Trang

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Chống lãng phí: Có chống được không? (kỳ 5)

Điều thứ nhì, rất quan trọng trong công cuộc “chống lãng phí” là dẹp bệnh hình thức. Không thấy ông Tô Lâm nhắc tới.
 
Dân và doanh nghiệp làm ra tiền, nhà nước bán tài nguyên ra tiền, đem giao tiền ấy vào tay mấy ông miệng nói tiết kiệm, tay vung phung phí, khác nào gửi trứng cho ác.

Ở một nước còn nghèo, ngân sách eo hẹp cạn kiệt, phần lớn dân chúng dạng thu nhập thấp như xứ ta, thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Quan chức nhà nước, bộ máy nhà nước phải làm gương tiết kiệm để trước hết không lãng phí ngân sách, thứ hai là để dân noi theo.

Bớt ngay, bớt triệt để tình trạng khẩu hiệu cờ quạt hoa hoét tràn lan. Đừng dẫm vào vết "Lọng cắm rợp trời quan sứ đến/Váy lê quét đất mụ đầm ra" như hồi xưa nữa, chướng mắt lắm. Băng rôn, cờ xí khẩu hiệu chăng đầy đường. Tôi hỏi các ông, có khi nào các ông vừa chạy xe vừa đọc nội dung những câu khẩu hiệu chăng ngang đường không. Loạng quạng, ngã bỏ mẹ. Tôi từng thấy một câu khẩu hiệu chăng ngang đường ở quận 8 (Sài Gòn), tò mò dừng xe lại đếm được 68 chữ, nhỏ lít nhít, nội dung hô hào dân chúng tiết kiệm. Chuyện như đùa. Tôi muốn hỏi ban tuyên giáo, ai đọc, chả hạn các ông đi qua đó có nghển cổ lên đọc xong rồi mới đi tiếp không?

Đó là chưa nói phố phường sặc sỡ trông như cái sân khấu, đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhức mắt, mất vẻ mỹ quan. Tôi nhớ một người bạn tôi, anh Nguyễn Thế Khải (sếp công ty du lịch Hoàn Mỹ nổi tiếng) đi nước ngoài như đi chợ, từng đến trăm mấy chục nước, sinh thời (anh mất do dịch Covid năm 2021) có lần kể tôi nghe, rằng hầu như những nước anh đến, nhất là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Canada khắp phố phường gần như không có cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu; chạy xe trên xa lộ cao tốc hàng nghìn cây số bói không ra câu khẩu hiệu, mà chỉ có những biển chỉ dẫn, chỉ đường.

Có một dạo, hơn chục năm trước, để dẹp bệnh hình thức, tránh tốn kém phiền phức, hoa hòe hoa sói, ông Nguyễn Phú Trọng khi mới nhậm chức tổng bí thư yêu cầu trong những cuộc đi thăm và làm việc của ông, nơi ông đến, nơi ông làm việc không được căng băng rôn khẩu hiệu, không đón rước cờ quạt, không hoa hoét. Ông Trọng cũng đề nghị các đồng chí của ông làm như vậy. Sự gương mẫu của ngài tổng diễn ra được một thời gian ngắn, rồi hình như chính ông cũng chán, cũng quên, mà cũng chẳng thấy đồng chí nào ủng hộ, làm theo. Vẫn băng rôn cờ phướn rợp trời, đón rước linh đình.
 
Rất nhiều lần coi tivi tôi thấy ông Trọng tiếp khách, trong phòng tiếp vẫn trên giời dưới hoa, khiếp. Đừng bảo nghi lễ quốc gia, quan hệ quốc tế, sự mến khách, hoặc tạo đầu ra cho người trồng hoa, v.v.. thì phải vậy. Nói thẳng là đốt tiền, còn người trồng hoa "không mợ thì chợ vẫn đông", lo gì đầu ra cho sản phẩm mà cứ phải đốt vào trò hình thức lòe loẹt.
 
Cứ coi nơi quan chức đảng, nhà nước tiếp khách mà xem. Hoa hoét xanh đỏ tím vàng bày ngập tràn từ trên xuống dưới. Dường như cái bệnh hình thức lòe loẹt đã ăn thâm căn cố đế vào máu của họ rồi. Chả biết những vị khách nước ngoài được họ tiếp có sung sướng không hay lại cười thầm, chê cái thói trưởng giả học làm sang.
 
Nước người ta có tiếp tổng thống hoặc thủ tướng chả có món hoa hòe hoa sói thâm căn cố đế kiểu xứ này. Tôi nhận thấy, khi tiếp khách, dù là quốc khách, rất giản dị. Chính tivi ta phát chứ không phải thế lực thù địch dựng chuyện để so sánh nói xấu ta. Chỉ cái bàn với mấy cái ghế bình thường, ngồi trao đổi đại sự, cấm có hoa hoét cờ xí gì. Chả nhẽ cứ phải cờ đèn kèn trống hoa hoét cho nhiều thì mới là lịch sự, trang trọng hiếu khách? Xem những tấm ảnh, đoạn phim về nguyên thủ, lãnh đạo xứ người tiếp khách mà thấy ngược hẳn với mình. Còn nơi đâu giàu như Mỹ như Nhật, Na Uy, Thụy Điển, vậy mà cái bàn cái ghế cũng hết sức giản dị bình thường, chả cần hoa này bông nọ. Họ cốt ở cái thực chất, đâu màng tới phù hoa giả tạo. Cái tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Hội chợ phù hoa" của nhà văn người Anh William Thackeray nhẽ ra phải dành cho xứ An Nam này.

Nước nghèo, dân đói, nhưng sự xa hoa có thừa. Tôi không cực đoan đến mức xem thường bộ mặt quốc gia. Tiếp khách, nghi lễ, hội hè kỷ niệm, họp hành, tất nhiên cũng phải đạt sự đàng hoàng, long trọng nhất định. Còn quan trên trông xuống người ta trông vào nữa chứ. Nhưng các nhà cai trị xứ ta mắc cái bệnh thích ném tiền qua cửa sổ. Nói một đằng làm một nẻo. Miệng xoen xoét hô hào tiết kiệm, "tiết kiệm là quốc sách" nhưng xài tiền thì vô tội vạ. Ông nào cũng đòi nhà to sở đẹp, xe sang tiền tỉ, đến cái ghế ngồi cũng phải nhung lụa, phượng múa rồng bay. Hơn cả hoàng đế Trung Hoa. Năm nao cũng vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sơ kết, tổng kết, tìm gương điển hình, nhưng chính các ông bà ấy lại khăng khăng không học cụ. Cụ là điển hình về tiết kiệm, giản dị, không bày vẽ, từ căn nhà ở, chỗ ăn chỗ ngủ, nơi làm việc, cái ghế ngồi… Còn con cháu cụ bây giờ cứ làm ngược lại. Vậy thì học cụ ở chỗ nào? (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét