Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Chuyện năm 1972

Đến thời điểm này, năm 2017, thì chuyện năm 1972 đã lùi xa gần nửa thế kỷ, chính xác là 45 năm. Nhưng đó là thứ dấu mốc lịch sử âm thầm mà dữ dội.

Miền Bắc 1972. Tôi biên ra những điều chính tôi biết và còn nhớ ở miền Bắc, chứ không biết miền Nam năm ấy thế nào. Tới năm 1972, cuộc chiến tranh kéo dài, chỉ thiếu 2 năm nữa thì tròn 2 thập niên, đã làm cho cả dân tộc mệt mỏi. Sự chán chường hằn lên mỗi khuôn mặt người. Bi thảm như chiến tranh. Thế hệ chúng tôi tuổi giao thời trẻ con-người lớn vào đúng khoảng này.

Miền Bắc, từ đầu năm 1969 Mỹ tạm ngưng ném bom. Đánh mãi nó cũng chán. Dân đuối lắm rồi. Chỉ có đảng còn hăng, vì vậy người dân vẫn không có hòa bình. Vừa lo “tất cả cho tiền tuyến”, đưa người, vũ khí, lương thực vào Nam, vừa chuẩn bị đề phòng Mỹ đánh trở lại. Những cái hầm chữ A, hố phòng không cá nhân ven đường vẫn được giữ nguyên, tu bổ, bồi đắp cho dày hoặc nạo vét thường xuyên. Bộ đội tên lửa trận địa Mả Đò gần nhà tôi vẫn luyện tập hằng ngày, hú còi báo động liên tục. Đêm đêm xe bánh xích chạy rầm rầm.

Vào đầu năm 1972, không khí chiến tranh vẫn hừng hực, thậm chí nóng hơn 2 năm trước. Tôi đang học lớp 10 (hệ 10 năm), năm nay sẽ thi tốt nghiệp, và đây cũng là lần thứ 2 nhà nước tổ chức thi đại học, trước đó chỉ xét tuyển vào các trường. Lo học, nhưng nghe phong thanh sắp có đợt tổng động viên (hoặc gần như thế) để vét người đưa vào chiến trường, sắp mở chiến dịch lớn, nên đứa nào cũng lo. Chả biết mình có còn được bút nghiên trọn vẹn tới ngày trường thi xướng danh đậu hay rớt. Thày Duyên dạy môn chính trị (Trường cấp 3 Kiến Thụy, HP) úp mở rằng thế nào trường ta cũng bị bắt lính, có khi cả thầy giáo cũng đi bởi… sắp đánh lớn lắm.

Hồi ấy đỗ lớp 10 thì được gọi là tốt nghiệp phổ thông cấp 3. Không ai gọi là thi tú tài bởi nhà nước ghét những tàn tích mang màu sắc phong kiến. Những cách gọi cũ bị thay gần hết. Không gọi là tiểu học hay trung học, cứ phải đổi mới cho có tính cách mạng triệt để. Học trò học từ lớp 1 tới hết lớp 10 đều là học sinh phổ thông, chia làm 3 cấp, cấp 1 (tương đương tiểu học bây giờ, hết lớp 4), cấp 2 (tương đương trung học cơ sở, hết lớp 7), và cấp 3 (THPT). Cứ anh cả Liên Xô thế nào thì xứ ta bê nguyên xi về như thế. Điểm cũng chấm kịch trần 5 điểm. Bài làm đạt 5 điểm là giỏi.

Đầu năm 1972, ở vùng Lào Cai, Yên Bái trên mạn ngược bị mấy trận mưa đá. Lúc ấy sau tết âm lịch, khoảng cuối tháng 2 tây. Báo Nhân Dân thông tin, thày tôi đọc cho cả nhà nghe, còn bảo lạ, cữ này mà lại mưa đá. Chị Dìn chị họ tôi chục năm trước cả nhà kéo nhau lên khu kinh tế mới Cam Đường hay Bảo Lạc gì đó trên Lào Cai khi về cũng kể vậy. Không hiểu từ đâu truyền tai nhau câu văn vần “Đầu năm mưa đá, giữa năm bắn phá, cuối năm hòa bình”, chính tai tôi từng nghe người ta đọc, ngay từ đầu năm, sau trận mưa đá nói trên. Chắc nhiều người thế hệ sinh 50-60 còn nhớ câu lan truyền ấy. Cũng chẳng lấy gì làm tin cho lắm, bởi mưa đá thì đã xảy ra, nhưng bắn phá có lẽ chuyện tào lao vì Mỹ nó tuyên bố ngưng ném bom rồi. Tuy nhiên không ai dám nghĩ tới hòa bình. Khuôn mặt chiến tranh đang quá dữ dội. Vài người nhớn ra vẻ hiểu biết bảo đấy là sấm của cụ Trang Trình bên Cổ Am Vĩnh Bảo, cứ chờ xem, lại nửa tin nửa ngờ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

8 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Thông, tôi thích đọc những mẩu chuyện cá nhân của các gia đình miền Bắc trong giai đoạn đất nước chia cắt vì hai miền là hai thế giới cách biệt
    Năm 72 tôi lên 7, chẳng nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ mùa hè năm đó là lớp một, thằng bạn ngồi kế bên ở cùng xóm có bố chết trận. Cả xóm (ấp 7 xã Thạnh Mỹ Tây) cũng 3, 4 gia đình có thân nhân tử trận, tiếng khóc lóc vật vã, trẻ con bu trước cửa, hàng xóm ra vào thăm hỏi
    Sau này đọc lại những tin tức, truyện kể mới nghiệm ra rằng mỗi khi (68, 72, 75) chỉ huy miền Bắc hạ quyết tâm “Bằng mọi giá ...” lại thấy những goá phụ, con côi
    Cuộc nội chiến nào người dân vẫn là người mất mát thua thiệt nhất

    Trả lờiXóa
  2. Anh Thông làm tôi nhớ lại hồi đó. Đầu năm 72, bấy giờ tôi cũng từ giã mái trường ĐH ra đi từ năm thứ 3. Bọn tôi để lại toàn đàn bà con gái. Lớp như có tang, mà tang thật vì có đứa ra đi đầu (cả chân tay) không bao giờ ngoảnh lại. Bi giờ tôi nói với đám đàn bà rằng sẽ đi hết còn lại chỉ toàn vịt thôi. Những đứa không phải vịt mà ở lại chỉ là loại vừa đi vừa "quét đường" (què thọt) hay cầm đũa đưa cái ăn vào mồm mà cứ khẩy ra ngoài. Ra đi được vài tháng còn ở trại huấn luyện nên nhận được thư nói rằng lớp mất cả tháng buồn man mác, chẳng để ý học hành gì, có đứa khóc như khóc giỗ ... Tôi rời HN được mấy ngày thì HN bị B52, có lẽ trời cho đi "lánh nạn" đây - tôi nghĩ.
    Thoắt cái giờ đã chạm đầu 7. Nghĩ lại, thấy cứ buồn man mác như bọn đàn bà ngày bọn tôi ra đi. Còn nhiều chuyện muốn nói nhân đọc bài của anh. Ta cùng trường mà. Hẹn sau, biết đâu có ngày gặp, mà chắc chắn đấy: đích hẹn là sông tuyền nha!
    Cảm ơn "đồng môn" nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chậc, trí lực ngắn viết không nổi một bài văn như người khác nên đành phải mày tao, chửi đổng

      Xóa
  5. Ở đâu chui ra mấy đứa dlv 3 củ chuyên chụp mũ và chửi đổng vào đây há mõm thối tha ra sủa vậy.
    Đề nghị chủ blog xóa còm và chặn bọn này lại, để bẩn mắt độc giả.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn Nặc danh 09:14 tuổi đã sang 70 mà tâm không chịu tịnh. Đồng bào mình, qua chiến tranh, dù trong Nam hay ngoài Bắc, bên thua hay thắng cuộc, trông họ tật nguyền, tàn phế thì tim chúng ta phải xót, phải đau. Bạn có vẻ rất thỏa dạ khi thấy cơ thể bản thân toàn vẹn và thân thể đồng loại thương tật, mất mác. Không cần học, không cần đọc, không cần gõ phím. Sống tử tế là cái cần nhất.

    Trả lờiXóa
  7. Ở vào tầm tuổi đã biết thế nào là bom rải thảm, khi được đọc những bài viết của ông Thông chúng mình nên bỏ quá cho nhau,cũng chẳng còn mấy nữa mà ta về với cát bụi,hơn thua mà làm gì,xin chân thành cảm ơn ông Thông nhiều!

    Trả lờiXóa