lại bị tuồn vào hệ thống cửa hàng Tôn Đản, Nhà Thờ, Giao tế Intershop… để phân phối cho cán bộ. Quán cà phê ở Hà Nội suốt mấy chục năm, kiểu “Cà phê Lâm” chỉ đếm trên đầu ngón tay, dành cho tay chơi, người có tiền, văn nghệ sĩ, cán bộ. Dân thường muốn uống chè ngon, chỉ có 2 cách: hoặc lê la quán trà lá vỉa hè (chè mua chui, buôn lậu), hoặc đợi đến tết được mua 1 gói Thanh Hương.

Món chè dân dã phổ biến nhất của đám đông quần chúng nhân dân vĩ đại là chè bồm. Tôi tra từ điển không có từ “bồm”, chẳng hiểu nó xuất hiện từ bao giờ, ai đặt. Nhưng người nào đã sống ở miền Bắc trước 1975, rồi cả thời bao cấp gần 2 chục năm sau đó nữa, cứ nói “chè bồm” thì ai cũng hình dung ra.

Đại loại, được gọi là chè nhưng không phải chè, mà là chè. Nó là phế phẩm thải loại từ quá trình làm ra sản phẩm chè, hoặc làm từ lá già. Ông anh tôi có lần bảo đéo phải chè, mà là rác chè. Nó vụn gần như cám, nên còn có tên chè cám, có lẽ do máy móc công nghệ thời ấy kém nên phế phẩm thứ phẩm hơi bị nhiều. Nhẽ ra rác ấy, nhà sản xuất hót đem đổ đi, thì họ nghĩ ngay đến dân, cho đóng gói lại, gói vuông to bằng 2 bàn tay úp, vỏ giấy xi măng, nặng khoảng 2 lạng, cũng chẳng đề chữ nghĩa thương hiệu chi cả, bán cho hệ thống HTX thương nghiệp để bán tiếp cho dân. Chè, thực chất chỉ thay cho nước vối, gọi uống chè cho sang, giấu đi cái nghèo. 

Tôi nói thật, sự phân chia đẳng cấp, cách biệt giàu nghèo, coi thường nhân dân một cách công khai xảy ra ở miền Bắc những năm xa ấy thật kinh khủng. Dân chúng, nhất là nông dân, bị mặc nhiên coi là dân loại 2 trong chế độ bao cấp, mà gói chè là ví dụ cụ thể. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét