Mình quê đồng bằng Bắc bộ. Hồi còn bé thấy Việt Bắc, Tây Bắc là những vùng đất xa vời, khủng khiếp. Ấy là nơi rừng xanh núi đỏ, nhiều gia đình đi khai hoang (sau này gọi là đi kinh tế mới) một thời gian lại mò về quê cũ bởi không chịu được đói nghèo quê mới. Lúc ấy mình còn bé lắm, mới 5-6 tuổi.
Lớn lên chút nữa, cái nhìn cái nghĩ về rừng núi đã khác đi, thậm chí còn mong có sức khỏe để đi phá rừng, “Ai bảo rừng xanh là quái ác…, gió núi mưa ngàn sói beo kinh hoàng… Rừng ơi, ta đã về đây…, cây đổ rộn vang như tiếng pháo, tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ, áo thấm bao mồ hôi nhưng lòng rộn bao niềm vui”- nhạc sĩ Phạm Tuyên đã xúi cả nước làm lâm tặc như thế.
Rồi đọc Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc, Việt Bắc (Tố Hữu) lòng thấy yêu Tây Bắc, Việt Bắc hơn. Và những ngày chiến tranh, cái sự yêu thương ấy bỗng thành niềm tha thiết khi nghe chị Tuyết Thanh hát Nổi trống lên rừng núi ơi.
Hồi sinh viên, đi thực tế, chả biết tại cái mặt mình rặt nét đồng bằng hay sao mà thầy Hà Minh Đức chỉ đưa vào danh sách đi Nam Hà, Thái Bình, cấm lần nào được ngược Việt Bắc, Tây Bắc. Cuối mùa về nghe chúng nó kể mà thèm, nào chuyện thằng Nguyễn Huy Hoàng ôm hôn cái Lan Hoa ở sân ga Hà Nội giữa thanh thiên bạch nhật lúc chia tay đi Lai Châu (lãng mạn và táo bạo vô cùng, bởi hồi ấy ôm hôn nhau là cái tội, muốn hôn phải dấm dúi chui vào góc tối không để ai biết), rồi thằng Xuân Ba sau đợt ở Cao Bằng đem về chiếc đàn tính, nó cứ bật tinh tinh tinh suốt đêm, thật đáng nhớ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả bài hát, mình đã đề cập vài lần rồi, giờ không nói nữa (đợi đến bài Quảng Bình quê ta ơi sẽ làm cuộc tổng kết về bác này). Ông anh mình, bác Uy, hồi vừa rồi gặp khen nức bản Bài ca giao thông vận tải của cụ Hoàng Vân. Mình hiểu, nhạc Hoàng Vân thì khó tìm lời chê lắm.
Thời những năm 60-70, đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam gần như toàn sao. Sao thực sự tỏa sáng chứ không như sao tự phong bây giờ. Chả hiểu hồi ấy các anh các chị sống khổ cực, đạn bom mà tiếng hát lại khỏe khoắn, trong trẻo, vút cao, yêu đời, và tuyệt vời đến thế. Mình đã có dịp nhắc đến các chị Kim Oanh, Bích Liên, Mộng Dung, lần này nghiêng mình kính phục chị Tuyết Thanh. Có khen nữa cũng bằng thừa bởi chỉ cần nghe giọng chị trong clip này là thấy chả lời nào cho đủ. Cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu cần dựng bức tượng nào đó ở khuôn viên đài tại 58 Quán Sứ, Hà Nội thì theo mình phải là bức tượng những nữ anh hùng âm thanh này.
Mình có người bạn cùng lớp quê Thái Nguyên, anh Giang, Ma Duy Giang, chính hiệu người dân tộc Tày. Anh cao to như ông Tây, hiền lành cực kỳ, chỉ riêng sự chất phác của anh thì gộp cả lớp lại cũng không bằng. Hôm họp lớp vừa rồi anh có về dự, anh gọi điện cho mình, bảo Thông ơi tao nhớ mày lắm, mình nghe mà thấy rưng rưng.
Lại có thằng bạn Ngô Văn Đồng lớp Ngữ người Đông Anh, Hà Nội nữa. Hồi còn học, nó đã đưa mình về nhà nó chơi, qua cầu Đuống, qua thôn Lộc Hà quê cụ Ngô Tất Tố là tới nhà nó. Nó dắt mình đi xem thành Cổ Loa, giếng Ngọc, đền thờ An Dương Vương, Mỵ Châu. Suốt bao năm biệt tích, giờ mới biết nó phiêu bạt tận Cao Bằng. Vừa rồi nó cũng về họp lớp, xem trong ảnh thấy nó đầu bạc trắng xơ xác, thương quá. Mụ Sánh kể thêm Đồng đang bệnh nặng, kinh tế khó khăn vẫn ráng thu xếp về, nghe vậy mình ngượng với nó quá. Và thật cảm động, tan hội rồi, nó ngược Cao Bằng, mấy hôm sau gửi cho các bạn Hà Nội mấy ký hạt dẻ Trùng Khánh do chính tay nó rang để làm quà quê. Đồng ơi, tao nhớ mày quá.
Bản clip này phần nhạc dạo hơi bị chập chờn (tí chút thôi) nhưng so với các bản khác thì giọng Tuyết Thanh thật nhất, hay nhất.
Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.
14.12.2011
Nguyễn Thông
Đời cho em vừa tròn bốn lăm tuổi,ông lão bảy mươi sang đặt vấn đề,chắc lắm nhân sâm nên ông còn quá khỏe,em vừa bước vô; ông đả zô zô
Trả lờiXóa