Giờ nghĩ lại, thấy sự dẻo mồm của mình chả là cái đinh gì so với nhà chức việc. Họ còn dẻo gấp trăm gấp nghìn lần. Nghe họ nói, con cua trong lỗ cũng bò ra để… bị tóm. Người Nam Bộ bảo khoảng cách giữa lời nói và sự thực ấy là “vậy mà không phải vậy”.
Cuộc cách mạng của những người cộng sản ở xứ này đã làm thay đổi, biến thiên xã hội tới tận gốc. Nếu có thể đổi được cả trời, họ cũng chả chừa. Họ đã đánh đổ được chế độ phong kiến từng tồn tại suốt nghìn năm, mà theo sự tuyên truyền, đó là chế độ phong kiến thối nát, đầy rẫy những xấu xa tệ hại. Lứa chúng tôi, khi học ở nhà trường, trải qua cấp 1, cấp 2, cấp 3, lên tới đại học, đều căm ghét bọn phong kiến lắm. Sách giáo khoa, lời thầy cô giáo, những tuyên truyền của đoàn đội, rồi cả những lớp bồi dưỡng về chính trị và lập trường giai cấp v.v.. đều nhét vào đầu thanh thiếu niên lòng căm thù phong kiến, coi tất cả những gì của nó đều cần phải đào sâu chôn chặt, không cho nó ngóc đầu dậy.
Nhưng cứ ngờ ngợ thấy có gì không phải, thậm chí nghi ngờ. Phong kiến nào ở đâu xa. Chính thày bu mình cũng từ phong kiến mà ra, quá nhiều phẩm chất tốt. Rồi nhiều vị lãnh đạo, trí thức lớn chóp bu thượng tầng thời mình cũng được sinh ra từ cái nôi phong kiến, nhân cách và tài năng của họ không cần phải bàn cãi…, vậy sao lại căm ghét phong kiến như thế nhỉ. Nhưng lạ nhất là, tận mắt thấy tai nghe trong chế độ mới của những người cộng sản, chính những thứ mà họ đánh đổ, họ tiêu diệt, thì nay họ lại khi công khai, khi ngấm ngầm thực hiện. Và chợt hiểu rằng cái xã hội ưu việt họ xây dựng, nhiều thứ còn nặng hơn phong kiến, tệ hơn cả thứ mà họ đã chôn vùi. Chỉ có điều không mấy ai dám nói ra bản chất thực ấy, nhất là khi hầu hết đang “vững bước dưới lá cờ vinh quang của đảng”. Một biểu hiện trái chiều nào đó sẽ bị quy ngay là phản động (hồi ấy người ta hay dùng từ “phản động”, cũng như bây giờ gọi chung là thế lực thù địch). Đâm ra sợ sệt nín lặng trước cái sai.
Kể sự thực ấy ra có cả ngày chả hết. Chỉ lược vài thứ để hiểu rằng họ rất dẻo mồm. Nói thì hay như tuyên giáo, còn làm thì “đám” phong kiến đặc sệt cũng phải gọi họ bằng cụ.
Thời phong kiến, kể từ khi Ngô vương Quyền khởi thủy dựng nên nhà nước phong kiến Nam Việt (năm 939), trải các triều Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn, các chế độ phong kiến đều xây dựng bộ máy cai trị theo hình mẫu phong kiến Trung Quốc. Một trong những đặc điểm về mặt “tổ chức cán bộ” của nhà nước, triều đình phong kiến là định chế “tập ấm”. Theo nghĩa từ Hán Việt, tập là nối theo, ấm nghĩa là quyền thế của cha ông, của người sinh ra mình. Nghĩa cụ thể tức là “con cháu nối theo chức tước của cha ông, được hàm ấm sinh”. Nói nôm na, người đưa được vào bộ máy cai trị phải là con cháu hoàng tộc, nhà vua, hoàng thân quốc thích, vương hầu, dưới chút nữa thì con cháu các quan đại thần. Đó là tầng lớp quý tộc, con cháu được mặc nhiên nối vào guồng để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp này. Dân gian bảo nhau “con vua thì lại làm vua” chính vì vậy. Dân và nước được nhờ nếu đám con cháu ấy tài giỏi, nhưng nếu chúng có ngu đần, dở dại cũng phải chịu. Bộ máy tổ chức đã quy định thế rồi. Tất nhiên cũng có thi cử chọn người tài nhưng "tập ấm" vẫn trên hết.
Người cộng sản đánh đổ phong kiến, tiêu diệt luôn định chế “tập ấm” bởi theo quan niệm của họ, nhà nước này không thuộc về dòng họ nào, cá nhân nào. Đó là nhà nước của dân, vì dân, do dân. Dân mới nắm quyền quyết định tất cả. Những ai có tài, không phân biệt thành phần, đều có thể vào bộ máy lãnh đạo, góp phần giúp dân giúp nước. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy (còn tiếp).
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét