Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Vui khỏe trẻ trung

Mình có tí việc phải chạy ra phố tầm tối. Đúng lúc bọn thanh niên kéo nhau tụ tập chơi trò giờ trái đất. Ôi chao, xe cộ ken đặc, đông hơn hội. Tại khu vực trung tâm Sài Gòn, cứ chỗ nào người ta định cho bọn trẻ tụ tập thắp nến là y như bãi giữ xe chém đẹp. Xì ra 10 ngàn/chiếc, không thì đi nơi khác. Mà chạy xe thì tốn xăng. Tiết kiệm được tí điện thì đốt cả bình xăng. Tiền xăng, tiền gửi xe. Biết bao nhiêu xăng, biết bao nhiêu tiền bị tốn vào chuyện này.
Ảnh: DIỆP ĐỨC MINH

Cứ nhìn cảnh lũ thanh thiếu niên túm năm tụm ba đốt nến, trong ánh lửa chập chờn như ma trơi, chúng hò hát chọc ghẹo nhau vui quên đời, mình lại liên tưởng đến phong trào “vui khỏe trẻ trung” do tay quan năm Pháp Ducoroy tổ chức những năm 40. Hồi còn đi học, mình nghe các thầy giáo phân tích về phong trào của tay sĩ quan này, thầy nào cũng bảo nó thâm. Có thầy còn dẫn cả thơ Nguyễn Khuyến ra minh họa.

Nay nhìn bọn trẻ vui chơi quên đời thế, mình mừng cho chúng có được cuộc sống “vui khỏe trẻ trung”, chả như bọn già hơi một tí là lăn tăn. Có nhẽ các thầy đã nhầm?

31.3.2012
Nguyễn Thông

Phản đối Trung Quốc đua thuyền buồm tới Hoàng Sa

Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ như trên trước việc ngày 30.3.2012, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm "Cúp Ty Nam" xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nêu trên, tuân thủ DOC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông,” người phát ngôn nhấn mạnh.

(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Nghĩ cho kỹ rồi hãy nói, ông ạ

Dân gian có câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, còn hách xì dầu một tí theo kiểu bác học thì “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời thẳng thắn khó nghe). Nhưng mất lòng trước, được lòng sau. Ghét cái thói xun xoe nịnh bợ. Ghét cái trò trùm chăn, mũ ni che tai để an phận. Chả gì hơn nói thẳng nói thật.

Mình cũng biết sợ. Ai mà chả biết sợ. Ít nhất thì cũng phải sợ trời, sợ quỷ thần, sợ bậc thánh nhân. Bây giờ có trăm ngàn thứ làm con người ta sợ. Nhưng ai cũng sợ thì cuộc đời này đi đến đâu. Nên phải nói, đàng hoàng, thẳng thắn, mang tính xây dựng, để cuộc sống và con người ngày càng tốt hơn.

Ngày xưa, các triều đại phong kiến thịnh trị, những vị minh quân đều có gián quan hoặc thằng hề. Vua làm gì sai, nói gì sai thì gián quan, thằng hề được quyền chê trách, nhằm giúp nhà vua sửa cho ngay. Nay chế độ dân chủ, mình chỉ là dân, mình tự phong là gián dân, thằng hề nói lời thẳng thắn, ai muốn nghe thì nghe. Mình sẽ nói nhiều. Và đây là điều đề cập đầu tiên.

Chả nhẽ cứ thất vọng mãi. Đành rằng không nên chỉ đánh giá con người bằng sự ăn nói. Đành rằng ai chẳng có lúc thế này thế nọ. Nhưng đây là ông ấy, nhân vật quan trọng nhất nước, còn hơn cả nguyên thủ, hơn cả vua, bởi ông ấy đứng đầu đảng. Mà đã ở vị trí đó thì nhất cử nhất động nhất ngôn đều quan trọng lắm, ảnh hưởng lắm, bị săm soi ghê lắm.

Ông ấy là Nguyễn Phú Trọng. Nếu xét dựa vào những thứ đã có thì ông ấy không chỉ là nhân vật số 1 của bộ máy đang lãnh đạo xứ này mà còn là bậc trí giả. Học hành bài bản, học hàm học vị tột đỉnh, chỉ thiếu điều chưa được danh viện sĩ, như nhà thơ Xuân Diệu, nhà nghiên cứu Hồ Tôn Trinh hay ông gốc làng Hành Thiện, Đặng Vũ Minh… từng được mà thôi.

Tại cuộc gặp gỡ những cán bộ cấp cao đã về hưu đóng góp ý kiến cho việc thực hiện nghị quyết của đảng ngày 26.3, ông tổng bí thư khẳng định “các cán bộ cấp cao của đảng và nhà nước đã nghỉ hưu là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa quan trọng để góp phần triển khai thực hiện thành công nghị quyết” (báo Thanh Niên ngày 30.3, trang 3). Theo mình, ông Trọng nói vậy là rất thiếu suy nghĩ. Vì sao?

Thứ nhất, dù là cán bộ cấp cao nhưng đã nghỉ hưu thì phải để cho các cụ nghỉ an hưởng tuổi già. Sau bao năm cống hiến đóng góp cho nước cho dân, các cụ phải được quyền nghỉ ngơi. Sao lại lôi các cụ ra làm “lực lượng nòng cốt”? Thế những người đương chức đương quyền như các ông, những cán bộ còn trẻ đang độ tuổi cống hiến, để làm gì, ngồi chơi chắc? Nòng cốt tức là lực lượng chính, chủ công, quan trọng nhất. Ví dụ, công nhân là lực lượng nòng cốt của cách mạng vô sản. Nay lấy các cụ làm nòng cốt, chỉ có ông già đi chiến đấu, lo lắm thay. Không thể trông cậy vào bọn trẻ nữa rồi.

Thứ nữa, về hưu tức đã già. Người già có nhiều kinh nghiệm nhưng sức tàn lực kiệt, trí óc kém minh mẫn, dễ mắc bệnh công thần, không bắt kịp được những thay đổi của thời đại, vậy mà vẫn lôi lên hàng đầu trong việc thực hiện triển khai nghị quyết, kể ra không ổn chút nào. Đó là chưa nói “vắt” các cụ thì cũng “vắt” vừa thôi, cụ nào tự nguyện “chiến đấu” thì hoan nghênh, không thì cứ để các cụ nhàn tản, vui cùng con cháu. Nghe nói bên Đài Loan họ cấm tiệt bọn thanh niên vào các “lầu xanh” nhưng lại khuyến khích cụ già bởi theo họ, người già đã đóng góp nhiều rồi, còn sống mấy nả nữa đâu, khắt khe mà làm gì. Hóa ra người cao tuổi xứ ta vất vả, nặng gánh sự đời đến già. Khổ.

Cũng cần bày tỏ thêm tí nữa. Miệng các bác kêu “người già làm nòng cốt” nhưng không ít vấn đề khi người già góp ý thẳng thắn, chân tình thì chả biết các bác có nghe không, chỉ thấy lặng tờ im phăng phắc, chẳng chút sủi tăm phản hồi. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh góp ý về thái độ với Trung Quốc; các cụ Lê Đức Anh, Nguyễn Quốc Thước về vụ Tiên Lãng là ví dụ. Như ném đá ao bèo. Cứ kiểu làm lơ như thế, các cụ có nhiệt tình, trách nhiệm mấy đi chăng nữa rồi cũng phải nản.

Mình buồn khi nghe ông Trọng nói vậy nhưng lại rất khâm phục khi ông GS Hoàng Chí Bảo (ủy viên Hội đồng lý luận trung ương) giả nhời nhà báo. Mặc cho nhà báo cứ xoáy vào hỏi vai trò của “lực lượng nòng cốt” như thế nào, ông Bảo một mực cho rằng “sự hiện diện của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu sẽ là sự hỗ trợ về mặt tinh thần, đồng thời cũng là sự đảm bảo để sinh hoạt phê bình, tự phê bình trở nên lành mạnh, đúng mực, trung thực”. (báo Thanh Niên ngày 30.3, trang 3). Rất chính xác, có lý có tình.

Té ra, không phải cứ làm cao, càng cao thì nói hay hơn người khác.

30.3.2012
Nguyễn Thông

Bài hay trên báo Thanh Niên: Vạch rõ âm mưu "đường lưỡi bò"


Từ nước Anh, nhà nghiên cứu biển Đông Dương Danh Huy trao đổi với Thanh Niên về việc Trung Quốc huy động 13 bộ ngành để thực hiện bản đồ “đường lưỡi bò”.
 
Trung Quốc liên tục tăng cường tàu hải giám trên các vùng biển tranh chấp - Ảnh: Sinodefence
Thưa tiến sĩ Dương Danh Huy, động thái mới này cho thấy Trung Quốc đang thực sự muốn điều gì?

Mục đích của Trung Quốc là chiếm hết các đảo, chiếm “diện tích lớn nhất” và “nhiều quyền lợi nhất” có thể trên các vùng biển. Để đạt mục đích, họ dùng một số cái “không”: Không công nhận Hoàng Sa là vùng đang tranh chấp chủ quyền; Không đàm phán chủ quyền đối với các đảo ở Trường Sa; Không xác định phạm vi vùng biển mà họ có yêu sách; Không xác định điều họ yêu sách trong vùng biển đó; Không chọn một cơ sở nhất định cho yêu sách đó; Không chấp nhận đưa tranh chấp ra bất cứ trọng tài quốc tế nào; Không chấp nhận ý kiến của các nước ngoài khu vực. Những cái “không” trên nhằm tạo ra tình trạng không thể giải quyết được tranh chấp, bỏ ngỏ nhiều khả năng cho yêu sách của họ về biển, tung hỏa mù chống phê bình.

Trong môi trường được tạo ra như thế, Trung Quốc tận dụng cơ hội mở rộng và củng cố kiểm soát trên thực tế cũng như những gì họ có thể cho là sự công nhận chủ quyền và quyền chủ quyền của họ.

Liệu Trung Quốc sẽ công bố tọa độ của đường chữ U (vốn xưa nay rất mơ hồ) như họ vừa bóng gió hay không?

Hiện nay đường chữ U, với 9 đoạn đứt khúc, chứa sự mập mờ có lợi cho Trung Quốc. Nếu bị phê phán như một ranh giới biển phi lý, Trung Quốc có thể chống chế “Chúng tôi đòi các đảo bên trong đường đó” nhằm tránh né lời phê bình “ranh giới biển phi lý”, mặc dù sự thật là nói như thế không có nghĩa các yêu sách của họ về biển không ra đến đường đó.

