Trang

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Chuyện cũ mà không cũ

Lời bạch:
Khuya qua, buồn ngủ mà chả ngủ được, trằn trọc mãi, khỉ thế. Với tay lên giá sách, gặp ngay cuốn truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, đọc vài truyện. Đến truyện Đào kép mới, thật khoái củ tỉ, bật cười thành tiếng. Vợ thức dậy bảo điên à. Ừ, đúng là điên, nhưng tự hỏi mình điên hay ai điên.
Vậy thì chép ra đây cho bà con thưởng thức giọng trào phúng đặc sản của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

ĐÀO KÉP MỚI
Nguyễn Công Hoan

Mới độ bảy giờ tối, ba ngọn đèn điện ở cửa rạp tuồng An Lạc đã bật lên. Cái trống dựng nghiêng ở chân tường đã bắt đầu rung những hồi inh ỏi.
Hiệu trống ấy, cứ một nhịp, kéo dài cho đến tận tám giờ, có khi tám giờ mười lăm, là lúc khai diễn.
Thỉnh thoảng, thằng bé con vừa nện tùng tùng, vừa uể oải giục:
- Các ông các bà, lấy vé vào mà xem, gần đến giờ rồi.
Đó là nó mời mấy ông nhỏ, mấy bà vú em, được dịp vắng chủ, ra đấy để "xã giao" với nhau.
Các ông, ông nào ông nấy tóc chải thật mượt, hoặc gài cái lược bằng dây thép uốn, bá vai nhau, vắt chân chéo khoeo, đứng ở trước cái bảng quảng cáo giấy vàng dán trên mặt liếp, để tập đánh vần quốc ngữ.
Các bà thì áo cánh cộc lụa mặc ra ngoài áo cánh cộc vải, kệ cho lũ trẻ đứa chạy tung tăng, đứa bò lổm ngổm, ngồi ở gần hàng nước, phàn nàn bà chủ nghiệt hoặc nói chuyện chồng bạc tình.
Rất ít người lấy vé vào coi hát.
Tiếng trống vẫn làm đinh tai.
Trong cái buồng hẹp ngay cạnh cửa, có lỗ tò vò bé cỏn con, trước cái bàn để sẵn ba bốn tập vé, bà chủ ngồi thừ mặt, vú vạch ra cho con bú.
Không còn gì buồn bằng cảnh ế hàng.
Trong rạp, từ bảy giờ rưỡi trở đi, ba chiếc quạt tây, buộc díu vào một dây kéo, đã bắt đầu hoạt động. Ghế các hạng, lác đác đã có một vài người ngồi. Ngọn gió nhân tạo không phẩy được tới những dãy ghế cuối cùng, cao lêu đêu, dãy ghế hạng năm xu mà người ngồi, đếm được gần bốn chục. Trong khi chờ, khán giả cười to, nói lớn, nhổ bậy, hoặc cãi nhau.
Nhưng bỗng một hồi chuông rung mạnh. Đèn phía trong sân khấu bật lên, làm rõ những mảnh sơn bong trên lớp vải màn mỏng bao nhiêu, thì làm mờ cái phong cảnh vẽ đi bấy nhiêu.
Trống, kèn, nhị, thanh la, tung ra những tiếng gắt gỏng.
Bỗng một cái đầu bóng thò ra ngoài màn sân khấu, ngơ ngác nhìn. Một nhịp cười dồn ở hàng ghế bét. Một hồi chuông rung ngắn nữa. Chiếc màn từ từ cút kít cuốn lên từng nấc: Cảnh triều đình.
Người ta suỵt. Người ta hét im. Nhưng ở cuối rạp, vẫn cười to, nói lớn, vẫn nhổ bậy, cãi nhau.
Vai vua gầy gò, ngồi trên cao, trước cái phông sơn thuỷ, vuốt bộ đuôi ngựa làm bức rèm mồm, nhìn hai dãy bá quan, hát những câu không ai nghe rõ. Bá quan nghiêm chỉnh, thỉnh thoảng sờ nạm râu anh em ruột với râu của vua, mắt liếc ngang liếc dọc, ra vẻ trịnh trọng.
Rồi một anh nhọ mõm, quần áo thâm, quỳ giữa sân khấu, bưng trên đầu cái đĩa bày bốn chiếc chén không. Vua giơ tay mời. Bá quan sáu người, thì bốn người đứng dậy, mỗi người cầm một chén, vạch râu, kề tay vào mồm, hắt cặn, rồi lại ngồi xuống.
Vua cười kha khả, phán:
- Giui! Giui quá đi mấc mà thôi!
Rồi cả bọn kép hát đứng dậy, đi bài tẩu mã. Tiếng kèn đưa cao, giọng hát hùng hồn vang nhịp, ăn theo với điệu bộ múa may. ở hàng ghế dưới, tiếng ồn ào đã hơi dịu.
Bỗng anh nhọ mõm ban nãy, ở trong buồng trò chạy ra, hớt hơ hớt hải. Anh vấp vào một vai quan, ngã lộn tùng phèo. Tiếng vỗ tay ran như tràng pháo, để thưởng cho anh kép hát pha trò đậm.
Ngã xong, anh kép đứng phắt dậy, đứng thật ngay, xoè năm ngón tay lên trán để chào kiểu nhà binh. Người ta lại cười.
Vua nói giọng Sài Gòn, phán hỏi:
- Chi mà bay giội giàng làm giậy, thằng kia?
- Dạ, thậm cấp, thậm cấp, chí nguy, chí nguy! Quân nước Phiên đã kéo đến Lâm Truy, cách kinh kỳ có ba ki lô mét!
- ải! ải!
Vua quát vậy, rồi với chiếc nậm gỗ, đập chan chát:
- ải ải! Nếu giậy, khổ dã châng khổ dã, nguy tai thị nguy tai! Cuộc chiếng tranh nếu cứ kéo dài, ta e nữa môộc mai dâng khổ. ớ này, bá quang!
- Dạ.
Rồi vua gò lưng, lắc đầu, lắc cổ, hét:
- Quâng Phiêng đã Lâm Truy kéo tới, làm giua tôi lại gặp buổi giang nang, trẫm truyền cho giăng giõ bá quang, xem ai có tài có gang ra giúp nước, hà!
Vừa dứt lời, hai anh kép mồm nhẵn thín, ngồi ngoài cùng, ban nãy trơ khấc không được đánh chén, vội đứng cả dậy, xắn áo thêu, xốc lại mũ, rồi múa may, uốn éo, làm bộ giương súng, cưỡi ngựa, vặn ôtô, nhảy xe đạp. Người xem hát cười rầm rầm. Hai anh lại nhảy xe đạp, vặn ôtô, cưỡi ngựa, giương súng một lượt nữa, đụng cả vào nhau, ngã nghiêng ngửa, cho đến tận lúc tiếng cười ngớt. Rồi trong rạp im phăng phắc. Một luồng gió, qua chỗ đi tiểu, đượm mùi cống, lọt vào cửa tò vò, làm cho cả rạp thấy thoang thoảng luồng không khí hăng hăng. Nhưng không ai để ý đến, người ta chăm chú nhìn và nghe hai anh kép đương phệnh phạo giở lối anh hùng rơm. Anh bên phải vươn cổ nói:
- Đã có tôi phò tá!
Anh bên trái, ngoác mồm tiếp:
- Lại có mỗ tá phò!
Rồi cả hai anh đồng thanh vừa hát vừa giơ tay:
- Xin Thánh thượng đừng lo.
Đoạn lại cùng vênh váo trỏ vào ngực mình:
- Đã có tôi... phò tá!
Dứt lời, hồi vỗ tay sao mà vang và lâu thế!
Thằng bé bán nước và lạc rang lách qua các chỗ ngồi để rao hàng. Trên sân khấu, vẫn diễn ra những điệu bộ và những câu pha trò nhảm nhí. Hai ba ông quần áo tây ngồi trên hạng nhất, thở dài, rồi đứng dậy ra về. Nhưng hàng cuối cùng mỗi lúc một thêm người, mà cũng chỉ đông ở hạng ấy.
Nhìn khu ghế nhất, ghế nhì, khách vắng tanh tanh, ông chủ gánh hát lo lắng.
ở ngoài đường, bọn tìm cuộc vui buổi tối vẫn đi lại rầm rập. Nhưng mấy ai qua rạp An Lạc, nghe tiếng kèn, tiếng nhị, đã chịu liếc mắt vào trong, xem đào kép áo mũ râu ria, diễn những trò gì.
Mấy năm nay, ít người thích nghe hát tuồng cổ.
* * *
Gánh An Lạc dọn đi đâu mấy tháng, nay lại mới về, thuê ở chỗ cũ.
Ngay từ buổi sáng, ở cửa rạp, người qua đường vô ý đến đâu cũng phải trông thấy một cái cổng kết bằng lá dừa, gài thêm những cành nhãn cài hoa râm bụt. Trên cổng, hàng chục chiếc cờ Pháp, Nam bay tíu tít. Trên tường, một miếng vải trắng căng thẳng, có dán một dòng chữ trang kim:
Đào kép mới! Bản rạp chấn chỉnh! Đào kép mới!
Rồi đến năm giờ chiều, lúc mặt trời đã xế, trước nhà hát, bảy chiếc xe cao su đã chực sẵn cả ở vệ đường.
Một lát, bảy chiếc xe thong thả bước một tiến đi. Xe đầu, một cái biển dán giấy đỏ, có chữ viết lớn:
Đại diễn tích hát mới! Lưu Lễ bình Phiên - Bản rạp mới chấn chỉnh! Đào kép mới!
Ngồi trong xe, một thằng bé con giơ thẳng hai cánh, nện vào mặt chiếc trống cái, và một thằng nữa, đánh thanh la, thỉnh thoảng phồng má, thổi bài kèn tây ra trận.
Xe thứ nhì, bốn tài tử, người kéo nhị ngồi phệt dưới sàn xe, hai người thổi kèn và sáo, lèn nhau trên đệm, và người đánh đàn ngồi chỗ mui, giang hai cẳng để lấy thăng bằng.
Xe thứ ba, một cô tiểu thư mắt toét, mặt trắng, má đỏ, với một con bé tóc xoã. Hai người cùng áo gấm, giày Tàu.
Xe thứ tư, ba ông ngồi kẹp đùi vào lưng nhau, một ông thượng ban, một ông trung ban, một ông hạ ban, cùng mũ cánh, áo thêu, ông thì mặt đỏ, ông thì râu dài, ông thì mũi hin, tai bẹp.
Xe thứ năm, thứ sáu cũng vậy. Cũng những ông trông ra phết Thái sư.
Xe thứ bảy, thì một cô xấu, nhưng tân thời, mặt phấn má hồng, môi đỏ, rẽ lệch, chiếc áo căng lườn, trông tức anh ách, như một bài thơ thất luật.
Đoàn xe quảng cáo mười lăm vị đào kép mới, đi diễu hết phố này sang phố khác. Mặt trời chưa lặn. Ngọn cây đứng yên. Bóng râm mới lấn được nửa đường bên trái. Bọn đào kép phải phơi dưới ánh nắng nóng như thiêu. Trên mặt phấn một vài người, mồ hôi lấm tấm, rồi ròng ròng nhỏ giọt. Họ lấy quạt che nắng và phẩy. Song, trời này mà họ cứ mũ áo ấy, đai mãng ấy, để đi rong phố, thì dù họ có cố khéo giữ lấy bộ mặt tươi tỉnh, nhưng ai chẳng đoán được cái cảnh đáng thương của kiếp đào kép hát tuồng!
* * *
Tối hôm ấy, cũng mới độ bảy giờ, sáu ngọn đèn điện làm sáng trưng cả cửa rạp An Lạc. Thằng bé con lại khua trống rầm rầm.
Các ông bếp, các bà vú em vẫn xã giao, đi lại nhộn nhịp. Nhưng trước cái bảng giấy đỏ, đã có nhiều ông sang trọng đứng đọc, và qua cái lỗ hổng bán vé, thỉnh thoảng một vài cái tay trắng nuột thò vào xỉa tiền.
Độ tám giờ, trong rạp đã nhiều khách. Trên dãy ghế hạng nhất, có chừng hai chục người. Hạng nhì đông hơn. Hạng ba đông hơn nữa. Hạng năm xu càng đông hơn.
Người ta thử xem rạp An Lạc chấn chỉnh. Người ta thử xem tài đào kép mới. Người ta thử xem tích hát mới.
Nhưng rồi người ta lắc đầu với nhau. Vẫn cái màn lở sơn cũ che sân khấu không được kín. Vẫn cái đầu bóng trước ngó ra. Và sau một hồi chuông rung, thì cái màn ấy cũng vẫn cút kít cuốn dần lên từng nấc: Cảnh triều đình.
Sau một vài tiếng im, tiếng suỵt, ở hàng ghế dài cuối cùng, cao lêu đêu, họ vẫn cười to, nói lớn, nhổ bậy, cãi nhau.
Trước cái phông sơn thủy vá, vai vua, mặt mũi phương phi, không đeo râu, ngồi trên ngai cao, mắt liếc bên phải bên trái, có vẻ oai vệ, để nhìn hai dãy bá quan, và hát những câu không ai nghe rõ.
Rồi một anh mõm trắng, quần áo đỏ, quỳ giữa sân khấu, bưng trên đầu cái đĩa bày sáu chiếc chén không. Vua giơ tay mời. Bá quan sáu người, thì cả sáu người đều nhấc chén, vạch râu, ngửa cổ ra để uống rượu bằng không khí. Anh mõm trắng cầm chiếc nậm gỗ, rưới vào chén một lượt rượu nữa. Bá quan lại uống một tuần nữa và kêu say. Lúc ấy, anh mõm trắng đứng dậy nhìn một vai quan đang lảo đảo. Anh lướt tay vào nạm râu của hắn, rồi quệt vào mồm mình. Thế là anh say đổ điên đổ cuồng, mắt trợn ngược lên, chệnh choạng, sờ soạng, ngả bên kia, giúi bên nọ, mãi mới vào được buồng trò.
Trời ơi! Người ta cười, người ta vỗ tay, tưởng đến vỡ rạp.
Vua cười kha khả, phán:
- Giui! Giui quá đi mấc mà thôi!
Rồi bài tẩu mã theo giọng kèn, hùng hồn vang nhịp.
Bỗng anh mõm trắng ban nãy, hớt hơ hớt hải chạy ra. Anh vấp vào một vai quan, ngã lộn tùng phèo. Tiếng cười lại vang động. Ngã xong, anh đứng phắt dậy, ngay như tượng gỗ, xoè năm ngón tay lên trán để chào kiểu nhà binh. Người ta lại cười.
Vua nói giọng Sài Gòn, phán hỏi:
- Chi mà bay giội giàng làm giậy, thằng kia?
- Dạ, thậm cấp, thậm cấp, chí nguy, chí nguy! Quân nước Phiên đã kéo đến Lâm Truy, cách kinh kỳ có ba ki lô mét!
- ải! ải!
Vua quát vậy, rồi với chiếc nậm gỗ, đập chan chát:
- ải ải! Nếu giậy, khổ dã châng khổ dã, nguy tai thị nguy tai! Cuộc chiếng tranh nếu cứ kéo dài, ta e nữa môộc mai dâng khổ. ớ này, bá quang!
- Dạ.
Vua hét:
- Quâng Phiêng đã Lâm Truy kéo tới, làm giua tôi lại gặp buổi giang nang, trẫm truyền cho giăng giõ bá quang, xem ai có tài có gang ra giúp nước, hà!
Hai anh kép ngồi ngoài, một anh mặt đen, râu đỏ, phun phè phè từ thái dương đến môi, một anh mặt trắng, râu vẽ bằng mực, lanh lẹ xắn áo, xốc mũ, múa may, uốn éo, làm bộ giương súng, cưỡi ngựa, vặn ôtô, nhảy xe đạp. Tiếng cười lại vang lừng.
Anh bên phải lắc đầu lắc cổ, nói:
- Đã có tôi phò tá!
Anh bên trái vươn cổ, phụng phạo tiếp:
- Lại có mỗ tá phò!
Rồi cả hai anh cùng giơ tay và cùng hát:
- Xin Thánh thượng đừng lo.
Đoạn lại cùng vênh váo trỏ vào ngực mình:
- Đã có tôi... phò tá!
Trên hàng ghế đầu, người ta nhăn mặt, bàn tán:
- Nhảm quá. Ta phải lừa rồi.
- Phải, họ nói láo, chứ chấn chỉnh cái cóc khô gì. Vẫn đồ bài trí ấy, có đào kép mới mà vẫn hát tích cũ, thì có khác trước tý nào?
Một người tinh mắt, mỉm cười, trỏ lên sân khấu nói:
- Các ngài thử nhìn kỹ xem bọn kép này là mới hay cũ. Cái anh lần trước ngồi kia, thì bây giờ bỏ bộ râu ra và ngồi đây. Cái anh ngồi bên này bây giờ vận mũ khác áo khác và vẽ mặt khác. Vả được độ một vài thằng kép khổ hoặc con đào ươn, mà đã nhặng lên là mới, là chấn chỉnh, thì chúng mình chỉ mắc một lần là cùng!
Rồi cùng thất vọng, rủ nhau ra.
* * *
Từ hôm sau trở đi, chiều nào cũng vậy, cỡ độ năm giờ, bọn đào kép ban An Lạc lại mũ mãng, phấn sáp, râu ria, ngồi trơ tráo trên xe cao su, đi diễu qua các phố để phơi nắng cái đời hát tuồng còn ngắc ngoải.
Nhưng những người đã xem diễn qua một tối, họ đều chán ngán. Nghe tiếng trống kèn cổ động ầm ĩ, họ cũng biết rằng gánh hát còn sống đó, song, chẳng ai muốn để ý xem tối nay, trong rạp, bọn vua quan trò hề ấy họ ậm oẹ với nhau những trò gì!


Phổ thông bán nguyệt san, số 13; 1.12.1937

Những cuộc gọi

Mới sáng ra, chuông điện thoại đã reo.

Tối qua trực khuya, mãi gần cuối giờ tí mới lò dò về đến nhà nên sáng nay định tự thưởng cho mình chút ngủ bù. Mấy năm trước, khi còn gánh việc trực tin, nhất là tin tức thời sự, cứ buổi sáng mà nghe cục điện thoại réo là giật mình, chắc có chuyện, không xui thì xẻo. Nhớ đận năm 2009, ca trực ngày 18.5, mình chủ quan bỏ mất cái tin tứ trụ triều đình vào lăng viếng bác, mấy tiếng đồng hồ sau, đúng sáng sinh nhật Người, chuông réo từ sớm, rồi nhiều cuộc gọi, nhiều người gọi, kéo dài đến tận trưa. Một thủ phó, nay là thủ trưởng, nửa chì chiết phê bình nửa than thở “ông ơi, ông làm vậy thì chết. Lúc này mà làm vậy thì chết, thì chết…”. Sếp nói “lúc này” bởi thời điểm đó đang căng, toàn cơ quan vừa trải qua cơn bão xử lý vụ PMU 18, chết như ngả rạ. Sếp lo là phải. Dĩ nhiên kết quả chả giãi bày ra ai cũng biết, mình phải goodbye công việc trực tin, sang làm tờ TN thể thao-giải trí với anh Sánh (một nạn nhân vụ PMU 18). Có lẽ đó là tiền án tiền sự đầu tiên trong đời làm báo. Mong sao đầu tiên mà cũng là cuối cùng.

Ai mê điện thoại di động chả biết chứ mình thì ghét nó lắm. Nó là cái cùm, vòng kim cô, nó tước đoạt hết cả sự thanh thản, tự do. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Nó đã như người đàn bà khó tính, quản chặt chồng bằng sự tự nguyện của chồng.

Quay lại cú điện thoại hồi sáng. Vừa a lô, nhận ngay giọng ông Xuân Ba. “Ông” đang ở Hà Nội, chuẩn bị đến chỗ họp quốc hội, chắc chưa đến giờ vào hội trường, còn lê la bia bọt ngoài hành lang hay căng tin gì đây. Ông, vẫn cái kiểu bỗ bã thân tình, quát lên muốn vỡ máy “mày làm gì đấy, hả thằng mặt…l” (trong đám bạn bè, những thằng nào nó thích thì nó gọi bằng mặt… tuốt). Đưa qua đẩy lại dăm ba lời thăm hỏi, ông bạn cố cựu bảo tao vừa đọc Ông cụ Đẹn. Ôi giời, hóa ra ngài Xuân Ba cũng ghé bờ lốc bờ leo của mình. Cây đa cây đề như nó mà cũng để mắt đến cỏ dai kể cũng lạ. Mình nói với nó dạo này tao vẫn viết nhưng hạn chế đưa lên, bởi mấy anh A B hai lăm hai sáu gì đó họ vừa nhắc nhở. Họ cũng rất đàng hoàng, thân tình, lời lẽ lịch sự văn hóa, chỉ trao đổi chứ không lên giọng dọa nạt, vậy thì mình nên ứng xử cho phải đạo. Ông Xuân Ba bảo đếch gì, tao nói cho mày biết, chúng mình là thằng có chút chữ nghĩa, không viết không nói thì làm cái đéo gì. Mày đọc bài của tao trên TP hôm nay chưa, ngay cả viết về quốc hội tao vẫn néo được vào đó chuyện biểu tình, chuyện quyền của người dân yêu nước đó. Này, tao cho mày biết, Hà Nội 8 lần biểu tình, tao tham gia 4 đấy nhé, ghi nhận quan sát được nhiều. Mày phải viết đi, viết đi.

Tôi hiểu Xuân Ba khuyên thực lòng. Nó cũng như tôi, những điều trông thấy từ cuộc bể dâu này, không viết là hèn, là tự đánh mất mình. Tôi biết nó chưa viết cái gì mạnh mẽ, to tát bởi nó còn nghiền ngẫm thêm. Một thằng cầm bút thành danh ở thể phóng sự như nó, thậm chí mấy đứa bạn bố láo bố toét còn phong cho nó danh hiệu Vũ Trọng Phụng thời nay, nếu chưa viết thì không có nghĩa không viết. Nó sẽ viết nhưng chưa phải bây giờ. Còn mình, không thể so với nó. Bây giờ mà không viết tức không bao giờ nữa. Nghe như văng vẳng tiếng kêu của con quạ trong thơ Edgar Poe “không bao giờ nữa”, tỉnh hắn.

Trước cuộc gọi của Xuân Ba vài giờ, lúc gần nửa đêm, mình cũng nhận được cú điện của Trần Quang Tửu, ông giáo trường dân tộc Việt Trì. Thằng Ba với thằng quỷ này cũng một chín một mười về độ quái. Nó bảo tao đọc mày với thằng Cao Tự Thanh đều lắm, nhưng thằng Thanh viết tốt, còn mày bài được bài không, có bài vô thưởng vô phạt chán như con…buồi. Mà bút cùn rồi hay sao mà bỏ nhà bỏ cửa trống hoác, lâu lâu mới phọt phẹt vài ba chữ. Nghe nó nhắc, mình bụng bảo dạ, ừ, hình như dạo này mình làm sao ấy. Nhớ hồi học thầy Nguyễn Văn Khỏa, thầy phân tích cái tâm trạng “to be or not to be” của Hamlet, lại cứ nghĩ Hamlet là mình hay mình là Hamlet đây.

Những cuộc gọi điện thoại cũng có lúc là thầy ta vậy.

Nhưng giờ thì hơi buồn ngủ, chỉ muốn không có cuộc réo gọi nào nữa.

Đêm 26.7

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Một bài viết hay về ngôn ngữ

Lời giới thiệu
Mình có may mắn được bố mẹ cho học hành chút chữ nghĩa, tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ chi dùng lúc ngặt nghèo. Ngành mình theo đòi là ngữ văn nên cứ có cái gì hay hay về văn chương hoặc ngôn ngữ là đọc nghiến ngấu, nếu cảm thấy khoái, tâm đắc thì "bảo tồn bảo tàng" làm tư liệu. Vậy khi đọc bài của tiến sĩ PGS Hoàng Dũng, chữ nghĩa chí lý quá, mạn phép mượn quan nghè để đưa vào nhật ký này. Riêng về chữ "kẻ" trong bài, thực thà mà nói, lâu nay mình cũng suy nghĩ như tác giả.

"KẺ PHI THƯỜNG"

Hoàng Dũng

Trong Lịch sử nước ta, cụ Hồ viết:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu


Đó không phải là lần duy nhất cụ Hồ dùng “kẻ phi thường”. Cũng trong tác phẩm trên, cụ còn viết:

Công Uẩn là kẻ phi thường,

Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta


Như thế, “kẻ phi thường” nhất định không phải là một lỗi viết nhịu của cụ Hồ. Trong một comment trên trang anhbasam, có người cho rằng: “Trong đoạn thơ của Bác có từ “kẻ” (kẻ phi thường). Rất nhiều người dân thắc mắc sao lại dùng đại từ “kẻ” để nói về một bậc đại anh hùng, bởi họ nghĩ từ “kẻ” chỉ được dùng để chỉ kẻ xấu: kẻ thù, kẻ gian, kẻ bán nước…”. Và tuy có nói vớt: “Tất nhiên, thắc mắc này không hợp lý”, họ vẫn không cho biết thắc mắc này “không hợp lý” ở chỗ nào. Nói trắng ra, họ muốn chê cụ Hồ viết dở!

Vậy “kẻ” có nhất thiết xấu nghĩa (pejorative) hay không?

Xưa tác phẩm Les misérables của Victor Hugo được Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Những kẻ khốn nạn; ngày nay thì được dịch là Những người khốn khổ. Chữ “khốn nạn” nay thường dùng để bày tỏ sự khinh bỉ, nguyền rủa, chứ không phải chỉ sự khổ sở đến mức thảm hại, như trong cách hiểu ngày xưa, vì thế dễ hiểu tại sao lại được thay bằng “khốn khổ”. Cách dùng “kẻ” của Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy thời ông “kẻ” hoàn toàn không có tính chất xấu nghĩa. Quả vậy, Nguyễn Hữu Tiến, trong bản dịch Vũ trung tùy bút, đăng trên Nam Phong năm 1927-1928, từng viết: “Đời nhà Hán có đặt ra khoa hiền lương phương chính, thực là một cách đặc biệt để đãi kẻ phi thường mà cầu lấy người tài”.

Như thế, phải chăng ngày nay “kẻ” đã chuyển từ sắc thái trung hoà sang sắc thái xấu nghĩa? Và như thế, đứng trên quan điểm ngày nay, phải viết “người phi thường”, chứ không thể “kẻ phi thường”?

Không hẳn! Ngày nay, “kẻ” vẫn còn có cách dùng trung hoà: có “kẻ cắp”, “kẻ cướp”, “kẻ thù”, “kẻ trộm”, … nhưng vẫn có “kẻ sĩ”, “kẻ đàn anh”, “kẻ ở người đi”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,… Và không hiếm người vẫn dùng “kẻ phi thường”: Mộng Bình Sơn trong bản dịch Hán Sở tranh hùng (nhà xuất bản Hương Hoa, 1962) viết: “Lời nói của Ðại vương theo thông thường thì cho là chí lý. Song đây là kẻ phi thường. Kẻ phi thường có thể có những hoàn cảnh phi thường”; Tràng Thiên trong Tiểu thuyết hiện đại (nhà xuất bản Thời mới, 1963) viết: “Nhân vật tiểu thuyết thuở đầu tiên là những kẻ phi thường, hành tung gây nên kinh ngạc”; Hoà thượng Thích Thanh Từ trong Nhặt lá bồ đề (nhà xuất bản Tôn giáo, 2003) viết: “Thật một kẻ phi thường. Việc kiến đạo giải thoát đâu phải chỉ dành cho kẻ trí thức đạo gia. Một tay thợ rèn, khi quăng búa tắt lò thì liền đó bể lửa hóa thanh lương, rảnh tay dạo khúc vô sanh”.

Nói tóm lại, không đủ căn cứ để xác quyết “kẻ phi thường” là cách dùng sai, dù theo cách hiểu xưa hay nay. Và như thế, việc đục bỏ thơ cụ Hồ không phải vì lý do văn chương. Và tôi hoàn toàn tin rằng Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đủ đức khiêm tốn phi thường để, nếu biết văn của ông được khắc vào bia đặt vào chỗ đã đục bỏ văn cụ Hồ, tự thẹn mà yêu cầu chính quyền Nghệ An miễn cho ông cái vinh dự nhường ấy.

H. D.

(Ghi chú: Bài này có trên nhiều trang mạng, cụ thể trang bô-xít hoặc Quê choa).

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Ông cụ Đẹn

PHẦN 1

Cho đến giờ, tôi chưa thấy ai khổ như ông cụ Đẹn. Hình như cái tên nó vận vào người. Cuộc đời cứ ngày càng quắt queo. Và không chỉ một mình cụ ông, cả nhà ấy mỗi người là một số phận nghèo khó, khổ đau, thảm hại. Bức tranh gia đình toàn màu xám xịt.

Ông Đẹn người làng tôi, nếu xét họ xa bên ngoại thì là bề trên cả bu tôi, mấy chị em tôi phải gọi bằng ông, nhưng cứ quen cách xưng hô một điều cụ Đẹn hai điều cụ Đẹn, các con cụ chúng tôi kính cẩn thưa bằng bác bằng bá dù họ chỉ bằng, thậm chí kém tuổi. Chỉ có người con gái lớn của cụ đi học, hết cấp 2 thì nghỉ, lấy chồng xa, còn 3 người con trai kế tiếp chả bác nào học hành gì, nguyên do tôi sẽ nói sau.

Lúc tôi bắt đầu học lớp vỡ lòng thì quê đang phong trào hợp tác hóa. Cán bộ xã đến từng nhà, trước thì vận động sau thì gò ép bắt phải góp ruộng góp trâu vào hợp tác. Cơn bão cải cách ruộng đất vừa đi qua vài năm nhưng đâu đây, góc nọ góc kia vẫn thấy đeo đẳng khốc liệt. Những nỗi khiếp sợ, chán nản còn hằn trên gương mặt người. Anh chị tôi thỉnh thoảng kể lại cái thời ấy và thường nhắc đến cụ Đẹn. Chuyện rằng đội cải cách thấy cụ thành phần bần cố nông cốt cán, họ xúi cụ hăng hái đấu tố rồi còn xếp cụ tham gia đội hành quyết địa chủ. Cụ cứ như con loi choi, ai sai cũng dạ ai bảo cũng vâng, việc gì cũng làm, con người hiền lành bỗng chốc biến thành hung thần, chẳng cần phân biệt đúng sai. Những gia đình bị cụ tố oan sai căm cụ đã đành, ngay cả người làng người nước chả thù hằn gì cũng dần dần xa lánh cụ. Nhưng nếu chỉ có vậy thì còn phúc cho ông cụ Đẹn lắm.

Vào hợp tác, hai vợ chồng cụ suốt ngày quần quật ngoài đồng, lúc thì việc do đội sản xuất phân công lúc thì chăm bón hơn sào ruộng rau xanh, mùa lúa cấy lúa mùa khoai trồng khoai. Cụ ông thật khỏe, hình như tôi chả thấy cụ ốm bao giờ. Vậy mà đói rách quanh năm. Những khi nhà tôi có việc gì nặng nhọc một chút, như đánh mấy gốc tre, bửa đám củi gộc… thì thày tôi lại sai con cái ra gọi cụ Đẹn. Nhà tôi hồi ấy cũng giống bao gia đình xã viên, chả khá giả gì, được cái bu tôi tháo vát biết chút ít buôn bán nên bữa ăn đôi khi chút thịt chút cá. Sau một vài lần như vậy, tôi tỏ ý ngấm nguýt bởi cụ Đẹn ăn khỏe nên khi thày bảo sang mời cụ ra làm giúp thì cứ lần lữa thoái thác, kiếm cớ bận chuyện này chuyện kia rồi chuồn. Nhưng thày hiểu, một lần trong bữa cơm thày bảo (đại khái rằng) các con ạ, việc này việc khác nếu thày hoặc chúng mày (khi thân mật thày gọi như vậy) cố một tí thì cũng xong nhưng để cho cụ Đẹn làm là thày muốn đãi cụ bữa cơm, cụ quanh năm đói nên cả đời chẳng biết no là gì. Chúng tôi nhìn nhau, từ bấy không hề ý kiến ý cò nữa, thày vừa ngỏ ý là tôi co cẳng phóng vào kêu cụ ngay.

Nơi ở của gia đình cụ Đẹn gọi là nhà cũng được, không phải nhà cũng chả sai. Ba gian tường đất nện thấp tè, mái rạ, sân đất, ngõ đầy cỏ dại. Mấy bụi tre lơ phơ khô cằn sau cái chuồng lợn ọp ẹp dột nát trống hoác. Trong nhà hầu như chẳng gì đáng kể ngoài 2 chiếc giường tre khập khễnh, giữa nhà đặt cái thùng gỗ tạp cũ kỹ chả ra vuông chả ra chữ nhật bị mọt ăn loang lổ, vừa dùng đựng thóc vừa làm bàn thờ ông bà. Góc nhà quần áo rách rưới bạc phếch vắt lộn xộn trên cây sào tre, sộc mùi ẩm mốc. Hai chiếc ổ rơm có lẽ là chỗ nằm chỗ ngủ của mấy người con trai. Mỗi lần vào nhà cụ tôi cứ thấy chờn chợn thế nào ấy, một phần bởi sự hoang vắng hôi hám lạnh lẽo từ một không gian nghèo khó, phần khác vì phải vòng qua cái vũng nong tát nước ngay đầu ngõ nhà cụ, sát ao ông Vình, nơi nổi tiếng lắm ma. Hồi ấy người ta làm thơ viết nhạc ca ngợi “dân có ruộng dập dìu hợp tác, lúa mượt đồng ấm áp làng quê, chiêm mùa cờ đỏ ven đê, sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”, xảy ra ở đâu tôi chẳng biết, chỉ thấy vùng quê mình sao mà vắng lặng, u tối, nhiều chỗ ma quỷ trú ngụ đến thế. Nào bờ tre nhà cụ Xe có cây tre đực cứ ai đi ngang thì nó ngả rạp xuống chắn lại, trèo qua thì nó vổng lên; bờ duối già gần nhà bá Thược xóm trong đêm nào cũng vọng ra tiếng cười rúc rích; rồi ma trâu gần ngõ bà Thậm, bóng người con gái quần áo trắng tinh tóc xõa chỗ cây sung nhà ông Mông, còn lối ra xóm Trợ cứ nửa đêm vào dịp ngày rằm mùng một lại có đoàn lính tráng mờ ảo kéo nhau đi… Vậy nên chỉ sau lúc gà lên chuồng một chặp là các xóm yên ắng lạ lùng, chìm trong bóng tối, đây đó vài ánh đèn dầu le lói nơi lũ trẻ học bài. Dường như tất cả im lìm sau một ngày mệt mỏi, đến nỗi nghe rõ mồn một tiếng cò xao xác bay đi kiếm ăn vọng vào đêm thoáng xa thoáng gần, dài từ bờ đầm Trợ đến tận đầu núi Chè. Có lẽ xóm thôn chỉ vui hơn vào những tối chia thóc, ông Tư đội trưởng sản xuất cho đốt cái đèn măng-xông sáng choang treo ngay giữa sân hợp tác, cả xóm tụ về chia thóc chia rơm, công điểm tính thừa tính thiếu cứ ồn cả một chặp. Còn bọn trẻ con thì những đêm trăng rủ nhau ra đình, lúc ấy được trưng dụng làm trường cấp 2, đánh trận giả hoặc chơi trốn tìm, nhiều hôm ham chơi lúc bố mẹ gọi về thì trăng đã xế ngọn tre, quên cả ma quỷ.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Cảm tác ngày chủ nhật

Đấu nhau chủ nhật hằng tuần

Nồi da xáo thịt, tương tàn anh em

Thằng Tàu “hổ đấu quan sơn”

Chàng ơi có biết thẹn chăng, hỡi chàng.

17.7.2011

Gửi bác A

TS Nguyễn Quang A (áo sọc hàng đầu)

TS Nguyễn Quang A (thứ 2 từ phải qua)

Anh Nguyễn Quang A

Bác Nguyễn Quang A

Ông Nguyễn Quang A

Đồng chí, à không xin lỗi, công dân Nguyễn Quang A

Cái tên như con người

Chữ cái đứng đầu trong mọi chữ cái

Công dân đứng hàng đầu cùng đất nước, nhân dân

Quyết đem lòng yêu nước rửa mối nhục nỗi hèn

Phản đối bọn quàng xiên

Lũ cách mạng chót môi đầu lưỡi

Hai bàn tay múa máy búa liềm.


Anh không cúi đầu để sống

A nhọn hoắt mũi tên

Mỗi chủ nhật cùng các cháu các em giương lá cờ đỏ thắm

Rầm rập bước chân trên đường phố quảng trường

Hô vang nổ vang tiếng đại bác căm hờn

Nã vào dinh bọn Tàu đểu giả

Bọn cướp thuyền đánh cá

Bọn cẩu xực Hoàng Sa

Bọn gặm nhấm Trường Sa

Bọn đang thò móng vuốt về Hà Nội

Cùng bọn đê hèn đang hà hiếp nhân dân.


Anh đứng hàng đầu

Nhưng anh không đơn độc

Bạn bè anh

Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hồng Kiên

Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Trung Quân

Phạm Duy Hiển, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Viết Đào

Cả phơ phơ tóc trắng Nguyễn Đình Đầu

Cùng lớp cháu con Phan Nguyên, Nguyễn văn Phương, Mr.Do…

Cho chúng biết thế nào là lễ độ

là sức mạnh hờn căm

Suốt bao năm nén chặt trong lòng.


Thăng Long cuồn cuộn chuyển mình

Con thuyền nhân dân giữa dòng thác dữ

Có những người như thế

Lịch sử mai này ghi cho họ nét son tươi.


Xin cám ơn anh và bạn bè

cho chúng tôi hiểu rõ hơn giá trị của con người.

-------

Chủ nhật - 17.7.2011
(Ghi chú: Hai tấm ảnh trên của CTV trang Nguyễn Xuân Diện blog, mạn phép sử dụng, xin cám ơn).

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Ối giời đề thi văn

Lại qua một mùa thi khổ nhục, hành hạ nhau.
Nhưng nếu nó ra trò, đàng hoàng, đề ra đề, thi ra thi thì cũng thể tất phần nào. Đằng này:
Đề thi văn năm nào cũng sai, không thấy báo nào phản ánh. Lẽ ra phải yêu cầu viết bao nhiêu chữ (chẳng hạn 600 chữ) thì các ông bà soạn đề và duyệt đề trời đánh cứ đòi phải viết bao nhiêu từ (năm nay đòi 600 từ). Chữ và từ hoàn toàn khác nhau, trên văn bản người ta phải dùng chữ, nhất là muốn đếm số lượng để khống chế độ dài ngắn. Một chữ là 1 đơn vị, còn 1 từ có khi có đến mấy chữ (mấy đơn vị), đếm thế đếch nào được.
Chả trách vì sao dư luận phàn nàn khối C ngày càng teo tóp.
Nhớ hồi bé đọc chuyện tiếu lâm có câu thơ kết về ông thầy đồ dốt:
Ngưu là con bò tót
Đinh là giằng cối xay
Thày dạy hay chữ quá
Xin thày về đi cày.
Mấy ông lãnh đạo bộ Giáo dục về đi cày cho rồi.
12.7.2011

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Ai sỉ nhục kẻ sĩ?

Ban đầu định đặt tít “Kẻ sỉ nhục kẻ sĩ” nhưng rồi sợ lỡ có ai đọc, hiểu nhầm cái tiêu đề ấy mà lý sự rằng nhà cháu chơi chữ hoặc viết ngọng thì sinh lắm chuyện. Cũng khó cãi bởi người miền Nam do phát âm hỏi ngã lẫn lộn nên thường viết tuốt cả hỏi lẫn ngã thành dấu hỏi, ví dụ sĩ thành sỉ. Theo cách đó, “Kẻ sĩ (làm) nhục kẻ sĩ” có lẽ cũng chả sai về nội dung, cơ mà huỵch toẹt ngay như thế thì e khí sớm.

Nói nôm na, trong xã hội xưa nay, những người có học vấn cao thường được gọi chung là kẻ sĩ. Để cẩn thận, nhà cháu tra trong từ điển do GS Hoàng Phê và cộng sự biên soạn, thấy rõ ràng ngắn gọn “kẻ sĩ: trí thức trong xã hội phong kiến” (Từ điển tiếng Việt- Viện Ngôn ngữ học- 2003).

Nhớ hồi còn bé, ngay mấy thầy giáo làng dạy lớp vỡ lòng đã là hình ảnh của tầng lớp có học, nói chi những vị chữ đầy bồ, thiên kinh vạn quyển, mở mồm là nhả ngọc phun châu. Kính phục, ngưỡng mộ lắm. Với các vị cao nhân đó, được nhìn thấy họ từ xa đã sướng rơn rồi, nào dám mong trò chuyện mấy lị bắt chân bắt tay. Lớn thêm tí nữa cái nhìn đã khang khác, hiểu rằng kẻ sĩ và những người có học vấn cao chưa hẳn đã là một, kẻ sĩ lại càng không đồng nhất với kẻ có quyền (dù quyền cực cao) có tiền (dù tiền cực nhiều). Quyền to ngất trời, giàu muôn bạc vạn nhưng nào mấy ai được coi là kẻ sĩ. Tất nhiên trong giới trí thức cũng có người giàu, chức cao nhưng hiếm, mà đại đa số nghèo nghèo, địa vị thường thường bậc trung. Điều đáng nói, truyền từ thời này qua thời khác, một thứ tiêu chuẩn định luận, bất cứ ai đã được công nhận kẻ sĩ đều không thể thiếu: khí tiết. Khi nghe lỏm chuyện của các cụ bên bàn trà thuốc, nghe các cụ trao đổi với nhau thì mình lờ mờ một cách không chắc chắn lắm (bởi chưa đủ khôn) rằng các ông Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Đức Thảo và một số vị Nhân văn giai phẩm có tư cách kẻ sĩ, họ bị đầy ải, đời trầm luân khốn nạn bởi họ thà hy sinh cái thể xác tầm thường chứ quyết không từ bỏ phẩm chất cao quý ấy. Sau này thì hiểu các cụ nhà mình đã nhận xét đúng.

Người xưa có câu “Sĩ khả lục bất khả nhục” (士可戮不可辱),tạm dịch đối với người là kẻ sĩ thì chỉ có thể giết được chứ không thể làm nhục được họ. Loại người nào đó có thể nịnh nọt chứ kẻ sĩ nhất quyết không bao giờ nịnh. Đành rằng “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, dân tình đùa cợt cho vui thế thôi chứ ai chả hiểu một xã hội thì thiếu kẻ sĩ sao được. Họ là tinh hoa, là đẳng cấp hơn mình bởi họ có cái mà mình không có hoặc có nhưng chả đáng kể. Họ khác mình ở cái đầu, “một người hay lo bằng kho người hay làm”, họ xứng đáng được tôn trọng.

Dân tôn trọng kẻ sĩ đã đi một đằng, nhưng vua chúa, lãnh tụ xưa nay đối với kẻ sĩ, trí thức lại khác một nhẽ. Lúc “việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần/nơi duy ác hiếm người bàn bạc” (Nguyễn Trãi) thì các đấng ấy bày đủ mọi trò “chiêu hiền đãi sĩ”, xong đại sự bèn phủi tay ráo hoảnh “trí thức chỉ là cục phân”. Cũng chả trách được bởi dưới mắt dân, kẻ sĩ là người giương cao ngọn cờ, lắm mưu nhiều kế, thậm chí tiên phong, còn trong ý nghĩ vua quan, kẻ sĩ là bọn chuyên xúi giục, đầu têu, gây mầm phản loạn. Gì thì gì cũng có hại cho chính quyền, nhất là nếu cái chính quyền ấy chuyên chế, độc tài, phát xít, mất dân chủ. Vậy thì khó tránh Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò; triều Lê tru di Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn; Brejniev khủng bố Sakharov; Mao Trạch Đông đày đến khốn cùng đám trí thức cục phân…, kể cả cái khẩu hiệu, chủ trương hết sức lưu manh “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” kéo xềnh xệch trí thức lên hàng đầu đội ngũ cần bắn bỏ. Những bi kịch ấy, khỏi cần nói ra ai cũng rõ kẻ sỉ nhục kẻ sĩ chính là lũ cầm quyền, bọn vô lại. Trong chừng mực nào đó, khi kẻ sĩ – người hiền tài “nguyên khí quốc gia” là tinh hoa dân tộc bị vùi dập, khinh bỉ thì cũng có nghĩa gần như cả dân tộc bị đày đọa, khinh bỉ dưới gót bạo quyền.

Cũng có trường hợp “củi đậu nấu hạt đậu”, anh em sĩ một nhà hại nhau, như Đặng Trần Thường đánh đòn sỉ nhục Ngô Thì Nhậm ngay tại Văn miếu đó. Cùng kẻ sĩ Bắc hà nhưng anh đi đường anh tôi đường tôi, lại thêm mối tư thù, thôi thì dẫn đến kết cục bi hài giữa người đắc thế và thất thế. À, mà chuyện về hai vị này cũng có khá nhiều lăn tăn, chưa thỏa đáng lắm, mình sẽ có bài riêng.

Thế thì ai, vào những ngày hàng triệu, triệu người dân sôi sục vì vận mệnh đất nước và căm phẫn bọn xâm lược Trung Quốc, ném bầu máu nóng ra đường phố quảng trường để góp nên sức mạnh, ai đã dửng dưng, ngậm miệng, mũ ni che tai, lẩn trốn tháp ngà? Nhìn vào hàng quân biểu tình đông đảo thời gian qua, chỉ thấy phần đông những người dân bình thường, thanh niên học sinh, thợ thuyền, cả người buôn thúng bán bưng, những khuôn mặt lam lũ hằng ngày, thường khép nép lặng câm, khiêm nhượng đủ mọi điều. Họ ít học, cạn nghĩ nhưng lòng yêu đất nước tràn trề. Họ không như mấy ông bà lắm chữ, làm bất cứ điều gì cũng phải nhìn trước ngó sau trăm lần, dù là điều tốt đẹp, cao cả. Kẻ sĩ thời nay phần đông đã tự tước đi cái giá trị, thiên chức cao quý, tự trói mình vào danh lợi, địa vị, tự ru ngủ mình. Bao nhiêu hội này đoàn nọ, bao nhiêu ông nọ bà kia, sao mọi ngày cao đàm khoát luận, lên giọng chỉ thị dạy dỗ đám đông cần lao, lúc cần đi cùng nhân dân lại vắng hoe thê thảm thế. Chả dẫn chứng đâu xa, cả nước hiện có hàng vạn GS, PGS, học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo nhà văn tiếng tăm từng nổi như cồn, còn tiến sĩ thì đông ngất trời mây, vậy mà trong những cuộc tuần hành yêu nước chỉ quanh đi quẩn lại vài gương mặt Nguyễn Đình Đầu, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Xuân Diện, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Trung Quân… Còn lại số đông, rất rất đông, họ đã đi đâu, làm gì, trốn đâu mất cả?

Xin đừng lý sự, bao biện, giải thích kiểu “ai có phận nấy, mỗi người có cách bày tỏ lòng yêu nước riêng, có hoàn cảnh riêng…”. Riêng mà nhằm vụ lợi cá nhân, đáng khinh. Dân không cần họ, đất nước không thể dựa vào họ.

Thật buồn khi phải nói ra sự thật: chính kẻ sĩ làm nhục kẻ sĩ chứ chẳng ai khác!

Chủ nhật 10.7.2011, Sài Gòn

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Nói với người sợ đường phố

Ngồi trong nhà mà sao anh đòi thấy mặt trời
Nắng dù chẳng của riêng ai nhưng không thể ban cho người sợ gió
Anh đừng tự dối lòng dù vắng ta dòng người vẫn đủ
Ngày mai dưới vầng thái dương anh sẽ hổ thẹn với chính mình.
(Nguyễn Thông)

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Đọc lại Hịch tướng sĩ

Trưa nay 3.7, soạn lại đống sách cũ tình cờ gặp cuốn cổ văn. Mình cẩn trọng thổi sạch bụi, nắn nót trên tay, lẩm bẩm theo kiểu bói Kiều, đại loại lạy thần thánh tổ tông, các vị anh hùng dân tộc…cho con một quẻ về vận dân vận nước. Giở trúng ngay trang có bài Hịch tướng sĩ. Ôi Đức thánh Trần, ngài quả là thiêng.

Hơn 700 năm trôi qua, lời của đức ngài như còn văng vẳng. Nghe rằng Đại vương kỳ khu soạn xong Binh thư yếu lược rồi, nhưng có lẽ cảm thấy chả yên tâm mấy về đám bày tôi, những kẻ sẽ sử dụng, tiếp thu “binh pháp các nhà” nên ngài dồn hết mọi lời gan ruột vào áng văn hịch mà đâu nghĩ về sau này nó còn nổi tiếng hơn cả cuốn binh thư. Với cương vị Quốc công tiết chế, Hưng đạo đại vương, vị Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Trần Quốc Tuấn đã gửi tới toàn thể cán bộ tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, công an, an ninh, dân quân tự vệ, dân phòng, cảnh sát biển, thanh niên xung phong… nhà Trần tâm sự đau đớn nhưng đầy quyết tâm của ngài. Kẻ hậu sinh như mình dù chỉ là loại dân thường (không thuộc đối tượng “các ngươi” mà đức ngài kêu gọi) đọc xong, thấy run người, toát cả mồ hôi, quả quyết rằng Đại vương bộ trưởng đang tỏ tường cả mọi chuyện hôm nay. Xin mạo muội trích ra vài chỉ dạy của người xưa để tự răn mình:

“Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Trông thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, giả hiệu Vân Nam Vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng. Thật khác nào như đem thịt nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau.

Nay các ngươi: nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát.

Nếu có giặc tràn sang thì: Cựa gà trống sao đâm thủng được áo giáp giặc, mẹo cờ bạc sao dùng làm mưu lược nhà binh. Dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con dín, việc quân cơ trăm sự ích chi. Tiền của tuy nhiều khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe khôn đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không làm giặc say chết, tiếng hát hay không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào. Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc của các người cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những tông miếu tổ tiên ta bị giày xéo mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên. Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục mà các ngươi tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, đời đời manh danh là tướng bại trận.

Lúc bấy giờ các ngươi muốn vui chơi, phỏng có được không?”.

Đọc lần nữa vẫn thấy bần thần, nhất là vào hôm nay chủ nhật 3.7, trên đất Sài Gòn.

Chiều 3.7.2011

Nguyễn Thông