Trang

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Cây chế độ



Mình chưa đi Angkor (Campuchia) bao giờ, ngay cả thành cổ Sơn Tây (Hà Nội mở rộng) cũng chưa ngó kỹ, tuy nhiên biết ở hai nơi ấy có những cây xưa, từ đời nảo đời nào xa lắc, rễ trùm cả đền đài, thành quách, nhà cửa. Ấn tượng lắm. Nhìn vào đã thấy thấp thoáng ngàn năm, nghe như bao lớp sóng lịch sử xô về. Hết hưng lại phế, trong cái hoang tàn gợi nỗi niềm, sức sống cổ nhân.

Bù lại, mình thỉnh thoảng đi trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM), khi từ Đinh Tiên Hoàng quẹo phải một đoạn, thấy trên bờ tường sát đại học Dược một thứ bóng hình Angkor hoặc Sơn Tây. Bộ rễ xòe như râu Các-Mác, bám chặt thân tường. Băn khoăn, không hiểu nó hay tường giữ cho nhau khỏi đổ. Chỉ thấy lâu lâu những nhân viên, người bảo vệ của cơ quan phía trong đó lại làm cuộc tảo thanh, chinh phạt, hớt trụi lủi đám lá, trọc lóc trông như mái tóc nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhưng chỉ vài bữa sau lại xanh um. Sức sống ghê thật. Mà người ta chỉ dám tỉa tót "hớt tóc" chứ không dám đào bới, chặt phăng cái bộ râu Các-Mác này, cũng có thể do chút tâm linh, cũng có thể sợ phá nó thì đổ tường như bỡn. Chưa có tiền xây tường mới, đâu dám mạo hiểm hỗn láo với cụ lão mộc này.
Nhìn nó, mình bất giác đặt cho nó cái tên "cây chế độ", bám rễ bắt rễ vào tường vào đất như người cầm quyền bắt rễ vào dân.

Thế mới chắc, mới vững bền.

19.10.2011
Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. bộ rễ ấy như những vòi bạch tuộc hút máu... ấy chứ.
    Nhưng nói về cây thì cây ấy rất đẹp cần phải giữ gìn, chăm sóc nó. đừng có ngu dại phá nó đi uổng lắm. và cũng đừng đem nó ra so với kẻ nầy kẻ khác tội nghiệp nó.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi người nhìn một góc suy nghĩ, bác Chênh nhỉ. nhưng liên tưởng của bác làm em sợ cái cây quá. Quả thật, không nên phá cây này, bọn teen mà biết ra đây chụp ảnh kỷ niệm thì hết sảy.

    Trả lờiXóa
  3. Ối giời ơi là giời!Thế này thì bao giờ Việt nam mới đứng dậy thành con mèo nhỏ hỡi giời!

    Trả lờiXóa