Nếu Trung Quốc công bố tọa độ của đường chữ U với thế giới thì việc làm đó trong hoàn cảnh hiện nay làm cho đường này mang dáng dấp của một ranh giới biển. Như vậy, việc tuyên bố tọa độ của đường chữ U sẽ làm mất đi phần nào hỏa mù chống phê bình của đường chữ U hiện tại. Nếu Trung Quốc tuyên bố như thế thì đó là một bước leo thang trong tranh chấp biển, nhưng ngược lại, nó cũng làm cho các nước khác cảnh giác hơn. Bị mất đi phần nào hỏa mù cũng sẽ làm cho đường chữ U bị phê bình nhiều hơn. 


Lâu nay, TQ đã ráo riết tuyên truyền yêu sách của họ, từ trong nước ra thế giới, mà bằng chứng là “bản đồ chữ U”, “bản đồ Tây Sa”, “Nam Sa”… được phát hành khắp nơi. Giờ đây, với việc họ đẩy mạnh hơn nữa thì tình hình sẽ như thế nào?

Việc đẩy mạnh tuyên truyền “bản đồ chữ U”, “Tây Sa”, “Nam Sa” gieo vào tâm lý mọi người quan điểm sai lầm rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc và đường chữ U là một điều bình thường”. Năm này qua năm khác, quan điểm và ấn tượng sai lầm đó sẽ trở thành kiến thức phổ thông trên thế giới. Ngay cả số ít biết sự thật cũng có thể đánh giá là Việt Nam không quan tâm đủ về Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U cho nên để cho quan điểm của Trung Quốc được đăng tải khắp thế giới.
 
Đỗ Hùng (thực hiện

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Lời hay ý đẹp (6): Sức dân, khoan...

Dạo này, hình như để tranh thủ lòng dân hay sao ấy, nhiều ông bà lớn thích bắt chước người xưa. Cụ thể nhất là họ noi gương tiền nhân Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi. Giá có ai hỏi họ thuộc được câu nào của Binh thư yếu lược (Trần Hưng Đạo) hoặc bài thơ nôm nào của Nguyễn Trãi, chắc họ ớ ra, khổ nỗi chỉ học tủ, văn mẫu thôi, làm sao biết được. Vậy mà lúc nào cũng "khoan sức dân, khoan sức dân". Trên diễn đàn hội nghị, gặp gỡ cử tri, trò chuyện với cấp dưới, giả nhời nhà báo, thậm chí ngủ mê... cũng "khoan sức dân". Giá lời nói của họ đi với việc làm thì quả thật con dân xứ này hồng phúc còn lớn lắm. 


Vì thế, đọc được câu sau đây của nhà báo nhân dân blogger Faxuca (nghe nói dẫn lại của một nhà thơ), mình thấy có lý quá:
"Sức dân có hạn, mà các bác cứ thi nhau khoan mãi thế này, chỉ e có ngày nó...bục!".


Mà nó bục thì các bác biết sẽ thế nào không, chí ít cũng như cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30-31 đó. Coi chừng.


Tái bút: Ngay sau khi post bài này, mình nhận được thông tin cho biết câu nói trên của nhà thơ Văn Công Hùng, trong bài Sức dân đăng trên blog của anh Hùng (vanconghung.blogspot.com), nguyên văn là vầy: "Sức dân có hạn các bác ơi, khoan vừa thôi, không thì nó... bục". Cám ơn nhà thơ Văn Công Hùng.


29.3.2012
Nguyễn Thông

Lục bát Nguyễn Huy Hoàng

NGUYỄN HUY HOÀNG

Dẫu xa muôn dặm, vẫn tôi vua Hùng


Cái thời khai quốc, ban sơ
Nhà vua xuống ruộng cày bừa với dân
Ngồi cùng một chiếu, chung mâm
Đêm canh bếp lửa, uống chung rượu thề
Người dưới nói, kẻ trên nghe
Bình yên một cõi, bốn bề Phong Châu

Thương dân, quốc kế làm đầu
Binh lương, thực túc, mưu sâu, kế bền
Bao đời trong ấm, ngoài yên
Chẳng nhường tấc đất ở miền biên cương
Khởi nguyên dòng dõi Việt Thường
Luỹ thành dựng nước, xưng vương một vùng

Truyền ngôi, thi lễ hội mừng
Thanh cao chỉ chọn bánh chưng, bánh dày
Trời là đây, đất là đây
Nước non tay cuốc, tay cày mà nên
Dạy rằng, chớ phụ tổ tiên
Đừng vì gấm vóc mà quên nghĩa người

Thân con lưu lạc cuối trời
Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng

Về cùng nước Việt của ta


Về cùng nước Việt của ta
Về nơi nắng dội, mưa sa, gió ngàn
Nơi chim xây tổ, có đàn
Dây bầu, dây bí chung giàn, trổ hoa.

Về cùng nước Việt của ta
Nơi sông ra biển, son pha, cát bồi
Phải duyên, ăn kiếp, ở đời
Đói no san sẻ trong lời ca dao
Tắt đèn, tối lửa có nhau
Con ngựa đau, cả máng tàu bỏ ăn!
Đã thương, cau héo cũng cầm
Cách lòng, báu vật đầy mâm, chẳng màng

Về đây mái lá, thôn làng
Xa nơi huyên náo, phố phường phồn hoa
Rau dưa, gạo mới, tương cà
Thấm vào máu thịt trong ta tháng ngày.
Dặm trường non thẳm, chân mây
Cánh chim phiêu bạt trông cây, nhớ rừng
Xanh gì bằng cỏ trên nương
Thơm gì bằng bưởi đưa hương sau nhà!

Về cùng nước Việt của ta
Sau lưng, nửa kiếp bôn ba xứ người
Kể từ bèo dạt, hoa trôi
Tính ra, biết mấy rụng rơi, héo tàn.
Ta về nhặt lấy nắng vàng
Hong cho tan hết giá băng cuối mùa
Ta về gom những cơn mưa
Gột cho sạch hết cay chua, mất còn.

Chắp tay nhận lấy vui buồn
Những là trăn trở áo cơm, lẽ đời;
Những là nước mắt, mồ hôi
Chẳng buông mái tóc đã phơi trắng đầu.
Dẫu rằng lũ xoáy nông sâu
Đã nguyền bám trụ chân cầu, gốc đa!
Về cùng nước Việt của ta
Một miền tuyết trắng đã xa, xa rồi...

Nguyễn Huy Hoàng ( LB Nga)

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Lời nguyện cầu nhân ngày giỗ tổ

BÁ TÂN

  Mỗi người, giàu cũng như nghèo đều có ngày giỗ tổ của gia đình mình, dòng họ mình. Tế họ, đó là ngày giỗ tổ của những người có chung dòng họ.
  
Dân tộc Việt, hơn 85 triệu người, có chung một ngày rất đặc biệt : giỗ tổ Hùng Vương. Suốt thời gian dài trước, người dân tự nhớ tự làm giỗ tổ. Cho đến gần đây giỗ tổ Hùng Vương mới trở thành quốc giỗ. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày quốc giỗ Hùng Vương. Năm nay, giỗ tổ Hùng Vương đúng vào ngày thứ bảy, ngày cuối cùng của tháng 3 dương lịch 2012. Giỗ tổ đúng ngày nghỉ cuối tuần, khách thập phương kéo về Đoan Hùng tế tổ càng thêm đông.

Vùng cấm

Điều đầu tiên cần phải nhắc đến là suốt từ tối qua đến giờ (và kéo dài không biết đến bao giờ) blog của mình đã bị ngăn chặn quyết liệt, bản thân mình cũng như bạn bè không thể nào truy cập được. Thời may, một bậc đàn anh, giàu kinh nghiệm đã tận tình chỉ dẫn cách khắc phục tạm nên mình mới có cơ hội bày tỏ suy nghĩ dưới đây.

Chả là hôm qua 27.3 lãnh đạo TP Hải Phòng làm cuộc kiểm điểm những cá nhân có liên quan đến vụ "xông lên đoạt trời" của anh hùng Đoàn Văn Vươn đất Tiên Lãng. Kể ra sự việc xảy từ trước tết âm lịch mà bây giờ sang tận tiết thanh minh mới tổ chức nhắc nhẹ nhau cho thấy mấy bác đầu sỏ xứ cảng hoa phượng kiểm điểm chậm, quá chậm. Chậm đến mức có cảm tưởng lúc này vụ Tiên Lãng đã chìm xuồng, người dân đã mất hết lòng tin chả thèm quan tâm nữa. Có lúc hơi rạo rực một tí khi thấy nẩy ra công cuộc chỉnh đốn đảng, thực hiện cái gọi là nghị quyết hội nghị trung ương 4 nhưng xem chừng chỉ có phần nghìn tia hy vọng, nó tắt hồi nào không hay. Anh hùng Vươn, Quý vẫn bặt tin trong đề lao Trần Phú; vợ con anh hùng vẫn lay lắt bươn chải chờ ngày chồng ra vành móng ngựa; bí thư Thành vẫn tung tăng thăm thú nơi này nơi khác phát biểu, huấn thị, giáo dục đảng viên; đại tá Ca chắc đang bận bịu soạn giáo án về đánh hiệp đồng; phó Thoại bận lo công tác tổ trưởng xử lý vụ dân phá nhà Vươn; mấy chú cầm đầu Tiên Lãng đang khoan khoái với mức kỷ luật nhẹ hều... Nói như thằng AQ của cụ Lỗ Tấn, cách mạng xong rồi nhưng chả chết thằng tây giả nào, đâu vẫn vào đó thôi.

Hình như người ta bỗng giật mình, thủ tướng bảo chậm nhất đến cuối tháng 3 phải báo cáo kết quả xử lý nên nhìn tờ lịch thấy đã mấp mé ngày cùng tháng tận bèn vội vàng lôi nhau ra kiểm điểm. Phải công nhận Hải Phòng lì, nói đúng ra người Hải Phòng lì, nói chính xác hơn nữa kẻo oan cho người Hải Phòng nói chung, thì lãnh đạo Hải Phòng lì. Giá làm cách mạng bị địch bắt mà lì thế thì thành phẩm chất tuyệt vời. Nhưng thôi, xem họ kiểm điểm ai, kiểm điểm cái gì.

Theo báo Thanh Niên, trong cuộc tẩy rửa ngày 27.3, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức kiểm điểm đối với ông Dương Anh Điền - chủ tịch UBND và ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND thành phố. Ký giả thạo tin cũng chỉ biết đến thế thôi. Kết quả kiểm điểm thế nào, bí mật, có trời biết.

Kể cũng lạ. Theo những gì tôi được tỏ, được nghe thì có vẻ vụ tắm gội này chưa trúng chỗ dơ cho lắm. Ông phó Thoại bị xem xét thì đúng rồi, chả oan, thậm chí dư luận cho rằng đến giờ ông ấy còn tại vị đúng là chuyện chỉ có ở xứ ta. Vấn đề ở chỗ ông Điền. Rất nhiều bạn bè, người thân của tôi ở Hải Phòng nói rằng trong hàng ngũ lãnh đạo thành phố, tay này được nhất, về nhiều mặt. Tôi không bênh ông Điền. Tôi từng viết bài trách ông Điền trong vụ Tiên Lãng, tại sao cầm đầu chính quyền mà không lên tiếng ngay, nhận trách nhiệm ngay, xử lý ngay; thậm chí tôi còn đề nghị nhân dân biếm chức ông ấy đi. Nhưng khi nghe ông ấy phân trần, giả nhời nhà báo, thấy người nhà nước này không đến nỗi nào. Một bạn tôi ở Hải Phòng còn bảo mày ơi nó được lắm, mày chưa hiểu hết đó thôi, nếu hỏi dân Hải Phòng giờ còn tín nhiệm ai, tao tin rằng chỉ còn mỗi mình nó. Cái đất dữ này đấu đá nhau ghê lắm, nó mà mệnh hệ nào, chắc dân cũng tiếc. Xem tivi, thấy cái con người ăn nói nhỏ nhẹ, có lý có tình, tư tưởng thân dân khá rõ ràng, tôi thầm tin bạn tôi đã đúng.
Chủ tịch UBND Hải Phòng Dương Anh Điền (ảnh VnExpress)


Điều tôi nghĩ nhưng chưa kịp nói ra thì mấy vị đất cảng gọi cho tôi khẳng định, đứa cần phải lôi ra kiểm điểm nhất chính là tay bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành. Ở cái cơ chế đảng lãnh đạo thì: đúng- đảng cứ việc nhận, sai-đảng phải lĩnh trách nhiệm. Chứ đâu có thói miếng nạc vơ vào, khúc xương khạc ra. Theo dõi suốt từ đầu đến cuối vụ Tiên Lãng, chính tôi cũng nhận thấy phần liên quan của ông bí Thành hơi bị nhiều. Thiên hạ nắm được đầu đuôi cả rồi, thôi, chả nhắc lại. Vậy mà xem chừng anh bí nhà ta vẫn vững như bàn thạch. Không ai dám động vào. Vì anh ấy là đảng. Xấu chàng hổ ai.

Vùng cấm. Vâng, luôn có vùng cấm. Không thể làm suy yếu đảng. Rút dây động rừng, cẩn thận vẫn hơn. Tổ chức chưa làm gì bí thư Thành thì anh bí vẫn là người tốt, là người đứng đầu thực chất của xứ Hải Phòng. Về nguyên tắc là thế, còn nếu hỏi người dân Hải Phòng, theo tôi, họ sẽ nói ngược lại.

Cuộc tắm táp này chỉ từ rốn xuống thôi. Thật tiếc.

28.3.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Đăng lại bài: Tàu Hoa Sen - sự lãng phí khủng khiếp

Ngày mai 27.3, theo lệnh thủ tướng, tòa án TP Hải Phòng lôi thằng của nợ Vinashin ra xử. Chả biết rồi sẽ đi đến đâu, có lộ thêm đồng chí cán bộ nào đang trốn kỹ trong đống rơm hay không, chỉ biết rằng ngay khi Vinashin đang ở đỉnh cao, năm 2008, mình đã viết bài này. Xin phép được "cảo thơm lần giở trước đèn" cho mọi người rõ hơn tội của thằng Vina và những kẻ o bế nó.

Tàu Hoa Sen - sự lãng phí khủng khiếp

 Trong thời buổi kinh tế suy thoái, sử dụng vốn dù chỉ một đồng cũng cần hiệu quả. Vậy nên khó có thể tin người ta đã đắp chiếu trùm mền, bỏ không cả ngàn tỉ đồng như chơi. Và đó là tiền nhà nước, tiền đóng thuế của dân.
 
Cách đây chưa lâu, dư luận được phen ồn ào khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) mở đầu thực hiện đề án “Xây dựng và khai thác tuyến vận tải hành khách - hàng hóa cao tốc Bắc Nam trên biển” bằng việc mua một con tàu cũ của Ý với giá 60 triệu euro (khoảng 1.500 tỉ đồng). Những vị lãnh đạo Vinashin hùng hồn tuyên bố ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến đường mới (mà rất cũ) này, nào không chỉ thúc đẩy giao thương Nam Bắc, san sẻ gánh nặng cho đường sắt đường bộ; phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ mà còn góp phần thực hiện chiến lược biển đảo, an ninh quốc phòng… Ngày 13.12.2007, tàu Hoa Sen (tên đặt cho tàu ngàn rưỡi tỉ) chính thức khai diễn chuyến đầu tiên trong trống rong cờ mở. Vì là siêu tàu nên giá vé cũng siêu, từ Hạ Long đến Sài Gòn cao nhất 5 triệu đồng (gấp 3 lần vé tàu bay), thấp nhất cũng gần 1 triệu đồng/người. Chả hiểu người ta hạch toán kiểu gì nhưng hành khách đang hí hửng như bị dội gáo nước lạnh, xìu ngay, đành gút-bai Hoa Sen, quay lại với xe lửa, xe đò dù biết rằng khó tránh khỏi bầm dập trên hành trình xuyên Việt. Cố lết vài chuyến, Hoa Sen lỗ nặng, rút lui không kèn không trống, từ đó chẳng mấy ai biết nó có còn tồn tại trên đời. Không thấy quan chức nào của Vinashin lên tiếng, nhận trách nhiệm về việc khai thác tàu kém hiệu quả. Hay là họ áp dụng bài bản “đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại”. Người có trách nhiệm im lặng nhưng dân không muốn im.
 
Được biết rằng con tàu mà người ta từng rao là “cực kỳ hiện đại” ấy đang phải nằm ụ tại Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (Khánh Hòa) để sửa chữa. Mà không đưa nó vào ụ “ẩn náu” cứ để chình ình bên ngoài lỡ thiên hạ thấy lại chửi cho. Chẳng cần dân trong nghề cũng có thể biết “nuôi” một chiếc tàu bự như Hoa Sen mỗi ngày phải tốn kém cỡ nào. Bỏ thì thương vương thì tội. Dư luận kháo nhau mấy ông lãnh đạo Vinashin biết hết, thấy hết nhưng họ chẳng dại gì mà bỏ Hoa Sen bởi nó là cái lý do, cái thùng không đáy để che lấp sự làm ăn kém cỏi, trút vào đó những lỗ lã, thâm hụt của không ít thành viên trong tập đoàn hùng mạnh được Nhà nước ưu ái này. Nếu không ưu ái, sao Vinashin lại được duyệt siêu đề án (nói trên) có tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỉ đồng, được ưu tiên sử dụng vốn vay từ phát hành trái phiếu chính phủ (750 triệu USD)? Cầm đồng tiền nhà nước mà làm ăn như thế, chẳng thèm ngó trước tính sau, thiếu cơ sở thực tế, phớt lờ quy luật kinh tế thị trường, cầm chắc chỉ từ chết đến bị thương, lỗ là còn nhẹ. Nhưng rốt cục lại Nhà nước chịu, lại đổ lên đầu dân, còn “các vị ấy” cứ phây phây. Sự lãng phí kinh khủng này, nếu ai chưa rõ, cứ thử hình dung mỗi căn nhà ở xã hội mà Nhà nước đang xây bán cho người thu nhập thấp trị giá 200 triệu đồng (để một gia đình có chỗ an cư) thì tàu Hoa Sen tương đương 750 căn. Có ai xây từng ấy căn nhà rồi bỏ không bao giờ?
 
Có lẽ cần sớm đặt vụ tàu Hoa Sen lên “bàn mổ” bởi chậm ngày nào nguy ngày ấy. Hãy nhớ lại lời tuyên bố chắc nịch của lãnh đạo Vinashin cách đây chưa lâu: Hoa Sen chỉ là một trong 6 chiếc của đội tàu (thuộc siêu dự án). Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ mua thêm 2 chiếc nữa (cũng của Ý, lớn hơn Hoa Sen), đóng thêm 3 chiếc nữa (to gấp đôi Hoa Sen), khoảng tháng 5.2009, chiếc thứ 2 sẽ từ Ý về VN. Chả biết thêm “hoa” nữa về, Vinashin đã chuẩn bị chu đáo chăn mền chưa?

Ngàn tỉ chứ hàng chục ngàn tỉ, đối với Vinashin cũng chả là cái đinh gì.

11.2008
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Bỏ phiếu cho bí thư Thành

BÁ TÂN


Tôi không có ác ý, không võ đoán khi gọi đương chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành là con vẹt. Đích thân người đứng đầu Thành ủy Hải Phòng tự chứng minh điều đó.

Chả là báo Hải Phòng vừa đi qua chặng đường 55 năm. Tôi có nhiều bạn, kể cả thời đại học tổng hợp cũng như sau đó là đại học báo chí, công tác tại báo Hải Phòng. Hôm xuống Tiên Lãng tìm hiểu vụ việc, bạn tôi công tác ở báo Hải Phòng cùng đi nhưng suốt chặng đường cứ trầm ngâm tư lự. Nhiều người trách báo Hải Phòng, đứng ngoài cuộc vụ Tiên Lãng, thậm chí còn phụ họa cho việc làm sai của bộ máy công quyền địa phương. Hãy đặt mình là người trong cuộc để chia sẻ và thông cảm với các đồng nghiệp báo Hải Phòng, chí ít là giảm ga chê trách.

4 tốt và 16 chữ vàng

Cá nhân tôi, chưa bao giờ tin vào những điều giả dối ấy. Còn nếu ai đã từng tin, trót tin mà chưa hiểu hết, hãy đọc toàn bài Ngang nhiên lặp lại hành vi bất chấp luật pháp và đạo lý của tác giả Hoàng Mai, đăng công khai trên trang 4 báo Đại đoàn kết ra ngày chủ nhật 25.3.2012, hoặc trên bản điện tử http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=48080&Style=1. Xin nhớ rằng Đại đoàn kết là tờ báo chính thống trong hệ thống báo chí hơn 700 đơn vị chủ thể của nhà nước Việt Nam đương quyền, trực thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nên có thể coi đây là lập trường, quan điểm của nhà nước Việt Nam lúc này. Chúng ta hãy ủng hộ.

Dưới đây, nhà cháu xin trích một vài đoạn tiêu biểu, trên nguyên tắc không sai một dấu phảy:

"Vậy, vì sao Trung Quốc lại trắng trợn có hành vi bắt bớ, đánh đập, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây, trước hết đứng về luật pháp quốc tế là hành vi sai trái; nói cách khác là hành vi của kẻ cướp. Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả những thủ đoạn vào loại "hạ đẳng” nhất đó là bắt giữ, đánh đập, lục soát lấy tài sản của những ngư dân Việt Nam bình thường - những con người chỉ quanh năm biết làm bạn với biển cả của Tổ quốc, lấy con tàu làm nhà chứ… không hề biết đến súng đạn; biết đến sự thù hận. Trung Quốc làm thế với mục đích hòng mong lấp liếm, đổi trắng thay đen; khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng đặc quyền kinh tế nằm trong sự quản lý của Việt Nam. Hành vi ấy chứng tỏ ý đồ cướp đất của phía Trung Quốc là khá rõ ràng".

" Không nghi ngờ gì: Đối với Trung Quốc thì lời nói không (hoặc chưa bao giờ) đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt”. Vậy thì dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu họ có thể là một "đối tác tốt”? Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu "vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở biển Đông thời gian gần đây".

25.3.2012
Nguyễn Thông

Bài hay trên báo Thanh Niên

Sau khi nghe tin bọn cộng sản Trung Quốc bắt 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và đòi phải nộp tiền chuộc thì mới thả về, mình đã viết bài 70 nghìn tệ (đăng blog ngày 21.3), kế tiếp nữa, ngày 23.3 mình đăng lại của bạn Hữu Nguyên báo Đại đoàn kết bài "Bạn vàng" tái diễn vở tuồng bắt người đòi tiền chuộc. Cũng có ý kiến này nọ nhưng nhìn chung là đồng tình. Nay mình đăng tiếp bài Tiền chuộc phi lý của nhà báo Trần Đăng, in trên báo Thanh Niên ngày 25.3.2012.

Nghi phạm xăng

"Về cơ bản, khi các vụ cháy xảy ra phải có 2 yếu tố là chất gây cháy và nguồn lửa. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tập trung nghiên cứu thêm về xăng, bởi loại nhiên liệu này có độ bay hơi rất cao và nhạy bắt lửa. Chúng ta từng nói rất nhiều đến các vấn đề về chất lượng xăng nhưng chưa có một công bố công khai, cụ thể".
(Ý kiến của tiến sĩ Lê Hoài Đức- Trưởng bộ môn động cơ đốt trong, Trường ĐH giao thông vận tải Hà Nội- khi nói về nguyên nhân các vụ cháy xe xảy ra hàng loạt vừa qua).
Theo báo Thanh Niên ngày 25.3.2012

25.3.2012
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Lấy tín nhiệm

Mình không mặn mà, tin tưởng vào cái vụ lấy phiếu tín nhiệm lắm bởi cũng chỉ là trò nội bộ chứ có công khai đâu, mà nội bộ thì biết thế đếch nào được sự thật. Sau nữa, mình cho rằng nếu họ có làm, tích cực đâu chửa thấy, chỉ phát sinh tiêu cực, vì nó cũng là dịp để cấp dưới lấy lòng cấp trên (báo cáo anh, em đã bỏ phiếu tín nhiệm anh đó, anh nhớ cho em nghe), cấp trên trị cấp dưới (mày dám không tín nhiệm ông à, ông thì cho mày lên bờ xuống ruộng)...

Cái gì liên quan đến "phiếu" ở xứ này đều đáng sợ, kể cả tem phiếu thời bao cấp lẫn phiếu bầu này nọ.

Thôi, dẹp. Rụt rè thử nghiệm mãi, bao giờ mới đi đến đích. Mất vài thế hệ chăng?

Có giỏi thì cứ làm cuộc trưng cầu dân ý.

24.3.2012
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Những bài hát của một thời (25): Sông Hàn vang tiếng hát

Không bao lâu sau khi Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng (29.3.1975), trên sóng phát thanh đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên bài hát thật hay về thành phố bên sông Hàn, với tên giản dị Sông Hàn vang tiếng hát, của nhạc sĩ Huy Du, bản ca hay nhất là bản do ca sĩ Kiều Hưng thể hiện. Trên mục này, mình đã giới thiệu khá kỹ về cả Huy Du lẫn Kiều Hưng nên không nói lại nữa.

Trong nhiều tài liệu, mình thường chỉ thấy giới thiệu bài ca là của nhạc sĩ Huy Du, nhưng theo mình biết, thì hồi sau giải phóng có nghe đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu là nhạc Huy Du, lời thơ Bùi Minh Quốc, nhưng lâu rồi, chả biết phải vậy không.

Đầu những năm 60 thời chống Mỹ, miền Nam được coi là tiền tuyến, còn miền Bắc là hậu phương lớn. Để tiền tuyến hậu phương gắn bó, cứ mỗi tỉnh thành ở miền Bắc lại kết nghĩa với một tỉnh thành ở miền nam, ví dụ Hà Nội với Sài Gòn, Nghệ An với Quảng Ngãi (sách tập đọc lớp 2 có bài Vườn cây An-Ngãi), Kiến An với Gò Công... Thành phố Hải Phòng quê mình bây giờ (thực ra mình thuộc Kiến An) được kết hôn với thành phố Đà Nẵng. Từ bấy thành phố sông Hàn trở thành một phần không thể thiếu của Hải Phòng. Một con đường rất đẹp từ ngã năm vào trung tâm được đặt tên là Đà Nẵng (mụ Minh Huệ lớp mình hồi theo bố nó công tác ở HP đã cư ngụ nơi đó), còn Đà Nẵng sau giải phóng cũng có ngay đường phố Hải Phòng, mình nhớ không nhầm thì nó chạy sát ga xe lửa.

Tháng 3.1975 chộn rộn hết sức. Chả học hành gì, chỉ ngóng chờ tin chiến thắng. Nghe mấy người thạo tin bảo rằng tổng thống Thiệu điều viên tướng tài ba Ngô Quang Trưởng tử thủ Đà Nẵng, cũng thấy ghê ghê. Vậy mà chiều tối 29.3 đài rộn rã loan tin Đà Nẵng đã được giải phóng, thật không tưởng tượng nổi. Mấy tay gốc Nam lớp mình như Nguyễn Đăng Thành, Hoàng Thanh Chương, cả thằng Hán Nôm Cao Văn Dũng nữa đã lên kế hoạch về Nam ngay sau thời khắc lịch sử này, mặc dù còn những năm rưỡi nữa mới tốt nghiệp.

Dù mình ít có dịp ghé Đà Nẵng nhưng thành phố ấy đối với mình hết sức thân quen. Anh trai ruột mình đã đóng đô ở Đà Nẵng suốt hơn 30 năm nay, giờ hưu rồi vẫn cùng vợ con cháu kết với đất này. Nơi ấy mình có vợ chồng bạn đồng môn khóa 17 văn khoa là Hoàng Sĩ Chiến- Bùi Thị  Lập cư ngụ; có nhiều đồng nghiệp cùng cơ quan bây giờ như bọ Thế Thịnh, anh Đức Hùng, anh Điện Thắng, em Diệu Hiền... Đã từ lâu, Đà Nẵng chưa bao giờ xa lạ.

Xin tặng lại Đà Nẵng bài hát thân thương này. Đoạn mở đầu, ngắn thôi, chất lượng âm thanh không được tốt lắm.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

23.3.2012
Nguyễn Thông

Bài của nhà báo Hữu Nguyên- trưởng đại diện báo Đại đoàn kết tại Sài Gòn

 

“Bạn vàng” tái diễn vở tuồng bắt người đòi tiền chuộc


Lại tái diễn kịch bản không lạ, tàu hải giám cùng các lực lượng chuyên trách của nhà nước Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền ít nhất từ thế kỷ thứ XVII, bị hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm ngày 19/1/1974 từ tay hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Các lực lượng chuyên trách của nhà nước Trung Quốc thi hành ngay cách thức mà họ từng đối xử nhiều lần với ngư dân Việt Nam mà họ bắt được trên vùng biển Hoàng Sa là đánh đập, tịch thu hải sản, trang thiết các loại (đánh cá, đi biển, viễn thông liên lạc…), cũng như các tài sản có giá trị khác rồi kéo tàu cùng các ngư dân Việt Nam về một trong các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (thông thường là đảo Phú Lâm) nơi mà hải quân Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một phần lãnh thổ trên biển của Việt Nam, để giam giữ.
Những sự kiện liên quan tới tính mạng, tài sản của ngư dân và hơn nữa liên quan tới chủ quyền đất nước như vậy, nhưng thông thường phải mất từ hơn mười ngày tới một tháng các cơ quan chức năng của Việt Nam mới có thông tin chính thức cho giới truyền thông trong nước. Cụ thể, vụ Trung Quốc bắt giữ 2 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi mới đây diễn ra vào ngày 3/3/2012, nhưng tới ngày 21/3/2012 cơ quan ngoại giao của Việt Nam mới công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tiếp tục phát biểu những điều quen thuộc: khẳng  định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản đối phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam; phản đối các hành động bắt bớ, đánh dập ngư dân Việt Nam; đòi phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại; cho biết đã tiếp xúc ngoại giao với sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để truyền đạt các thông tin như trên…
Trong lúc cơ quan ngoại giao Việt Nam phản ứng từ tốn với những lời lẽ ngoại giao hết sức “mềm mỏng”  như vậy thì phía Trung Quốc như thường lệ đã kịp liên lạc với người nhà của từng ngư dân bị bắt giữ để đòi tiền chuộc, cái giá “hữu nghị” cho thương lượng này là 70.000 nhân dân tệ mỗi người. Xem hết các nguồn thông tin trong và ngoài nước, vẫn không thể biết được cái “tổ chức” của phía Trung Quốc đứng ra thương lượng đòi tiền chuộc kia là thuộc vào thành phần nào của nhà nước Trung Quốc? Các giao dịch giữa hai bên nếu có xảy ra hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của nhà nước hai bên. Có thể tạm gọi đó là “đường dây giao dịch đen”, vì có quá nhiều ẩn số trong các giao dịch loại này. Trên thực tế thì giao dịch kiểu này đã được hai bên thực hiện thành công khá nhiều vụ. Bởi vì trong khi các cơ quan ngoại giao hãy còn đang ra sức tìm kiếm giải pháp, thời gian giam giữ ngư dân kéo dài, người thân sốt ruột cho tính mạng, sức khoẻ của các ngư dân bị giam giữ vô hạn định đành phải bấm bụng chấp nhận tham gia các vụ  “đàm phán đen” để mau chóng cứu người. Mặc dù, cơ quan ngoại giao Việt Nam vẫn luôn khuyến cáo bà con ngư dân không nên nộp tiền chuộc người vì phải tin tưởng vào khả năng đàm phán, kết quả làm việc của cơ quan này với phía “bạn” Trung Quốc cái đã.
Vừa lạ lại vừa quen là mặc dù trên bàn đàm phán chính thức kéo dài có khả năng là vô tận, song bên ngoài là “tiền trao thì chao múc ngay”. Vậy không biết chủ trương này có liên quan gì tới ông bạn vàng nhà nước Trung Quốc không? Người thì bị cơ quan chức năng chính thức của nhà nước Trung Quốc bắt giữ, đàm phán chính thức giữa cơ quan ngoại giao hai bên thì kéo dài không có hồi kết. Trong khi “đàm phán đen” theo kiểu “xã hội đen”,  bắt cóc tống tiền, đòi tiền chuộc mà bọn cướp biển hay làm thì “tiền trao chao múc”, thả người ngay, hết sức “uy tín” theo kiểu quân tử Tàu.
Kịch bản này vừa quen lại vừa lọa… Loạ là vì người  nằm trong tay cơ quan chức năng của nhà nước Trung Quốc, nhưng quyết định thả người và đòi tiền chuộc lại nằm ở đâu đâu? Lọa quá! Vì cái nằm ở đâu đẩu, đâu đâu đó lại có thể sai khiến được cơ quan chức năng của nhà nước Trung Quốc.
(Nguồn: blog Hữu Nguyên)

Lời hay ý đẹp (7): Dân lãnh đủ

Mình không phản đối, hoàn toàn không phản đối việc đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng ở xứ ta. Cứ không có điện một ngày là biết tay nhau ngay, lại chả rối rít tít mù. Tuy nhiên, các ông điện cũng đừng kể công ơn trời bể bởi điện của các ông là hàng hóa, con dân chúng tôi muốn có hàng dùng thì phải bỏ tiền ra mua chứ các ông chả cho không chúng tôi bao giờ.

Các vị làm gì thì làm, miễn sao phải đảm bảo an toàn, đặt tính mạng và quyền lợi của người dân lên trên hết. Chuyện thủy điện, và các chuyện khác đều phải thế.

Nói như thế để các nhà quản lý và cơ quan chức năng đừng vội xếp những người lên tiếng phản đối này nọ, nói những nhời khó nghe... là thế lực thù địch, lực lượng chống đối. "Trung ngôn nghịch nhĩ", trái tai một tí nhưng còn hơn vạn lời ngọt ngào đường mật mà các vị nghe quen rồi.

Cứ nhìn cảnh nước đổ xối xả trên đập thủy điện Sông Tranh 2 mà lo, nhìn cảnh người ta miễn cưỡng cử vài người quần đùi áo may ô nón mê ra trèo lên thành đập đục đục trát trát nhét nhét "chữa bệnh ngoài da" mà giận (đó là chưa kể cách chạy chữa như vậy cực kỳ nguy hiểm, trên độ cao cả trăm mét mà trượt chân thì tính mạng thành số không). Nước phun như thác thế mà bảo an toàn ở mức cho phép, kể cũng lạ. Vị nào tài giỏi, bản lĩnh cao cường trong chính phủ, kể cả thủ tướng, hãy dọn văn phòng về làm việc tại thị trấn Bắc Trà My, thậm chí ngay dưới chân đập, vài tuần thôi, để dân chúng yên tâm. Giống như chị Nguyễn Thị Liệu, dũng sĩ phá bom nổ chậm thời chống Mỹ, ngồi ngay trên quả bom để bộ đội hành quân qua được an lòng. Các vị có dám không?

Nếu không dám, thì hãy lắng nghe một nhà khoa học nói đây này:
“Làm thủy điện, lợi - nhà đầu tư sẽ hưởng, nhưng hạ nguồn thì người dân lãnh đủ”.
(TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ; thành viên Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam- Theo báo Đất Việt).

23.3.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Sông Tranh 2

Cái đập thủy điện Sông Tranh 2, theo tôi, cách tốt nhất là phá bỏ.

Nếu cứ vá víu, sửa chữa kiểu trám chỗ này trét chỗ kia, hãy coi chừng. Đừng để khi xảy ra sự vỡ đập chết hàng vạn người, chả khác gì quả bom nguyên tử, thì không ai cho các vị hối hận đâu.

Hỡi chính phủ, hỡi những người cầm đầu EVN, hãy bớt 5 giây quý báu của các vị để lắng nghe tôi.

21.3.2012
Nguyễn Thông

70 nghìn tệ

Đã thành lệ, một thứ lệ rất xấu, cứ mỗi lần Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là chúng lại ra điều kiện phải nộp 70.000 tệ (nhân dân tệ, đồng tiền Trung Quốc) để chuộc thì chúng mới thả tàu về. Có tiền thì tha, kiểu "có ba trăm lạng việc này mới xuôi".

Mà ngư dân Việt Nam nào có tội gì để đến nỗi bị cầm giữ khốn cùng như vậy. Bà con ta đánh bắt cá tôm trên ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền tổ quốc. Biển Hoàng Sa, biển Trường Sa thuộc Việt Nam. Người phát ngôn bộ Ngoại giao xứ ta, trước là bà Nguyễn Phương Nga, nay ông Lương Thanh Nghị, luôn khẳng định rằng "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"; bản đồ Việt Nam, dù in trên trang quảng cáo hay dự báo thời tiết cũng không bao giờ thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, đâu chỉ vì miếng cơm manh áo của họ, mà còn là cách cùng nhà nước khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từng tấc biển thiêng liêng cha ông đã truyền cho con cháu. Họ làm ăn chân chính trên đất nước mình, biển mình, hà cớ gì mà bắt giữ họ, giam cầm họ, tịch thu ngư cụ, cá tôm của họ, lại còn bắt họ chuộc mạng chuộc thuyền, hỡi bọn Tàu cộng sản tai ác tai quái kia?

Ngày xưa, trên đất Trung Hoa, cụ Hồ đi làm cách mạng cứu nước cứu dân bị lính Tàu bắt, cụ đã lớn tiếng:
"Phạm tội gì đây ta thử hỏi
Tội trung với nước với dân à?"
Ngày nay, ngư dân ta bị bắt trên chính biển nước mình, kẻ hèn mọn này cũng muốn nhờ chính quyền dõng dạc hỏi bọn tai quái:
Phạm tội gì đây ta thử hỏi
Tội làm ăn đúng chủ quyền à?

Thật đau lòng. Không ít lần ngư dân ta đã phải cầm cố, chạy vạy, vay chỗ nọ mượn chỗ kia để có được 70.000 tệ nộp cho chúng nó mà đem tàu thuyền về. Với kẻ bắt giữ thì 70 nghìn tệ ấy chả là bao về tiền bạc nhưng đó là thứ đòn cảnh cáo về tội "dám vuốt râu hùm". Với ngư dân Việt, để có đồng tiền chân chính nuôi sống bản thân và gia đình (chứ chưa nói làm giàu cho đất nước và góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền), họ đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, đem tính mạng mình phó thác cho biển khơi. Bão tố, sóng to gió lớn, cá dữ... với họ chưa đủ hay sao mà lại thêm cục nợ Tàu thường trực ngoài khơi.

Hỡi các công dân Việt, không có tiền bạc giúp đỡ bà con mình thì cũng phải lên tiếng bảo vệ bà con chứ. Để "bạn vàng" ăn hiếp đè nén mãi sao? Trên blog này, có một bạn comment ra giọng dạy dỗ rằng "không thích nói suông, vậy thì các bác định làm gì? Cấm vận kinh tế hoặc xuất quân đánh nó chăng?", ý bạn ấy chê trách dư luận đừng này nọ linh tinh, để nhà nước giải quyết. Làm gì ư, nhiều cách lắm, phải nói đanh thép với chúng chứ cứ khôn khéo mềm mỏng mãi thì chúng được đằng chân lân đằng đầu. Cụ Hồ đã dạy rồi "chúng ta càng nhân nhượng thì chúng càng lấn tới", lời tiền nhân còn nóng hổi đó thôi. Bạn hỏi khó quá, "cấm vận kinh tế, xuất quân đánh nó" biết chắc là không được rồi, còn hỏi làm gì. Hay là đầu hàng, có phải vậy không?

70 nghìn tệ, quy theo tỉ giá hối đoái lúc này khoảng hơn 230 triệu đồng. Số tiền quá lớn đối với ngư dân ta. Nhưng dù một đồng cũng không thể nộp. Không nộp thì nó cầm tù. Cứ mỗi lần ra khơi, con số 70 kia lại là nỗi ám ảnh, chả khác gì lưỡi gươm treo trên cổ họ.

70 nghìn tệ- đó là nỗi đau, nỗi căm hờn, nỗi nhục.

21.3.2012
Nguyễn Thông

Đả đảo Trung Quốc bắt tàu của Việt Nam

Đây là bản tin trên báo Thanh Niên (báo giấy và báo điện tử, ngày 21.3.2012)

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Thầy Cẩn về quê

BÁ TÂN
Là học trò cũ nhưng tôi không dám “đụng” vào thân thế sự nghiệp của thầy Nguyễn Tài Cẩn. Tôi chỉ là thằng bé chăn trâu đồng làng. Thầy Cẩn là quản lý sừng sững.
           
Giỗ đầu thầy Cẩn vừa đi qua. Huy Hoàng, định cư tại Nga, học trò cũ, tưởng nhớ thầy Cẩn qua bài viết nặng trĩu tấm lòng và đầy ắp thông tin.
           
Tưởng nhớ thầy nhân dịp giỗ đầu, tôi chỉ dám nói một khía cạnh nhỏ của một người thầy kính trọng. Đó là chuyện thầy Cẩn về quê.
           
Kể cả người thân thiết nhất trong gia đình, chẳng ai biết chính xác số lần thầy Cẩn về quê. Riêng điều này thì nhiều người cùng biết: hễ có dịp, lúc còn trẻ cũng như khi đã về già, thầy Cẩn hay tranh thủ về thăm quê. Lúc còn sống, thầy là người siêng về quê. Bây giờ, đã hơn 1 năm rồi,  thầy Cẩn vĩnh viễn ở lại với quê hương. Sau khi mất và hỏa táng ở nước ngoài, bên quê ngoại, hài cốt thầy được đưa về an táng tại nơi đã sinh ra Nguyễn Tài Cẩn.

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Gương sáng: Thượng sĩ công an trả lại gần 200 triệu đồng khách bỏ quên

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Thần tượng, ôi...

Đây là mình nói về anh chàng Lôi Phong bên Tàu, cấm hiểu méo mó xẹo xọ nhá.

Mấy bữa nay, nghe những người hàng top cầm quyền xứ Tàu như Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo nói này nói nọ, mình càng tin chắc rằng bên họ đang có dịch sụp đổ thần tượng. Tự đổ, hết thiêng chứ không phải do thế lực thù địch nào.

Có người bảo, thần tượng cũng giống như đồ cổ, càng xưa càng quý.
Cũng có người ví nó như thời trang, sau một thời gian lỗi mốt, được dùng lại, chả khác gì mới.

Riêng mình không nghĩ thế.

Thời gian qua, bên xứ "bạn vàng" Trung Quốc, người ta lôi thần tượng Lôi Phong ra dụ khị nhân dân, nhất là thanh niên. Nhưng xem chừng thất bại. Theo báo chí Trung Quốc, có cả tờ chính thống Nhân dân nhật báo, thì cuộc vận động làm theo tấm gương của Lôi Phong đã không được hưởng ứng rộng khắp, không thu được kết quả nào đáng kể. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.

Lại nhớ hồi mình còn bé, chưa được chục tuổi, tức còn nhãi ranh, đã cầm trên tay cuốn sách dịch Lôi Phong, người ta xuất bản, bán nhan nhản ở các hiệu sách Việt Nam. Hình như xứ mình hồi ấy thiếu thần tượng nên Trung Quốc cho mượn miễn phí. Hình ảnh anh chàng đội mũ vải mềm gắn ngôi sao đỏ ngoài bìa trông thật ấn tượng. Còn bên trong thì, ơi Lôi Phong, sao đáng yêu và vĩ đại thế. Mình không nhớ hết, nhưng có câu này trong sách, thấy bảo của Lôi Phong, thì mình thuộc: "Với đồng chí ấm áp như trời xuân/ Với việc chung cháy nồng như nắng hạ/ Với chủ nghĩa cá nhân gió mùa thu quét lá/ Với kẻ thù như băng giá đêm đông". Khoan hãy nhận xét về cái lý tưởng ấy, mình chỉ hé lộ rằng thời những năm 60 nhiều người chép câu này vào sổ tay nhá, đặt bên cạnh câu của Pavel Korsaghin (Thép đã tôi thế đấy- N.Ostrovski): "Đời người chỉ sống có một lần...".

Xài hàng ngoại mãi cũng chán. Khi mình đã hơn 10 tuổi, có hàng nội. Đó là Lê Mã Lương. Cuốn Lê Mã Lương và lý tưởng chiến đấu của nhà báo Khánh Vân, mỏng thôi, nhưng là sách gối đầu giường cho thế hệ mình. Lôi Phong biết nói nhời vàng ngọc, chả nhẽ Mã Lương thua kém. Anh Lương bảo "cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù", góp phần lôi cuốn được hàng triệu thanh niên miền Bắc lên đường chiến đấu. Theo mình, idol Lương là hàng Việt Nam chất lượng cao, hơn hẳn Lôi Phong hàng Tàu.

Cuộc sống như dòng sông. Nước không bao giờ dừng mãi dưới chân cầu. Thần tượng cũng thế, chả thể mãi mãi. Thần tượng tài tâm đức có thật ngoài đời còn khó vững bền, huống hồ thần tượng được tô vẽ, xây dựng, tỉa tót. Nghĩ mà thương chả ít người, cũng hiểu biết, thông minh, cũng từng trải, hiểu đời, nhưng chẳng biết vì lý do gì, người ta vẽ cuộc sống thế nào họ chỉ biết tô đời mình theo đúng thứ màu ấy. Với họ, cuộc sống đa diện đa chiều, mặc kệ; cứ phải xem cái gì cũng toàn thiện toàn mỹ, ngọc không tì vết. Không được linh tinh, chết đòn.

Nay thì dân Trung Quốc đã thắp nhang tiễn Lôi Phong idol vào quá khứ, vậy là mất một thần tượng. Hết thời của những muôn năm, đời đời bền vững, mãi mãi, sống mãi... rồi, chả biết dân Tàu sẽ tạo ra thần tượng nào đây. Ở ta, ai thế nào mình chả biết chứ bản thân mình đang lúng túng, nếu cứ mãi theo anh Mã Lương kể cũng kẹt, bởi giờ có còn đánh nhau đâu mà tìm ra chỗ đẹp nhất; còn bảo theo giải pháp tình thế giống như các em choai choai tôn Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh... lên thành idol thì mình không làm được.

Thôi, cứ làm người đàng hoàng cái đã, yêu thì bảo là yêu, ghét thì cho là ghét, trung thực với đời, với người. Chưa có thần tượng cũng chả chết ai.

17.3.2012
Nguyễn Thông

Một bài hay trên báo Thanh Niên về Trường Sa

TRẦN ĐĂNG - NGỌC MINH

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Dưới vòm cụ gạo 700 năm

1. Mỗi lần về quê ở Hải Phòng, thể nào tôi cũng nhào sang đền Mõ. Chả phải nghe người ta đồn nhiều về ngôi đền thiêng mà mình đâm tò mò, cũng chả phải tên tuổi nó đã được ghi vào sách sử nhiều triều đại khiến mình cung kính, có nhẽ vì nhiều thứ lắm, nên cứ tiện dịp là sang thôi.

Nói sang bởi quê tôi chỉ cách xã Ngũ Phúc (H.Kiến Thụy), nơi đền Mõ hộ khẩu thường trú một thôi đường, cưỡi xe máy thì quá nhàn, thậm chí đi bộ cũng được. Làng quê đã đổi thay nhiều so với mỗi lần sang, ồn ào hơn, lòe loẹt hơn, nhưng vẫn không giấu nổi cái nghèo cái xổi cứ quanh quất nơi này chỗ khác.

Theo nhiều tài liệu cổ, trong đó có bản Nghi Dương xã thần tích (những chuyện thần linh ở xã Nghi Dương) thì đền Mõ gắn với cuộc đời vị công chúa khá nổi tiếng triều Trần, tên gọi Quỳnh Trân, con gái lớn của đức thượng hoàng Trần Thánh Tông, chị cả đức vua, phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong những người đàn bà hoàng tộc Trần, có thể bà Quỳnh Trân không tiếng tăm bằng những người để lại dấu ấn khó phai mờ như Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ thái sư Trần Thủ Độ) hoặc Huyền Trân công chúa (con vua Trần Nhân Tông) nhưng dân gian vùng duyên hải Bắc bộ thì truyền tụng về bà đậm lắm. Bà gốc hoàng tộc nhưng là người của dân gian. Sử cũ, văn chương chính thống hoặc không chính thống xưa chép về bà không nhiều, thậm chí còn có không ít né tránh, trái ngược nhau, chả hạn trong bộ Nam ông mộng lục (sách ghi lại những giấc mộng của ông già nước Nam) của Hồ Nguyên Trừng (con trai đức vua khởi nghiệp nhà Hồ, Hồ Quý Ly) thiên Trúc Lâm thị tịch có đoạn: “Trần thị đệ tam đại viết Nhân vương, ký truyền vị thế tử, nãi xuất gia tu hành, khắc khổ tinh tiến, tuệ giải siêu thoát, vi nhất phương tổ sư. Am cư Yên Tử sơn Tử Tiêu phong, tự hiệu Trúc Lâm đại sĩ. Kỳ tỉ hiệu viết Thiên Thụy đa thất phụ đạo” (vua thứ ba của họ Trần là Nhân vương, sau khi truyền ngôi cho thế tử, bèn xuất gia tu hành, chấp vượt gian khổ để tinh tiến, thông tuệ tìm ra hướng siêu thoát, là tổ sư một phương. Làm am sống ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Chị ngài hiệu là Thiên Thụy, làm nhiều điều trái đạo đàn bà). Đại loại thế, mỗi người mỗi ý, nhất là về những nhân vật triều Trần, triều đại mà Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư từng nhận xét “làm nhiều điều trái đạo lý”, thì lời ra tiếng vào khó tránh khỏi.



Nghĩ về chuyến hành hương (thơ)

NGUYỄN HUY HOÀNG



Cứ thấp thỏm chờ đến ngày hội ngộ
Bao nhiêu năm, chưa gặp lại bạn bè
Lòng ấp ủ chuyến hành hương hẹn ước
Trong đêm dài biền biệt bước ly quê.

Rồi sẽ rủ mấy thằng đi xuyên Việt
Kẻo một mai, khi chân chậm, lưng còng
Thì lúc đó, ai giăng cờ, trải thảm
Cũng lắc đầu, ra ngõ bước không xong

Rồi sẽ đến thăm ngôi trường sơ tán
Tìm về nơi lán lũy, lối sang hầm
Sẽ điểm theo dãy bàn, tên từng đứa
Trong mịt mờ ký ức bốn mươi năm

Sẽ gặp lại những thầy cô thuở ấy
Giờ nơi đâu, ai đã mất, ai còn?
Những kỷ niệm của một thời gian khổ
Đến lúc này, nhắc lại, hóa vàng son

Ai ông nọ, bà kia, không cần biết
Lúc gặp nhau, vẫn cứ sẽ tao, mày!
Ai triệu phú, đại gia, ngang nhau hết
Vẫn như người khất nợ, áo sờn vai!

Đã đi suốt quãng thời gian vời vợi
Bốn mươi năm, mới đó, cuộc hành trình
Giá có được phép màu như thần thoại
Cho quay về làm những đứa học sinh.

Biết không thể. Chặng đường đi phía trước
Nào ai hay bước thăng giáng khôn lường
Rồi tuổi tác, rồi trò chơi số phận
Liệu đá mềm, chân cứng nữa hay chăng?

Thôi cứ biết sắp đến ngày tri ngộ
Còn mai sau, xin phó mặc cho đời.
Lòng thấp thỏm chuyến hành hương hẹn ước
Xa lâu rồi, bạn có nhận ra tôi?

Nguyễn Huy Hoàng

Căn nhà đặc biệt

BÁ TÂN


Khi còn sống trên đời, mỗi người đều có nơi trú thân. Dù là chui rúc gầm cầu chẳng khác gì lũ chuột, đó là vẫn là nơi trú ngụ của một kiếp người. Ngây ngất trong biệt thự tráng lệ hàng triệu đô, suy cho cùng, chỉ là nấm mồ đắt giá của người đang sống mà thôi. Đã là nhà ở đương nhiên có giá nhưng giá ngôi nhà không đồng nghĩa với giá của chủ nhà. Hãy thông cảm và chia sẻ với những người gửi thân nơi gầm cầu hoặc các nhà trọ ổ chuột. Sự nghèo túng cơ cực của họ có phần nguồn gốc từ những biệt thự triệu đô. Tổng giá trị toàn xã hội là một hồ nước, ai cũng cần sử dụng, người này múc nhiều, người khác còn ít, kẻ tham lấy nhiều, người lành chậm chạp mất phần.
           
Không ít người lao động chân chính chui rúc trong khu nhà trọ ổ chuột. Một bộ phận quan tham mua biệt thự bỏ hoang. Hơn cả nghịch lý. Bóng tối và ánh sáng cũng không đối nghịch đến thế. Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà như thế à.
           
Cả nước hiện có hàng chục triệu căn nhà. Ngoài giá trị sử dụng, mỗi căn nhà còn có sắc thái riêng về ý nghĩa. Trong tổng số nhà trên địa bàn cả nước, hiếm có căn nhà nào mang ý nghĩa nổi bật như căn nhà của gia đình Đoàn Văn Vươn.
           
Vợ chồng Đoàn Văn Vươn đã từng có căn nhà kiên cố, xây dựng bên khu đầm. Căn nhà ấy đã trở thành chứng tích. Hiếm có ngôi nhà nào , sau khi trở thành chứng tích, xuất hiện dày đặc trên báo chí như là ngôi nhà của Đoàn Văn Vươn. Nếu thu tiền bản quyền, Đoàn Văn Vươn thừa tiền xây dựng lại ngôi nhà khang trang hơn như thế. Sẽ không có chuyện đó. Đoàn Văn Vươn không phải là người tham tiền. Thủ phạm đập phá ngôi nhà Đoàn Văn Vươn chính là bộ máy công quyền của đia phương. Hành động ấy tự nó xếp hạng nhóm quan chức ấy không bằng bọn giang hồ. Chỉ đạo đập phá nhà dân mà coi như cái vẩy đuôi vô tâm, vô hồn của một con vật. Không chỉ Tiên Lãng, loại “đầy tớ” hại dân kiểu đó còn chui rúc nơi nọ, nơi kia.
Nhà cũ của gia đình anh Vươn trước khi bị tàn phá (ảnh: từ blog Cu Vinh)
  
Trên nền ngôi nhà cũ của Đoàn Văn Vươn vừa mọc lên căn nhà mới. Giá trị sử dụng chỉ là nhà tạm, đủ để che nắng che mưa, làm nơi trú ngụ cho vợ và con của Đoàn Văn Vươn. Hội nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng là đơn vị tạo ra “công trình” đặc biệt này. Đoàn Văn Vươn là hội viên hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng. Không ít biệt thự triệu đô có nguồn gốc ra đời từ những dự án. Phát sinh dịch bệnh chạy dự án là vì thế. Căn nhà mới của Đoàn Văn Vươn hoàn toàn ngược lại, mọc lên từ những tấm lòng của các hội viên hội nuôi trồng thủy sản. Chẳng có nội thất nhập ngoại, không dùng vật liệu đắt tiền nhưng thật là kỳ lạ, ngôi nhà này ngày nắng thì mát, hôm rét thì ấm. Công nghệ máy điều hòa hiện đại nhất thế giới cũng không dám so sánh với tấm lòng của các hội viên đối với Đoàn Văn Vươn. Đây đó có những biệt thự triệu đô nhan nhản máy điều hòa đắt nhất thế giới, bước chân vào lạnh tanh, nhìn vào mắt chủ nhà chẳng khác nào ngâm tay vào tủ lạnh. Từ xa nhìn căn nhà của Đoàn Văn Vươn đã bắt gặp luồng sinh khí ấm nồng như là tay trong tay người yêu.
Dựng lại nhà tạm cho vợ con Vươn, đơn sơ nhưng ấm nồng tình nghĩa con người (ảnh: từ blog Cu Vinh)
          
Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng luôn sát cánh hội viên Đoàn Văn Vươn. Khi “cuộc chiến” chưa ngã ngũ. Vào thời điểm lực lượng công quyền còn áp đảo. Trước khi có kết luận của thủ tướng chính phủ. Từ những thời điểm đó, hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng vẫn kiên định sát cánh hội viên Đoàn Văn Vươn. Trong khi số đông các tổ chức hoặc là im lặng, hoặc là a dua với bộ máy chính quyền hành xử sai luật, bất chấp đạo lý. Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng, ngay từ đầu, phân định rõ đúng sai, dũng cảm lên tiếng và quyết liệt bảo vệ lẽ phải. Hội viên các hội cũng như nhân dân ta nói chung, đang rất cần những tổ chức xã hội biết làm và dám làm như hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng.                          
Bá Tân

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Xảo thuật ngôn từ

Bữa ni mình tự dưng muốn lấn sân sang xóm kinh tế mặc dù kiến thức của mình về lĩnh vực này đang ở mức âm. Bằng chứng là kể từ khi chập chững bước vào đời đến nay chỉ giỏi "hai tay vày lỗ miệng", nuôi thân chưa xong, lụy khổ cả vợ con. Biết làm ăn kinh tế thì đâu đến nỗi bi kịch thời đại thế. Thôi thì tặc lưỡi, cái số nó vậy, "bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao", chả dám trách ông xanh nữa.

Nhưng có chuyện này liên quan đến chút hiểu biết sơ sơ của mình. Chả là mình có mấy người bạn ở Phú Mỹ Hưng. Cái chỗ được coi là đô thị kiểu mẫu của Sài Gòn đó. Họ đang phát sốt phát rét lên vì chuyện đóng tiền sử dụng đất. Họ đang muốn làm giặc để chống lại những người mà họ bảo là bọn cướp. Họ bảo phen này được ăn cả ngã về không, đấu tranh đến cùng, nếu mất chỉ mất lòng tin, còn được thì không những được cả chân lý mà khỏi bị mất tiền một cách oan uổng.

Nhắc đến Phú Mỹ Hưng, nhiều người lắc đầu lè lưỡi. Đó là chốn của nhà giàu. Dân bạch đinh như mình chỉ dám đứng xa xa tít tận cầu Khánh Hội nhìn sang mà thèm thuồng thôi. Nhưng đừng hắt hủi người giàu. Họ có đồng tiền chính đáng thì chả nói gì Phú Mỹ Hưng, ngay New York city họ cũng sang đó mua nhà mua đất được. Vậy mà lại rơi vào thảm cảnh "người giàu cũng khóc". Ấy chuyện tóm tắt thế này:

Khi mua nhà, mua đất nơi đây, khách hàng được công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng ký hợp đồng mua bán, trong đó có điều khoản "công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất". Tưởng thế là rõ ràng quá còn gì, nhưng không, sau bao năm tranh cãi, khiếu nại, phản đối, xoa dịu, ép buộc, giằng qua giằng lại, nay thì công ty tuyên bố, đúng như hợp đồng, công ty có nghĩa vụ nộp, còn tiền sử dụng đất thì khách hàng phải chịu. Theo sự cắt nghĩa của công ty, "nghĩa vụ" tức là tôi chỉ thay mặt các ông các bà nộp cho nhà nước thôi, còn tiền sử dụng đương nhiên các ông các bà phải đóng. Hợp đồng ghi thế thì phải hiểu thế. Giàu có, dám mua nhà ở đây, có tí tiền mà cũng dây dưa lằng nhằng, ăn chơi phải chịu tốn kém chứ.

Giời ạ, đúng là giọng lưỡi của kẻ có quyền. Chưa bao giờ tôi thấy ngôn từ được biến hóa bố lếu bố láo vậy. Có nhẽ đây là trường hợp duy nhất trong hàng tỉ vụ mua bán nhà đất ở xứ này. Tôi lại nhớ nhà tôi đang ở bây giờ, khi mua trả góp của công ty cổ phần xây dựng Bình Chánh (TP.HCM), hợp đồng cũng ghi rõ "công ty có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất". Và khi khách hàng chúng tôi làm giấy chuyển quyền sử dụng, làm sổ đỏ sổ hồng, không phải đóng số tiền ấy, bởi công ty rất đàng hoàng, đã nhận đóng phần ấy, chẳng đùn đẩy tranh cãi lôi thôi. Nhiều công ty khác cũng vậy, nếu hợp đồng ghi như thế thì họ làm thế. Nay tự dưng tòi ra cái anh Phú Mỹ Hưng, chả giống ai.

Vậy tôi hỏi các bác Phú, bác Mỹ, bác Hưng nhá, khi nhà nước ra luật nghĩa vụ quân sự, hiểu theo cách của các bác thì thằng con tôi có nghĩa vụ, tuy nhiên nó không đăng lính mà nó kêu đứa khác đi, còn nó chỉ có nghĩa vụ dẫn đến nơi tập trung quân, phải không? Hay câu khẩu hiệu "nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân", có nghĩa đứa khác nộp thuế, còn tôi chỉ đi đóng cho nó, được không? Gớm, làm thế nhà nước lại không còng đầu, chả oan.

Thôi, bàn nhiều cho rối vấn đề. Hợp đồng ghi rõ rồi, tiền sử dụng đất là các bác công ty phải nộp, đừng tránh né nữa, mất lòng dân, loạn xã hội. May cho các bác, khách hàng ở đây chủ yếu làm đám nhà giàu, họ hiền đấy. Gặp phải các vị dân nghèo chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi thử xem, không lại chả nát đám cỏ gà với nhau.

Hình như có chi lấn cấn, bởi tôi nghe phong thanh công ty đại diện cho phía VN góp vốn (30% bằng quyền sử dụng đất) là một công ty thuộc ban Tài chính quản trị Thành ủy TP.HCM. Đã góp vốn bằng tài nguyên quốc gia, sao lại không bảo vệ quyền lợi cho dân nhỉ? Ăn lắm thế.

15.3.2012
Nguyễn Thông

Lời hay ý đẹp (6): Mong về thời vua Lê Thánh Tông

Bác bí thư sông Hàn kể ra cũng là tay hoạt ngôn, phát nhiều câu hay ra phết. Khoan hãy bàn chuyện bác ấy làm gì cho dân Đà Nẵng, tốt xấu làm sao, chỉ riêng ở cương vị sứ quân như bác ta mà dám nói thẳng thắn cũng hơn ối ông ngậm miệng ăn tiền đợi hết nhiệm kỳ.

Bác ấy nói như vầy:
"Chúng ta mới có hòa bình chứ thật sự chưa có thái bình. Thái bình là phường trên xóm dưới yên vui, ngủ không sợ trộm vào nhà, không có tội phạm, con người sống với nhau nhân ái, thủy chung và tình nghĩa". (Nguyễn Bá Thanh)
(nguồn: báo Sài Gòn giải phóng, ngày 14.3.2012).

Tự đáy lòng, xin chúc thành phố bên sông Hàn mau chóng đạt được cuộc sống thái bình, ước mong của ông Bá Thanh thành hiện thực.

Thế mà các ngài tuyên giáo sa lông kinh viện nhà ta cứ ra rả ca ngợi cuộc sống ngàn lần tươi đẹp. Sống mà cứ nơm nớp lo sợ, nhân ái thủy chung tình nghĩa còn là thứ quý hiếm thì ca ngợi cái nỗi gì.

15.3.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Bạn vàng

Mình vừa viết bài (Học tiếng Tàu) trên blog này, trong đó có nhắc đến "tâm lý bài Hoa" của một số người trong chúng ta hơi nặng, nay lại đọc thông tin trên cổng thông tin điện tử Chính phủ đàng hoàng, tự dưng áy náy. Chả biết những người lâu nay cứ săm soi nhắc nhở mình phải thế này thế nọ nghĩ gì khi đọc bản tin dưới đây. Mình chỉ đề nghị, cái tít của "cổng chính phủ" yếu quá, đúng ra phải là: Trung Quốc phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Cha bố bọn bành trướng.

