Trang

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Vụn về Hưng Yên (kỳ 9, cuối)

Cuốn “Nhãn đầu mùa” viết về cái gì mà đến nỗi hai tác giả Xuân Tùng - Trần Thanh bị đánh lên bờ xuống ruộng? Đọc nó lâu lắm rồi, từ đầu thập niên 60 tới giờ đã hơn 60 năm, tôi không còn nhớ chi tiết nữa, nhưng vẫn mang máng rằng “Nhãn đầu mùa” là chuyện về cuộc chiến đấu chống Pháp ở Hưng Yên. Nơi này có đội nữ du kích Hoàng Ngân (bà Ngân là cán bộ phụ nữ, bị quân Pháp bắt, quyết không khai, chịu xử bắn. Sau khi bà Ngân mất, đội du kích nữ ở Hưng Yên lấy tên bà đặt cho đội) chiến công lẫy lừng, giặc cũng phải khiếp sợ. Hưng Yên thời Pháp có bà Hoàng Ngân, Hải Dương có bà Mạc Thị Bưởi (giờ ngay trung tâm Sài Gòn, quận 1, nối với đường Đồng Khởi có đường Mạc Thị Bưởi, nghe đâu giá đất chục tỉ mỗi mét vuông), Thái Bình có bà Nguyễn Thị Chiên “tay không bắt giặc”…

Cùng sát cánh chiến đấu với đội nữ Hoàng Ngân là một đơn vị bộ đội vệ quốc, tất nhiên đàn ông. Cứ có đàn ông đàn bà, lại trẻ nữa, là sinh chuyện. Yêu nhau, để ý nhau, hẹn hò, tỏ tình.Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Yêu nhau đâu có tội. Trong chiến tranh, tình yêu thường đẹp đẽ và bi thương. Ông Nguyễn Đình Thi chả viết “Anh yêu em/Và yêu khẩu súng trường trên vai em” là gì. Các tác giả “Nhãn đầu mùa” kể về mối tình như vậy. Nói thật, chuyện của cô du kích Tý với anh bộ đội, chỗ tả mùi mẫn nhất cũng chỉ là cái hôn nhè nhẹ lên… trán, là ôm nhau thấy bộ ngực nóng bỏng phập phồng, rạo rực rạo rực. Chỉ tả bạo đến thế thôi, bọn trẻ bây giờ mà đọc lại chẳng lăn ra cười, tưởng “trái cấm” thế nào, chứ văn chương bây giờ đầy thứ gấp tỉ lần, còn đưa vào cả sách giáo khoa cho trẻ con học nữa, gọi là giáo dục giới tính.

Nhưng thời cách nay nửa thế kỷ trở về trước, yêu đương là điều cấm kỵ, cả trong đời lẫn trên mặt giấy. Cấm, cấm tiệt. Không yêu iếc gì sất, tất cả trái tim khối óc phải dành cho cuộc cách mạng, chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không được riêng tư, yếu đuối, ủy mị, tình cảm trai gái. Yêu nhau quấn quít nhau thì lấy ai ra trận, người cầm súng ngoài chiến trường làm sao “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ngọt ngào nhớ thương thì làm sao đánh giặc, yên tâm về người ở hậu phương; người ở lại yên tâm chờ chồng, đảm đang gánh vác việc HTX, việc nhà… Cứ cấm tiệt, trước hết trong văn nghệ. Có yêu nhau cũng phải “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người mà em yêu”, v.v..

Tất cả những cuốn truyện bị cấm mà tôi đã kể ở kỳ trước đều có số phận na ná như “Nhãn đầu mùa”. Đảng, tuyên giáo không cấm yêu nhưng suốt thời gian dài không cho phép thể hiện tình yêu trai gái trong tác phẩm văn học. Những “Hai trận tuyến”, “Mùa hoa dẻ”, “Sắp cưới”, “Đi bước nữa”, “Phá vây”… cùng chịu chung số phận khi kể chuyện trai gái yêu nhau. Yêu cũng phải đúng đường lối, kiểu “Yêu nhau ta hẹn cùng yêu nước/Xao xuyến lòng anh bao ý thơ” (Sóng Hồng), “Trái tim anh đó/Anh dành riêng cho đảng phần nhiều/Phần cho thơ và phần để em yêu” (Tố Hữu). “Nhãn đầu mùa” bị lên đoạn đầu đài là do vậy, chứ chả có gì ghê gớm, lại càng không phải phản động, thù địch.

Hồi giữa năm nay, cu cháu tôi ấn tôi lên xe, bảo cháu chở bác sang chơi Ecopark. Chỗ ấy tôi cũng từng đôi lần ghé. Đó là vùng đất đẹp của Hưng Yên. Quê nhãn đương mùa, hương nhãn ngọt ngào thoang thoảng, như từng cảm thấy trên tóc ai. Nhưng cứ nghĩ tới đô thị hiện đại đó là không dứt ra được sự rùng mình nhớ lại cuộc đàn áp những người dân Văn Giang, chủ nhân bao đời của ruộng vườn, đất đai trù mật, bỗng dưng bị giải tỏa để chính quyền trao đất vào tay đại gia. Dù cuộc chiếm đoạt mang danh nghĩa thay đổi để phát triển, nhưng cứ nghĩ tới cảnh người nông dân giang hai tay hai chân ôm đất, bị sai nha tới bắt khiêng đi, lại ngậm ngùi cái cảnh anh Pha trong cuốn “Bước đường cùng” ngày xưa. Giờ thì chuyện đã nhạt, người ta quên rồi, chỉ còn một Ecopark Văn Giang huy hoàng tráng lệ. Tất nhiên người ngụ ở đó hầu hết không phải nông dân Văn Giang, Hưng Yên. Lại nhớ câu văn xưa “Đất hỡi, ngươi ăn gì mà quá khát/Sao uống nhiều nước mắt, máu tươi”.

Nhắc về Hưng Yên mà không có đôi lời về bạn bè, quả không nên không phải. Nói theo kiểu của cụ Nguyên Ngọc “các bạn tôi trên ấy”, ở đất Hưng Yên tôi được quen, học chung, yêu mến nhiều bạn tốt, những người giỏi giang, tài hoa, tốt bụng, xinh đẹp. Ra trường, xa nhau đã mém nửa thế kỷ, vậy nhưng những gương mặt thân yêu thời hoa niên vẫn cứ như nguyên. Các bạn Lê Hồng Tư (về Đài tiếng nói VN), Đoàn Văn Tuyến (Báo Hưng Yên, Đài PT-TH Hưng Yên), Cao Dung Hòa (ĐH sư phạm Hưng Yên), Lê Thanh Nga (NXB Kim Đồng), rồi cả các bạn tỉnh Hải Hưng một thời với Trần Hải Bình (Đài PT-TH Khánh Hòa), Đồng Văn Duyệt, Lãnh Thị Mẫn, Đỗ Quyết Tâm, Lê Ngọc Tân (Tân loe)… Người còn kẻ mất, đã chấp chới mép tuổi trời, nhưng cái tình đèn sách, chung thầy học đạo vẫn đậm tới bây giờ. Nhớ các bạn tôi nơi ấy.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét