Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Thương tật tình cảm



BÁ TÂN
      Thời kỳ chiến tranh, thương tật xảy ra như cơm bữa. Kết thúc các cuộc chiến, kể cả hai phe, nhiều gia đình gánh chịu nỗi đau trọn đời khi người thân bị hy sinh hoặc trở thành thương tật.

     Chiến tranh đã đi qua. Thay vào đó là cuộc sống thời bình hiện hữu trên mọi miền quê, kể cả vùng giáp giới nhạy cảm. Không còn trận tuyến đầy bom đạn nhưng thương tật vẫn cứ xảy ra. Tai nạn giao thông. Tai nạn lao động. Và còn nhiều thứ “tai” khác làm cho không ít người bị thương tật. Nỗi đau thời bình vẫn tê tái, u buồn không thua kém thời chiến.

      Cuộc sống hiện thời còn có nỗi đau khác đau hơn nỗi đau thương tật thể xác. Đó là nỗi đau thương tật tình cảm. Nỗi đau này không có tên trong y bạ. Bệnh viện và giới lương y, kể cả người giỏi nhất trong những người giỏi, không có cách điều trị được nó.

       Thương tật tình cảm xảy ra trên nhiều phương diện, thuộc nhiều phạm vi. Gia đình, cơ quan, bạn bè… đều có loại thương tật này. Dân mất lòng tin cũng là một loại thương tật tình cảm. Không muốn mất nhưng một bộ phận không nhỏ người dân đành phải chấp nhận để cho lòng tin ra đi. Cái đáng mất thì giữ để làm gì. Mất cái cần mất đâu phải là nỗi đau. Lòng dân giống như biển rộng sông dài, có lúc vơi cạn, có lúc đầy tràn. Rồi sẽ có ngày không còn mất lòng dân. Phải chờ đợi và hy vọng, còn có cách nào hơn.

        Tôi cũng như nhiều người cầm bút, đang phải gánh chịu thương tật tình cảm. Là người gánh chịu chứ không phải do mình tạo ra. Làm nghề cầm bút không thể tránh được loại thương tật này. Dĩ nhiên ở đây còn do bản tính và động cơ cầm bút. Đối diện với tiêu cực cũng “vô tư” như khi hóa thân vào tích cực. Cán cân đúng-sai luôn ở thế cân bằng. Sống như thế, viết lách kiểu đó sẽ không bị thương tật tình cảm. Nhưng sống kiểu đó, sống để làm gì. Cầm bút kiểu đó chẳng thà về quê cầm cày đi sau đít bò còn hơn.

         Từ khi tham gia sân chơi blog Nguyễn Thông, tôi có thêm bạn đọc và bạn bè. Đó là sự gặp gỡ giao hòa của những giọt nước trên cùng dòng chảy. Niềm tin tăng lên, nỗi buồn bớt đi khi mỗi ngày có thêm người thân cùng chí hướng. Tham gia sân chơi blog Nguyễn Thông, kể từ đó, thương tật tình cảm đến với tôi. Có những bài viết làm cho một số phần tử tiêu cực khó chịu, thậm chí căm tức. Đối tượng đó tôi không quan tâm. Khác nhau trận tuyến, loại đó mà nó khen mình thì mới đáng lo sợ, báo hiệu cái đúng cái sai có nguy cơ trở thành nồi lẩu. Điều đáng nói là có những người quen (dù rất ít) tỏ ra khó chịu và bực bội khi tôi “bắn tỉa” đúng địch thủ qua những bài trên blog. Chưa đến mức khóc thuê nhưng đã có người giận tôi chỉ vì tôi mổ xẻ người thân của họ trên một số bài viết. Hóa ra ở đâu cũng có lợi ích nhóm. Cán cân, thước đo đều có thể sai lệch giá trị chỉ vì lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm len lỏi đến khắp nơi, gây ô nhiễm trong các quan hệ, kể cả bạn bè đồng chí.

         Gánh chịu thương tật tình cảm nhưng tôi không coi đó là mất mát. Thương tật này do người khác gây ra, ngoài ý muốn của tôi. Biết cách tránh nhưng tôi quyết không tránh loại thương tật này. Nếu tránh thì khác gì con nhộng chết thối trong tổ kén.

         Thương tật tình cảm của tôi với một số người chưa đến mức trầm trọng. Mọi vết thương đều có thể chữa khỏi. Thương tật tình cảm cũng không ngoại lệ. Không cần lương y. Chẳng cần thuốc. Chỉ cần cái tâm trong sáng, động cơ lành mạnh là tự mình trừ khử được loại thương tật tình cảm.

  Bá Tân

3 nhận xét:

  1. Chiến đấu bảo vệ tổ quốc mà bị thương tật thì được gọi là thương binh. Nếu chết trong trận mạc thì gọi là liệt sĩ.
    Trong những người cầm bút chân chính cũng có nhiều liệt sĩ, thương binh văn học.
    họ cũng được ghi danh và được nhân dân ghi công.

    Trả lờiXóa
  2. Sống ở thiên đường XHCH ô nhiễm bẩn thỉu không bị thương mới là lạ, sống cũng thành tật. Hoan hô xứ thiên đường

    Trả lờiXóa
  3. Ban oi,neu co nguoi gian ban vi ban ko cung chinh kien voi ho thi ko co gi dang lan tan ca.Nhung ke chi ca ngoi,ninh thoi de nhan phong bi cua cac doanh nghiep co aigoi la nha bao dau.Vi the ho moi la ke thuong tat.

    Trả lờiXóa