Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Chuyện Đổng Trác

Đổng Trác là thái sư, làm tể tướng (thừa tướng) của nhà Hán, đầy tham vọng. Y lộng hành, giết người trung nghĩa, ép buộc vua Hiến Đế coi như trẻ con, xem mạng người như cỏ rác. Trăm quan và dân chúng đều căm giận, chỉ muốn giết ngay thằng giặc lộng quyền cho hả.

Nhưng Đổng thừa tướng vốn khỏe, lại có bọn tay sai đệ tử trung thành nắm quân cấm vệ nên không ai làm gì được y. Bởi vậy Tư đồ Vương Doãn phải dùng nhiều mưu kế phân hóa nội bộ Đổng Trác, lôi kéo Lã Bố (dũng tướng) và Lý Túc (mưu sĩ) của Trác về phe mình, chờ dịp thuận tiện thì hành sự.

Trác cũng khôn ngoan, thường lui về My Ổ, không dám ở kinh thành, bởi biết chốn kinh kỳ thành phố hòa bình đầy cạm bẫy, chông gai, lừa lọc, dễ toi mạng. Muốn điệu hổ ly sơn, kéo Trác ra khỏi ổ, phải dùng mẹo đánh vào lòng tham của y. Vương bàn với các quan, giả chiếu vua, nội dung rằng thiên tử nay đã mệt mỏi bởi những cuộc tranh giành, muốn nhường ngôi cho thái sư, vậy thỉnh thái sư về kinh họp để nhường ngôi thiên tử.

Sau khi bộ chính trị triều đình họp kín quyết xong rồi, giao cho Lý Túc cầm chiếu về My Ổ truyền đạt. Trác vốn tin Túc, lại đang máu làm vua nên tức tốc sửa soạn về kinh. Trác bảo Túc, mai mốt ta lên làm vua, ta sẽ cho ngươi làm chức chấp kim ngô. Túc ngó lơ chỗ khác cười mỉm. Trác bảo Điêu Thuyền, ta chuẩn bị làm vua, nàng sẽ là quý phi. Thuyền cũng cười mỉm. Chả nhẽ lại bảo Trác, mày chết tới nơi rồi, sao còn nhắng nhít.

Về kinh dự họp, Trác cười tươi lắm. Bắt tay bắt chân người này người nọ. Cũng có người an ủi, thôi, mọi chuyện cũ qua rồi, chắc không sao đâu, phen này làm vua sướng nhé, ngủ ngon. Trác lại cười tít mắt. Xưa nay, mỗi khi Trác cười là ối kẻ lên bờ xuống ruộng, thập tử nhất sinh, nát đám cỏ gà, chết không kịp ngáp. Nay Trác cười, bá quan nhìn thương hại. Chả có gì phải sợ y nữa.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Chuyện giun sán (kỳ 2)

Như đã biên trong bài trước, trẻ con ở miền Bắc, nhất là đám sống vùng nông thôn, thời hợp tác xã nông nghiệp, rồi những năm chiến tranh và bao cấp, chả mấy đứa thoát khỏi “nạn” giun sán. Điều kiện vật chất khổ sở thiếu thốn như thế, ăn uống lại không hợp vệ sinh, tránh đằng trời cũng không thoát khỏi bọn ký sinh trùng này. Bệnh giun sán phổ cập, đại trà tới mức không biết sợ nữa, mà cũng chẳng kinh, giống như “sống chung với lũ” bây giờ vậy.

Thời ấy có câu thành ngữ “bụng ỏng đít beo”. Đại loại đứa nào cái bụng to tròn nhưng người xanh như tàu lá quắt queo, nhất là cái mông (đít beo, đáng nhẽ phải nói là đít teo mới chính xác), không cần dắt tới bác sĩ, ai cũng biết nó bị giun hành. Người lớn, rồi nhà trường, các thầy cô giáo đều luôn nhắc nhở, dạy bọn trẻ phải ăn chín uống sôi, phải sạch sẽ nhưng chả mấy đứa thực hiện được. Khi đói là căn bệnh kinh niên thì giun sán chẳng là cái đinh gì.

Tôi lại nhớ bài học hồi lớp 1. Sau thời gian hơn 1 năm mài ghế 2 lớp vỡ lòng và tập chép thì thằng bé con như tôi cũng như biết bao đứa cùng độ tuổi lên 6 được “tuyển thẳng” vào lớp 1. Đã đọc thông viết thạo cả rồi, sách tập đọc (hồi ấy người ta gọi sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 như vậy) có những bài tương đối dài, không như sách Tiếng Việt của các cháu lớp 1 hệ 12 năm bây giờ chỉ dạy đánh vần. Có một bài rất khó quên, đại loại “Mẹ đi chợ về mua cho anh em Tý hai cái bắp ngô luộc. Em định ăn ngay. Tý thấy vậy bảo chúng ta đi rửa tay rồi hãy ăn, nếu không vi trùng theo đồ ăn vào miệng sinh ra nhiều bệnh tật”. Trong bài chả có chữ giun sán nào nhưng hình vẽ kèm theo thì có những con giun con sán trông rất khiếp. Sách học hồi xưa có những bài dạy về luân lý, đạo đức, lối sống, vệ sinh, cách ăn ở, v.v… rất giản dị mà thấm.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Chuyện giun sán

Không ít bạn bè chân tình “mắng” tôi, này, dạo ni hết việc hoặc đầu óc lú lẫn u mê hay sao mà viết gì không viết, lại đi viết chuyện nước mắm, phân bón, nuôi lợn, khoai lang... Họ còn khuyên, đời đầy những cái hay cái đẹp, nhân vật điển hình, tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình (ấy là họ gợi lại thời xưa học văn, đứa học trò nào cũng phải thuộc lòng thứ lý luận về điển hình khi phân tích cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa), sao không nhắc tới, chứ toàn biên cái đâu đâu. Tự dưng tôi đâm ra nghi ngờ mình, hay là mình “có vấn đề” thật.

Nghĩ mãi, đắn đo mãi, đêm nằm vắt tay lên trán cố tìm cái hay cái đẹp để mai viết, cũng tòi được vài thứ, mà vẫn sường sượng thế nào. Hay tạng mình chỉ hợp với những vụn vặt tầm phào đời thường, những chuyện xưa tích cũ, những món bình dân, hay mình chưa theo kịp thời đại. Trong lúc chưa giác ngộ, chuyển mình kịp, thôi thì “nghĩ gì ghi nấy” để khỏi đứt đoạn.

Suốt mấy tuần nay, nói không quá đáng, cả nước lo lắng chuyện… giun sán. Ban đầu chỉ mấy chục học trò ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (vùng đất Kinh Bắc thơ mộng ngày xưa) ăn cơm trong nhà trường, nhiễm ấu trùng sán. Từ vài chục em, lên tới hàng trăm, rồi vọt hàng nghìn, chả biết kết quả “dương tính” có nhiễm thật không nhưng báo chí xớn xác vào cuộc, cả nước lo âu. Con sán bỗng dưng được quan tâm đặc biệt, thậm chí còn gây chú ý hơn vụ lùm xùm ở chùa Ba Vàng, hay vụ dịch tả lợn châu Phi. Cũng là một dạng “nhân vật” điển hình trong hoàn cảnh điển hình, khiến xã hội tốn bao nhiêu là chất xám, giấy mực.

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Chuyện con lợn nhân năm Hợi (kỳ 3)

Từ sau giêng Kỷ Hợi tới giờ, xứ ta um xùm mấy chuyện liên quan tới con lợn. Nào là thịt lợn xuống giá, cần phải giải cứu cho người chăn nuôi; nào dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở mấy tỉnh miền Bắc, rồi trẻ con huyện gì ở Bắc Ninh cả loạt nhiễm bệnh sán lợn. Còn chuyện lợn được kể ở đây không liên quan tới những thứ ấy.

Nhà tôi ở nông thôn, một vùng quê thuần nông ngoại ô Hải Phòng nên nuôi lợn đã thành nếp quen. Nuôi lợn thì mới có phân bón ruộng (nguồn phân bón chủ lực là phân lợn), có lợn hơi cân nộp cho nhà nước theo định mức, lại tận dụng được các loại rau người chê làm thức ăn cho lợn. Tôi nhận thấy ở quê, mỗi hộ nông dân thường có 3 nếp “nhà”: nhà ở cho người, nhà bếp để đun nấu, và “nhà” cho lợn - chuồng lợn. Dù hộ khá giả hay hộ nghèo, đều theo mô hình ấy. Những nhà nuôi trâu thì có thêm chuồng trâu. Đứa trẻ nào cũng vậy, ngoài thời gian đi học, phụ giúp công việc đồng áng cho cha mẹ, đều thạo “nghề” kiếm rau lợn.

Bây giờ coi người ta nuôi lợn, sao mà nhàn nhã, thảnh thơi thế. Giống lợn cao sản, có con mỗi ngày tăng gần 1 ký, cám bã không phải nấu nướng vất vả, cứ thức ăn công nghiệp đổ đầy máng cho các ngài Trư xơi, làm gì có công thức “rau bèo cám bã nước gạo” như ngày xưa. Nhưng hình như, xưa nuôi vất vả, thức ăn từ nguồn tự nhiên, nên miếng thịt lợn cũng ngon hơn thời nay nhiều. Thực phẩm chính của lợn là cám, rau, nước gạo. Có lẽ người ta chỉ phân phối cấp phát cho nó thứ tiêu chuẩn bèo như vậy bởi ngay cả củ khoai, bát cơm nguội người cũng giành hết, nó chả bao giờ có phần hơn. Người chịu đói quanh năm nên con lợn cũng ít khi được no được ngon.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Chuyện con lợn nhân năm Hợi (kỳ 2)

Như đã biên kể trong bài trước, ở nông thôn miền Bắc những năm thập niên 1960 - 1980, còn gọi là thời bao cấp, con lợn chả khác gì một thành viên quan trọng trong gia đình. Có thể không nuôi chó, nuôi trâu, mèo, gà… nhưng dứt khoát phải nuôi lợn. Đến khi thời bao cấp bị tụt xuống đáy thảm hại, kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng thì không chỉ nông dân nuôi lợn mà ngay cả cán bộ, công chức, dân thành thị cũng rước ông ỉ về nhà. Nói không quá đáng, suốt thời gian dài, con lợn đã cứu con người. Dù vẫn bị gọi là lợn nhưng địa vị của nó được nâng cao rõ rệt. Nó chỉ cần bỏ cám là cả nhà đã cuống lên, lo hơn lo cho người bệnh.

Thời bao cấp, người ta vẫn truyền tai nhau “sự tích” Giáo sư Văn Như Cương (thực ra cụ chỉ Phó giáo sư, người đời cứ gọi thế cho gọn) nuôi lợn. Hồi những năm 1980, thầy Văn Như Cương là ông giáo dạy toán nổi tiếng đất Hà thành và cả miền Bắc, nhưng cũng như hầu hết thầy cô giáo khi đó, đồng lương chết đói không đủ nuôi thân chứ nói gì nuôi gia đình. Thầy Cương ở khu tập thể (chung cư), tuốt trên tầng cao, ngăn hẳn cái nhà tắm vốn đã bé tí làm chuồng lợn. Rau bèo cám bã đã đành phải lôi tuốt lên lầu, ngay cả nước non cũng hiếm, lại phân lợn nữa, khó tránh khỏi mùi hôi. Lợn càng lớn, mùi hôi càng đậm. Ráng chịu chứ biết làm thế nào. Sau vài lứa đầu, tiền lời bán lợn cũng kha khá, cụ “làm ăn lớn” nuôi hẳn vài con cho hoành tráng. Gia đình cụ cắn răng chịu cảnh ô nhiễm nhưng hàng xóm thì không thể chịu. Họ làm đơn thưa với chính quyền. Đoàn kiểm tra liên ngành tới xem thực hư thế nào. Chả nhẽ một giáo sư toán nổi tiếng cũng phải nuôi lợn kiếm sống. Leo hàng chục bậc cầu thang, chưa tới nhà đã ngửi mùi lợn mùi phân nồng nặc. Không sai. Lập biên bản, ghi rõ “giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn…”, đề nghị thầy ký vào. Cụ giáo đọc xong, không chịu, sửa lại “Lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương” rồi mới ký tên xác nhận. Thời ấy nhiều người biết chuyện này, một thứ ký ức lịch sử điển hình về những năm tháng bao cấp.

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Bài dành riêng cho Văn K17: Bác cả Hồng

Cứ theo lối các cụ ta xưa, người đứng đầu trong nhà là cả. Chỉ trong nhà thôi, chứ với chi ngành, dòng tộc, họ tộc thì gọi là trưởng. Hiểu nôm na, đã cả thì chỉ có một, dưới cả là thứ; cũng như chính phủ chả hạn, đứng đầu bằng thủ tướng. Chỉ một thủ tướng, dưới là các phó thủ tướng.

Nhưng K17 không theo quy luật ấy. Khác đời mới đích thực văn K17. Một gia đình lớn như K17 dù rất hệ thống, quy củ, thứ lớp, đâu ra đấy nhưng vẫn xé rào có chút khác biệt. Nói toẹt ra là nhiều cả. Mà cả nào cũng hợp lẽ, xứng đáng.

Nếu không kể những cả Sang (Lê Xuân Sang), cả Sĩ (Phạm Văn Sĩ), cả Lập (Lê Quốc Lập) cả Năng (Vũ Lệnh Năng), cả Thuận (Lê Tài Thuận), cả Nguyệt (Trần Triều Nguyệt, sẽ có bài biên riêng) đạo cao đức trọng, chiến công hiển hách, huân huy chương đỏ ngực, thì trong lớp cũng còn khá nhiều bác sém cả, có thể coi như phó cả, chả hạn phó Cường (Bùi Trọng Cường), phó Xuân (Nguyễn Ngọc Xuân, bác phó này mất tích bấy lâu nay), phó Cờ (Nguyễn Huy Cờ), phó Việt (Trần Nam Việt), phó Giang (Ma Duy Giang, tức Ải lậc cậc), phó Khánh (Đặng Quốc Khánh), phó Sơn (Lê Văn Sơn), phó Thuật (Trần Quang Thuật)… Cụ thì tuổi cao, cụ thì chinh chiến, cụ thì tán gái có hạng. Nói chung rất đáng để đàn em học tập và làm theo tấm gương đạo đức và tài năng.

Tuy nhiên, mình muốn tách ra một bác cả rất ấn tượng. Bác cả Hồng, tục gọi Trần Ngọc Hồng.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Họ vì ai ?

Nhà nước này, chính quyền này, bộ máy cai trị này, khi thực hiện hoặc yêu cầu điều gì, trước hết cũng chỉ vì sự tồn tại của nó chứ không phải vì dân. Mọi thứ lý luận được rêu rao "của dân, vì dân, do dân, cho dân" đều sáo rỗng hết. Lừa bịp cả thôi.

Tại sao tôi nói thế? Hãy đọc đoạn này, được trích từ bản tin của TTXVN, cơ quan ngôn luận chính thống của quốc gia, ngày 15.3, chứ không phải do tôi bịa ra.

"Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài là trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, do Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải được giao ký kết hợp đồng BOT với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8.

Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 được sử dụng trạm BOT này để hoàn vốn đầu tư từ 1/1/2011. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày. Mức giá là 10.000 đồng/xe 12 chỗ.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải di chuyển trạm BOT này về đúng vị trí, với lý do đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, việc tồn tại trạm thu phí là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường này. Song đến nay Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn cho thu phí, khiến người dân bức xúc" (hết trích).

Một cái BOT trấn lột, phi lý, bị đặt sai chỗ, đáng lý phải lên tiếng yêu cầu dẹp bỏ nó, phải bắt về đúng chỗ của nó, với lý do không thể chấp nhận sự phi lý tồn tại, thì lại chỉ cho rằng do đây là con đường huyết mạch, nhằm tránh gây ùn tắc. Nhà cai trị chỉ tự phản ứng với nhau khi họ thấy có vấn đề cản trở trong thực thi cai trị, chứ quyền lợi của dân đối với họ không là cái gì, chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Là người dân đang đóng thuế cho nhà nước, tôi yêu cầu phải dẹp hết BOT phi lý trên quốc lộ, nhất là những BOT thu hộ cho dự án này nọ, không được móc túi dân tàn bạo, trâng tráo như bấy lâu nay.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Khôn khéo

Tôi đã hình dung và nói ra cách nay cả tuần, rằng vụ bênh vực cho cô Đoàn Thị Hương khỏi ra tòa ở Malaysia sẽ chả đi đến đâu. Chưa đề cập tới việc cô Hương có phạm tội hay không, chỉ riêng chuyện nhà chức trách Mã Lai coi thường sự sốt sắng đột xuất của Việt Nam đã bất lợi rồi.

Tại sao? Suốt thời gian dài, với bị cáo người Indonesia, cả bộ máy cầm quyền Indo, các bộ ngành, thậm chí cả tổng thống, đều tích cực can thiệp, đòi trả tự do cho công dân của họ. Và họ đã có kết quả tốt nhất.

Còn xứ ta, ngoài mấy vị luật sư tự nguyện hoặc được chỉ định tham gia vào việc bênh vực, bào chữa cho cô Hương, hầu như không cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào của chính quyền lên tiếng, nhào vô bảo vệ công dân mình. Họ cứ im lặng, kiểu như "lỡ cô kia phạm tội thì sao", cứ từ từ, làm gì mà vội... Một dạng khôn vặt để bảo toàn lực lượng, danh tiếng.

Nhưng thấy công dân Indo được thả, tha bổng, thế là "cả hệ thống chính trị" vội vàng vào cuộc... chữa cháy, bù lại thời gian đã mất, nào Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, bộ này ngành nọ... Nhưng giới chức Malaysia thì nghĩ khác, cho rằng trước kia các vị thờ ơ với công dân mình, nay các vị lại cuống lên thế là cớ làm sao. Đừng thấy người ta ăn khoai, vội vác mai đi đào. Trước đã không cứu, không lên tiếng, thì nay có đòi bã bọt mép cũng chả chạy được cho ai. Sự khôn khéo vặt nhiều khi cũng phải trả giá, thậm chí rất đắt.

Nguyễn Thông