Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Bạn thời xa lắc Vũ Quang Vinh

Một người bạn từ khi ra trường sống ở thủ đô vừa báo tin, y bảo Vũ Quang Vinh, Vinh cận K18 mất rồi mày ạ. Tôi hỏi khi nào, y nói hôm 11.8. Nay 13.8, tức đã 2 ngày.

Thiên hạ cứ bảo nhau khuyên nhau “cái quan định luận” (đợi đậy nắp hòm áo quan rồi hãy đánh giá về người chết nằm trong đó), chứ với Vũ Quang Vinh, tôi chả cần đợi cái đợi kiếc gì. Vinh hồi còn sống là một trong số ít người mà tôi rất kính nể cả tài lẫn đức, mặc dù chơi với nhau chả thân lắm, thú thực vậy.
Học chung trường chung khoa, cùng chui qua cái cổng khu Mễ Trì (chung cổng nên được gọi là đồng môn, chứ không phải như ai đó giải thích cùng môn học), tôi biết Vũ Quang Vinh từ năm 1973, học trước Vinh một khóa. Nhưng phải nói K18 của Vinh văn khoa Tổng hợp cả văn lẫn ngữ lẫn Hán Nôm quá nhiều người tài giỏi, thành đạt, thành danh. Đó là khóa đầu tiên sau khi “miền Bắc mỉm cười đã im tiếng bom rơi”, những Cao Vũ Trân, Nguyễn Ngọc Quang, Trần Chiến, Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Hùng Vỹ, Vũ Quang Vinh, Quốc Phong, Đỗ Chỉnh… để lại nhiều tiếng tốt, niềm hãnh diện cho khoa (nhóm đàn bà thì tôi không rành nhưng nghe kể cũng nhiều người giỏi).

Hơn nửa thế kỷ, vẫn nhớ cái dáng thư sinh thanh thoát của Vinh, đặc biệt là cận thị với cặp mắt kính dày cộp, mà một đứa lớp tôi bảo rằng tao chưa thấy ai cận như nó, cận lòi con mắt. Một lần ở Sài Gòn, tôi tò mò hỏi về độ cận, Vinh cười, có 9 đi ốp chứ bao nhiêu. Cứ mỗi lần thấy trên tivi có diễn viên Đức Khuê, bất giác lại nghĩ tay này là em hoặc cháu Vinh.

Nho nhã, thông minh, hiền lành, luôn tươi cười, rất nhỏ nhẹ, Vinh đủ chất trai Hà Nội, Hà Nội gốc. Nhà ở Hà Nội nhưng Vinh được tiêu chuẩn ngụ KTX, hình như do cận nặng, ở chung phòng với anh Nguyễn Ngọc Quang một “tay chơi” đất Phòng chuyên diện quần ta nâu, đi guốc mộc. Phòng bác Quang cận ở tầng 1 (trệt) nhà C2 luôn đầy ắp tiếng cười.

Hồi sinh viên, Vinh yêu bạn gái cùng lớp, thuộc diện “cành vàng lá ngọc”, con một người nổi tiếng. Ai cũng trầm trồ, khen “đôi lứa xứng đôi” cực kỳ. Về sau không thành, nhiều người tiếc, nhưng biết làm sao.

Ra trường, Vinh chuyên nghiên cứu về sân khấu. Khi Nhà hát Tuổi trẻ ra đời năm 1979, Vinh được Giám đốc Hà Nhân và Phó giám đốc Phạm Thị Thành chiêu hiền đãi sĩ mời về. Vở “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ được dựng, khai phá con đường vinh quang của nhà hát, có công rất lớn của đạo diễn Thành và Vinh. Tiếp nữa, Vinh viết vở “Tấm Cám” và một số vở khác tạo cho đoàn Tuổi trẻ tiếng vang lừng lẫy. Hồi ấy, những năm thập niên 80, đoàn kịch nói Hà Nội (sau là Nhà hát kịch Hà Nội) gần như một mình một chợ, vậy mà Tuổi trẻ ra đời đã nhanh chóng chia thị phần sân khấu kịch khiến ai cũng lắc đầu lè lưỡi kính nể. Vũ Quang Vinh đã góp phần không nhỏ vào chiến tích ấy.

Thập niên 80, đoàn nghệ nào ở ngoài Bắc cũng muốn vào Sài Gòn diễn. Dễ sống, dễ kiếm tiền, có khi sáng đèn cả tháng. Đoàn kịch Tuổi trẻ nam tiến liên tục, vào là Vinh tranh thủ thăm anh Nguyễn Ngọc Quang (sau là Chủ nhiệm khoa Văn trường Tổng hợp TP.HCM) và ghé nhà tôi chơi, lần nào cũng cho vé đi xem. Gặp Vinh, ai cũng quý. Nghèo, chả có gì đãi bạn, bà xã tôi mời khách phương xa món chè bánh lọt. Vinh ghé sát kính cận ngó vào và cười bảo ăn gì giống con sâu, kinh quá. Cả chủ và khách cười nắc nẻ, quên cả cảnh nghèo.

Rồi cuộc mưu sinh vất vả, ai cũng bận rộn, ít liên lạc, bặt tin nhau. Đôi lúc hỏi thăm qua bạn bè, vài lần gặp gỡ hiếm hoi, đôi lần điện thoại, biết nhau vẫn ổn là mừng. Còn lần này thì Vinh làm chuyến du hành về cõi xa xăm, đi xa, xa mãi. Thầy Nguyễn Trường Lịch từng dạy tụi mình câu của Maia viết về Esenin “Bạn đã đi, như người ta nói, sang thế giới bên kia”, chắc Vinh vẫn nhớ. Đi nhé.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét