Trang

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Sống đẹp

Anh Lê Quốc Lập với các thầy và bạn cùng lớp, từ trái sang: Anh Lập, anh Đặng Quốc Khánh, thầy Hà Minh Đức, anh Lê Tài Thuận, thầy Nguyễn Đình Thảng, thầy Nguyễn Văn Lung, thầy Lê Chí Quế, anh Lê Đình Tuấn.

BÁ TÂN

Dân ta nói chung là sống đẹp. Đại đa số nhà giáo có nết giống nhau là sống đẹp. Kể cả đội ngũ giáo viên, sống đẹp chưa hẳn đã được dạy bộ môn mỹ học. Ngược lại không phải tất cả mọi người giảng dạy cái đẹp đã là sống đẹp. Dễ gì có được hai trong một: vừa sống đẹp vừa giảng dạy cái đẹp. Lớp chúng tôi vinh dự có một người như thế.

Anh tên Lê Quốc Lập. Học cùng một lớp (K17 khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội) nhưng anh Lập là thế hệ đàn anh, hơn bọn chúng tôi gần 1 giáp. Năm nay gần 70 tuổi, trước khi nghỉ hưu, anh Lập là cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Năm 1970, tôi cùng bạn bè bước vào học cấp 3 (không gọi lằng nhằng là trung học phổ thông như thời nay). Cùng năm đó, tại chiến trường Bình Định, anh bộ đội cụ Hồ Lê Quốc Lập bị thương nặng. Thời học phổ thông cũng như những năm ở trường đại học, tôi chỉ biết anh bộ đội qua sách báo mà thôi. Còn Lê Quốc Lập, đang học cấp 3 dở dang, tạm gác sách vở xông ra chiến trường đánh giặc. Anh được điều động vào binh chủng đặc công. Chiến tranh chưa kết thúc, anh phải rời chiến trường mang theo nhiều vết thương, cơ thể không còn lành lặn như lúc ra đi. Đạn địch xuyên qua cánh tay phải (hiện thời vẫn còn co quắp) thời sinh viên anh vẫn ghi bài kịp lời thầy giảng. Chữ viết nắn nót, cứng cáp như tính cách của anh. Còn tôi, cậy thế tay lành lặn, viết cẩu thả, xấu hơn chữ của thương binh Lê Quốc Lập.

Từ trái sang, hàng đứng: Nguyễn Bá Tân, anh Lê Quốc Lập, Trần Triều Nguyệt, Ma Duy Giang; đám đờn bà: Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thanh Hương, Cao Kim Phương, Lê Thanh Nga

Thương tật của anh dĩ nhiên được xếp hạng, trọn đời anh hưởng chế độ thương binh. Anh còn nỗi đau khác lớn hơn. Vì không thổ lộ cho nên nhiều người, kể cả số đông bạn bè trong lớp đến nay vẫn không biết. Được anh chia sẻ, biết nỗi đau của anh, tôi không nỡ lòng nói ra. Người mà cả đời chung vai gánh chịu nỗi đau ấy chính là vợ anh. Giá như không có chiến tranh, vợ chồng anh không phải gánh chịu nỗi đau lớn nhất của người làm chồng, làm vợ. Mất mát quá lớn nhưng vợ chồng anh không oán giận, hàng chục năm nay vợ chồng anh vẫn nồng thắm yêu thương. Không phải ai cũng sống được như thế.

Cuộc sống của anh, của vợ chồng anh là bức tranh tuyệt đẹp. Màu sắc, ánh sáng của bức tranh ấy bắt nguồn từ cốt cách làm người, từ đạo nghĩa vợ chồng của vợ chồng Lê Quốc Lập.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Quốc Lập được giữ lại làm giáo viên khoa Ngữ văn (đại học Tổng hợp Hà Nội). Ở lại trường được gần 5 năm, vì hoàn cảnh gia đình, anh xin chuyển công tác về trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa. Đến lúc Thanh Hóa thành lập trường Đại học Hồng Đức, trong số cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn của trường này có Lê Quốc Lập. Thời kỳ đầu, anh dạy bộ môn văn học cổ Việt Nam. Khi đại học Hồng Đức bổ sung phần mỹ học vào chương trình lý luận văn học, Lê Quốc Lập là người đầu tiên “khai phá” chuyên ngành này. Lúc còn sinh viên, Lê Quốc Lập cũng như lớp chúng tôi được học bộ môn mỹ học. Sau hàng chục năm, dù đã làm ông làm bà, lớp chúng tôi vẫn chưa quên “sự khẳng định” của anh Nguyễn Huy Cờ: cái to là cái đẹp. Trong lớp chúng tôi, có một số chiến hữu đi tìm người yêu theo quan điểm ấy. Có người thành công, có người thất bại. Còn cái to có phải là cái đẹp hay không, đến nay vẫn đang còn tranh cãi.

Trong vòng vây của bọn chân dài, mình tị với bác Lập quá. Hàng đứng, trái sang: Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thanh Đạm, Nguyễn Thu Thủy; ngồi: Lê Quốc Lập, Trần Thị Sánh, Nguyễn Thị Hương

Quay trở lại việc Lê Quốc Lập “khai phá” cái đẹp ở trường Đại học Hồng Đức. Để chuyển sang giảng dạy bộ môn này, cho dù thời sinh viên có học, Lê Quốc Lập lại phải dùi mài đèn sách chuyên sâu mỹ học. Tự mình vượt lên bản thân, sức học và khả năng nghiên cứu của anh tiếp tục bừng sáng. Tự học là cần nhưng chưa đủ. Lê Quốc Lập ra Hà Nội, nhờ các thầy truyền giảng, vốn liếng mỹ học nhờ đó mà giàu lên. Lê Quốc Lập đặc biệt cảm ơn giáo sư Đỗ Văn Khang – thầy giáo cũ, người kiến tạo bộ môn mỹ học ở khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư Đỗ Văn Khang giành nhiều thời gian, trí lực tận tình chỉ bảo cho Lê Quốc Lập – học trò cũ, người đồng nghiệp tại trường đại học Hồng Đức. Trong quá trình “nhả tơ” ở Hồng Đức, Lê Quốc Lập cho biết, có phần tiếp sức không nhỏ của giáo sư Đỗ Văn Khang. Lê Quốc Lập là người đầu tiên “du nhập” bộ môn mỹ học đến với trường đại học Hồng Đức.

Lê Quốc Lập, vợ chồng Lê Quốc Lập có cuộc sống tuyệt đẹp. Ở trường đại học Hồng Đức, Lê Quốc Lập là người đầu tiên “khai phá” bộ môn mỹ học – khoa học của cái đẹp.

Bá Tân

5 nhận xét:

  1. Thầy Thảng là chủ nhiệm em hồi em học đh đấy bác ạ, nhưng em học ở Huế, khóa 1. Sau này em rất thân với thầy Thảng chứ hồi học sợ ông chết khiếp. Ổng đã từng ngủ ở... nên nhà xi măng ở phòng khách khu tập thể của em giữa mùa đông. Ổng cũng từng dậy từ 5h sáng xứ Huế lạnh đi xếp sổ mua thịt, 3 lạng, lấy 1 lạng thịt nạc (quen mới được) để băm riêng cho con bé nhà em, còn 2 lạng thịt mỡ xào rau muống đãi cơm vợ chồng và con gái em đấy.
    Lớp bác em chơi và quen với mấy người như bác Bính, Lê Tài Thuận (thầy), Xuân Ba, Sánh...
    Hihi lớp bác oách hỉ.

    Trả lờiXóa
  2. Đồng chí Hùng văn công ơi ời, chúng mình cùng chung sư phụ, hèn chi có nhiều suy nghĩ giống nhau. Lớp mình nhiều đứa oách ra phết, chỉ mỗi mình suốt ngày ngước nhìn chúng mỏi cả cổ, bác ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Nguyễn Thông thân mến...
    Mấy hôm rồi không thấy liên kết của em trên blog của bác là sao vậy ạ, hay là bác sợ cái gì đó hoặc nghĩ rằng em không xứng chăng (!?)

    Trả lờiXóa
  4. Tâm ời rồi blog của anh bị "lỗi kỹ thuật", mất nhiều bài vở và địa chỉ, anh phục hồi lại nhưng chưa đầy đủ. Xin lỗi Tâm, sẽ sớm điều chỉnh. Đại xá nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Tửu nói:Bá Tân nên hỏi mình và anh Quốc Khánh về anh Lập hôm họp lớp vừa rồi khi anh ấy lên tiên suốt 1 đêm ròng ở Hà Nội để đưa thêm vào bài viết thì mới gọi là tuyệt cú mèo!

    Trả lờiXóa