Hôm 1.9 vừa rồi, lúc 10 giờ 30 tôi có mặt tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Buồn đời thì đi thôi chứ chả phải mê say lễ lạt gì, cũng đi ngang đây chứ không hề có ý định xuống hiện trường để tận mục sở thị. Các lối vào trạm đã thông thoáng, barie được dỡ bỏ, xe cộ qua lại thoải mái không mất tiền, dù tiền lẻ, tiền chứa trong lợn đất hoặc chai nhựa. Thực tế mà tôi chứng kiến tận mắt nói lên rằng nhà chức việc ít nhiều đã biết lắng nghe, bước đầu đã có sự điều chỉnh, giải quyết hợp lý thuận tình, sau những căng thẳng cãi vã ban đầu. Nếu cứ theo hướng giải quyết tôn trọng chân lý như thế này, sẽ còn nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chỉ tạm coi như giải pháp tình thế, lùi để tiến, tạm hạ nhiệt xoa dịu rồi sẽ tính sau… thì tôi đồ rằng tiền lẻ lại có dịp phát huy giá trị nhỏ mọn của nó.
Thị trấn Cai Lậy cũng như nhiều huyện lỵ ở miền Tây Nam Bộ nhỏ nhắn nhưng khá tấp nập thuyền bè, xe cộ mua bán thóc gạo, trái cây. Quan ngại nhất, là nó nằm ngay trên trục chính, quốc lộ 1 xuyên tâm đất phương nam màu mỡ. Người ta đã nâng cấp nó thành thị xã khiến nguy cơ về tai nạn giao thông do xe cơ giới băng qua khu dân cư càng cao. Lẩn thẩn tự hỏi, mà sao lại cứ phải phong cấp cho những thị tứ của huyện của tỉnh làm chi nhỉ. Xưa nay huyện có thị trấn, tỉnh có thị xã, đô thị lớn cấp quốc gia thì là thành phố, gọi như thế có chết ai, giờ cứ phải tăng thành thị xã, thành phố cho nó oai. Với tôi, nhưng cái tên như thị xã Kiến An (tỉnh Kiến An cũ quê tôi, nay thuộc Hải Phòng), thị xã Bắc Ninh, thị xã Lạng Sơn, thị xã Tây Ninh… đem lại nhiều gợi cảm, yêu thương, gần gũi hơn khi gọi nó là thành phố. Thị trấn Cai Lậy cũng vậy, chả hay ho gì cái tên thị xã Cai Lậy khi nó chỉ có vài đường phố, còn nhà cửa lộn xộn, lè tè thò ra thụt vào, nếu không nói là còn nhếch nhác. Hình như chế độ này thích làm chuyện sắc phong, hết phong cho người, rồi cho đất, cho cơ quan đơn vị. Hàng trăm trường đại học đã ra đời, mà thực chất nó chỉ ở tầm cao đẳng, hoặc thậm chí cỡ trường trung cấp. Nhưng cứ được gọi đại học là khoái, mà anh ký phong cũng có màu.
Ngay trên đất nóng trạm Cai Lậy quốc lộ 1, dưới cái nắng gay gắt, tôi chả khó khăn gì trong việc đưa ra lời khẳng định trạm thu phí đặt ở đây là cực kỳ sai lầm, sai trầm trọng, vô lý đến mức không thể nào vô lý hơn. Chỗ đúng của nó phải nằm trên con đường tránh mà người ta vừa xây dựng. Tại sao lại bắt những chiếc xe từ phía tây theo quốc lộ 1 đi vào thị xã Cai Lậy phải nộp phí bởi những xe ấy hoàn toàn không sử dụng một mét đường tránh nào. Mà với xe từ Cai Lậy về phía tây cũng thế. Đè cổ nó bắt nôn tiền ra là sự thậm vô lý. Nó chỉ dùng biện pháp hòa bình, thò tiền lẻ ra cho đếm là còn may đấy. Đám lợi ích đã cố tình trộn lẫn những xe “nói không với đường tránh” với đám xe từ phía tây trạm bò lên mạn Mỹ Tho, Long An, Sài Gòn, hay ra miền Trung, miền bắc (và ngược lại). Đám xe này sử dụng đường tránh, đương nhiên chúng phải nộp phí. Chả ai làm đường cho các vị xài chùa. Vấn đề là người ta đã cố ý đặt trạm thu phí vào chỗ có thể tận thu, không để lọt bất cứ xe nào, dù mày có đi vào đường của tao hay không. Chính vì vậy, bộ phận chức năng, hoặc chính phủ, phải làm cho rõ ai, cơ quan nào, cấp nào đã cho phép nhà đầu tư BOT được đặt trạm bóc lột ở chỗ này. Bố bảo nhà đầu tư cũng không dám tự ý nếu nó không được phép, được bật đèn xanh. Các doanh nghiệp, người dân, nhất là các tài xế, chủ xe, chủ hàng có thể khởi kiện, đòi bồi hoàn, trả lại mình khoản tiền phí (một kiểu thuế, tiền mãi lộ) mà mình đã từng phải chịu nộp một cách thậm vô lý bấy lâu nay. Nếu không có tấm gương xài tiền lẻ của các bọ tài xế xứ Nghệ để trị trạm thu phí Bến Thủy, rồi sau đó được phát huy đầy tinh thần cách mạng ở nơi từng diễn ra Nam Kỳ khởi nghĩa thì người dân chả biết còn khổ bởi đám sưu thuế phí này đến bao giờ, đám “lợi ích” còn ăn bẫm đến bao giờ. May là nó đã bị chặn lại.
Cứ theo cách tố cáo của bộ máy tuyên truyền nhà nước thì dưới chế độ thực dân-phong kiến có hàng trăm thứ thuế, thậm chí đi… ỉa cũng phải nộp thuế: “thuế xí kia mới thiệt lạ lùng” (chả biết có phải họ nói vống lên cho tăng sức nặng căm thù không). Tuy nhiên, nếu so với bây giờ, số lượng sắc thuế của bọn đế quốc sài lang và tay sai chỉ ví như con tem dán lên mình con voi. Thuế xưa phải chắp tay gọi thuế nay bằng cụ. Giờ đây, thuế được áp vào mọi thứ sản phẩm, mọi hoạt động, mọi ngõ ngách, mọi con người. Thuế xã hội chủ nghĩa trùng trùng điệp điệp. Thuế “vinh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm” dày hơn cả mái ngói vảy chốn đình chùa, lớp này đè lớp khác. Có vị đại biểu quốc hội từng than thở rằng một quả trứng gà khi đến miệng người tiêu dùng phải gánh đến 18 thứ thuế phí thì quả thật thuế thời nay đã đạt đến độ khủng khiếp. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét