Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Vài nhời từ vụ cháy

Vụ cháy trạm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội hôm 3.6 phải nói là kinh hoàng dưới nhiều góc nhìn. Ngay trung tâm thành phố, nơi sầm uất bậc nhất của thủ đô, nếu “quả bom xăng” gần trăm mét khối đó nổ thì không thể tưởng tượng được hậu quả sẽ ghê gớm như thế nào. May mà điều đó không xảy ra, trước hết nhờ công lao, sự dũng cảm quên mình của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Nói về những mối tai họa thường xuyên đe dọa cuộc sống con người, cha ông thuở xưa đã đúc kết ngắn gọn “thủy hỏa đạo tặc”, trong đó họa cháy đứng hàng thứ hai, còn trên cả trộm cướp, giặc giã. Lửa có thể biến những giá trị tài sản khổng lồ thành số 0 chỉ trong phút chốc. Đã có quá nhiều bi kịch thương tâm do hỏa hoạn. Nước ta cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều đưa ra những quy định PCCC nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa tác hại của giặc lửa. Phòng cháy được đặt lên hàng đầu. Dân gian thường bảo “chớ đùa với lửa” là vậy.
Có thể rút ra nhiều điều sau vụ cháy nói trên. Cơ quan điều tra và các ngành chức năng sẽ làm việc này nhưng vụ cháy đã phát lộ một số vấn đề. Trước hết là hoạt động chữa cháy, xử lý tai nạn. Theo các nhà báo tường thuật, phải mất đến gần 6 tiếng đồng hồ kể từ khi phát cháy, cả nghìn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội; hàng trăm dân quân tự vệ địa phương; hàng chục lượt xe cứu hỏa chuyên nghiệp tham gia… mới dập tắt được đám cháy. Tất nhiên có những khó khăn khách quan nhưng với một vụ cháy trên địa bàn chật hẹp đông người như thế, việc để kéo dài tình trạng cháy có nguy cơ gây nổ cực kỳ nguy hiểm đã chứng tỏ rằng chúng ta chưa đủ biện pháp, công cụ hữu hiệu để giải quyết nhanh nhất sự cố. Chỉ riêng việc phải huy động quá nhiều người, dùng những biện pháp thủ công (như cảnh sát phải hứng xăng vào từng can nhựa chuyển ra ngoài) đã chứng minh điều đó. Trong trường hợp này, lòng dũng cảm của cán bộ chiến sĩ chữa cháy dù rất đáng khen ngợi nhưng liệu có nên đánh đổi tính mạng con người một cách nguy hiểm như vậy chăng?

Do nhu cầu của cuộc sống, không nên nghĩ rằng cứ chuyển các cây xăng ra khỏi thành phố là xong. Vấn đề đặt ra là phải quy định và thực hiện quy định như thế nào. Quy định về kinh doanh xăng dầu đã có, đã rõ ràng, vậy thì mắc ở chỗ thực hiện. Rất nhiều cây xăng hiện nằm trên địa bàn khu dân cư, sát các công sở, gần khu vực nhạy cảm (trường học, bệnh viện, chợ, trụ sở công quyền...) nhưng cơ quan quản lý chẳng mấy khi rờ đến. Không ít cây xăng, trạm xăng chỉ chú ý đến kinh doanh mà xao nhãng việc phòng ngừa. Ví dụ, nếu có kẻ phá hoại cố ý hoặc một người tâm thần hành vi bột phát thì sự ngăn trở, ứng cứu sẽ như thế nào, liệu doanh nghiệp đã quan tâm đúng mức chưa. Tất cả tình huống đều có thể xảy ra, phải ngừa trước, đừng để sự đã rồi, trở tay không kịp.

Trong thời bình, lực lượng PCCC, nhất là cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp, cực kỳ quan trọng. Nhưng cho đến nay chúng ta mới thí điểm tổ chức Sở Cảnh sát PCCC ở vài thành phố lớn. Trang thiết bị chữa cháy dù đã được chú ý đầu tư nhưng thực tế vẫn còn nghèo nàn, chưa hiện đại, chưa đủ để ứng phó, ngăn chặn những vụ cháy lớn, phức tạp. Vụ cháy trạm xăng đường Trần Hưng Đạo vừa qua, nếu lực lượng chuyên nghiệp có những thiết bị tốt hơn, hiện đại hơn, hiệu lực cao hơn, chắc không phải kéo dài thời gian nguy hiểm, không gây thương tích cho cán bộ chiến sĩ.

Củng cố, xây dựng lực lượng PCCC với tổ chức mạnh, chuyên nghiệp cao ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đang là đòi hỏi cấp bách.

4.6.2013
Nguyễn Thông

11 nhận xét:

  1. Bác Thông đã nêu 1 trong 4 cảnh báo của cha ông về những mối đe dọa cuộc sống con người:thủy , hỏa , đạo , tặc và là mối cảnh báo xếp hạng thứ 2:bà hỏa.Bác chỉ ra tính cấp bách việc cần"Củng cố, xây dựng lực lượng PCCC với tổ chức mạnh, chuyên nghiệp cao ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đang là đòi hỏi cấp bách."
    Đồng ý với bác.Nhưng cũng xin thưa với bác mối đe dọa xếp hạng 1:bà thủy còn gay cấn hơn nhiều trong cuộc sống đô thị và khu tập trung dân cư ở Việt Nam đặc biệt là ở Hà nội và thành phố Hồ chí Minh.Việc phòng chống chữa cháy, các qui định cứu hỏa, lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp và không chuyên về an toàn hỏa hoạn tiếng thế được chuẩn bị khá chu đáo{so với điều kiện nước ta}, trong khi đó việc tổ chức tương ứng ở hiểm họa thứ nhất hầu như bị bỏ rơi.

    Trả lờiXóa
  2. Xin bác cho điểm tin những thông tin sau:Kinh hoàng: Hầu hết khu đô thị không xử lý nước thải.
    Hà Nội có hàng trăm khu đô thị mới với diện tích hàng chục nghìn hécta, số dân khoảng hơn 2 triệu người. Nhưng hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi các khu đô thị vẻ hào nhoáng, sạch sẽ, thì phía bên ngoài lại bốc mùi đáng sợ.
    Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) do cty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Theo nhiều người dân tại làng Đình Thôn (Mỹ Đình), trước khi có khu đô thị, quanh làng có con kênh Cầu Quang xanh biếc dẫn nước cho các cánh đồng trong thôn. Tuy nhiên, con kênh nay đã đen ngòm, sặc mùi hôi thối. Một người dân tên Hải - gốc làng Đình Thôn cho biết, đoạn kênh này là đầu ra của nước thải sinh hoạt của người dân sống trong khu đô thị xả thẳng không qua xử lý. "Mỗi khi có trận mưa to, con kênh thoát nước không kịp, nước tràn cả vào nhà, phân nổi lềnh bềnh. Khi trời nắng to thì mùi xú uế khủng khiếp không kém", anh Hải nói.
    Không chỉ cư dân gần khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì kêu trời vì nước thải xả thẳng ra kênh, nhiều người dân tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hay khu đô thị Mỗ Lao cũng rơi vào cảnh tương tự…

    Trả lờiXóa
  3. Thành phố HCM:Tỉ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định trên địa bàn TP.HCM hiện nay là 13,2%”.

    Đây là thông tin được Sở GTVT TP.HCM cho biết trong báo cáo vừa gửi Sở TN&MT TP về kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về môi trường.
    Nước thải là thách thức lớn với đô thị Việt Nam
    Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á 2013″, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện và công bố sáng 9/4 tại Hà Nội.
    Báo cáo nêu rõ, chỉ khoảng 10% nước thải đô thị của Việt Nam được xử lý bằng các phương pháp thích hợp. Các hộ gia đình ở thành thị hầu hết sử dụng những bể tự hoại ít được duy tu hoặc các hệ thống xử lý tại chỗ tương tự, chỉ có thể xử lý nước thải một phần và có thể gây ô nhiễm cho nguồn nước ngọt..
    Một nghiên cứu về tài nguyên nước phục vụ báo cáo cho thấy, sự an toàn của nguồn cung cấp nước ở một số lưu vực sông, hồ đang bị đe dọa bởi việc xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý hoặc chỉ được xử lý một phần, bao gồm cả nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Tình trạng này là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm các lưu vực sông, đặc biệt nghiêm trọng như Nhuệ, Đáy, Đồng Nai…
    Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu 70% dân số đô thị, tương đương khoảng 35 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có khoảng 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

    Trả lờiXóa
  4. Theo tính toán của ADB, các chi phí bình quân đầu người cho việc kết nối với một hệ thống xử lý nước thải mới, đầy đủ là 200 – 600 USD.Trách nhiệm cung cấp hạ tầng đô thị thuộc về chính quyền địa phương, nhưng hầu hết các chính quyền địa phương lại không có khả năng tài chính và kỹ thuật để quản lý được quy mô, mức độ phức tạp cũng như chi phí của các chương trình môi trường đô thị.
    Nhiều công ty xử lý nước thải không được chuẩn bị, trang bị đầy đủ để hoạt động trên nguyên tắc thương mại và thu hút vốn, cũng như chuyên môn kỹ thuật từ khu vực tư nhân. Họ cũng không tiếp cận được với thị trường vốn.
    Mặc dù các hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tại các đô thị Việt Nam đã được xây dựng ngày càng nhiều, song một báo cáo đánh giá kết quả thực hiện gần đây cho thấy, cần phải sửa đổi luật và các quy định điều chỉnh các dự án này, để đảm bảo nguồn lực tài chính có hạn được dành cho những lĩnh vực cần ưu tiên cao hơn.
    Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực môi trường đã đi sai địa chỉ, đổ vào các phương án hoặc các hệ thống xử lý nước thải tốn kém không cần thiết và tiêu tốn năng lượng rất nhiều.
    Việc triển khai cục bộ hệ thống thoát nước mới đôi khi dẫn đến tình trạng hạn chế diện bao phủ và thất bại trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng cũng như cải thiện môi trường.
    Xử lý nước thải, chống úng ngập, đảm bảo an toàn nước sạch cho cấp nước đang là vấn đề sống còn của đô thị Việt Nam.Làm trầm trọng thêm tình trạng này là sự tham lam của các nhà đầu tư bất động sản, sự lơ là buông lỏng các cơ quan quản lý cũng như sự không chặt chẽ , buông lỏng của pháp luật hiện hành.

    Trả lờiXóa
  5. theo dõi còm blog nguyễn thônglúc 06:00 8 tháng 6, 2013

    Ô hô hô.Thế bây giờ bác Trường Lưu và bác Tèo có thấy cần chế tài xử phạt gọi điện thoại cầm tay ở khu vực trạm xăng hay kho xăng dầu không các bác nhỉ?Hôm cháy ở đường Trần hưng Đạo các bác lại chả gọi Discovery đến ứng cứu giúp làm vất vả anh em PCCC quá.Bác Thông chẳng nhờ bác Trường Lưu làm tư vấn khi viết bài này, khối ý hay.

    Trả lờiXóa
  6. Cách đấy vài trăm m có một cây xăng nữa thường tiếp nhiên liệu vào buổi tối. Lái xe còn dùng xô để đựng xăng từ xe bồn xách vào. Vô phúc mà trượt chân ngã hoặc người nào vô ý ném tàn thuốc vào thì xong om. Cây xăng này chỉ cách đồn CA vài chục m mà các đ/c ấy có "nhìn" thấy đâu. Hehe!

    Trả lờiXóa
  7. Xăng thì đương nhiên là dễ bắt lửa ... hơn củi khô rồi. Nhưng cây xăng được dựng lên ở rất nhiều rất nhiều nơi dễ bắt lửa. Lại thêm cái tính đại khái dễ dãi của dân mình nữa cho nên cháy như vụ vừa rồi ở giữa thủ đô lại là điều không khó hiểu cho dù chả ai muốn. Tuy nhiên không muốn không mong với có thể nó lại cứ tồn tại bên nhau. Nhìn thấy những cây xăng nằm sát sàn sạt bên cạnh nhà dân với biết bao nhiêu khê phiền tạp của cuộc sống hàng ngày mà thất kinh các bác ạ. Chỉ một tí tì ti sơ sẩy là lửa bùng lên. Mà sơ sẩy thì có cả tỉ lí do. Vậy nguyên nhân của mọi nguyên nhân lại do chỗ cấp phép dựng cây xăng quá là ... dễ tính. Tôi đếm trên cái dãy phố tôi ở, trong khoảng đường đi bộ mất 30 phút mà có tới 4 cây xăng liền kề với nhà dân. Vậy thì hỡi các nhà cấp phép hãy trả lời tôi tính cần thiết và tính hợp lí của ngần ấy cây xăng nó nằm ở chỗ nào?
    Xăng được bày bán kiểu chè chén vỉa hè mà không bùng cháy thì mời là sự lạ!!!
    Hu hu.

    Trả lờiXóa
  8. Hôm xảy cháy có bác CA còn cao hứng khen việc xử trí của lực lượng chữa cháy là đã không để xảy ra nổ bồn (chẳng qua là do bồn đã không bị...nổ). Thật ra nếu bác nào am hiểu thì sẽ quá biết là từ việc cháy (xăng) mà có thể xảy ra nổ là phải có hội tụ các điều kiện của nó cơ đấy. Cách đây ít lâu ồn lên về việc cấm gọi điện thoại tại khu vực cây xăng mà cũng chẳng hề có chứng cứ cụ thể nào về cái nguy cơ trừu tượng này cả(!) thế mà tại sao vụ vừa rồi lại không có nghi vấn nào về việc này nhỉ? Cái đáng lo thực sự thì lại chẳng lo. Ở ta cái gì cũng là cảm tính và thường suy diễn theo ý kiến đám đông thôi. Buồn bác Thông ah.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ấy bác ND12:27 vụ nổ trạm nạp gas Đông Anh được xác định là do gọi điện thoại di động đó bớ bác.Nổ tan tinh chả co tí trìu tượng nào sất.Hôm nào bác thử chút xem nhân viên trạm xăng có tá hỏa tam tinh không bác nhể?

      Xóa
  9. Hi there! I just would like to give an enormous thumbs up for the nice info you will have here on
    this post. I will probably be coming back to your blog for extra soon.


    Also visit my blog: search engine optimization companies in pune

    Trả lờiXóa
  10. Xem cái clip chú cảnh sát té nước vào lửa rồi trượt chân ngã dính xăng bốc cháy mà tức cười ! vậy mà có người đưa hình lên tung hô là dũng cảm ! đúng là cái camera chết tiệt .

    Trả lờiXóa