Trang

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Công an oan

Tôi là người dễ mủi lòng. Khi các anh chị công an nhưng là đồng nghiệp ở báo Công an đòi nhà suốt 10 năm không được dù đã đóng đủ tiền tỉ; rồi lại cả chục cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh (quê cụ chủ tịch nước) hôm qua cực chẳng đã phải ra đường căng biểu ngữ đòi nhà sau 17 năm trời bị lừa đảo, tự dưng tôi thấy thương họ, như thương mọi dân oan khác ở xứ này.

Nói như nhà thơ Dương Tường, tôi đứng về phe nước mắt, bất kể họ có còn đảng còn mình hay không.

Trong vốn từ tiếng Việt, từ "dân oan" có lâu rồi, nhưng ít được dùng, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong văn học hiện thực phê phán thời Pháp cai trị. Dân oan hồi đó hiếm lắm, mặc dù người cách mạng tố bọn Pháp rất tàn ác. Dân oan trong đời thực ở xứ này chỉ phổ biến khi chế độ mới vì dân nhưng không vì dân, đại trà nhất là sinh ra từ những vụ cướp đất theo luật đất đai sở hữu toàn dân.

Bây giờ dân oan không đơn độc nữa, bởi có cả công an oan. Biết đâu rồi có ngày sinh thêm cán bộ oan, đảng viên oan, trung ương oan...

Vụ "công an oan" Đông Anh làm tôi nhớ tới ông anh Phạm Chuyên kính mến. Khi ông đóng chức trùm phú lít Hà Nội, thành ủy ra lệnh cho ông kéo quân về dẹp dân oan phản đối dự án sân gôn cướp đất ở Đông Anh. Ông thiếu tướng cùng lính tráng tới nơi, ông trực tiếp hỏi dân oan, tìm hiểu ngọn ngành, biết bản chất sự việc, liền hạ lệnh rút quân về hết, quyết không đàn áp dân oan bị mất đất. Cấp dưới có anh thấy vậy thắc mắc, chần chừ, ổng dứt khoát: “về”. Hôm sau họp, người ta trách ông mềm yếu, thiếu lập trường cách mạng, không kiên quyết, dao động ngả nghiêng này nọ, ông chỉ cười trả lời “thua dân không có gì phải xấu hổ cả”. Một câu nói đã trở thành kinh điển, cần được ghi vào sử biên niên. Điều này tôi được nghe chính thiếu tướng Chuyên và đại tá phú lít Đào Lê Bình kể lại.

Cách đây vài tuần (giữa tháng 10), tôi ra Hà Nội, tranh thủ mò tới thăm ông anh. Vẫn khỏe, sắc sảo, đầy tình người. Mấy anh em, có cả anh họa sĩ Trần Lưu Mỹ con giai họa sĩ Trần Lưu Hậu, ngồi nhấm nháp chai rượu ngon mà bác chỉ chờ tôi ra mới khui, cùng trò chuyện. Bác công an gốc Thái Bình ấy bảo em ơi, làm nghề chữ nghĩa, ráng giữ cái ngòi bút cho sắc cho sạch nghe em. Quan năm Bình đùa, viết linh tinh chọc ngoáy, nó bắt bây giờ. Bác Chuyên nhìn tôi, chốt lại “liệu có bắt được hết nhân dân không”, rất tỉnh.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: