Năm 1975, tình hình có vẻ căng hơn. Từ đầu năm đã nghe loáng thoáng sắp có đợt nghĩa vụ quân sự. Ai nấy hồi hộp chờ, liệu có tên mình. Rồi cuối tháng 3 thì văn phòng khoa thông báo danh sách những người sẽ đi đợt này. Anh Lê Quốc Lập lớp phó họp khoa xong về truyền đạt lại, lớp mình có anh Lê Văn Sơn, rồi Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Sóng Hùng, Phạm Văn Bích, có Trần Nhật Chính lớp ngữ nữa, trúng tuyển. Cả thầy Đinh Xuân Dũng dạy môn lý luận văn học cũng đi. Hình như K17 còn vài người nhưng lâu quá rồi mình không nhớ hết.
Đầu tháng 4, các tân binh tập trung ở huyện đội Thanh Trì, từ chỗ khoa văn ở Mễ Trì bên huyện Từ Liêm qua đó không xa mấy. Gần như cả lớp đi tiễn các bạn lên đường. Lâu nay cứ nghe mãi những câu “Con đường ra trận là con đường vui”, “Những ngày vui sao cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” v.v.. nhưng hôm nay thì hiểu hoàn toàn không phải vậy. Ai cũng bùi ngùi, buồn bã. Cả thầy Dũng cũng buồn. Tôi nhác thấy đám con gái nhiều đứa nước mắt lưng tròng, cứ ầng ậc chỉ chờ hồi trống giục chia ly là tràn ra. Tôi nắm tay thằng Phạm Văn Bích, cố ra vẻ ta đây lạc quan, đọc đùa cho nó nghe đoạn thơ của Tố Hữu “Tôi bảo mày đi/mày lo cho khỏe/Đừng lo nghĩ gì/Ở nhà có mé”, nhưng nó chẳng cười, nó bảo mày có nhớ bài "Lương Châu từ" của Vương Hàn không “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Nói thêm một tí, cứ như anh Sơn, thằng Đại, thằng Hùng, ngay cả thầy Đinh Xuân Dũng đã đành một nhẽ, các vị ấy đều trai tráng, khỏe mạnh, mắt mũi tinh tường, giọng nói oang oang (nhất là thầy Dũng), chứ thằng Bích bạch diện thư sinh, trông hơi to con nhưng yếu lắm, đặc biệt nó cận thị nặng, hai cái mắt kính dày như đít chai, nếu rơi kính thì chẳng khác anh mù, vậy mà chả biết hội đồng khám sức khỏe nhận xét ra sao vẫn trúng tuyển mới lạ.
Được hơn một tuần, thấy thằng Bích lù lù khăn gói về, về sớm nhất, không phải “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” như nó nói. Người ta khám phúc tra sức khỏe lần nữa, thấy mắt mũi anh chàng quá tệ, “đuổi” về ngay. Nó lại học bình thường. Tôi có lần đùa sau này nếu ghi trong lý lịch sẽ ghi phần tham gia cách mạng là “bộ đội 1 tuần”. Còn những vị khác đều phải dấn thân đời trận mạc. Anh Sơn ra sớm hơn, về học lại, sau vào công tác tại Trường đại học Tây Nguyên, rồi Đại học Đà Lạt, làm đến trưởng phòng, con cái đều phương trưởng, về hưu sống tại Sài Gòn. Tuổi bảy mươi mà tóc cứ đen rưng rức, lại còn sinh thêm bé gái, thế mới tài.
Thầy Đinh Xuân Dũng vào lính nhưng bởi từng là thầy nên đời cũng son hơn. Nghe nói thầy về bộ phận tuyên huấn, cứ thế thăng tiến, sau đóng lon đại tá, hàm giáo sư tiến sĩ, chức cao nhất mà tôi biết là thầy ngồi ghế Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Hồi tháng 12.2016 vừa rồi, họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường, thành lập khoa tại Thượng Đình, thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, thấy thầy Dũng vẫn người gọn gàng thau tháu vậy, nhanh nhẹn, trẻ trung, bước thoăn thoắt, chả ai nghĩ thầy xấp xỉ tuổi ông Nguyễn Phú Trọng (sinh viên khóa 8).
Cứ đi biền biệt là Nguyễn Sĩ Đại, Sóng Hùng, Trần Nhật Chính. Cuối cùng thì Đại cũng ra quân, về học lại, tòng sự báo Nhân Dân, làm to to, duyên nợ với văn chương, bảo vệ luận án tiến sĩ về thơ Đường, sáng tác nhiều thơ, ngồi ghế Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội mấy khóa liền. Được như thế cũng vinh vang lắm.
Cả khóa K17 tan tác trong dòng đời, mỗi đứa một nơi, một số phận. Có người phiêu bạt tận đất Mỹ như anh Trần Quang Thuật, sang đất Nga là Nguyễn Huy Hoàng, mò tới Tiệp là vợ chồng Hồ Thu Hiền - Hoàng Thanh Vinh, dạt lên tận Cao Bằng như Ngô Văn Đồng, lên Thái Nguyên như anh Ải lậc cậc Ma Duy Giang, Nguyễn Văn Bảo, về quê bám trụ như Lương Ngọc Bính, anh Lê Tài Thuận, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Kim Cúc, Nguyễn Thị Thúy, các anh Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sĩ, Lê Quốc Lập, Lê Xuân Sang, Nguyễn Huy Cờ…, dạt vào Sài Gòn là Trần Ngọc Hồng, Nguyễn Thị Ngụ, Thông cào, hồi hương tập kết là Nguyễn Thu Thủy, Cao Tự Thanh, còn số bám thủ đô thì đông nhất không thể kể hết tên chúng nó được.
Như nói ở phần đầu (bài kỳ 1), có những người mất biệt không sủi tăm, có thể kể ra anh Nguyễn Ngọc Xuân (Ninh Bình), Hà Bích Liên (Hà Nội), anh Trần Nam Việt (Nghệ An), Nguyễn Sóng Hùng (Kinh Môn, Hải Dương)… Nhiều lần ngơ ngác hỏi nhau, không biết “các ông bà ấy” trốn đi chỗ nào, hay giống Từ Thức lạc vào động tiên mà hóa thành tiên rời chốn trần tục mất rồi. Dăm ba lần họp lớp dịp năm chẵn, nhìn nhau vẫn chỉ những gương mặt cũ, lại thắc mắc, quái, sao không ai biết tin tức gì của thằng Sóng Hùng, của anh Xuân già… nhỉ. Thằng Xuân Ba cười bảo khéo cụ Hồ gọi chăng. Rồi cuộc vui tan, lại quên. Lần gặp sau lại thắc mắc. Vài bận vậy là vượt ngưỡng lục thập hoa giáp tự hồi nào, nay thì phần đông chớm 70 cả rồi.
May, òa một nhát, tìm được Sóng Hùng. Đầu đuôi mần răng, mình đã kể ở phần đầu. Hôm đó, có chút công chuyện phải đi suốt ngày, chả biết nghễnh ngãng thế nào, tôi bỏ chiếc điện thoại ở nhà. Tối về mới biết Sóng Hùng gọi và nhắn tin, Nhật Chính cũng gọi và nhắn tin. Ôi giời, cái bệnh tuổi già đây mà, lẫn cẫn, nếu đem máy theo thì đâu có lỗi với bạn bè thế. Vội lẩn mẩn vơ cái kính, lách cách bấm phím gọi lại. Ở đầu sóng bên kia là giọng Sóng Hùng. Thú thật, gần nửa thế kỷ không gặp nhau nhưng giọng nói, âm sắc của nó vẫn thế, không lẫn vào đâu được. Hai thằng hàn huyên bùi ngùi kể lể phận đời trôi dạt của mình. Té ra có lúc rất gần nhau cùng ở Sài Gòn, lúc ở Cần Thơ mà không biết tin tức nhau nên tưởng như muôn trùng cách trở.
Đại loại thế này. Hùng bám quân ngũ một mạch từ tháng 4.1975 tới tận 1986, đóng lon đại úy, nhiều năm cùng trung đoàn với Trần Nhật Chính. Vợ Hùng học khoa Nga, Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân. Đoạn sau này y không kể ra nhưng tôi hình dung cái cảnh y từng chui ra chui vào lỗ song hàng rào mà đám sinh viên đã bẻ hẳn một thanh bê tông phía sau quán nước của bà bu-cô Xuyến để vượt biên sang với nàng mỗi tối thứ bảy chủ nhật. Gớm, chả riêng Sóng Hùng, đoàn "công tác" dẫn đầu là hai ông anh Trần Quang Thuật, Bùi Trọng Cường đi lại cứ nườm nượp, về sau trường ngoại ngữ thấy quản không được bèn mở tung cổng ra 24/7 cho các anh các chị thỏa sức tự do tìm hiểu. Xuân Ba sang bên bà Khánh khoa Trung, Phạm Văn Bích tìm bà Mai khoa Nga… cũng chui từ cái lỗ hàng rào ấy. Sau này, giá mà tiền bạc rủng rỉnh, nên góp nhau lại mua chỗ đất sau quán cô Xuyến dựng bức tượng đài tình yêu liên trường bằng đá hoa cương hẳn hoi, thuê thợ đúc đồng đúc cho bức tượng một thằng con giai đang lom khom chui qua lỗ.
Quay trở lại đời Sóng Hùng. Y đóng ở quân khu 9, biết có các thầy Tào Văn Hón và Trương Quang Chế dạy Đại học Cần Thơ, bèn liên hệ và đưa vợ - cô Nguyễn Thị Bông chuyển công tác vào. Hai vợ chồng không còn cảnh vợ bắc chồng nam nữa. Năm 1986, Hùng giải ngũ, học nghiệp vụ và chuyển sang ngành giao thông. Làm thanh tra giao thông. Cứ tưởng cuộc sống yên lành mãi thế trôi đi nhưng phận người chả ai ngờ được những khuất khúc. Năm 1985 sinh đứa con đầu lòng, con trai, cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, não hơi kém phát triển, chân tay rất yếu, hầu như mọi vận động đều phải nhờ cha mẹ. Đến nay thì đầu óc cháu đã khá lên rất nhiều, có thể gần như bình thường, ngồi làm vi tính được, nhưng thân xác chẳng cải thiện được bao nhiêu. Mấy năm sau vợ chồng Hùng Bông sinh thêm cháu nữa, hoàn toàn thông minh khỏe mạnh, tốt nghiệp đại học, đang nghiên cứu sinh, đã lập gia đình, cô Bông đã lên chức bà nội.
Sóng Hùng cũng gặp sự không may. Trong lần đi công tác thanh tra giao thông ngoài Bình Thuận (Hùng thuộc Bộ GTVT chứ không thuộc Cần Thơ), xe bị tai nạn, y què một tay. Sau mấy lần mổ xẻ, cái tay ấy gần như bị liệt, mọi công việc hoạt động giờ chỉ dồn vào cái tay lành lặn kia. Về hưu sớm, tuy không còn gánh việc nước nhưng việc nhà bận bịu lắm. Người cha hiền lành gốc Kinh Môn Hải Dương ấy thương con rất mực, chả mấy khi dám đi đâu xa. Phận nó đã không may như thế, đành lấy cái tình cha chăm sóc con để bù lại. Mọi sinh hoạt của cháu đều dựa vào cha, nói ra như vậy để biết Sóng Hùng của lớp ta vất vả bận bịu và hy sinh lớn lao thế nào. Vậy mà có lúc chính tôi cũng thầm trách thằng cha này biệt đi đâu mà không thèm họp lớp.
Đang mặn chuyện, nhất là tôi tính xấu lắm lời, cứ cướp diễn đàn qua sóng viễn liên, chợt Hùng bảo tôi, giống như người có lỗi, Thông ơi, mình xin phép ngưng để còn giúp cháu chút nhé, cho nó ăn rồi còn vệ sinh, mai chúng mình lại trò chuyện. Ôi giời, lại một lần nữa tôi giận cái thằng tôi, sao mà mình vô duyên quá thể. Buông cái điện thoại phịch xuống bàn, mắt nhòe đi. Thương Hùng quá, bạn ơi.
Gia đình Hùng hiện ở Cần Thơ. Bạn nào muốn liên lạc với Hùng, gọi vào số 0907.499289, nhé.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét