Trang

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Vàng, lại nói về vàng

Ở xứ này, bất cứ thứ gì đều có thể làm con người phát điên. Chẳng hạn vàng.

Nói chi thì nói, vàng chỉ là hàng hóa, dù có được xem như loại hàng đặc biệt đi chăng nữa, nó vẫn là hàng hóa. Chính những nhà quản lý kinh tế với tư duy quản trị quá lỗi thời đã biến vàng từ hàng hóa vật chất thành thứ phi vật chất, từ giá trị thực thành giá trị ảo.

Do không thực thi kinh tế thị trường đúng nghĩa (mặc dù nhà cai trị luôn kêu gào các nước công nhận nền kinh tế xứ này là kinh tế thị trường) nên có những việc nhẽ ra chỉ cần xử lý rất đơn giản thì các ông bà ấy vẽ ra đủ trò, đủ cách vớ vẩn nhố nhăng, không theo bất cứ quy tắc nào. Thích là nhích. Chính sách đi từ thất bại này đến thất bại khác, còn dân thì lãnh đủ. Vàng là ví dụ cụ thể.

Vàng tăng giá, có lúc vọt cao hơn mặt bằng giá thế giới, nói đâu xa so với ngay Campuchia, Lào sát nách, tới 20 triệu đồng/lượng. Cả một hệ thống, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước với hàng vạn cái đầu bác học và trình độ cao cấp chính trị đã loay hoay chống đỡ, múa tay trong bị. Nào tổ chức đấu thầu (thực ra là đấu giá bán vàng) thất bại. Nào độc quyền chỉ cho phép 4 ngân hàng nhà nước và công ty SJC được bán vàng do nhà nước bổ xuống khiến dân phải rồng rắn xếp hàng còn hơn thời bao cấp. Nào là đưa ra những quy định kiểu chuyên chính vô sản buộc mua bán vàng phải có hóa đơn chứng từ, phải khai báo điện tử để dễ quản lý, chỉ được mua bao nhiêu. Nào lôi cả công an cảnh sát vào cuộc để buộc người mua bán, kinh doanh vàng phải sợ… Tất cả chỉ lòi ra sự ngu dốt của đám được giao quản lý thị trường này, mặt hàng này.

Vấn đề mấu chốt là kẻ cầm quyền vẫn quản lý kinh tế theo kiểu đã tồn tại cách nay hơn nửa thế kỷ, theo suy nghĩ chủ quan áp đặt, theo kiểu độc đoán, bất chấp quy luật kinh tế. Vẫn thực hành cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, kinh tế nhà nước là chủ đạo. Chỗ nào, thứ gì họ cũng cứ phải thò vào, dí mũi vào, bất cần hay dở đúng sai.

Họ lên giọng đao to búa lớn, nói rằng phải siết như thế để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tích trữ. Chính họ tạo ra giá chênh lệch nên mới có đầu cơ chứ cứ để vàng tồn tại đúng bản chất hàng hóa, như lúa gạo, sắt thép… thì ai thèm đầu cơ làm gì. Kẻ đầu cơ chỉ lợi dụng chính sách quản lý vớ vẩn có lợi cho chúng, hàng hóa thiếu thốn, giá cả chênh lệch, chứ trong điều kiện bình thường mà đầu cơ sẽ cầm chắc thất bại, ngu gì thực hiện. Sao các vị không lo người ta đầu cơ tích trữ gạo, vải vóc, xi măng… mà lại chỉ với vàng? Câu trả lời quá đơn giản, vấn đề là có định giải đáp hay không.

Ban hành chính sách ngu, thức hiện chính sách cũng ngu, cuối cùng mọi gánh chịu đều đổ hết cả lên đầu dân. Lại còn ra vẻ thương dân vất vả xếp hàng mua vàng.

Ông thủ tướng nên cử ngay người sang Campuchia, Lào xem họ có vất vả về vàng như bên ta không, có “bắt” dân chen chúc xếp hàng từ nửa đêm sáng sớm để mua được lượng vàng không, giá vàng của họ có sát giá thế giới không. Cứ rao giảng một là hai là ba là mãi, có tí việc cỏn con ấy không xử lý dứt điểm được thì đừng mơ “xông lên đoạt trời”. Hãy cách chức ngay bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng, để ngứa mắt tốn cơm. Hãy mau chóng trả vàng về đời sống hàng hóa. Hãy vứt mẹ cái đuôi lòng thòng đi để kinh tế xứ này thực sự là kinh tế thị trường. Tôi bảo thật.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét