Huy Đức, tức Trương Huy San (tên cúng cơm, hồi xưa tên thật của người nào đó, nhất là tên theo giấy khai sinh, thì gọi là tên cúng cơm, chứ không phải để chỉ người đã chết), tức Osin - một biệt ngữ lừng danh, thậm chí nổi tiếng hơn cả bút danh làm nghề và tên thật.
Những người/kẻ ghét Huy Đức cũng không thiếu, vì lý do nào đó, họ đặt cho đương sự cái tên xấu để thỏa bụng thù hằn của mình, chẳng hạn San hô, Đức vẩu. Tất nhiên, người bị đặt tên chả vì thế mà kém cỏi đi.
Nhưng gì thì gì, Huy Đức là một nhà báo, ký giả tài năng, thậm chí không ít người cho rằng làm báo giỏi nhất xứ này. Kể ra tìm một nhà báo giỏi nước ta thời hiện đại cũng không khó, kiểu như Thép Mới, Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Sơn Tùng, Trần Đình Vân, Xuân Ba, Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự), Hữu Ước…, tinh dững đấng bậc, nhưng hình như sự so cứ khập khiễng sao sao ấy, bởi cái giỏi, tài năng của những vị đó xét cho cùng vẫn là dạng “chim hót trong lồng”, múa tay trong bị, kiểu như “anh muốn đảng gọi anh đến nơi/hội ý về cuộc sống/điều động anh vào bộ tâm hồn quần chúng/giúp trung ương xây dựng những con người” (Lê Đạt). Vùng vẫy mấy cũng không thoát được đảng, vòng kim cô, chỉ như gã Tôn Ngộ Không phò Đường Tăng mà thôi.
Huy Đức thì khác. Chả riêng tôi nhận xét vậy. Tuy trưởng thành trong cái lò chung ấy, nhưng Huy Đức đã vụt thoát được khỏi những trói buộc, ngay cả những lúc bị trói buộc kiềm chế nhất, để tạo ra chỗ đứng riêng mình, không lẫn với ai, chung bàn với ai. Và cao hơn. Rõ nhất là tác phẩm để đời “Bên thắng cuộc”. Ngay cái tên gọi cho bộ đôi tác phẩm gồm 2 phần “Giải phóng” và “Quyền bính” này đã trở thành thứ thuật ngữ, từ ngữ phổ thông cô đọng hàm súc trong tiếng Việt hiện đại. “Bên thắng cuộc” là từ được dùng để nói về lịch sử, con người, đất nước, phe phái, chế độ, bi hài kịch, những lộ liễu và ẩn sâu… từng xảy ra ở nước ta. Trộm nghĩ, các nhà ngôn ngữ, sau này có làm từ điển tiếng Việt, kiểu như từ điển Oxford hoặc từ điển La Rous luôn được bổ sung từ ngữ mới, nên có hẳn mục từ “bên thắng cuộc” và biên rõ người tạo ra nó là nhà báo Huy Đức. Cũng như cụm từ “vang bóng một thời”, cứ nhắc tới là thiên hạ nghĩ ngay đến nhà văn Nguyễn Tuân vậy.
Điều may mắn, trên FB tôi viết và đăng bài “Huy Đức” kỳ 1 lên khi tin tức về anh ấy rất mù mờ, hư hư thực thực, nửa tin nửa ngờ sau cái tút ngắn gọn của siêu tin Lê Nguyễn Hương Trà. Trà đồng nghiệp nhưng tôi không dám so mình với cổ, nhất là tài kiếm tin. Ngang ngửa với Trà, trong các nhà báo thực sự có nhẽ chỉ Huy Đức. Lạ, cứ mỗi lần đọc tút của Trà, tôi lại liên tưởng tới cô bé Hương Trà 11 - 12 tuổi, hát bài “Chú ếch con” với dàn giao hưởng thiếu nhi Ý hồi thập niên 90. Đều thông minh, láu lỉnh, hơn người.
Nói may, bởi viết về đương sự Osin sau khi công an bố cáo lý do bắt sẽ dễ bị “quy” là ăn theo, té nước theo mưa, dựa dẫm người nổi tiếng, đu trent, liều... Sau khi đọc Trà tối 1.6, thầm nghĩ có khi Trà nhầm (dù vẫn biết Trà không bao giờ nhầm) chứ bắt ai lại bắt Huy Đức. Bắt Osin thì người nào cũng có thể bị bắt, bởi làm điều tốt. Lại vẩn vơ, hay không phải vậy, mà y đi đâu đó không nói cho bạn bè gia đình biết.
Chiều nay 9.6, đọc được bài, nhà cháu cho là hay tuyệt, hay không thể tả, của phụ nữ, cô giáo Nguyễn Thị Tịnh Thy, nói về Huy Đức. Đám đàn ông nên cảm thấy xấu hổ trước cô Thy. Sao lại có người tài giỏi, đức tâm, bản lĩnh, sâu sắc đến thế. Có nghe nói cô người Huế, bà xã của một quan báo một tờ báo to. Ai muốn đọc, vào đây, https://www.facebook.com/tinhthy.nguyenthi/posts/pfbid0mXResy1voPwBzB1NY24v3bdznphsz7QrPM69fWCnzPZ47XnoRwn4UDuVr1cYo51ul.
Có nhẽ cô giáo Thy nói hết rồi, tôi chả cần thêm gì “nghiêm trọng” nữa, vậy chỉ rủ rỉ rù rì kể lại những chuyện về Huy Đức Osin mà chính mình biết, mình là “người trong cuộc” trải qua thôi.
Một sáng tháng 11.2014, chị Nguyễn Thế Thanh nhắn tôi có rảnh thì ghé chung cư Vĩnh Viễn, quận 10 chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm buổi trao nhà cho bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà. Gì chứ tham gia vào việc nghĩa của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do Osin Huy Đức chủ trương thì chả có chi phải chần chừ nấn ná. Tôi thu xếp tới, bác Duy đã ở đấy rồi, có cả chị Thế Thanh, anh Huy Đức, bác Đỗ Thái Bình, bác chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nhà báo Viễn Sự… Phải kể ra như thế bởi đó là những con người dũng cảm lúc bấy giờ. Khi tôi đến tầng trệt chung cư, nhác thấy từ lối vào cho tới cầu thang khá nhiều người vẻ rất nghiêm cẩn, mặt khó đăm đăm, nhìn soi mói, hỏi đi đâu, có phải lên chỗ Nhịp cầu Hoàng Sa trao nhà cho bà Thà không. Tôi đoán ngay họ là ai, họ đang làm nhiệm vụ. Dính vào họ rất phiền phức. Nhưng các anh chị ấy cứ đến, bất chấp sự phiền. Bác Duy thắp hương trên bàn thờ trung tá hy sinh bảo vệ Hoàng Sa rất kính cẩn, lần lượt các bác Lâm, Bình, chị Thanh, Osin, Viễn Sự…Bác Duy bảo tôi, em ạ, Huy Đức nó làm được những việc thế này là quý lắm, quý vô cùng, không mấy ai được như nó đâu, dám làm như nó đâu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét