Trang

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Chuyện bị ốm (kỳ 2)

Hôm nay (10.12) thì mình đã gần khỏi hẳn, lực lượng chủ công đánh trận này chủ yếu là… 2 nồi lá xông mình tự làm lấy. Lá gừng từ khóm gừng trồng trên ban công, lá chanh, lá xả từ cái vườn nhỏ của ông anh cọc chèo khai phá công viên, thêm mấy mảnh vỏ bưởi, đủ chữa. Mà khỏi, thế mới tài. Cũng kể thêm 3 viên Panadol trị cảm sốt, bà xã và tụi nhỏ nói mãi, mình uống để tạo hòa khí trong nhà.

Trong phần biên chép đầu (kỳ 1), có bạn đọc xong bảo, gớm, lão này ốm mà còn viết được dài thế. Đành phải thật thà thưa rằng, thực ra cũng muốn nghỉ toàn diện nhưng thấy cái đầu cứ ong ong, nghĩ quàng xiên rối như màng nhện, mình sợ nó liệt hoặc điên, lú lẫn không chừng, vội nhủ hay là biên lại những cái vừa trải qua, vừa luyện cái đầu, vừa coi đã bị liệt chưa, nếu còn nghĩ còn ghi được rành mạch tức là còn OK. Đầu đuôi là vậy.

Nói ra thì ngắn gọn đơn giản thế, chứ mấy ngày rồi có lúc lo lắm. Ốm nặng hay làm cho người ta nghĩ ngợi. Thường đời vẫn vậy. Lúc khỏe khoắn sức vóc, làm việc cứ băng băng đi, chả có thời gian rỗi để nghĩ này nọ. Nằm một chỗ, rã rời, chân tay chả muốn nhấc, sinh bi quan. Cái hôm mình chán ăn, tự bảo kệ, không ăn cũng chả chết. Nhớ hồi còn bé, đọc truyện “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hertor Malot, ông kể chuyện thằng bé hát rong bị nạn ở hầm mỏ, nó bị nhịn đói những 14 ngày mà cuối cùng vẫn sống. Nhưng không ăn được, quả thật rất mau đuối sức. Nói của đáng tội, có lúc mình nghĩ chả nhẽ chuyến ốm này lại biết đâu chặn không cho mình được về ngủ trong căn nhà xinh đẹp mà mấy chị em và các cháu vừa hợp sức lại xây làm nhà thờ ông bà, bố mẹ trên đất hương hỏa ở quê Hải Phòng. Nhà xong rồi, cuối năm nay khánh thành. Nhớ đọc ở đâu đó, sách có nói rằng làm nhà là động đến chủ quyền của thổ địa thổ công nên cứ làm xong thì trong nhà thể nào cũng phải có ai đó bị ốm, ốm nặng. Thường các vị cai quản đất đai ấy cứ túm lấy đứa yếu nhất, hư nhất nhà mà hành. Mình ngẫm nghĩ, nếu thế thì tốt, mình đáng bị lôi ra “kiểm điểm nghiêm khắc” để gánh thay cho cả nhà. Mọi người khỏe, bình an, thế thì dù mình có bị nặng tí nữa cũng xứng đáng.


Lâu nay mình cơ thể ọp ẹp, chân tay cò hương nên ngại va chạm. Sức đâu mà địch thiên hạ. Chỉ đứa côn đồ miệt vườn đi sai luật giao thông trừng mắt đã làm mình ngại, chứ nói gì chú công an ấp hay bà tổ trưởng dân phố. Thôi thì một sự nhịn, chín sự lành. Tay chân loẻo khoẻo vậy rồi, vậy nên chỉ chăm chú vào cái đầu. Chỉ mong nó lành lặn bên trong, luôn tỉnh táo như người thường. Ai ngờ mấy hôm ốm, cái đầu chết tiệt cứ ong ong không nghỉ nghĩ lấy 1 phút, hoạt động 24/24, ngay cả trong giấc ngủ, vẽ ra đủ thứ linh tinh, vớ vẩn, bịa ra những điều cứ y như thật. Chẳng hạn có đêm mình ú ớ, thấy rõ ràng định đem cất hộp bánh quy xốp ăn dở vào ngăn đá tủ lạnh. Vừa mở tủ ra, ai đã cất vào đó cái vỉ ruồi bằng tre. Mình gào lên, ai lại cất vỉ ruồi vào đây, ông anh rể cười bảo, của tôi đấy, cất đi để dùng dần. Hai anh em giận nhau, ai cũng cho mình đúng, cất vào ngăn đá cả bánh xốp lẫn vỉ ruồi đều đúng. Đấy, cái đầu nó cứ nhố nhăng vậy, chứ hồi ấy đã làm gì có tủ lạnh, vả lại hai anh em cũng chả giận nhau bao giờ. Ông anh rể mà đọc mấy dòng này chắc sẽ bảo cậu chỉ mộng mị linh tinh, người ta cười cho bây giờ.

Hồi tôi còn bé, mỗi lần bị ốm, thày tôi bắt phải kiêng nhiều thứ: kiêng ra gió, kiêng nắng, nước lạnh, rồi cả kiêng soi gương chải đầu, kiêng dùng đồ kim loại (dao kéo), ăn kiêng thứ có mùi tanh tưởi… Thày bu bắt kiêng thì cứ kiêng thôi, nhưng chả hiểu gì. Sau nhớn lên tự dần tìm hiểu. Thế giới xung quanh ta có 2 thể âm-dương, phần lớn những thứ phải kiêng kia (trừ nắng) đều thuộc về âm. Khi cơ thể ta suy sụp (hoặc có triệu chứng suy sụp mà ta chưa biết) tức là lúc nó đã bị hụt dương thừa âm. Người khỏe là dương, người bệnh là âm. Bệnh viện chuyên chữa bệnh cũng là âm. Điều cần làm là cân bằng lại âm dương chứ nếu tăng thêm âm vào, bệnh sẽ càng nặng. Soi gương chải đầu vốn xưa nay là việc của đàn bà, âm tính nhiều; dao kéo là vật lạnh, nhiều khí âm. Tự mình đừng dùng, chứ nếu nó là dụng cụ của thầy thuốc, của người chăm sóc thì không can hệ.

Nhưng về sau nghĩ sâu hơn nữa thì thấy lời khuyên kiêng khem của người lớn cũng còn những lý lẽ riêng. Cơ thể bị ốm đang rất yếu đuối, nếu ra ngoài dễ chịu tác động của những thứ độc hại xung quanh, nó dễ nhiễm vào người. Ốm nặng, nhất là với phụ nữ, thì dung nhan sẽ xơ xác khó coi, tóc dễ rụng, nếu soi gương (chưa kể gương thủy ngân rất độc với người bệnh) dễ sinh chán nản, buồn bã, chải đầu sẽ làm tóc rụng nhiều hơn bởi chân tóc lúc ấy không chắc. Hồi xưa mình được nghe câu chuyện bên Tàu có bà Lý phu nhân, là một trong hàng nghìn bà vợ của vua Hán Vũ đế. Bà này cực đẹp lại lắm tài nên vua rất yêu, nhưng khi bị ốm, bà nghĩ vua mà nhìn thấy dung nhan xơ xác của mình sẽ mất cái tình say đắm xưa nên quyết không cho gặp (đàn bà khi đã quyết không cho gặp thì thiếu gì cách), chỉ cắt gửi vua nắm tóc để vua… ngắm cho đỡ nhớ.

Trẻ con ham chơi mà bị nhốt trong màn thì buồn lắm. Cái màn nâu vốn màu trắng, bu tôi đem nhuộm nước củ nâu, nói để nó sạch và bền hơn. Có lần soi muỗi, tôi làm cháy một miếng bằng bàn tay, phải vá lại bằng vải phin. Cái màn ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài, nhiều lúc nghe tiếng bọn trẻ con rủ nhau ra ngoài đình chơi, đi vụt ngóe làm mồi dấm dạm, lên kênh máng đầu núi tắm, thấy cứ nôn nao, chỉ muốn bung hết mùng màn mà đi. Cũng may mình con nhà nông dân, dạn dày nắng gió nên càng nhớn càng ít ốm vặt, cũng chưa bị trận nặng thập tử nhất sinh nào. Nay bị trận này, hiểu rằng trong đời mỗi người ốm đau là thứ không tránh khỏi, luật sinh lão bệnh tử mà thôi, nghĩ ngợi làm gì cho mệt.

Viết xong trong cữ chiều lạnh cuối năm, lại sắp lễ Noel rồi.
Nguyễn Thông



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét