Trang

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Chuyện thương binh

Hai hôm nay (10 - 11.12), vụ thương binh (chẳng biết thật hay giả) “tấn công” trụ sở Liên đoàn Bóng đá VN – VFF trên đường Lê Quang Đạo ở Hà Nội khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Không phải do máu đánh nhau, mà chỉ để… mua vé xem bóng đá. Máu thể thao hừng hực. Hồi xưa dùng xe tăng T54 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập bắt tổng thống Sài Gòn đầu hàng thì nay dùng xe công nông tự chế tiến thẳng vào phòng làm việc của chủ tịch VFF khiến liên đoàn phải phất cờ trắng, van vỉ bộ tư lệnh thủ đô giải cứu. Công nhận thương binh kinh thật, thời nào cũng máu, cả đánh nhau lẫn xem bóng đá.

Coi cái clip mấy bác ấy quân hàm quân hiệu đủ cả, huân huy chương lủng lẳng, vung tay giơ chân, mình cũng khiếp, nói chi mấy cha đang nắm giữ chiếc két chứa vé coi bóng đá. Thôi thì nhè ra một ít cho các bác ấy, chứ ém lại phân phối ngầm cho nhau hết trọi để rồi đưa ra chợ đen, có khi cái sẩy nẩy cái ung lại chả dại hối không kịp. Nhưng các bác thương binh (nếu đúng là thương binh), nhà cháu bảo thật, giả dụ được ưu tiên cặp vé cũng cần hiểu rằng đó là giá xương máu của mình được đền đáp, đừng “được voi đòi tiên”, đem ra bán chợ đen, thì lần sau có húc đổ cổng nhà quốc hội cũng chả ai chịu lùi các bác đâu.

Thời thế đổi thay ghê quá. Hồi còn bé, đọc truyện “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan thấy lính lệ, trương tuần cầm roi quất túi bụi vào đít dân bắt dân đi coi bóng đá, nhiều antifan còn lẩn như chạch, còn nay chưa đá mà đã sút thủng lưới nhà, tiền đạo ghi bàn là thương binh, quá ghê.

Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động - Thương binh - Xã hội”, tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.

Cuộc chiến tranh tương tàn đã lùi hơn 43 năm, tuy nhiên vấn đề thương binh sẽ còn phải kéo dài vài chục năm nữa. Mai ngày từ “thương binh” chỉ còn trong quá vãng, những chiếc xe tự chế, những tổ hợp 27.7, nhưng cơ thể “tàn nhưng không phế”, những chính sách ưu tiên, và cả những phũ phàng trong sự đối xử với người có công với đảng, v.v.. sẽ thưa vắng và tắt dần. Cũng chưa biết rồi cuộc sống, xã hội không còn thương binh sẽ như thế nào, chi bằng lúc này đây, khi thương binh vẫn hiện diện như một thực thể bằng xương bằng thịt, hãy giải quyết sao cho có lý có tình.

Trước hết, nói về thương binh. Tôi luôn kính trọng những người đã đổ máu hy sinh. Vẫn hiểu rằng cuộc chiến tranh mà họ tham gia có rất nhiều phi lý, nhưng thời thế đã vậy, phận làm trai phải ra nơi chiến địa. Người cộng sản giành được phần thắng, điều đương nhiên phải trả món nợ máu xương. Tuy nhiên, các bác thương binh cũng nên xác định được điểm giới hạn, điểm dừng. Cái gì quá đáng đều không hay. Nhà cháu nói thế, chắc các bác hiểu.

Về phía nhà cai trị. Phải công bằng nhận xét thế này: Nhà nước đã có khá nhiều ưu đãi cho thương binh, và cũng còn rất nhiều sự đối xử phũ phàng. Không ít người từng bỏ lại phần thân thể ở chiến trường khi trở về quê nhà vẫn chịu cảnh đối xử bất công, cuộc sống cơ hàn, nghèo khó, phận dưới đáy xã hội. Nói đâu xa, một nhân vật mà tôi biết, nhà văn nhà thơ Hoàng Cát, tác giả truyện ngắn nổi tiếng “Cây táo ông Lành”, cụt chân ở chiến trường Quảng Đà, suốt mấy chục năm hậu chiến phải vất vưởng sống vỉa hè, mọi chế độ thương tật bị cắt bỏ, không được thừa nhận là thương binh, dù chỉ còn một chân. Mãi sau này, người ta mới phục hồi quyền lợi cho ông, lúc ấy cũng muộn rồi. Chả khác gì bê đĩa cơm sườn hoặc bát canh xương ống mời ông rụng hết răng, bảo mời bác xơi cơm. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: