Trang

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Vàng, ngân hàng và kinh tế thị trường có đuôi

Chờ mãi chờ mãi, chả thấy các nhà kinh tế, những đấng bậc giáo sư tiến sĩ, những chuyên gia tài chính ngân hàng lên tiếng vạch vòi bản chất của vụ giá vàng ầm ầm lên đỉnh hôm 27.12. Thực ra cũng có đôi lời phân tích này nọ nhưng chủ yếu là ve vuốt, bênh cho cách điều hành của các đương sự chịu trách nhiệm về mảng ngân hàng, tài chính, rằng thì là mà thế này, rằng thì là mà thế nọ.

Cách nay gần nửa tháng, ngày 26.12.2023, giá vàng vọt lên hơn 79 triệu đồng/lượng. Sáng hôm sau, được đà, vàng đắc chí vượt luôn mức 80 triệu, điều chưa từng thấy trong lịch sử xứ này kể từ khi có… vàng. Kẻ mua người bán tấp nập, có người còn bảo mốc 100 triệu không xa, lại thêm người nhắc có ông lớn bảo vàng trong dân còn nhiều lắm, hơn 500 tấn cơ, lại có người thủng thẳng nhà nước thiếu gì tiền mua vàng, cả tỉ mỗi lượng cũng chấp, bằng chứng là mọi giao dịch đều tinh tiền mệnh giá 500 nghìn mới cứng, in dễ ợt, v.v..

Coi mòi không ổn, ngày 27.12, người đứng đầu chính phủ chỉ thị Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá trong nước và quốc tế ở mức cao. Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến thế giới và trong nước, không chấp nhận kiểu giá chênh lệch vô lý…

Ngày 3.1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú dứt khoát "giá thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được”, nhưng lại đổ cho nguyên nhân khách quan, “nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua". Tuy nhiên, ông phó cũng khẳng định Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như mấy ngày qua…

Điểm lại chút ít như vậy để thấy rằng cả ông Chính ông Tú cũng như nhà nước hiện tại thấy sự chênh lệch giá vàng giữa VN và thế giới là điều không thể chấp nhận, thậm vô lý, hoàn toàn không theo quy luật kinh tế thị trường. Nói trắng ra, nó chính là kết quả không thể tránh khỏi của tư duy quản lý bao cấp, độc quyền, bảo thủ vẫn tồn tại tới bây giờ. Nó là biểu hiện rõ nhất của thứ kinh tế thị trường có đuôi, nửa nạc nửa mỡ, mà nhẽ ra phải dứt khoát cắt bỏ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” ấy.

Ngay cả việc ông Chính ra lệnh, rồi lập tức giá vàng tụt xuống, cũng chẳng hay ho gì. Quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính chứ không bằng quy luật kinh tế thì dĩ nhiên kết quả chỉ nhất thời, một sớm một chiều. Xứ này đã bị biết bao bài học xương máu, tàn hại, lụn bại, đau đớn từ kiểu kinh tế mệnh lệnh ấy, nhưng họ chưa tỉnh.

Rất nhiều năm qua, giá vàng trong nước luôn lệch, cao hơn giá vàng thế giới. Cũng đã không ít người tử tế lên tiếng về tình trạng “một mình một chợ”, về cái gọi là “Việt Nam làm được những điều thế giới không làm được” như lời ông bộ trưởng 4T từng ca ngợi, nhưng nhà cai trị luôn bỏ ngoài tai. Thậm chí còn có những “trung thần” lên tiếng dạy dỗ rằng không biết gì về quản lý kinh tế, về tài chính ngân hàng thì đừng có ý kiến ý cò, đừng xía vào chuyện của người ta, có giỏi thì đứng ra làm, giá cao chênh lệch như thế thì mới tránh được bệnh chảy máu vàng, chảy máu ngoại tệ, cao như thế là đúng rồi, v.v.. Nay cả thủ tướng lẫn ông phó thống đốc “không chấp nhận” sự vô lý ấy, vậy nhưng chả thấy họ dạy dỗ, chê cười hai ông gì cả. Rõ cái thói đời “phù thịnh chứ ai phù suy”, phù người có chức quyền chứ ai phù kẻ dân thường.

Chính sách “một mình một chợ” với vàng trong nước luôn cao hơn giá quốc tế đâu phải mới diễn ra gần đây, mà đã qua nhiều đời thống đốc ngân hàng, ít ra cũng từ đời ông Nguyễn Văn Giàu, rồi Nguyễn Văn Bình (Bình ruồi), Lê Minh Hưng, tới bà Nguyễn Thị Hồng đương nhiệm. Các vị ấy là chuyên gia, thủ lĩnh về ngân hàng nhưng đều nhắm mắt bịt tai, hoặc cố ý duy trì “sự không thể chấp nhận”. Nay thủ tướng chỉ ra bản chất vấn đề giá vàng, chẳng biết họ có chịu tiếp thu, nhận ra mà sửa sai, để vàng về với kinh tế thị trường, đoạn tuyệt với kinh tế tập trung, chỉ đạo.

Suốt bao nhiêu năm, giá vàng trong nước cao hơn hẳn giá trên thị trường thế giới, cụ thể nói đâu xa, ở láng giềng Campuchia. Những vụ buôn lậu vàng từ Cam về VN, trong đó có vụ Mười Tường, chẳng qua cũng từ chính sách này mà ra. Xử gốc không xử, tinh dững xử ngọn.

Lò chống tham nhũng, tiêu cực từng lôi cả nguyên cả cựu ra đốt, chả nhẽ nguyên cựu của mảng tài chính, ngân hàng thì được ưu tiên, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Thay vì để kinh tế thị trường ở vị trí đầu tàu như hiện nay, nên để chủ nghĩa xã hội làm đầu tàu định hướng, và đưa kinh tía thị trường xuống vị trí cái đuôi

    Trả lờiXóa