Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không và sân bay toàn quốc 2021 - 2030 đã được chính phủ phê duyệt thì sân bay Biên Hòa sẽ là sân bay lưỡng dụng (dùng cho cả dân sự và quân sự).
Đương nhiên nước nào có tí máu đánh nhau đều phải có sân bay quân sự, mà khi có chiến tranh chuyển một sân bay dân sự thành quân sự cũng rất khả thi. Thời hòa bình, có đủ (chứ không phải nhiều) sân bay là điều tốt, phục vụ cho sự làm ăn, đi lại, sinh hoạt.
Tôi không rành về hàng không lắm, thú thật vậy, nhưng cứ lăn tăn điều này: Khu vực Đông Nam Bộ với 3 trung tâm Sài Gòn - Biên Hòa - Long Thành như cái tam giác, 3 góc là 3 nơi trên, mỗi cạnh tam giác theo đường chim bay chưa tới 3 chục cây số. Nếu 3 sân bay hoạt động, chả hiểu chúng sẽ tránh nhau ở tầm thấp thế nào, hở chính phủ.
Đô thị lớn nhất miền Nam là Sài Gòn, tập trung hầu hết đầu mối ở đây. Khách tới Tân Sơn Nhất, chỉ tốn cuốc xe ô tô vài trăm ngàn, xe ôm gần trăm ngàn, là về tới "nhà". Nếu Long Thành xong, bay tới đó, hoặc từ Sài Gòn đi xe tới đó, dù ít bữa nữa có metro tới Suối Tiên, mỗi chiều phải tốn cả triệu hoặc vài triệu bạc tiền xe, sự tốn kém khiến chỉ nghĩ tới Long Thành đã sởn gai ốc. Cứ trông cái bến xe miền Đông mới ở quận 9 (Thủ Đức bây giờ) thì thấy bài học duy ý chí là gì. Hoang lạnh như chùa bà đanh dù ngân sách đã đổ vào đó cả nghìn tỉ.
Một thành phố lớn có thể có 2 sân bay, Bangkok bên Thái Lan, London bên Anh chẳng hạn, nhưng ít ra nó cũng cách nhau gần trăm cây số. Đằng này dúi 3 sân bay vào một tam giác bé cỏn con, chả biết các ông bà ấy quy hoạch kiểu gì.
Điều cần làm nhất là mở rộng trở lại sân bay TSN, trả cái sân gôn bí hiểm cho nó, nếu không được 350ha như cũ thì ít nhất cũng giải tỏa sự bế tắc chật chội hiện nay, nâng được vài chục phần trăm công suất, thì lại không chịu làm, quốc hội không chịu bàn, chỉ bàn tới bàn lui những thứ vớ vẩn.
Biên Hòa mà thành sân bay dân sự, khi có Long Thành rồi, chắc khách của sân bay lưỡng dụng chỉ loanh quanh ở thành phố loại 2 này thôi.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét