Trang

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Thừa

Rất nhiều người Việt, kể cả những lãnh đạo cấp cao, cả những người làm luật, những người chuyên nghề soạn văn bản của nhà nước, lại là người không rành tiếng Việt, không biết dùng chính xác tiếng mẹ đẻ.

Tôi lấy 2 ví dụ rất phổ biến trên báo chí truyền thông, trong các văn bản mang tính quốc gia (tức đã được cơ quan cao nhất là quốc hội duyệt, thông qua) dùng sai tới mức người ta không biết sai, cứ tưởng đúng, hoặc biết sai nhưng ngại nói ra (với tâm lý nói ra cũng chả thay đổi được gì, ai thèm nghe).

Trước hết, trong những thông tin về pháp luật, ta thường nghe/đọc cụm từ "tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" mỗi khi có cán bộ bị xử lý kỷ luật. Cụm từ này không phải do báo chí tự đặt ra, mà được trích từ điều 356 và 357 Bộ luật Hình sự (năm 2015, vẫn còn hiệu lực). Trong 2 điều đó, đều có cụm từ nói trên, "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tôi muốn hỏi quốc hội, hỏi những bộ óc sừng sỏ đã soạn luật này, thông qua luật này: "Trong khi" và "khi" có gì khác nhau? Nếu "trong khi" và "khi" chỉ cùng một nghĩa, hàm chứa một nội dung, không thay đổi bản chất vấn đề thì tại sao lại phải rườm rà thêm "trong" làm gì? Bản thân chữ "khi" đã hàm chứa cả "trong" rồi. Ta vẫn quen nghe "Khi thành phố lên đèn, khi người ta trẻ" chứ có ai "Trong khi thành phố lên đèn, trong khi người ta trẻ" bao giờ.

Ai phản biện chỉ ra được việc thêm chữ "trong" vào sẽ hay hơn nếu chỉ dùng "khi", nghe lọt tai, tôi xin bái làm sư phụ về ngôn ngữ. Riêng tôi, cụm từ ấy trong luật chỉ cần là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ", còn chữ "trong" thừa, bởi nó rất vô duyên, chỉ làm lời văn thêm rườm rà, rắc rối.

Xin thưa với quốc hội, với các nhà soạn luật, nếu lời nói sinh hoạt hằng ngày, người ta có thêm thắt bao nhiêu từ ngữ thừa thãi, rườm rà chăng nữa thì thiên hạ vẫn tặc lưỡi chấp nhận, bỏ qua. Nhưng luật, nhất là của quốc gia chứ không phải khoán ước hương thôn, lệ làng, thì phải thật chặt chẽ, cô đọng, gọn gàng, một từ một chữ cũng không được thừa. Nếu nhận ra nó thừa, vô tác dụng thì phải bỏ. Luật, chứ không phải văn miêu tả của trẻ con học cấp 1.

Trường hợp thứ nhì, tôi muốn nói tới cụm từ "thủ tướng chính phủ". Cụm từ này có tần suất sử dụng rất nhiều, ngày nào ta cũng đọc, cũng nghe qua báo đài nhà nước. Cứ dùng mãi thành quen, rồi chấp nhận, mà không thấy có thứ rất thừa.

Gần như ai cũng hiểu cũng biết, đã nói tới "thủ tướng" tức là tới người đứng đầu chính phủ - cơ quan hành pháp. Trong bộ máy cai trị quốc gia có các cơ quan: lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ, có thời VN bắt chước Liên Xô và nhiều nước phe xã hội chủ nghĩa gọi nó là hội đồng bộ trưởng) và tư pháp (tòa án, viện kiểm sát). Đó là 3 cơ quan quyền lực tối cao. Buồn cười, một dạo báo chí chả biết tự xưng hay được ông kẹ nào phong cho thành quyền lực thứ 4, rất ảo tưởng. Ăn theo nói leo thì quyền lực quái gì.

Làm gì có thủ tướng quốc hội, thủ tướng nhà nước, thủ tướng tòa án, mà cứ phải khăng khăng "thủ tướng chính phủ". Còn cái gọi là "tứ trụ", trong đó có chủ tịch nước, thú thực tôi cũng không hiểu nó là thứ quyền chi trong "tam quyền phân lập", mà chỉ vài quốc gia mới có kiểu lằng nhằng như vậy.

Lại nói "thủ tướng", chỉ cần vậy là người ta hiểu nói về chính phủ, người đứng đầu chính phủ. Nói/viết "thủ tướng" đã quá gọn, đủ, rõ, cần chi phải rườm rà "thủ tướng chính phủ" cho tốn giấy tốn mực, tốn công, tốn nước bọt.

Cần mở rộng thêm, ở một số quốc gia có các bang, như nước Đức chẳng hạn, bộ máy hành chính bang cũng tương tự bộ máy quốc gia, chỉ khác là nhỏ hơn, thấp hơn, vẫn có thủ tướng bang. Ở Đức, ngoài thủ tướng chính phủ, có nhiều thủ tướng bang. Nếu họ nói/viết "thủ tướng chính phủ Olaf Scholz" thì không thừa chút nào, bởi để phân biệt với các thủ tướng bang (cầm đầu chính quyền địa phương). Còn ở VN, chỉ duy nhất thủ tướng, đâu sợ nhầm lẫn mà cứ phải "thủ tướng chính phủ" cho rườm rà, rắc rối. Vị nào mà giải nghĩa mở được óc u tối của tôi về trường hợp này, tôi cũng xin bái làm sư phụ.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét