Trang

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Có một Đoan ngọ máu ở xứ Thanh

Cách nay đúng 45 năm, Tết Đoan ngọ năm Nhâm Tý 1972 xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Thanh Hóa bởi bom Mỹ. Nhà báo Xuân Ba vừa về tận nơi hiểu lại vụ này và mới meo gửi cho tôi. Tôi đưa lên đây để mọi người cùng biết về một bi kịch thời đã qua, và nhất là để những ai có trách nhiệm giải quyết chế độ chính sách xã hội, cụ thể là ông bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung quan tâm, xem xét về chính sách cho hàng trăm người đã khuất. Đừng để bi kịch kéo dài mãi như thế.

XUÂN BA (nhà báo)

Tết Đoan Ngọ, Tết giết sâu bọ. Xứ Thanh quê tôi coi trọng cái tiết, tết ấy chỉ sau tết Nguyên đán mà thôi. Bâng khuâng nhớ những năm xa đói kém, nhà túng đói quá phải cháo loãng cầm hơi thì chả nói làm gì. Nhưng nhiều nhà khá hơn cũng cố biện chút xôi gà, thửa nồi bánh lá răng bừa, tráng chút bánh cuốn cúng kiếng. Đơn giản hơn, chỉ chút cơm rượu nếp ủ men, mấy quả mận quả muỗm chua lè cho lũ trẻ ngốn rau ráu từ tinh mơ gọi là để giết… sâu bọ!

Nhưng cũng đúng cái tiết tết Đoan Ngọ ấy năm Nhâm Tý năm 1972, cụ thể là 8 giờ sáng ngày 14-6-1972 tại Hàm Rồng đã xảy ra trận thảm sát rùng rợn.

Số người bị chết là 130, bị thương 140. Trường Y, Trường sư phạm 10+2 chết nhiều nhất. Những cô gái, chàng trai đang ở độ 18, đôi mươi….

Tôi đã gặp nhà văn Kiều Vượng (Giải thưởng Văn học Mê Kông năm 2012) nhân chứng trận thảm sát ấy. Nhà văn khi đó đang làm việc ở ngành GTVT vận tải Thanh Hóa.

Và đây là chuyện của Kiều Vượng:

… Thường vụ Tỉnh ủy họp suốt đêm. Nhiều việc thời chiến cấp bách trong đó có đoạn đê xung yếu từ phía nam cầu Hàm Rồng. Trận lũ tiểu mãn sắp dâng nước sông Mã lên báo động 3. Mà ở mực nước ấy, chỉ cần một quả bom loại nhỏ ném trúng thì cả thị xã Thanh Hóa chìm trong biển nước!

Tỉnh ủy quyết định huy động lực lượng tối đa, thành lập Ban chỉ huy đắp đê có ông Thắng Giám đốc Ty thủy lợi Thanh Hóa là chỉ huy, ông Hoàng Văn Hiều, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ nhiệm phòng không nhân dân; các đồng chí tỉnh đội phó, Phó giám đốc công an tỉnh.

Những lao động giỏi, có sức khỏe của 20 xã của huyện Đông Sơn, mỗi xã một trung đội, tổng cộng 800 người. Lực lượng dân công của thị xã Thanh Hóa huy động 300 người. Giáo viên của các trường 1.000 người. Tổng quân số hơn 2.000 người.

Phương châm Tỉnh ủy đề ra là bảo đảm an toàn cho người là quan trọng nhất nên Ban chỉ huy công trường phân công cứ 5 người làm 1 hầm chữ A chạy dọc chân đê, mỗi đoạn lại có một hầm chữ A.

Dân công thị xã Thanh Hóa đắp 300m đê, dân công huyện Đông Sơn đắp 600m, giáo viên các trường đắp 100m.

Lúc đầu, thời gian làm việc được quy định từ 19 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Như thế sẽ bảo đảm được việc phòng không, nhưng lại cản trở việc các đoàn xe vận chuyển ra tiền tuyến nên Ban chỉ huy quyết định chuyển sang làm ban ngày, từ 5 giờ đến 8 giờ sáng. Riêng ngày 14-6-1972, do yêu cầu của dân công muốn được nghỉ Tết Đoan Ngọ nên Ban chỉ huy đồng ý cho anh chị em làm thêm một giờ nữa để hôm sau nghỉ; mỗi người được bồi dưỡng thêm 3 lạng thịt.

Trên đoạn đê chưa đầy một cây số mà có hơn 2 ngàn người làm trong lúc máy bay do thám của Mỹ liên tục rà soát và các loại tiêm kích sẵn sàng ập đến bất kỳ lúc nào thì thật bất an, khủng khiếp. May mà hơn 1.000 người dân Đông Sơn và một số lực lượng đắp đê khác đã rút lui trước 8 giờ sáng. Khi xảy ra cuộc oanh tạc chỉ còn lại lực lượng học sinh Y, Sư phạm.

Vẫn tiếp câu chuyện của nhà văn Kiều Vượng: 

Khi đó tôi đang trực ở Ban điều hòa vận tải thì nhận lệnh gấp về phía đê bị oanh tạc. Nhảy lên một chiếc xe ben, khi tôi và người lái xe đến thì một cảnh tượng kinh hãi diễn ra khiến tôi lạnh toát người. Từng đã qua nhiều trận bom Mỹ ở bến phà Ghép hay dọc kênh đào nhà Lê ở giáp tuyến Nghệ An-Thanh Hóa nhưng trận bom Mỹ ập xuống đầu những cô gái 18 mơn mởn sức xuân không một thứ vũ khí trong tay khiến tôi rùng mình.

Dưới cái nóng hầm hập của sáng mùa hè, nhiều người nằm giẫy đành đạch giữa vũng bùn và máu trộn lẫn đặc sệt màu nâu. Tôi nhìn thấy hai cái đầu con gái đứt ra khỏi thân lăn xuống hố đào đất. Những thân người bị xé toạc ra ở bụng, ở ngực, ruột gan phòi ra vẫn thở thoi thóp. Những thân hình người chết thì trần truồng, người bị thương hoặc sống cũng trần, các cô chạy tứ tung la hét. Bom hơi! Tôi láng máng nghĩ chỉ có thứ bom tàn ác ấy mới có sức thổi bay mọi thứ trên thân thể và cả cơ thể con người nữa. Tôi trực tiếp nhìn thấy ông Chủ tịch tỉnh cũng có mặt ứng cứu. Ông đang khó nhọc bê cánh tay trần của một cô gái nào đó. Ông nhắc mọi người đem đến nơi tập kết thi thể.

Chiếc xe ben của tôi chở hơn mười thi thể phóng về Rừng Thông. Ở đó các tử thi được tập kết để tắm rửa thay quần áo cho các thân nhân đến nhận dạng nhận người.

Khi đang lau rửa mặt mũi cho những người xấu số thì bất đồ tôi nhận thấy đôi môi của một xác chết mấp máy… Tôi hoảng hốt la toáng lên và bế xốc cô gái có một mái tóc thật dài ấy lên xe ben rồi giục lái xe phóng về bệnh viện huyện. Nhận ra cô ấy tóc dài vì khi bê lên xe, đuôi tóc còn lệt xệt quét lên chân tôi.

Bệnh viện cách đó hơn cây số mà tôi tưởng như hàng buổi đường. Đến nơi thì cô như đang hấp hối. Máu đen từ tai, miệng, mũi dào ra. Các thày thuốc ở đó vẫn tích cực cấp cứu cho cô. Rồi tôi lại phải chạy đi để chở chuyến khác. Tôi cứ chắc cô ấy không qua được.

Nhưng người ta chết được cũng không dễ. Kỳ diệu thay sự sống và sức sống tuổi 18. Cô gái ấy sau đó đã tỉnh lại được đưa đi điều trị ở tuyến trên. Rồi cô học nốt trường Y về công tác ở bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, Cô có một gia đình êm ấm và hai đứa con kháu khỉnh. Nay cô ấy đã về hưu. Cô y sĩ ấy tên là Thế!

Nhưng trong số 68 cô gái của Trường Y và Sư phạm đã chết hôm ấy, không còn ai may mắn như cô Thế cả.

Đến bây giờ gần nửa thế kỷ đã trôi qua, từ trong sâu thẳm, tôi vẫn băn khoăn rằng cái thảm họa kinh hoàng ấy liệu có bi đát như thế không nếu như những người lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp đã không kiên quyết chiều theo cái đề nghị làm rốn làm thêm giờ để được nghỉ Tết Đoan ngọ?

Theo lời mách của anh hùng LLVT Lê Mã Lương người xứ Thanh, tôi tìm đến cái quán bán giải khát ngay dưới chân cầu Hàm Rồng để gặp một nhân chứng khác.

Chủ quán Lê Huy Bé, nguyên cảnh sát giao thông kể:

Thời điểm đó tôi được Bộ Công an điều về đảm bảo giao thông tại trọng điểm cầu phà Hàm Rồng.

Khoảng 9 giờ kém 30 phút ngày 14-6-1972, hơn 2.000 người đang miệt mài khẩn trương đắp đoạn đê tôi đang có mặt tại đoạn đê đầu làng Nam Ngạn tới đoạn đê nhà máy xay Hàm Rồng. Tôi đang trao đổi công việc với đồng chí Lê Chí Phan phụ trách công trường thì được biết theo yêu cầu của mọi người thì tiếp tục làm rốn thêm thời gian để ngày mai được nghỉ Tết Đoan ngọ.

Ngay sau đó vừa dứt hồi kẻng báo động thì nhiều tốp máy bay đã xộc tới điên cuồng nhào xuống hiện trường đắp đê. Dồn dập bom phá bom bi bom hơi. Lực lượng phòng không bảo vệ cầu nổ súng đánh trả quyết liệt mới xua bầy cướp lảng xa nhưng chúng đã kịp thời gây tội ác. Tiếng kêu la than khóc ran tứ phía.

Trong khi bom đạn chưa ngớt tôi cùng các anh Nguyễn Công Trí, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Nhượng là CSGT có mặt đầu tiên tại hiện trường. Chúng tôi ngay lập tức lao xuống hố bom để ôm, bế, vác những người bị thương và bị chết lên bờ và điều xe ô tô trên đường số 1 để chở người đi cấp cứu. Trong tay chúng tôi là hình hài của hàng chục thi thể sinh viên Trường Sư phạm và Trường Y tuổi 18, 20. Người bị thương, người đã chết. Người cụt tay, mất đầu, lòi ruột… Hàng chục năm qua hình ảnh ấy còn ám ảnh mãi…

Bên anh Bé là vợ anh, chị Hòa sinh năm 1949 quê ở tiểu khu Hàm Rồng, khi đó là giáo viên Trường Hàm Rồng. Chị Hòa dạy các môn toán, sinh, địa. Cô giáo Hòa sáng ấy, như nhiều giáo viên khác của trường cũng được huy động đi đắp đê. Máy bay ào tới, cô giáo không kịp xuống hầm và ngay lập tức đất trời chao đảo không gian dậy lên tiếng bom dậy đất. Rồi cô không biết gì nữa.

May cho cô giáo Hòa, chỉ bị sức ép. Cô bị văng đi mấy chục mét, chảy máu tai mũi mồm và ù đặc hai tai hàng tháng trời. Nhưng thày hiệu trưởng của cô, của trường Hàm Rồng đã chết trong trận bom ấy.

Tôi theo anh Bé ra quãng đê máu lửa ngày ấy chỉ cách nhà một đoạn.

Quãng đê mong manh hơn 40 năm trước từng rình rập đe dọa những lũ và bom đạn thù nay là con đường 2 chiều vững chãi bởi các kiểu bồi trúc gia cố hiện đại.

Đoan ngọ ngày ấy và bây giờ, nhoáng cái đã 45 năm.

Quá vãng bi thương của cuộc chiến tranh vệ quốc, những là các cô gái TNXP ngã xuống ở đường 20 Quyết Thắng làm nên huyền thoại Hang Tám Cô, 10 cô gái TNXP hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, ở Truông Bồn… Và những nơi ấy đã xôm tụ bao nhiêu là hoa. Nhà tưởng niệm cũng vô vàn những cung bậc tiếc thương, khen tặng! Phải, rất phải rất xứng đáng. Và phải thêm chớ để vơi những tưởng thưởng này khác!

Người mình ngày trước, thường có nghĩa cử đặt tên thụy hay mỹ tự sau khi chết với những tấm gương vì nước vì dân mà bỏ mình. Với các cô giáo sinh sư phạm và Trường Y Thanh Hóa, cụm mỹ tự Anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ có lẽ cũng xứng?

Nhưng có vẻ máu của các cô giáo sinh Thanh Hóa đổ ra trong trận thảm sát ấy dường như kém sắc, bớt hồng đỏ? Bằng cớ là từng ngần ấy năm, ít ai nhắc nhớ đến họ? Tượng đài? Nhà bia tưởng niệm? Những dịp kỷ niệm, nén hương vào dịp Đoan ngọ hằng năm? Không có!

May mà muộn còn hơn không mới đây, một tấm đá được vạt một khoảng và chĩnh chiện ngay ngắn trên đó có khắc những dòng nhắc nhở…

Tấm bia đá không dựng bên kia đường (mặt đê) hiện trường của buổi sáng bi thương mà chếch sát sông như một vế đối với núi Ngọc Hàm Rồng.

Lặng phắc bên tấm bia, tôi đang mường tượng ao ước ra một phép mầu của cơ chế là toàn bộ 69 cô giáo sinh tuổi 18, 19 đã chết trong trận 14-6-1972 của mùa hè đỏ lửa ấy, gia đình của họ được hưởng một chính sách một đãi ngộ nào đấy.

Bởi tất tật các cơ quan chức năng lẫn hệ thống pháp luật hiện hành, như anh hùng Lê Mã Lương thở dài, khi ông cố công hỏi thì được trả lời rằng, là các cô gái ấy khi đó chưa được biên chế nên không có điều khoản và mục nào để họ được hưởng chính sách cả!

69 cô giáo sinh hẵng măng tơ ấy, cái đêm lên mặt đê để làm nhiệm vụ công dân với nhà trường với địa phương Thanh Hóa và với đất nước thời chinh chiến, có lẽ chả ai trước khi chết kịp nghĩ mình chưa thuộc diện biên chế nhà nước.

Và ứng xử thế nào đây với những lá đơn nhiều năm qua gửi đến các cơ quan có trách nhiệm có những dòng đại loại của thân nhân họ như thế này:

Kính mong các cấp soi xét có chế độ chính sách gì để vong linh các cháu đỡ tủi…

Các cháu ngày ấy. Họ mãi mãi tuổi mười tám đôi mươi.

Tết Đoan ngọ Đinh Dậu 2017
Xuân Ba



2 nhận xét:

  1. +Xuân Ba dùng từ "69 giáo sinh" thì không ổn. Trong 69 bạn trẻ hy sinh này có cả giáo sinh sư phạm và sinh viên trường Y Thanh Hóa. Nên gọi"69 sinh viên" để các anh chị ấy khỏi buồn.
    +Tích cực hơn nữa trên nhiều phương tiện truyền thông, may ra những cán bộ còn sót chút nhân tâm sẽ cùng lên tiếng.
    +Tỉnh Ủy Thanh Hóa, Bộ Y tế, Bộ GDĐT, Bộ TBLĐXH, Đại diện Ban Bí Thư, cùng ngồi lại với nhau thì sẽ tìm ra cách giải quyết hợp lý hợp tình ngay.
    +Chuyện khó ghê gớm là làm thế nào đưa bồ nhí, con rơi rời VN an toàn, an nhiên, thong dong nơi Tân Tây Lan thanh bình kia, mà ông Chiến coi như"cái móng tay" huống hồ là việc chính nghĩa, đậm tình này.

    Trả lờiXóa
  2. Thật đau xót và nên làm việc gì đó cho những linh hồn trẻ ngày này đỡ tủi.
    Tôi cũng biết vụ việc này nhiều năm. Một anh bạn là nhân chứng đã kể lại rất khủng khiếp. Ngoài gần 70 người chết tại chỗ còn khoảng 150 người bị thương. Bản thân anh trong số ít người dám ngụp lặn trong bùn máu để vớt gần 20 xác người không nguyên vẹn,...Anh Xuân Ba nên liên hệ với anh Trương Ngọc Long, ĐT 0973689645, hiện ở xóm Hoàng Học, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, TH. A.Long hiện còn giữ danh sách những người chết và bị thương ngày hôm đó.

    Trả lờiXóa