Chủ blog Nguyễn Thông có bài phác họa 2 bạn gái, họ Nguyễn, tên Hà và Đạm. Đọc bài viết ấy, tóc tớ đã bạc lại bạc thêm, râu dài thêm 1 đoạn. Vừa quý trọng vừa thương cảm. Mỗi người là một bầu trời riêng. Sáng và tối. Ấm và lạnh. Lớt phớt dịu hiền và dông tố. Ân và oán… Có đủ mọi thứ trong “khuôn viên” bầu trời riêng của từng người.
Có những cái, các mệ ấy tưởng là mất nhưng lại là được. Ở đời này, kể cả K17 chúng ta, không hiếm người cứ đinh ninh là được nhưng lẫn khuất trong đó có cái mất ghê gớm lắm. Tôi, chúng ta soi gương nhận ra khuôn mặt mình. Soi vào đâu để tìm đúng cái mất, cái được của chính mình?
Mình đồng cảm với Thông trong bài viết về Hà và Đạm.
Thông đưa ra đề xuất thể hiện tấm lòng vàng với bố Thu Hà – cụ Nguyễn Sỹ Quế, nguyên bí thư tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (thời kỳ sáp nhập Nghệ An với Hà Tĩnh). Chắc là gia đình Hà rất cảm động. Là người xứ Nghệ, lại là bạn học của Hà, mình trân trọng đề xuất của Thông. Nhưng Thông ơi, mình muốn “bàn thêm” về cái đề xuất ấy.
Thông đưa ra đề xuất: xứ Nghệ nên xây bia hoặc tạc tượng cho cụ Quế. Đúng là, như đề xuất của Thông, cụ Quế hoàn toàn xứng đáng được tạc tượng. Nhưng mà, chính là ở cái nhưng mà này, có nên làm cái việc tạc tượng hay không. Nghệ An là địa phương “khổng lồ” cả về diện tích và dân số, có thừa điều kiện kinh tế để tạc tượng cho những người làm rạng danh xứ Nghệ (có khi có cả mình đấy nhé). Cụ Nguyễn Sỹ Quế và những người được như cụ thì không nên tạc tượng. Cụ Quế đã thành danh, cụ đã được tạc tượng trong lòng dân. Ở xứ Nghệ, các thế hệ sau này không được gặp cụ, số đông người dân vẫn nhắc đến cụ với tấm lòng tôn kính. Không gặp cụ, vẫn nói nhiều về cụ bởi sự lưu danh bằng bia miệng. Bia đá làm sao có được như thế. Bia miệng sống trong lòng dân, vui buồn cùng dân. Bia đá quạnh hiu một mình, ngày đêm lầm lũi cùng mưa nắng, dân nhìn vào đó mà chẳng biết ai. Thiêng liêng cho cụ Quế, ít nhất là cho đến nay, cụ chưa “bị” xây bia hoặc tạc tượng bằng đá.
Khi còn công tác ở Nghệ An, tôi đã hơn 1 lần phản đối xây bia hoặc tạc tượng cho cụ Quế. Hiểu đúng con người cụ và biết thời thế mới đưa ra đề suất trái chiều như vậy. Xây bia, tạc tượng đang trở thành phong trào. Xây bia hoặc tạc tượng cho cụ theo kiểu đó là vàng thau lẫn lộn, đánh đồng hàng xịn với hàng dởm. Người ta đang biến bia, tượng thành dự án. Đây là sự phản phúc đến tột đỉnh. Núp bóng bia, tượng để giải ngân kinh phí, chia chác tiền thu thuế của dân. Mượn danh người đã chết để vơ vét tiền bạc. Loài cầm thú cũng không nhẫn tâm như thế. Xây tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ mà cũng xảy ra vụ án hình sự, khoản tiền bị tham nhũng khá lớn. Nội bộ kiện cáo nhau vì có tiêu cực khi nâng cấp đền chùa. Thần thánh cũng bị bọn mặt người dạ thú lợi dụng để kiếm tiền. Dùng chữ loạn là chưa nói hết “những điều trông thấy” đang diễn ra trong cuộc sống hiện thời. Những người hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ phải chết thêm một lần khi biêt xây tượng đài chiến thắng cũng xảy ra tham ô, tham nhũng.
Tham ô, tham nhũng xảy ra tràn lan. Bọn tham nhũng thừa tiền xây đủ loại bia, bia kim cương hẳn hoi chứ không thèm bia đá cẩm thạch. Bọn chúng không dám xây bia kiểu đó, nếu làm, dân sẽ đập nát. Trong lòng dân có bia của chúng nó. Đó là thứ bia ô danh, nặc mùi hôi thối truyền từ đời này sang đời khác. Lắm tiền nhiều chức nhưng bia của chúng nó trong lòng dân không bằng bia của một con trâu bị chết vì dịch bệnh lở mồm long móng. Bia trong lòng dân là sự định giá cực kỳ chuẩn mực. Bộ tài chính, các viện nghiên cứu kinh tế, các trường đại học không thể tìm được cái chuẩn mực ấy.
Trong một nghĩa trang có đủ loại bia. Có thể nói có bao nhiêu mồ thì có bấy nhiều bia. Trong lòng dân chỉ có 2 loại bia. Bia lưu danh tôn kính, dành cho những người trọn đời sống với dân, nói và làm vì dân. Loại thứ 2 là bia ô danh, thứ này xếp vào một xó. Chỉ có bọn dùng tiền thuế của dân làm hại dân là xếp vào loại này. Chúng nó trương mắt dò tìm tiền bạc tận nơi đen tối nhất. Cái ngay trước mặt thì không nhận ra. Cái bia miệng ô danh treo ngay trước mặt, lại còn bốc mùi nồng nặc, thế mà chúng nó không nhận ra hoặc cố tình không thấy.
Thông ơi, đến đây chắc là Thông đồng ý với mình: cụ Nguyễn Sỹ Quế cũng như những người như cụ, không cần phải xây bia hoặc tạc tượng bằng đá. Cụ Quế đang và sẽ lưu danh trong lòng dân bằng bia miệng. Ngày cụ mất, cách đây hơn 10 năm, tôi cùng Sỹ Đại, Đình Chiến đến viếng và đưa tiễn cụ về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Dĩ nhiên cụ Quế phải là người thế nào mới được lưu danh trong lòng dân. Tôi có đủ tư liệu viết một quyển sách về cụ Nguyễn Sỹ Quế - cựu bí thư tỉnh ủy đáng kính của xứ Nghệ. Trong một bài viết ngắn làm sao kể ra cho hết. Vả lại chưa là bệnh nhân của bệnh thành tích cho nên tôi vẫn đủ tỉnh táo không đưa ra khoe thành tích của cụ. Nếu mạo muội làm thế, khác nào tôi tùy tiện làm cái việc mà cụ không muốn.
Khai bút 2012
Bá Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét