Trong một tút trước, tôi từng nói rằng từ “Chủ nhật” có nghĩa ngày của Chúa nên viết hoa chữ “Chủ” bởi chủ để chỉ Chúa. Về mặt ngữ nghĩa, đó là danh từ, cần viết hoa Chủ nhật, nhưng khi từ này đóng vai trò bổ nghĩa, như một tính từ, thì chỉ viết thường. Vậy nên tôi viết “Bàn trà chủ nhật”. Ngỏ vậy để tránh sự thắc mắc.
Bộ máy cầm quyền xứ này lâu nay phình to, rườm rà, cồng kềnh, thừa thãi, kém hiệu quả, thậm chí vô tích sự, tốn ngân sách… tồn tại ở mọi cấp, mọi hệ thống, có thể thấy rõ nhất ở trung ương. Chỉ trừ những người thờ ơ nhất, mũ ni che tai, kệ mẹ sự đời sao cũng được, thì hầu như ai cũng biết nó thế nào. Biết nhưng phần lớn không nói, bởi ngại không phải đầu cũng phải tai, vả lại sống ở đất này người ta hiểu nói cũng chẳng tác dụng gì.
Có được nhà cai trị (cầm quyền) biết lắng nghe dân, khó như tìm đường lên giời. Xưa nay đều vậy, ở đâu cũng vậy. Đặc biệt người cộng sản không thích sự phản biện do họ luôn cho mình là đúng, sáng suốt, trí tuệ, chân lý, không sai. Nếu có sai cũng chỉ do tình thế, hoàn cảnh, bất khả kháng, khách quan, tác động từ bên ngoài, thế lực thù địch. Tôi sống trong chế độ của họ từ bé tới giờ nên biết rõ, hiểu rõ điều ấy.
Nước ta đội ngũ trí thức, tức người có học, trình độ cao, hiểu sâu biết rộng… không ít. Đội ngũ người tài ấy, nếu có thiếu, chỉ thiếu cái dũng. Thiếu dũng nên an phận, trùm chăn, quỵ lụy xun xoe, nịnh nọt để tìm sự an. An cho bản thân và gia đình, còn lại kệ. Phản biện đối với số đông này là điều hoàn toàn xa lạ. Những trí thức được lôi lên tivi không phải trí thức đúng nghĩa mà chỉ như ca sĩ có nhiệm vụ tụng ca, khen ngợi. Tivi của nhà nước, họ là người nhà nước, vặn lên thì nói thôi. Vừa đáng trách, vừa đáng thương. Phận chim trong lồng, đừng mong gì cái tâm trạng “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán” ở trí thức xứ này.
Chuyện ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt sinh thời lập “nhóm thứ sáu” để lắng nghe những lời chân thành, hoặc vừa rồi ông Nguyễn Văn Nên tổ chức cuộc gặp những người lâu nay chính quyền khó chịu, mời họ góp ý đều là sự hiếm. Nhẽ ra những chuyện như thế phải là điều bình thường trong một xã hội dân sự, dân chủ.
Nhân tiện tôi nhắc luôn. Vừa rồi trên mạng xã hội (hệ truyền thông đại chúng, nhanh nhạy, nóng sốt nhất bây giờ) có xì xào cuộc họp giữa ông bí thư Nguyễn Văn Nên và các “trợ lý” với một số người - trí thức, văn nghệ sĩ hay lên tiếng trái chiều, phản biện, góp ý cho chính quyền. Gặp ở đâu, ngày nào, ai tổ chức… đều không rõ. Một vài nhân vật tham gia cuộc “hòa hợp” ấy biên chép lại cũng không nói rõ nên người đọc khá hoang mang. Về mặt thông tin, đây là điều tối kỵ, dễ khiến thiên hạ nghi ngờ, lăn tăn hư thực. Ông hàng xóm nhà tôi còn cười, hay chỉ là chuyện cũ từ hồi nảo hồi nào. Báo chí quốc doanh tịnh không một chữ (tôi hiểu điều này, thách kẹo cũng chả dám đăng, ít nhất đã có chỉ đạo từ cấp trên). Tự do báo chí xứ này là vậy. Cũng ông hàng xóm nhà tôi, nếu có cuộc gặp ấy thì tốt, đáng hoan nghênh, chấm điểm cho ông Nên.
Sự nghi ngờ được giải tỏa khi người trong cuộc, nhà thơ Hoàng Hưng viết trên FB kể rằng cuộc gặp diễn ra ngày 30.3 tại Sài Gòn. Đài RFA đưa tin và chính ông Hoàng Hưng xác nhận. Một số “nhân vật” khác được mời cũng đã xác nhận, như GS Mạc Văn Trang, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (bận, không dự được), nhà báo Lưu Trọng Văn…
Ông Nên thực hiện vụ này có thể theo ý cá nhân ông, như ông Kiệt từng làm, nhưng cũng có thể đã bàn bạc trao đổi xin ý kiến cấp trên nữa dù ông rất cao (trời vốn cao nhưng còn có trời cao hơn). Tổ chức (thời trước người ta dùng từ này để chỉ bộ máy lãnh đạo) chưa cho phép, nhất là về những việc nhạy cảm, thì trời cũng không dám làm. Dù gì đi chăng nữa, sự đột phá tháo điểm nghẽn của ông Nên là hành động dũng cảm, được lòng người, thu phục nhân tâm. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng dám gặp, dám nghe ý kiến “thế lực thù địch” đâu, ông hàng xóm nhà tôi bảo vậy. (còn tiếp)
Nguyễn Thông