Trang

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên, cả tổng biên tập dốt nữa): Hoạn lộ hay quan lộ?

Sau khi thằng đầu đảng ở Bến Tre là Lê Đức Thọ (nghe cái tên rất kinh, rất sáu búa) bị bắt, có những tờ báo mậu dịch nhìn ra ngay nội dung thời sự nóng sốt, câu được bạn đọc, kiếm viu (view) dễ, liền khai thác mở rộng, kể chuyện đời tư, chuyện y làm quan. Tờ Tiền Phong đăng bài “Đường quan lộ của ông Lê Đức Thọ”, còn tờ Người lao động thì “Quan lộ của ông Lê Đức Thọ”… Tiền Phong sau đó thấy chối tỉ quá, giật tít lại, bỏ chữ “đường”, giống như NLĐ, cứ nghĩ thế là ổn.

Lỗi dùng sai này trên báo mậu dịch dốt đã khá phổ biến và cũng từ lâu rồi chứ không phải bây giờ. Vừa nhầm lẫn, vừa cẩu thả, vừa dốt khi họ không phân biệt được “hoạn lộ” và “quan lộ”, phải dùng thế nào, trong trường hợp nào mới đúng…

Trước hết nói về cái từ “hoạn lộ” mà đám phóng viên, biên tập viên, thậm chí tổng biên tập mù tịt, ngu ngơ không hiểu gì. “Hoạn” có nghĩa là làm quan, quan. Cụ Ngô Thì Nhậm có câu “Cảnh khả nhàn thê kiêm hoạn ẩn” (cảnh khá thanh nhàn, vừa làm quan, vừa ở ẩn). Hoạn cũng có khi để chỉ viên thái giám trong cung (người đã tự thiến mình hoặc bị thiến, còn thiến cái gì thì ai cũng hiểu, nói ra đây ngại chết đi được) ở hẳn trong cung phục vụ vua, và nhất là hầu hạ hoàng hậu/công chúa (nhằm đảm bảo an toàn). Người này được gọi là quan thái giám, dân gian gọi là hoạn quan (từ hoạn là quan, đồng nghĩa với động từ hoạn trong tiếng Việt là xẻo cắt, chỉ đúng đối tượng, thế mới tài).

“Lộ” là con đường, đường đi, đường lối. Sinh lộ là đường sống, tử lộ - đường chết, quốc lộ là con đường chính, đường lớn nối những tỉnh thành của nước, còn nhỏ hơn thì gọi là tỉnh lộ, hương lộ…

Hoạn lộ nghĩa là con đường làm quan, quá trình làm quan. Để nói về con đường hoặc quá trình làm quan của ai đó, chỉ dùng từ này, hoặc từ “hoạn đồ”, chứ không ai dùng “quan lộ” bao giờ. Cụ Khiếu Năng Tĩnh (đời Nguyễn) có câu “Hoạn lộ khi khu vị thủy am” (Bước vào đường làm quan, lúc ban đầu gập ghềnh lắm).

Thực ra “quan lộ” cũng có nghĩa, nhưng nghĩa khác, chứ không phải trong trường hợp trên. “Quan” tức là quan, người có chức vụ trong bộ máy cai trị. Thời xưa, quan lộ để chỉ con đường, hoặc dành riêng cho quan chức triều đình đi, hoặc đường do nhà nước (quan) làm, xây dựng. Những con đường nhà nước làm ấy được dân gọi tên đường cái quan, đường quan. Trong bài thơ “Phá đường” của Tố Hữu có câu “Nhà em con bế con bồng/Em cũng theo chồng đi phá đường quan”, nghĩa là vậy.

Tóm lại, để nói về đường làm quan của Lê Đức Thọ hay bất cứ đứa nào, phải dùng từ “hoạn lộ” chứ không phải “quan lộ”, càng không ngớ ngẩn thành “đường quan lộ” (đã lộ lại còn đường, cũng như đã sinh nhật lại còn ngày sinh nhật).

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Bọn này viết theo tuyên giáo chỉ đạo làm gì có não

    Trả lờiXóa
  2. Thật ra thì cũng có thể sử dụng chữ quan lộ, một cách tạo chữ của người Việt từ các từ gốc Hán, miễn là định nghĩa cho rõ mà thôi.

    Trả lờiXóa