Trang

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Người phố Bần (dành cho K17)

Mỗi năm, trên phây búc (Facebook), phần mềm quản trị tự động lại nhắc “Hôm nay là sinh nhật của Lê Thanh Nga”. Hôm nay mà phây búc nói, đó là ngày 26.11, tức… hôm nay.

Viết về bạn Nga, tôi đã tốn mấy cây bút bi rồi, mòn hết một bộ bàn phím rồi, cũng đã đăng lên trang nhà K17 đôi lần rồi, kể cả trang cũ lẫn trang mới. Viết nữa, sợ có ai đó bảo sao mày kể lể về “nó” nhiều thế. Nhưng giời ạ, tôi lẩn mẩn thêm là bởi có lý do riêng của mình.

Cho tới nay, tôi vẫn cực kỳ ấn tượng về cái địa danh quê bạn ấy, Bần Yên Nhân. Hồi xưa, thời chúng ta còn K17, mỗi lần đi về tuyến đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, tôi đều phải qua Bần. Gần Bần là nông trường Tam thiên mẫu (rộng ba nghìn mẫu), là đại thủy nông Bắc Hưng Hải, là phố Nối… nhưng tôi chỉ nhớ, chỉ chú ý tới Bần. Cứ mỗi lần xe qua, ngồi lèn cá hộp trong cái xe khách Thống Nhất tòng tọc chạy long sòng sọc, hành trình có trăm cây số nhưng hơn nửa ngày mới tới nơi, mỗi khi tới gần phố Bần là tôi phải cố quay nghiêng quay ngả, thò bằng được cổ cò ra ô cửa xe đầy bụi, để ngắm phố Bần, để nhìn cho được hiệu ảnh đơn sơ trong ngôi nhà ngói hai tầng ven phố, lòng thầm bảo nhà Nga đây, nhà Nga đây.


Cái tên Bần thường gợi cho người ta nỗi buồn, buồn vì sự nghèo. Thời ấy, nhà nào người nào chẳng nghèo, nhưng Bần mà đã chết thành tên thì chắc nghèo lắm. Ấy nhưng, khi nó đi với Yên, với Nhân thì lại thành cụm danh từ cực kỳ đáng yêu. Bần Yên Nhân, có thể hiểu theo nhiều cách, nghèo nhưng lòng người lành lặn, con người sống vui với cảnh nghèo dẹp hết tham sân si, nghèo nhưng người tốt, v.v.. Dù hiểu cách nào chăng nữa, tôi vẫn nghĩ người phố Bần thật dễ thương, chả phải tìm đâu xa lạ, ở ngay bạn Lê Thanh Nga của K17 chúng mình.

Kể từ khi biết nhau năm 1972 tới giờ, nhiều lúc tôi cố tìm ra một thứ gì đó để đì để dìm bạn Nga mà quả thật khó. Cứ trội lên sự hiền lành, dịu dàng, ân cần, nhỏ nhẹ, chín bỏ làm mười, chả nổi nóng với ai bao giờ. Cả con người chỉ toát lên niềm yêu thương, tha thứ, sẻ chia. Không phải bởi mình có cảm tình riêng với bạn ấy mà mình “vẽ vời” lên thế, mà đó là sự thực. Giá như Nga có lúc nào đó ganh ghét, đố kỵ, thù hằn… để mình bới ra được, để mình hét toáng lên “a, tìm thấy rồi”, đằng này bạn ấy cứ lặng lẽ yêu thương, khiến mình tức chết đi được. Cuối cùng, thói háo thắng của mình cũng phát hiện ra gót chân Asin của Nga Bần. Mình gọi bạn ấy là Nga béo. Thế mà “ấy” chỉ cười. Lạ cho con người đã thoát ra khỏi những vớ vẩn đời thường.

Nga là một thứ đặc sản của Bần Yên Nhân. Nhớ hồi xưa học văn học dân gian, thầy Chu Xuân Diên hắng giọng “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần/Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét”. Bần đã trở thành thứ biểu tượng trong đời sống. Và mình nghĩ, Nga là thứ biểu tượng của Bần, Bần Yên Nhân.

Hôm giữa tháng 10 rồi, ngồi với nhau trong sân nhà khách số 2 Ngọc Hà, Nga cười bảo ông ạ, tôi chỉ dự được buổi nay thôi chứ không theo hết cả đợt được, bận quá, cả đám cháu một tay tôi trông, bỏ đi thì ai lo. Làm bà thật sướng và thật khổ, tôi ngắm Nga và thầm nghĩ vậy. Thị lại dúi cho cân chè Thái móc câu và dặn cầm vào trong ấy mà uống, nhớ đừng để quên nhé.

Tôi đang uống chè Thái của Nga và sực nhớ hôm nay là sinh nhật nàng.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét