Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện ăn độn (tiếp)

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, không ít gia đình phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những hộ xã viên khác, cơm bữa chỉ 2 lưng bát mỗi người nên rau thành món độn chủ lực. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết. Rau thay cơm. Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau muối… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói.

Lại nhớ sau khi nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn, được ít lâu thì có bài chế theo. Lời nguyên của nó là “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/đá mòn mà đôi dép không mòn/Ta đi nhằm phương xa/gió ngàn đưa chân/ta về quê hương/quân về trong gió đang dâng triều lên” được chế thành “Ta lại đi và nấu cơm nồi nhôm/rế mòn mà cái đít không mòn/Ta bắc nồi cơm lên/sắn nhiều hơn ngô/ngô nhiều hơn khoai/khoai nhiều hơn cơm/trông nồi cơm đó thấy sao mà ngán”, đứa nào cũng thuộc, ngồi dăm ba đứa lại hát inh ỏi cho vui và đỡ đói.

Như đã nói ở phần trước, tôi vừa sinh ra đã chịu cảnh ăn độn, thì như mọi đứa mới sinh cũng được bú mẹ nhưng mẹ chỉ tinh ăn độn khoai củ, rau thay cơm, ít sữa nên suốt tuổi thơ tôi lúc nào cũng còi cọc đèo đẹn. Tuy nhiên, thời ăn độn ghê nhất lại là lúc bắt đầu đi làm, năm 1977, trở về sau.


Tốt nghiệp đại học tháng 12.1976, tháng 4.1977 tôi khăn gói quả mướp xuống tàu biển Thống Nhất ở bến Chùa Vẽ, Hải Phòng vào Nam, hành nghề dạy học. Mấy tháng chờ việc ở quê nhà, thày bu tôi thương thằng con gần 4 năm đói dài đói rạc nên bồi dưỡng chút thức ăn có chất đạm bù lại. Tôi 4 tháng được ăn cơm trắng, rau cỏ vườn nhà, cá mú vùng quê cũng khá rẻ nên trông đã ra cái hồn người, đã có tí da tí thịt. Khi biết tôi phải vào Nam, thày tôi động viên, bảo miền Nam lúa gạo tôm cá nhiều, vào trong ấy chắc đỡ hơn, con ạ.

Thày tôi nói đúng, nhưng chỉ đúng khoảng 3 tháng. Tôi ở khu tập thể của trường trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 Sài Gòn, ăn cơm nhà ăn tập thể. Cơm trắng tinh, đồ ăn bữa thịt bữa cá không đến nỗi nào. Thầm nghĩ, sướng, thế mà cứ định chống lệnh, định ăn vạ ở quê. Mấy anh em từ các khoa Văn, Sử, Địa của Đại học Tổng hợp Hà Nội vào, túm tụm ở chung vài phòng trong cái khách sạn cũ dành cho sĩ quan Đại Hàn, được Quân khu 7 bàn giao cho trường làm ký túc xá. Đến bữa ăn thì kéo nhau xuống nhà ăn, ngày hai bữa, hết giờ dạy thỉnh thoảng mượn cái xe đạp làm vài vòng thăm thú phố phường. Tối thì chấm bài, chơi domino, gần khuya nấu mì tôm ăn xì xụp, tưởng như xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công đến nơi rồi.

Được 3 tháng, đến cuối tháng 7.1977. Đùng một cái, hết gạo. Nhà bếp thông báo từ nay không nấu cho giáo viên nữa, để các anh chị tự mua lương thực tiêu chuẩn về nấu riêng. Chả là gạo tiêu chuẩn 16 ký giờ chỉ còn 6 ký, số còn lại được thay bằng mì tôm, sắn (củ mì), bột mì. Sang năm 1978 kinh hoàng hơn, củ mì bột mì cũng hiếm, chỉ rặt hạt bo bo (lúa mạch nhập về để chăn nuôi nhưng giờ dành cho người). Với khẩu phần lương thực đa dạng hổ lốn thế, nhà bếp bó tay chả biết phải nấu nướng thế nào phục vụ thầy cô giáo. Với đám sinh viên, nhét kiểu gì cái gì vào mồm chúng mà chả được, nhưng với những “bậc” trí thức thì họ ngại. Chả nhẽ lại phát cho thầy cô 3 củ sắn luộc ăn trước khi lên lớp.

Trong số thức độn đó, may mắn là mỗi tháng tiêu chuẩn giáo viên có 8 gói mì tôm thay gạo. Mì gói giấy hiệu Vifon hoặc sau này là Colusa, vỏ có 2 con tôm nên chết tên mì tôm. Suốt thời gian dài, mì gì thì mì, bất kể của hãng sản xuất nào, dân chúng đều gọi là mì tôm tuốt, cũng như có thời bất cứ loại xe máy nào cũng gọi thành xe Honda. Tôi với thầy Vy đồng hương Hải Phòng, đồng khoa (anh Vy người Thủy Nguyên, Văn khoa khóa 16) bàn cách gộp mì tôm của hai thằng lại được 16 gói, nhờ lão Đào Gia Thiệp là bộ đội đi học đem xuống hẻm bán cho bà người Tàu rồi mua lại gạo mậu dịch của bà ấy (bà này chuyên buôn lậu gạo, lại móc với nhân viên kho lương thực nên lúc nào cũng sẵn gạo mậu dịch). Mì ăn liền thời đó hiếm, chỉ phân phối cho cán bộ nhân viên nhà nước nên được giá. 16 gói mì chuyển ngang được vài ký gạo, đem về nấu dè sẻn cho đỡ thèm hơi cơm.

Hồi ấy, một ký gạo được quy thành 3 ký đại mạch (bo bo), nhập từ Liên Xô. Người và lợn tranh nhau thứ đặc sản này. Nó nhỏ hơn hạt đỗ đen, màu nâu nhạt, lõm giữa, cứng như đá. Đã không có điện đun nấu, thiếu cả than củi (đến nỗi thầy Võ Thanh Long dạy lý trong chuyến đi chơi thăm công trình thủy điện Trị An chả thiết ngắm nghía gì, cứ nhăm nhăm tìm mua củi, đem về chất đầy hành lang ký túc xá, còn nhà chú Thăng chỉ chẻ củi mà nát cả nền gạch phòng xép trên lầu 4), vậy mà thứ của khỉ này đổ vào nồi nhôm đặt lên bếp than tổ ong hầm đến lụi bếp mới chịu nở mềm. Nhai nó nhạt nhẽo, như trâu trệu trạo nhai rơm trong chuồng. Không ăn thì đói, cố nuốt, nghẹn, nước mắt trào ra. Ăn vào thế nào, khi thải ra vẫn y nguyên vậy. Không ngờ đời giáo học của nhà trường xã hội chủ nghĩa một đất nước đã thống nhất "nào bên nhau cầm tay, ta lên đường hạnh phúc" như lời một bài hát của nhạc sĩ Văn An, mà khổ thế, khổ như con lợn, thảm hơn cả anh giáo Thứ trong Sống mòn của cụ Nam Cao xưa kia.

Lão giáo học Vy nghĩ ra một kế, hầm bo bo cho mềm, xong lấy chảo quẹt tí mỡ (mỡ cũng là hàng hiếm) đổ bo bo vào đảo lên, nêm nếm mắm muối, thêm ít cọng rau, thành món hổ lốn, Vy đặt tên là “Ngọc thực đặc sản”. Xơi được vài bữa cũng chán bởi dù gì nó cũng chỉ là bo bo. Mì tôm còn có giá, còn bán cho mụ Tàu được, chứ bo bo thì… chó nó thu mua. Thưởng thức bo bo được vài năm, mặt anh nào anh ấy hõm vào, giơ xương, hốc hác, thiếu hẳn sinh khí, nhìn mặt chỉ thấy cằm thấy trán bọc da, lơ thơ lèo bèo chút thịt. Đó là khuôn mặt điển hình thực tế của phần đông giáo chức những năm từ 1978 đến giữa những năm 1980.

Cuối năm 1980 tôi cưới vợ. Thầy Châu Hoàng Tiểng dạy toán, người chụp ảnh duy nhất của Trường Dự bị đại học TP.HCM, ưu ái chụp cho cuộn phim đen trắng ORWO 32 kiểu. Gửi phim sang Liên Xô nhờ ông anh trai đang học bên đó rửa ảnh cho rẻ. Giờ thỉnh thoảng lật giở coi lại mấy cái hình đám cưới, nhìn mặt mình, cứ tưởng đứa nào. Đưa cho con xem, chúng săm soi ngắm nghía ngồi lâu rồi bảo chắc không phải bố. Riêng chuyện đám cưới thời bao cấp tôi sẽ viết ở phần tiếp theo.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Rất thích bài viết này của anh Thông, cũng như nhiều bài khác nữa. Nó gột tả sống động ‘cao lương mỹ vị bo bo’ mà bọn tôi cũng một thời như các anh vậy. Nếu có thiếu gì thì chỉ thiếu cái đoạn ăn bo bo nhiều quá sẽ hay bị ....Tào Tháo rượt chạy có cờ. Xin cảm ơn anh.
    Thịnh, California.

    Trả lờiXóa