Mời các ông các bà xem nhé:

Yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa

6:42 PM, 15/03/2012
(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cụ thể, Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía Bắc Biển Đông trong đó có lô 65/24, cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 01 hải lý; ngày 2/3/2012, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa; ngày 7/3/2012, tại kỳ họp thứ 5 Chính hiệp khóa XI, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã phát biểu về việc Tổng cục Du lịch Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hải Nam đang hợp tác để mở rộng hoạt động du lịch tại quần đảo Hoàng Sa; ngày 12/3, trên “Diễn đàn cường quốc” của mạng Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Cục trưởng Cục văn vật quốc gia Trung Quốc cho biết trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc sẽ xây dựng trung tâm khảo cổ dưới đáy “Nam Hải” (Biển Đông) và trạm công tác “Tây Sa” (Hoàng Sa); chính quyền tỉnh Hải Nam tổ chức cuộc đua thuyền buồm Cúp Ty Nam từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa vào ngày 28/3/2012.v.v…
Trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, ngày 15/3/2012,  Người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:
“Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Những hoạt động nêu trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm luật pháp quốc tế; trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.
Hồng Phong

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Học tiếng Tàu

Lại có cái để om xòm. Xứ mình hay thật, sự kiện (event) nhiều hơn ngói, hết lớp này đè lớp khác.

Bác hàng xóm bảo tôi, sao ông cứ bình chân như vại thế, người ta đang um lên về chuyện bộ Học định đưa tiếng Hoa vào giảng dạy ở nhà trường cho lũ nhóc kia kìa.
Thì ông bảo tôi làm gì nào, nhưng tôi khuyên ông cứ bình tĩnh- tôi nói với ông hàng xóm vậy.

Đúng, cần hết sức bình tĩnh, xem xét vấn đề cho thấu đáo. Nói nghư nghệ sĩ hài Văn Hiệp, "xét một cách toàn diện", các ông các bà ạ. Này nhé:

-Học ngoại ngữ là chuyện bình thường. Biết thêm một ngoại ngữ là thêm chiếc chìa khóa để mở vào thế giới bao la. Vấn đề là chọn ngoại ngữ nào cho đắc dụng.

-Tiếng Hoa cũng như nhiều thứ ngôn ngữ khác trên thế giới, là ngôn ngữ của một dân tộc. Ở trên, tôi nói cần bình tĩnh bởi hình như không ít người cứ thấy cái gì gắn với Tàu, của Tàu là vội giãy nảy lên. Giả dụ bộ Học không đề nghị dạy tiếng Hoa mà là tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái... thì có gặp phải phản ứng vậy không. Chắc chắn là có nhưng rất ít. Vậy thì phản ứng ồn ào như đang xảy ra không phải vì tiếng Hoa mà do nó là của Trung Quốc. Tâm lý bài Hoa quả thật hơi nặng nề, sự lo xa hơi quá xa.

-Nhiều người trách ông thượng thư bộ Học, Phạm Vũ Luận. Tôi cho rằng một việc nhớn như thế này, lại nhạy cảm như thế chắc cái bộ của ông ấy và cá nhân ông ấy không thể quyết được. Cứ liều cho rằng, phải có sự chỉ đạo của cấp cao hơn, ít nhất là ban Bí thư, sau nữa là bộ Chính trị của đảng CS. Ông Luận thách kẹo cũng chả dám tự ý làm.

-Kể từ thuở khai sinh chế độ này đến nay, việc học ngoại ngữ luôn nhuốm màu chính trị (tôi chủ trương không bàn chuyện chính trị nhưng đây là điều cần nói ra) chứ không phải học ngoại ngữ để "có thêm chìa khóa mở thế giới". Lúc nhét tiếng Nga, khi nhồi tiếng Trung, đận ép tiếng Anh cứ loạn cào cào cả lên. Có thời, bậc đại học tiếng Nga chiếm ưu thế tuyệt đối, không học tiếng của Lenin không thể thành người. Từ đó dẫn đến tình trạng thừa quá thừa, thiếu quá thiếu, đến khi hàng mất giá kêu dậy trời đất. Đừng đi vào vết xe đổ này nữa. Học ngoại ngữ là ngoại ngữ, chính trị thây kệ nó.

-Xét dưới góc độ xã hội học, trong bối cảnh xã hội đầy những nhạy cảm bởi quan hệ Việt - Trung đang rất không bình thường (có ai đó cố chứng minh nó là bình thường, tốt đẹp thì là chuyện của họ), lòng dân chưa yên, theo tôi, chưa nên đưa tiếng Hoa vào nhà trường lúc này. Đổ thêm dầu vào lửa, ích gì. Các vị có quyền quyết định hãy xem xét lại, đừng để sự đã rồi, cái sảy nảy cái ung.

-Tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Việt trong trường học đang ở mức báo động. Nguy cơ tàn lụi tiếng Việt đang biến thành sự thực. Hãy mau mau chấn chỉnh, kẻo mất tiếng mẹ đẻ thì còn gì để nói nữa.

14.3.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Lo cho bạn Syria quá (hay là Chuông nguyện hồn ai)

Mình đọc bài này trên báo Nhân Dân online thì thấy bạn Syria giống hệt hồi bạn Libya trước lúc chết. Vậy là bạn al-Assad sắp toi rồi, sắp theo Kadhafi rồi. Thế là sắp bớt một chàng độc tài tham quyền cố vị.

Mưu toan áp đặt "kịch bản Li-bi" vào Xy-ri
Cập nhật lúc 21:56, Thứ ba, 13/03/2012 (GMT+7)
Bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Nga khiến Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Xy-ri. Mỹ và phương Tây không ngừng gia tăng sức ép đối với chế độ của Tổng thống Át-xát và tìm mọi cách nhằm giành được sự ủng hộ của HÐBA đối với dự thảo nghị quyết mới về Xy-ri. Nhằm ngăn chặn việc tái diễn"kịch bản Li-bi", Nga chỉ trích mạnh mẽ những âm mưu nhằm thay đổi chế độ Xy-ri bằng quan điểm quốc tế"lệch lạc" và"thao túng" HÐBA LHQ.

Cuộc khủng hoảng Xy-ri là chủ đề chính trong những cuộc trao đổi ý kiến giữa các cường quốc tại phiên họp đặc biệt mới đây của HÐBA  về"Mùa xuân A-rập". Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp thẳng thừng chỉ trích Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với chính quyền của Tổng thống Xy-ri B.Át-xát, trong khi dung túng phe đối lập ở Xy-ri, coi đây là âm mưu nhằm"thay đổi chế độ" và là"những công thức thiết kế địa chính trị". Nga cho rằng, việc làn sóng bạo lực và khủng bố bùng phát và lan rộng ở Xy-ri, ngoài trách nhiệm của chính quyền Ða-mát, còn có trách nhiệm của các tay súng đối lập và phần tử cực đoan. Trong khi đó, Mỹ bác bỏ mọi so sánh tương đồng giữa một bên là chính quyền của Tổng thống B.Át-xát, mà theo cách gọi của Mỹ là một"cỗ máy chiến tranh", với bên kia là lực lượng đối lập mà Oa-sinh-tơn cho là"những dân thường bị bao vây đang tìm cách tự vệ".

Tranh cãi tại HÐBA khiến các bên khó có thể đạt sự đồng thuận về một giải pháp cho vấn đề Xy-ri và khả năng phá vỡ bế tắc tại hội đồng này đang trở nên xa vời. Nga và Trung Quốc đã hai lần phủ quyết các nghị quyết tại HÐBA được Mỹ và các nước châu Âu ủng hộ. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Nga và Liên đoàn A-rập (AL) đã nhất trí về một giải pháp cho cuộc xung đột Xy-ri. Kế hoạch này yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng bạo lực, thực hiện giám sát công bằng, phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài, phân phát hàng viện trợ nhân đạo và ủng hộ giải pháp về Xy-ri của đặc phái viên LHQ và AL C.An-nan. Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch sáu điểm được Chính phủ Xy-ri ủng hộ. Tại các cuộc hội đàm diễn ra"trong bầu không khí tích cực" với Tổng thống Át-xát, ông C.An-nan cũng đưa ra gói đề xuất nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng Xy-ri. 

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây không ngừng gia tăng các biện pháp gây sức ép cả về chính trị và kinh tế đối với chính quyền của Tổng thống Át-xát, đồng thời công khai xúi giục và ủng hộ lực lượng đối lập ở Xy-ri nổi dậy. Các nhà quan sát cho rằng, từ"kinh nghiệm thành công" trong việc hỗ trợ phe đối lập lật đổ chế độ ở Li-bi, phương Tây một lần nữa rắp tâm áp dụng"kịch bản" này cho Xy-ri. Theo đó, vừa sử dụng chiêu bài khuyến khích các quan chức Xy-ri chạy sang hàng ngũ phe đối lập, Mỹ và các nước đồng minh vừa tìm mọi cách"hà hơi tiếp sức" cho lực lượng chống đối ở Xy-ri, đồng thời đe dọa sử dụng mọi giải pháp, kể cả can thiệp quân sự vào nước này. Chính Hội đồng dân tộc tự xưng của phe đối lập Xy-ri thừa nhận đã thành lập một cơ quan điều phối vận chuyển vũ khí cho quân nổi dậy ở Xy-ri với sự giúp đỡ của các chính phủ nước ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta mới đây đã tiết lộ kế hoạch của Lầu năm góc về khả năng can thiệp quân sự Xy-ri. Theo các nguồn tin quân đội Mỹ, các phương án được Lầu năm góc tính tới bao gồm trực tiếp trang bị vũ khí, đạn dược và thiết bị chiến tranh cho lực lượng nổi dậy Xy-ri, điều động binh sĩ bảo vệ tuyến hành lang viện trợ nhân đạo, thiết lập"vùng cấm bay", thậm chí cả phương án phát động một chiến dịch bắn phá nhằm vào hệ thống phòng không của Xy-ri.

Dư luận cho rằng, một"kịch bản Li-bi" đang được mưu toan áp đặt ở Xy-ri. Sau khi can thiệp quân sự Li-bi, đẩy đất nước Bắc Phi này chìm trong xung đột, hận thù, chia rẽ, Mỹ và các nước đồng minh lại một lần nữa bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao, đang ráo riết tìm cách gây sức ép và can thiệp sâu tình hình Xy-ri nhằm đạt được những toan tính của mình. Khu vực Trung Ðông đang chìm sâu vào bất ổn và có nguy cơ bị đẩy tới gần hơn"miệng hố chiến tranh" khi Mỹ và đồng minh liên tiếp có những động thái làm dấy lên lo ngại làm bùng phát các cuộc chiến ở khu vực giàu dầu mỏ và có vị trí địa - chính trị quan trọng này. 
THANH VÂN
(theo báo Nhân Dân điện tử ngày 13.3.2012)